logo

Đề thi Học kì 2 Văn 8 có đáp án - Đề 7


Đề thi Học kì 2 Văn 8 có đáp án - Đề 7


ĐỀ BÀI:

I. Phần trắc nghiệm (2 đ).

Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi sau:

“Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học không biết rõ đạo”. Đạo là lẽ đối xử hàng ngày giữa mọi người. Kẻ đi học là học điều ấy [...] Phép dạy, nhất định theo Chu Tử. Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm. Họa may kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người. Xin chớ bỏ qua.

Đạo học thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị.

Đó là mấy điều, thành thật xin dâng. Chẳng quản lời nói vu vơ, cúi mong Hoàng thượng soi xét.

Kẻ hèn thần cung kính tấu trình.          

                                                                                          (Ngữ văn 8, tập hai)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào?

A. Chiếu dời đô.

B. Nước Đại Việt ta.

C. Hịch tướng sĩ.

D. Bàn luận về phép học.

Câu 2. Tác giả đoạn trích trên là ai?

A. Nguyễn Thiếp.

B. Trần Quốc Tuấn

C. Lí Công Uẩn.

D. Nguyễn Trãi.

Câu 3. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

A. Tự sự.

B. Biểu cảm.

C. Nghị luận.

D. Thuyết minh.

Câu 4. Câu: “Xin chớ bỏ qua” là kiểu câu gì?

A. Câu nghi vấn.

B. Câu cảm thán.

C. Câu cầu khiến.

D. Câu trần thuật.

Câu 5. Mục đích của hành động nói trong câu: “Kẻ hèn thần cung kính tấu trình” là:

A. Để hứa hẹn.

B. Để điều khiển.

C. Để hỏi.

D. Để trình bày.

Câu 6. Vai hội thoại trong lời xưng hô giữa “kẻ hèn thần” với “Hoàng thượng” thuộc quan hệ nào?

A. Quan hệ ngang hàng.

B. Quan hệ dưới trên.

C. Quan hệ quen biết.

D. Quan hệ thân tình.

Câu 7. Câu: “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo” là câu phủ định. Đúng hay sai?

A. Đúng.

B. Sai.

Câu 8. Tác dụng của việc sắp xếp trật tự từ trong câu: “Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm” là gì?

A. Thể hiện thứ tự trước sau của các hoạt động.

B. Liên kết với những câu khác.

C. Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm, sự việc.

D. Đảm bảo sự hài hòa về ngữ âm.

II. Phần tự luận (8 đ).

Câu 1. (3 đ).

a) Chép chính xác bài thơ: “Tức cảnh Pác Bó” của Hồ Chí Minh? Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ?

b) Viết đoạn văn từ 5 đến 8 câu trình bày cảm nhận của em về từ “sang” trong câu thơ cuối bài?

Câu 2. (5 đ). Nhà thơ Tế Hanh đã viết về làng quê của ông với một tình yêu trong sáng, đằm thắm, thiết tha.

 Qua bài “Quê hương” của Tế Hanh, em hãy làm sáng tỏ nội dung trên.


HƯỚNG DẪN VÀ THANG ĐIỂM:

Phần I. Trắc nghiệm: ( 2,0 điểm). Trả lời đúng mỗi câu được  0,25 điểm.

Câu

Mức tối đa

Mức không đạt

1

D

Có câu trả lời khác hoặc không trả lời

2

A

Có câu trả lời khác hoặc không trả lời

3

C

Có câu trả lời khác hoặc không trả lời

4

C

Có câu trả lời khác hoặc không trả lời

5

D

Có câu trả lời khác hoặc không trả lời

6

B

Có câu trả lời khác hoặc không trả lời

7

A

Có câu trả lời khác hoặc không trả lời

8

A

Có câu trả lời khác hoặc không trả lời

Phần II. Tự luận. ( 8 điểm).

Câu 1. (3 điểm).

a)

 - Học sinh chép đúng bài thơ “ Tức cảnh Pác Bó” của Hồ Chí Minh. ( 0,75 đ )

 - Học sinh nêu được hoàn cảnh sáng tác của bài thơ: ( 0,75 đ ).

Sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Bác sống và làm việc tại hang Pác Bó ( thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) trong hoàn cảnh bí mật, thiếu thốn,, vô cùng nguy hiểm và gian khổ. Bài thơ được Bác viết vào tháng 2 năm 1941.

b)

- Về hình thức: Học sinh viết đúng đoạn văn.

- Về nội dung: Cần đảm bảo các ý sau:

 + Từ “ sang” có nghĩa là sang trọng, giàu có. ( 0,25đ )

 + Từ “ sang” trong bài thơ: ( 1,25đ )

- Đó là sự giàu có về mặt tinh thần trong cuộc đời làm cách mạng của Bác, Người lấy lý tưởng cứu nước làm lẽ sống.

- Đó là sự sang trọng, giàu có của một tâm hồn luôn tìm thấy sự hòa hợp, tự tin, thư thái cùng với thiên nhiên, đất nước.

- Đó là sự sang trọng, giàu có của một người chiến sĩ cách mạng vượt lên mọi gian khổ, khắc nghiệt.

-> Qua đó thể hiện một lối sống, một quan niệm nhân sinh tuyệt đẹp , một tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Bác.

Câu 2. (5 điểm).

1. Yêu cầu về kĩ năng:

Học sinh hiểu đúng yêu cầu của bài nghị luận văn học. Có bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài đầy đủ; luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chính xác. Không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về nội dung:

 Học sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau trên cơ sở nắm chắc tác phẩm, không suy diễn tùy tiện. Cụ thể cần đạt các ý cơ bản sau:

a. Mở bài:

Dẫn dắt vấn đề và nêu được vấn đề nghị luận.

b. Thân bài:

* Tình yêu trong sáng, đằm thắm, thiết tha mà Tế Hanh viết về làng quê mình đó chính là tình yêu, nỗi nhớ quê hương. Bài thơ ra đời trong dòng cảm xúc nhớ thương da diết của nhà thơ khi ông đang học xa nhà. Sự xa cách đó làm cho tình yêu quê càng tha thiết, cháy bỏng hơn.

* Chứng minh: Tình yêu quê hương của nhà thơ:

◊ Tình yêu quê hương được biểu hiện qua nỗi nhớ về làng chài ven biển.

            “ Làng tôi ở....ngày sông”.

- Tác giả cho người đọc thấy vị trí, nghề nghiệp của làng quê: làng chài bốn bề sông nước.

-> Giọng điệu tâm tình, cách giới thiệu giản dị nhưng rất tự hào về quê hương của nhà thơ.

◊ Nỗi nhớ về cảnh làng chài ra khơi đánh cá:

            “ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

                                          ...

              Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”

- Không gian, thời gian: Sáng đẹp trời “ trời trong, gió nhẹ...

- Con người  khỏe mạnh “ dân trai tráng...”

-> Giọng thơ nhẹ nhàng thể hiện khung cảnh, niềm vui đầy hứa hẹn của làng chài khi ra khơi.

- Hình ảnh con thuyền, mài chèo đầy ấn tượng: như con tuấn mã, phăng mái chèo...

-> Phép so sánh, ẩn dụ diễn tả khí thế hăng hái của con người trong chuyến ra khơi.

- Hình ảnh cánh buồm đậm chất thơ: giương to như mảnh hồn làng...rướn thân trắng..

 -> Nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân hóa nhà thơ đã gợi ra hình bóng, sức sống của quê hương.

=> Cảnh ra khơi chứa đựng một tình yêu sâu nặng của người con về miền quê chài lưới thân thương.

◊ Nhà thơ không quên cảnh bà con làng chài đón thuyền cá trên bến đỗ đông vui:

            “ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

                                    ...

              Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”

- Hình ảnh bến đỗ đông vui ồn ào, tấp nập... gợi đến niềm vui sướng tràn ngập lòng người khi họ đón cá đầy ghe, tươi ngon.

- Lời cảm tạ đất trời của người dân chài biểu lộ tấm lòng hồn hậu của ngư dân.

- Dân chài lưới càng đẹp hơn, khỏe hơn khi đưa những thuyền cá đầy về bến: làn da ngăm rám nắng, thân hình nồng thở vị xa xăm.

-> Cách tả thực kết hợp yếu tố lãng mạn đã tô đậm vẻ đẹp cường tráng cũng như nhịp sống lao động hăng say, dũng cảm của những dân chài yêu biển.

- Chiếc thuyền khi trở về được nhân hóa: im bến mỏi...nằm... càng làm rõ hơn hình ảnh đẹp, đậm chất biển, mang nét đặc sắc của quê hương nhà thơ.

=> Bến đỗ đông vui thực sự đã trở  thành mảnh tâm hồn của nhà thơ.

◊ Cảm xúc bồi hồi, thương nhớ hình bóng quê hương của nhà thơ:

            “ Nay xa cách...cái mùi nồng mặn quá”

- Nghệ thuật điệp từ, liệt kê đã khắc sâu tình yêu, nỗi nhớ quê hương da diết của Tế Hanh.

* Bài thơ đã cho ta thấy tình yêu quê hương trong sáng, đằm thắm, thiết tha của Tế Hanh khi ông viết về làng quê mình qua những vần thơ trữ tình giàu yếu tố nghệ thuật.

c. Kết bài:

 - Khái quát vấn đề.

- Bộc lộ cảm xúc bản thân.

3. Cách cho điểm:

- Điểm 4,5 -5: Đáp ứng được những yêu cầu trên. Văn viết có cảm xúc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.

- Điểm 3- 4: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu trên, diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.

- Điểm 2: Đáp ứng được ½ yêu cầu nêu trên, diễn đạt chưa thật tốt nhưng rõ ràng, dễ hiểu.

- Điểm 1: Chưa nắm được yêu cầu của đề bài, phân tích còn chung chung. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

- Điểm 0: Không hiểu yêu cầu của đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp hoặc không làm.

* Lưu ý: Trên đây là một số gợi ý chung mang tính định hướng. Các giám khảo chấm cần linh hoạt. Cần chú ý khuyến khích những bài viết hiểu đề, có chất văn, diễn đạt tốt.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021