logo

Đề thi Học kì 2 Văn 10 có đáp án - Đề 15


Đề thi Học kì 2 Văn 10 có đáp án - Đề 15


ĐỀ BÀI: (Gồm 2 phần)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc ngữ liệu dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“Nhưng nó cũng nhắc ta về ý nghĩa bền bỉ của sinh tồn. Mỗi tồn sinh trên cõi này chỉ là một bóng hiu hắt, một thoáng chập chờn, thế thôi. Có nghĩa gì lắm đâu. Nhưng mà vẫn cố. Vẫn thản nhiên. Vẫn cứ mỉm bông lau. Nên lau đâu có giấu mình. Trái lại, luôn vươn mình. Mọi loài hoa đều sợ gió. Gió làm phai sắc, nhạt hương, rã cánh. Gió thành kẻ thù của hoa. Nhưng riêng lau thì không sợ gió. Lau chung tình cùng gió, nô giỡn, cợt cười cùng gió. Lau chờ gió để được tung bờm. Lau nương gió để cùng khiêu vũ. Đứng rủ bờm trong sương sớm, nhưng một khi nắng lên, gió dậy là nó lại tung những chỏm bờm ánh bạc, rúng động, náo nức như muốn tung mình tề phi cùng gió. Chỉ mình nó nô giỡn với lãng quên, làm cho lãng quên đỡ phần cô tịch… Song, có lẽ phải trong canh khuya mới thấy hoa lau nhẫn nại thế nào. Nó gục đầu vào sương khuya. Nhưng sương khuya đâu phải là điểm tựa. Sương khuya lại từng giọt đậu lên đầu nó, dụi mình vào nó. Nó tìm nơi tựa, rốt cục lại phải làm chỗ tựa cho kẻ khác. Nó chỉ còn biết tựa vào chính mình. Đành tìm sự vững vàng trong thế chon von. Lấy cái chênh chao để làm sự cân bằng. Cứ thế, nó yên phận làm lau để an ủi mặt đất này.”

(Chu Văn Sơn - trích Tùy bút Phận hoa bên lề)

Câu 1. Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0.5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra phép tu từ được sử dụng trong câu: “Song, có lẽ phải trong canh khuya mới thấy hoa lau nhẫn nại thế nào.” (0.5 điểm)

Câu 3. Theo tác giả, giữa hoa lau và các loài hoa khác có sự khác biệt nào? (1.0 điểm)

Câu 4. Câu văn nói về hoa lau: Đành tìm sự vững vàng trong thế chon von” gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về thái độ sống của con người? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Ngô Tử Văn trong truyện Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ - Truyền kì mạn lục, Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013).

                                                  .…….Hết………


ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

PHẦN

NỘI DUNG CẦN ĐẠT

ĐIỂM

 

I. Đọc hiểu:

Câu 1.

Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

 

0.5

 

Câu 2.

Phép tu từ được sử dụng trong câu: “Song, có lẽ phải trong canh khuya mới thấy hoa lau nhẫn nại thế nào.”: Nhân hóa

 

0,5

 

Câu 3.

Theo tác giả, điều khác biệt giữa hoa lau và các loài hoa khác:

- Mọi loài hoa đều sợ gió.

- Nhưng riêng lau thì không sợ gió.

 

1.0

 

Câu 4.

Câu văn nói về hoa lau: Đành tìm sự vững vàng trong thế chon von” gợi suy nghĩ về thái độ sống của con người:

- Biết làm chủ hoàn cảnh, vượt lên mọi khó khăn, vững vàng trước những nghịch cảnh

- Đó là thái độ sống tích cực cần được trân trọng

( Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, miễn là phù hợp với yêu cầu của đề)

 

1.0

 

II. Làm Văn:

1.

Yêu cầu về kĩ năng:

Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai các luận điểm để giải quyết vấn đề. Kết bài đánh giá, kết luận được vấn đề.

 

0.5

 

2.

Yêu cầu về kiến thức:

 

 

a.

Xác định đúng vấn đề nghị luận.

0.5

 

b.

Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Học sinh có thể trình bày hệ thống các luận điểm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung sau:

b.1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

b.2. Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn:

- Giới thiệu nhân vật:

+ Lai lịch: tên Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang, nổi tiếng khắp vùng Bắc

+ Tính cách: khảng khái, cương trực nóng nảy, thấy sự gian tà thì không chịu được.

- Những hành động:

+ Đốt đền, trừ hại cho dân.

+ Đấu tranh đến cùng để diệt trừ hồn ma tên tướng giặc, làm sáng tỏ nỗi oan và phục hồi danh vị cho Thổ thần nước Việt.

+ Sẵn sàng nhận chức phán sự đền Tản Viên để thực hiện công lí.

→ Ngô Tử Văn là người cương trực, yêu chính nghĩa, dũng cảm, kiên cường và giàu tinh thần dân tộc.

- Chiến thắng của Ngô Tử Văn: Thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ và niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của chính nghĩa

- Lời bình ở cuối truyện: Đề cao, ca ngợi bản lĩnh của Ngô Tử Văn nói riêng và kẻ sĩ nói chung.

b.3.  Đánh giá chung:

- Ngô Tử Văn là nhân vật đặc trưng của thể loại truyền kì, được xây dựng bằng nhiều yếu tố kì ảo, nhưng vẫn đậm chất hiện thực.

- Qua nhân vật Ngô Tử Văn, tác giả cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc.

 

 

  5.0

 

 

 

c.

Văn viết đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,5

 

d.

Có cách cảm nhận mới mẻ, cách trình bày sáng tạo, hợp lý.

0,5

 

 

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác