logo

Đề Ngữ Văn thi vào Lớp 10 đề số 3 | (Đọc hiểu tự tình cùng cái đẹp, nlxh nâng niu vẻ đẹp bình dị, phân tích vẻ đẹp bài mẹ của Viễn Phương)

icon_facebook

Đề thi gồm 5 trang gồm 3 phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học thời gian làm bài 120 phút.

Thông tin người ra đề:

Giáo viên: TRỊNH THỊ YẾN - Trinhyen81@gmail.com
Nội dung chính của đề thi:

- Đọc hiểu truyện hiện đại: Tự tình cùng cái đẹp của Chu Văn Sơn

- NLXH: Suy nghĩ gì về vấn đề giá trị của việc mỗi chúng ta biết nâng niu cái đẹp bình dị trong cuộc sống

- NLVH: Phân tích vẻ đẹp bài thơ Mẹ của Viễn Phương

Đề thi được bám sát theo chương trình Ngữ Văn 9 chương trình GDPT 2018. Do đề thi dài nên Toploigiai tập trung trình bày phần đọc hiểu, các phần Nghị luận xã hội, nghị luận văn học thầy cô và các bạn tải về để luyện tập.

PHẦN 1. ĐỌC – HIỂU

Đọc đoạn văn bản sau:
…Cứ thế bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian. Nhưng rồi sắc tím hoen nhanh. Chỉ ít ngày là bợt bạc hết. Nếu mưa dông đầu mùa ập về thì bằng lăng tím sũng, váy áo mỗi cánh hoa như phấn tím nhạt dần trôi theo mưa lặn vào đất. Còn bao cánh rụng thì bị nát dần dưới chân người và chân mưa. Cũng chẳng phải đợi đến lúc ấy, bằng lăng mới bị lãng quên. Ngay lúc bằng lăng đang ríu ran mở vũ hội tím dưới chân mình, nó đã bị quên rồi. Thói cả thèm chóng chán của con người đã nhanh chóng thấy ở bằng lăng một sắc tím thỏa thuê, một sắc tím nhàm rồi. Mà bằng lăng nào có đòi hỏi gì. Vẫn nở yêu kiều thế, vẫn khai hội tưng bừng thế, vẫn ríu ran hào phóng thế, hồn nhiên khi trổ cành, điềm nhiên khi lìa cành, tỏa sáng một đời hoa, cháy tận một sắc tím, rồi băng. Bất chấp sự đơn bạc của nhân gian. Đó là phận hoa. Đó là kiếp hoa. Đó là lẽ hoa rồi…
(Trích Tùy bút Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn, NXB Hội nhà văn, 2019) 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn trên.

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2. Cảm xúc của tác giả được thể hiện trong đoạn trích là gì?

Cảm xúc của tác giả được thể hiện trong đoạn trích: 
- Trân trọng, nâng niu những cánh hoa bằng lăng, một vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống.
- Đau xót về sự trôi chảy tàn khốc của thời gian.
- Đồng thời thể hiện sự xót thương trước sự thay đổi của con người đã lãng quên những cánh hoa bằng lăng. 

Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ đặc sắc nhất được sử dụng trong câu văn: Vẫn nở yêu kiều thế, vẫn khai hội tưng bừng thế, vẫn ríu ran hào phóng thế, hồn nhiên khi trổ cành, điềm nhiên khi lìa cành, tỏa sáng một đời hoa, cháy tận một sắc tím, rồi băng.

- Chỉ ra biện pháp tu từ nhân hóa: yêu kiều; tưng bừng; ríu ran; hào phóng; hồn nhiên; điềm nhiên; tỏa sáng.
- Tác dụng: Biện pháp tu từ nhân hóa trong câu văn: 
+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm, giàu giá trị biểu đạt cho câu văn, đoạn văn.
+ Làm nổi bật vẻ đẹp của cây bằng lăng. Đó là một vẻ đẹp quyến rũ, mềm mỏng, xứng đáng với mệnh danh là “ nữ hoàng mùa hạ”. Khắc hoạ vẻ đẹp và sức sống của cây bằng lăng.

Câu 4. Em có cho rằng mỗi một sự vật và con người đều cần biết tô điểm cho cuộc đời như tác giả viết “Cứ thế bằng lăng đã dâng những mùa tím nguyên vẹn mỗi độ hè về để đem tặng cho nhân gian” không? Vì sao?

Học sinh có thể trình bày những quan điểm cá nhân của mình khác nhau. Nhưng cần có lí giải hợp lí, phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Dưới đây là một số gợi ý:
- Đánh giá:  Ý kiến hay, sâu sắc, có ý nghĩa.
- Lí giải:
+ Tác giả đã bàn về mỗi con người và sự vật trong cuộc sống cần có sự cố gắng, nỗ lực để tô điểm cho cuộc đời.
+ Con người chỉ sống được một lần duy nhất trên cũng giống cây bằng lăng vì vậy hãy dâng hết sức lực với cuộc đời, nỗ lực, cố gắng phấn đấu và tận hưởng những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời để không hối tiếc....

PHẦN 2. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Từ nội dung của phần Đọc hiểu, em có suy nghĩ gì về vấn đề giá trị của việc mỗi chúng ta biết nâng niu cái đẹp bình dị trong cuộc sống (viết đoạn văn khoảng 01 trang giấy thi).

PHẦN 3. NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Phân tích vẻ đẹp của bài thơ sau 

Mẹ 
(Viễn Phương)
Con nhớ ngày xưa mẹ hát:
“Hoa sen lặng lẽ dưới đầm
Hương bay dịu dàng bát ngát
Thơm tho không gian thời gian...”.
Mẹ nghèo như đóa hoa sen
Năm tháng âm thầm lặng lẽ
Giọt máu hòa theo dòng lệ
Hương đời mẹ ướp cho con.
Khi con thành đóa hoa thơm
Đời mẹ lắt lay chiếc bóng,
Con đi... chân trời gió lộng
Mẹ về... nắng quái chiều hôm.
Sen đã tàn sau mùa hạ,
Mẹ đã lìa xa cõi đời.
Sen tàn rồi sen lại nở
Mẹ thành ngôi sao lên trời .
(Dẫn theo nhà văn và tác phẩm trong nhà trường, Viễn Phương, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, NXB Giáo dục Việt Nam, 1999, trang 17)

Chú thích
* Viễn Phương (1928 - 2005), tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ. Ông là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ của Viễn Phương dung dị, cảm xúc sâu lắng thiết tha, ngôn ngữ thơ đậm đà màu sắc Nam Bộ. Một số tác phẩm tiêu biểu của Viễn Phương: Ngày đầu tiên đi học, Viếng Lăng Bác, Mẹ....
trời.
*Nắng quái (dt): Nắng yếu lúc chiều tà, khi mặt trời đã hạ xuống dưới đường chân

TẢI TOÀN BỘ ĐỀ THI

Embed Google Docs with Download Options

 

icon-date
Xuất bản : 30/11/2024 - Cập nhật : 30/11/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads