logo

Đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ

Tuyển tập các Đề Đọc hiểu Vợ chồng A Phủ hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 


Đọc hiểu Vợ chồng A Phủ - Đề số 1

Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi:

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mị trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mị trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mị chợt nhớ đêm năm trước. A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người ta chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân phận đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.

(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.

Câu 2. Xác định nội dung chính của đoạn trích trên?

Câu 3. Điều gì khiến Mị chú ý đến A Phủ đang bị trói?

Câu 4. Đoạn trích đã diễn tả suy nghĩ của nhân vật Mị như thế nào?

Câu 5. Kể vắn tắt chi tiết tiếp sau đoạn văn này.

Câu 6. Chi tiết: "Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen" thể hiện điều gì? Nêu cảm nhận về nó?

Câu 7. Tại sao Mị lại nghĩ “Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ..."?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là: tự sự.

Câu 2. 

Nội dung chính của đoạn trích: Tâm trạng và nội tâm gào thét của Mị trong đêm nhìn thấy giọt nước mắt A Phủ, nghĩ về sự độc ác của bọn chúng.

Câu 3. 

Điều gì khiến Mị chú ý đến A Phủ đang bị trói là bởi dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen.

Câu 4. 

Đoạn trích đã diễn tả suy nghĩ của nhân vật Mị: đồng cảm, đau đớn, xót thương cho những kiếp người phải chịu tình cảnh này.

Câu 5. 

Vắn tắt chi tiết tiếp sau: Sau khi trải qua những dòng suy nghĩ đấu tranh nội tâm sâu sắc, Mị đã vùng dậy cầm dao cắt dây trói cho A Phủ và chạy trốn khỏi Hồng Ngài cùng hắn.

Câu 6. 

Chi tiết “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” thể hiện nỗi đau khổ, tuyệt vọng của A Phủ.

Cảm nhận về chi tiết này: Dòng nước mắt không chỉ thể hiện nỗi đau, nỗi tuyệt vọng của A Phủ mà còn là chi tiết thúc đẩy cao trào những cảm xúc trong nội tâm của Mị.

Câu 7. 

Mị lại nghĩ “Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ..." là do Mị vốn là người có tấm lòng nhân hậu. Không chỉ thế đó còn là chi tiết thể hiện khát vọng sống của Mị.


Đọc hiểu Vợ chồng A Phủ - Đề số 2

Đọc các ngữ liệu dưới đây và trả lời các yêu cầu dưới đây:

"Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu con ngựa"

“Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào công việc cả đêm cả ngày”

"Mỗi ngày Mị không nói lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa"

"Ngựa vẫn đứng yên gãi chân nhai cỏ, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa"

(Trích trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Những thủ pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng trong những câu văn trên?

Câu 2. Nêu hiệu quả, ý dụng của những thủ pháp nghệ thuật ấy?

Câu 3. Từ những câu trích trên, anh (chị) hãy viết một đoạn văn quy nạp nói về tình cảm, thái độ của nhà văn với đối tượng miêu tả?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

Những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong những câu văn trên là so sánh, điệp từ, vật hóa.

Câu 2.

Hiệu quả, tác dụng của những thủ pháp nghệ thuật này là:

+ Làm nổi bật nỗi đau khổ của Mị khi phải làm việc ở đây, bị đối xửa như cầm thú. 

+ Làm cho câu văn thêm sinh động, hấp dẫn hơn.

 Câu 3.

Đoạn trích trên đã thể hiện những cảm xúc sâu sắc của tác giả giành cho nhân vật Mị. Đó là cảm xúc thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với thân phận của Mị nói riêng và của phụ nữ xã hội phong kiến nói chung. Qua đó có thể thấy Tô Hoài là một nhà văn vừa am hiểu đời sống, vừa có tấm lòng nhân đạo rất đáng quý. 


Đọc hiểu Vợ chồng A Phủ - Đề số 3

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình. Mị tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc đó bố con thống lý sẽ đổ là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, nhưng làm sao Mị cũng không thấy sợ...Trong nhà tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mị tưởng như A Phủ biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè từng hơi, như rắn thở, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng. Mị chỉ thì thào được một tiếng "Đi đi..." rồi Mị nghẹn lại. A Phủ khuỵu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc.

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào?

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?

Câu 3. Nêu ý nghĩa của đoạn văn trên

Câu 4. Các từ láy: rón rén, hốt hoảng, thì thào đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào khi diễn tả quá trình Mị cởi trói cho A Phủ ?

Câu 5. Xác định ý nghĩa nghệ thuật của hình ảnh cái cọc và dây mây trong văn bản ?

Câu 6. Tại sao câu văn "Mị đứng lặng trong bóng tối." được tách thành một dòng riêng?

Câu 7. Từ văn bản, viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình yêu thương con người của tuổi trẻ hôm nay.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2: 

Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản trên là: Thể hiện tâm trạng và những hành động của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ và cùng nhau chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

Câu 3: 

Ý nghĩa của đoạn văn là: Thể hiện sức mạnh tiềm tàng, niềm khát khao sống và tự do của Mị.

Câu 4: 

Các từ láy: rón rén, hốt hoảng, thì thào đã nhấn mạnh vào những cảm xúc, âm thanh, hành động của Mị khi cởi trói cho A Phủ. 

Câu 5:

Ý nghĩa nghệ thuật của hình ảnh cái cọc và dây mây trong văn bản:

- Cái cọc và dây mây là những thứ được dùng để trói A Phủ.

- Đây là biểu tượng cho cái ác của bọn chúa đất miền núi. 

Câu 6:

Câu văn Mị đứng lặng trong bóng tối nhấn mạnh vào trạng thái, cảm xúc của Mị khi đó, không biết nên làm gì tiếp theo

Câu 7: 

Xung quanh chúng ta luôn ngập tràn những tình yêu thương, đặc biệt trong những ngày tháng phải đối mặt với thiên tai và thảm họa như ngày nay, tình cảm ấy lại càng được thể hiện rõ, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Có rất nhiều câu chuyện đẹp về tình yêu thương con người được diễn ra. Trong thời kì dịch bệnh khó khăn, rất nhiều người không có việc để làm, không có chỗ ở, cơm ăn, áo mặc. Đã có rất nhiều bạn trẻ là những thanh niên tình nguyện đã tổ chức nhiều chương trình hay và ý nghĩa để giúp cho những hoàn cảnh đó. Như là đi phát đồ ăn, thức uống, tổ chức tặng quà và những nhu yếu phẩm đến gia đình những người có hoàn cảnh khó khăn hay hỗ trợ họ những chuyến đi về nhà đối với những người xa quê. Hay những chương tình như hiến máu tình nguyện cũng được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Họ luôn sẵn sàng cống hiến hết mình và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Có thể là những món quà đó không quá to lớn về mặt vật chất nhưng nó mang lại nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần. Tuy nhiên trái ngược với phần đông thế hệ trẻ có tình yêu thương con người sâu sắc thì còn tồn tại những người trẻ chưa có tình yêu thương con người. Họ vẫn còn vô cảm trước những mảnh đời có nhiều khó khăn hơn và không tự nguyện giúp đỡ họ. Có thể nói rằng tình yêu thương con người là tình cảm thiêng liêng và cao đẹp. Chúng ta nên giữ gìn và phát huy được tình cảm ấy, để nó luôn tồn tại mãi.


Đọc hiểu Vợ chồng A Phủ - Đề số 4

Đọc đoạn văn sau rồi trả lời các câu hỏi dưới đây:

Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tài ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà này đến nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà  nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù đi hái củi, bung ngô,  nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một cái cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng, Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

( Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo Dục, 2008, tr.6)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Anh (chị) hãy phân tích nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật của tác giả.

Câu 2. Theo anh (chị), giọng trần thuật của nhà văn có gì đặc biệt ?

Câu 3. Hãy phân tích chuỗi hình ảnh so sánh: Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa…; Con ngựa, con trâu làm còn có, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày; Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

Câu 4. Nêu cảm nhận của anh (chị) về chi tiết căn buồng Mị ở có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.?

Suy nghĩ ấy cho thấy điều gì trong thái độ sống của Mị ?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1.

- Tác giả Tô Hoài chủ yếu khắc họa nhân vật thông qua ý nghĩ và hành động. Thông qua đó muốn nhấn mạnh sự lặng lẽ, cam chịu khi bị bóc lột, đọa đày về thân xác của Mị.

Câu 2.

 Tác giả đã thể hiện giọng trần thuật của mình thông qua lối kể trầm lắng đầy cảm thông, giúp người đọc như hòa vào đời sống nội tâm của nhân vật.

Câu 3.

Chuỗi hình ảnh so sánh: "Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa…; Con ngựa, con trâu làm còn có, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày; Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa" đã cho thấy sự khổ sở của Mị, bị bóc lột sức lao động không khác gì cầm thú.

Câu 4.

- Chi tiết căn buồng Mị ở mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc. Nó đã khắc họa cuộc sống tù túng, tăm tối, quẩn quanh, bế tắc của Mị. Qua đó tố cáo sâu sắc tội ác của chế độ xã hội phong kiến đối với số phận ủa những người phụ nữ.


Đọc hiểu Vợ chồng A Phủ - Đề số 5

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta thường nói: nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải là con gái nhà Pá Tra: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra.

Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai nhớ. Nhưng người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại câu chuyện Mị về làm người nhà quan thống lí. Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.

Cho tới năm ấy Mị đã lớn, Mị là con gái đầu lòng. Thống lí Pá Tra đến bảo bố Mị:

- Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.

Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, thì tiếc ngô, nhưng cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mị bảo bố rằng:

- Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.

Đến Tết năm ấy, Tết thì vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái thì bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách. Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị hồi hộp lặng lẽ quơ tay lên thì gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ, sờ một ngón tay thấy có đeo nhẫn. Người yêu của Mị thường đeo nhẫn ngón tay ấy. Mị bèn nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay dắt Mị bước ra. Mị vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt, cõng Mị đi.

(Tô Hoài)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn trích trên thuộc tác phẩm nào? Hãy nêu hoàn cảnh sáng tác tác phẩm đó.

Câu 2: Cách giới thiệu nhân vật Mị của tác giả có điểm gì đáng chú ý.

Câu 3: Câu nói "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu." đã thể hiện phẩm chất tốt đẹp gì ở Mị

Câu 4: Vì sao Mị phải làm dâu cho nhà thống lí Pá Tra? Câu chuyện đau buồn của Mị nói lên điều gì trong thân phận của những người dân nghèo miền núi?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: 

- Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

- Truyện được Tô Hoài viết nhân chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc.

Câu 2:

Mị được tác giả giới thiệu từ đầu tác phẩm với một chân dung ấn tượng, khơi dậy sự hứng thú, tò mò nơi người đọc.

Câu 3:

Câu nói "Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu." đã thể hiện phẩm chất không chịu khuất phục, có sức sống mạnh liệt ở Mị.

Câu 4:

- Mị phải làm dâu cho nhà thống lí Pá Tra vì gia đình có món nợ truyền kiếp từ đời cha mẹ để lại.

- Câu chuyện đau buồn của Mị đã nói lên cuộc sống tối tăm, cùng cực của những con người lao động vùng Tây Bắc, đặc biệt là với số phận của người phụ nữ nơi đây.

-----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua Bộ đề Đọc hiểu Vợ chồng A Phủ hay nhất. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 08/06/2021 - Cập nhật : 18/11/2022