logo

Đề Đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập

Tuyển tập các đề Đề Đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập hay nhất. Các câu hỏi và trả lời đọc hiểu được sưu tầm từ các đề thi có đáp án đầy đủ. Mời các thầy cô, quý phụ huynh các em học sinh tham khảo. 


Đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập - Đề số 1

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi sau:

Hỡi đồng bào cả nước!

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Nêu những ý chính của văn bản.

Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Việc dùng từ “Suy rộng ra” có ý nghĩa như thế nào?

Câu 3: Nêu ý nghĩa của đoạn trích văn bản trên.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Ý chính của đoạn trích trên là:

- Trích dẫn bản “Tuyên ngôn độc lập”của người Mỹ (1776), nói về quyền tự do, bình đẳng của tất cả mọi người. Suy ra thành quyền tự do, bình đẳng của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Câu 2:

- Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên là phong cách ngôn ngữ chính luận.

- Việc dùng từ “Suy rộng ra” có ý nghĩa là: Từ một vấn đề có thể suy ra ở những khía cạnh rộng hơn. Từ quyền bình đẳng, tự do của con người, Hồ Chí Minh suy rộng ra về quyền đẳng, tự do của các dân tộc. 

Câu 3: Ý nghĩa của đoạn trích văn bản trên là: Đề cao quyền tự do bình đẳng của con người.


Đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập - Đề số 2

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

“…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên thuộc văn bản nào? Của ai? Văn bản ra đời trong hoàn cảnh như thế nào? Hoàn cảnh ra đời giúp người đọc hiểu thêm điều gì về mục đích sáng tác của tác phẩm?

Câu 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?

Câu 3. Nội dung cơ bản của đoạn trích là gì? Chỉ ra những phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1:

- Đoạn trích trên thuộc văn bản "Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh

- Văn bản ra đời trong hoàn cảnh:

+ Năm 19/08/1945, chính quyền Hà Nội chính thức về tay nhân dân. Một tuần sau, vào ngày 26/08/1945, Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về Hà Nội và soạn văn bản này.

+ 2/9/1945, chính tại quảng trường Ba Đình, Người đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Mục đích sáng tác của tác phẩm là:

+ Tuyên bố về sự độc lập và khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Câu 2: Phong cách ngôn ngữ của văn bản là phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 3:

- Nội dung cơ bản của đoạn trích là: Khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam và đó chính là sự thật không thể thay đổi.

- Những phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích là:

+ Phép nối thông qua quan hệ từ “và”

+ Phép lặp lặp lại cụm từ “Tự do, độc lập”

+ Phép thế dùng những từ ngữ mang ý nghĩa thay thế như từ “ấy”


Đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập - Đề số 3

Đề Đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

(Trích Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ trong đoạn văn bản trên?

Câu 2: Việc nhà văn láy đi láy lại “sự thật” ấy có chủ ý gì?

Câu 3: Từ quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, anh, chị hãy viết một đoạn văn ngắn ( khoảng 150 từ) bày tỏ suy nghĩ về tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích là: Điệp từ: Sự thật là.

→ Tác dụng khẳng định, nhấn mạnh quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

- Phong cách ngôn ngữ trong đoạn văn bản trên là phong cách chính luận.

Câu 2: 

Việc nhà văn láy đi láy lại “sự thật” ấy có chủ ý là: Khằng định sự thật về chủ quyền của nước Việt Nam. Bác bỏ luận điệu xảo trá của thực dân Pháp trước dư luận thế giới.

Câu 3: 

Tinh thần yêu nước là một truyền thống đẹp đã được gìn giữ và phát huy biết bao đời nay. Là một người thuộc thế hệ trẻ của đất nước, chúng ta nên học tập thật tốt, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngoài ra phải có những hành động bảo vệ đất nước bởi những điều xấu, tuyên truyền những văn hóa, những điều tốt đẹp của đất nước đến với năm châu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số thành phần bất hảo, luôn tìm cách chống phá Tổ quốc bằng những hành vi xấu như bôi nhọ đất nước trên mạng, phá hoại những di sản văn hóa,…Khi gặp những thành phần đó, chúng ta nên khuyên nhủ họ hoặc nặng hơn là có những hành vi trừng phạt khiến họ tỉnh ngộ và không được làm những điều như thế nữa. 


Đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập - Đề số 4

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Nêu những ý chính của văn bản.

Câu 2: Xác định biện pháp tu từ và ý nghĩa biện pháp tu từ đó trong văn bản trên.

Câu 3: Các từ ngữ: nổi dậy giành chính quyền lập nên nước, lấy lại nước có hiệu quả nghệ thuật như thế nào?

Lời giải

Câu 1: Ý chính của văn bản: Khằng định “sự thật” rằng dân ta đã lấy lại nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.

Câu 2: 

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích là: Điệp từ: Sự thật là.

→ Tác dụng khẳng định, nhấn mạnh quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Và việc ta giành lại chính quyền là từ tay Nhật chứ không phải tay Pháp.

Câu 3: 

Các từ ngữ: nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước, lấy lại nước được sử dụng nhằm ca ngợi nhân dân ta anh hùng, cùng đồng lòng cứu nước.

-----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua Đề Đọc hiểu Tuyên ngôn độc lập. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 08/06/2021 - Cập nhật : 17/11/2022