logo

Đặt câu có hình ảnh nhân hóa về cây cối

Nhân hóa là cách gọi hoặc miêu tả con vật, đồ vật, cây cối, hiện tượng thiên nhiên bằng những từ ngữ vẫn được dùng để gọi hoặc miêu tả con người. Làm cho chúng trở nên sinh động, hấp dẫn, gần gũi, sống động và có hồn hơn. Dưới đây là bài viết hướng dẫn đặt câu có hình ảnh nhân hóa về cây cối, mời các bạn cùng theo dõi!


Hướng dẫn đặt câu có hình ảnh nhân hóa về cây cối 

* Cách 1: Gọi tên cái cây đó bằng các xưng hô của con người, như: cô hoa hồng, cụ bàng… 

Ví dụ:

- Chị nhài đang ra sức toả hương cho khu vườn.

- Bác bạch đàn luôn toả bóng mát cho cả khu vườn.

- Bác đa già đã đứng ở đây hàng trăm năm nay rồi.

* Cách 2: Gán cho cái cây những cảm xúc của con người, như đau buồn, vui vẻ, hạnh phúc, đau khổ, hối lỗi… 

Ví dụ:

- Cây bàng rất buồn vì không còn được chứng kiến lũ trẻ chơi đùa hàng ngày.

- Bé hoa hồng rất ân hận vì đã không vâng lời mẹ, chơi với bạn sâu xấu tính nên đã bị sâu chén sạch những chiếc lá xanh.

- Thấy chim én báo hiệu mùa xuân về, chị mai vàng cảm thấy rất vui sướng và hạnh phúc.

* Cách 3: Gán cho cái cây những hành động của con người, như tập thể dục, nhảy múa, bế em, tắm rửa, uống nước… 

Ví dụ:

- Trời mưa mát mẻ, cây bí vươn những bàn tay bé xíu ra nhảy múa.

- Khóm hồng trong vườn gửi tặng cho bé mùi hương tuyệt vời.

- Cây đào khoác lên chiếc áo hồng, hớn hở chào mùa xuân về.

- Những chậu cúc vàng đủng đỉnh rửa mặt với sương sớm.

>>> Xem thêm: Đặt câu có hình ảnh so sánh về cây cối


Phép nhân hoá là gì?

a. Định nghĩa phép nhân hóa

[CHUẨN NHẤT] Đặt câu có hình ảnh nhân hóa về cây cối

Phép tu từ nhân hóa là cách gọi hoặc miêu tả con vật, đồ vật, cây cối, hiện tượng thiên nhiên bằng những từ ngữ vẫn được dùng để gọi hoặc miêu tả con người. Làm cho chúng trở nên sinh động, hấp dẫn, gần gũi, sống động và có hồn hơn. 

b. Tác dụng của biện pháp nhân hóa

- Biện pháp nhân hóa làm cho đồ vật, con vật, cây cối, thiên nhiên trở nên gần gũi với con người, giúp con người yêu và quý trọng thiên nhiên, động vật hơn. Nó biểu thị được những tình cảm, suy nghĩ của con người với các loài vật, thiên nhiên.

c. Các hình thức của biện pháp nhân hóa

- Dùng từ ngữ vốn gọi người để gọi vật.

- Dùng từ ngữ chỉ hành động con người để chỉ hành động con vật.

- Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người.


Bài văn Tả vườn cây có sử dụng phép nhân hóa - Mẫu 1

Vườn cây nhà bà em lúc nào cũng xanh tươi. Các tầng lá đan xen nhau như những người anh em thân thiết. Hàng cau cao vút, phấp phới đùa vui theo gió. Mấy chùm cam vàng óng cứ lắc lư dưới nắng. Cây xoài cao lớn xòe những cánh tay khổng lồ ra khắp phía để tỏa bóng mát cho chúng em mỗi chiều hè nắng gắt. Khi chị gió ngang qua, vòm lá khẽ xô vào nhau để ca những bản nhạc rì rào.


Bài văn Tả vườn cây có sử dụng phép nhân hóa - Mẫu 2

Hè năm nào tôi cũng về nhà nội chơi, sau nhà có vườn cây do chính tay ông tôi trồng và chăm sóc. Trong vườn, gia đình nhà chuối tiêu chen chúc, tựa sát vào nhau trông thật thân thiết . Mấy cây bưởi già thưa thớt lá, sai trĩu những quả xanh ngắt, giống bưởi này ngon lắm, đây là thứ cây mà ông tôi tâm đắc nhất. Phía góc vườn là cây măng cụt rậm rạp, cao hơn hẳn những cây khác, ông tôi thường gọi nó là anh cả của cả vườn, nghe ông kể, anh măng cụt này cũng kiêu ngạo lắm , ông tôi phải vất vả chăm sóc suốt năm trời mới được đón lứa quả đầu tiên. Ngự trị giữa vườn là chị xoài , tán cây rộng lớn như những cánh tay treo đầy trái xoài mập mạp. Tôi thích khu vườn này lắm, một phần vì có nhiều thứ quả ngon, một phần vì nó chứa đựng biết bao tâm huyết của ông nội tôi.


Bài văn Tả vườn cây có sử dụng phép nhân hóa - Mẫu 3

Nhà em có một khu vườn nho nhỏ, rất xinh xắn, đây là nơi gia đình em đã dành rất nhiều công sức để chăm sóc. Bên trong mẹ em trồng hoa hồng, những chị hồng gai rậm rạp, quấn quýt lấy nhau, điểm tô trên đó là những bông hoa màu đỏ thắm, thơm ngát. Còn bố em thích sưu tập hoa lan nên đã mang về vườn rất nhiều loài lan khác nhau, đủ màu sắc, nào là lan Hồ Điệp, lan Vũ Nữ, lan Van da, loài nào cũng mang một vẻ duyên dáng, yêu kiều riêng biệt. Riêng em và em gái lại cực kỳ yêu thích cái dáng vẻ rực rỡ của họ nhà cúc Thược Dược, nên đã xin bố mẹ cho trồng đầy cả một góc vườn, với đủ các màu đỏ, cam, vàng, hồng, trắng. Một góc khác là chị hoa Hướng Dương vàng tươi, đầy sức sống, khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười hướng về phía mặt trời , đây là món quà sinh nhật ông nội tặng em vào năm ngoái, em đã đem ra trồng ở đây và chăm sóc rất cẩn thận. Khu vườn nhà em thu hút rất nhiều ong bướm đến dạo chơi, kiếm mật, làm cho nơi đây lúc nào cũng rộn rã, tưng bừng.


Bài văn Tả vườn cây có sử dụng phép nhân hóa - Mẫu 4

Trước sân nhà, ba em trồng rất nhiều loại hoa. Em thích nhất là mấy khóm hoa hồng đang đua nhau khoe sắc. Hoa hồng này thuộc giống hồng nhung có vẻ đẹp lộng lẫy. Hoa to bằng chén uống nước trà của ông em. Mỗi bông hoa có nhiều lớp cánh mỏng, mềm mại và mịn màng xếp gối vào nhau. Càng vào lớp trong, cánh hoa càng nhỏ và quấn chặt để lộ những chùm nhị vàng li ti lấp ló bên trong. Hương thơm ngào ngạt, quyến rũ bướm ong. Hoa uống sương đêm, tắm ánh nắng ban mai nên trông chúng tươi mơn mởn, đầy kiêu hãnh và tự tin. Nắng càng lên, sắc hoa càng lộng lẫy và hương thơm càng ngào ngạt. Mấy chú ong mê mải rúc đầu vào hút mật hoa. Trên cao, cánh bướm dập rờn đùa với những bông hoa tươi xinh như những gương mặt ngời sáng niềm vui. Cứ hoa hồng này tàn lại có hoa khác thay thế. Vì vậy, lúc nào, khóm hoa cũng tràn đầy sức sống. Đứng ngắm nhìn những đoá hoa hồng rung rinh trước gió, lòng em tràn ngập niềm vui. Càng ngắm em càng yêu chúng hơn.

icon-date
Xuất bản : 27/05/2022 - Cập nhật : 27/05/2022