logo

Dàn ý Viết thư cho người thân chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19

    Thời gian vừa qua, Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng cùng tổ chức.

    Và chủ đề của cuộc thi năm nay là Đại dịch Covid-19. Với đề thi cụ thể là Em hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19 (tên Tiếng Anh là "Write a letter to a family member about your experience of the COVID-19 pandemic").


A. Dàn ý viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19

Mẫu 1: Dàn ý viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19:

1. Phần đầu bức thư

- Địa điểm và thời gian viết thư: viết ở góc phía bên phải trang giấy.Ví dụ:

+ Bắc Giang, ngày 15 tháng 8 năm 2020

+ Hồ Chí Minh, ngày 1 tháng 7 năm 2020

+ Huế, ngày 28 tháng 10 năm 2020

- Lời chào đầu tiên dành cho người nhận thư (người thân trong gia đình em). Ví dụ:

+ Ông kính mến của con!

+ Bố thân mến!

+ Mẹ yêu quý của con!

2. Phần nội dung bức thư

- Dẫn dắt nêu mục đích, lý do hay thời gian, hoàn cảnh em viết bức thư này. Gợi ý: đã lâu chưa được gặp gỡ, muốn gửi gắm thông điệp nào đó, muốn chia sẻ những thông tin đặc biệt…

- Nội dung chính của bức thư: chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid:

+ Nêu những thông tin cơ bản mà em biết về đại dịch Covid (nguồn gốc, mức độ nguy hiểm, cơ chế lây lan, hậu quả của nó…) và tình hình dịch Covid ở nước ta (gây ra nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng về cơ bản đã được kiểm soát…)

+ Những mong muốn đối với người nhận thư về việc phòng tránh dịch (mong người nhận thư nên hoặc không nên làm gì để tránh lây lan)

+ Lợi ích của việc phòng dịch cẩn thận từ những cá nhân nhỏ ảnh hưởng đến gia đình và toàn xã hội

+ Thể hiện niềm tin vào tương lai hoàn toàn chế ngự được dịch bệnh

- Tình cảm của em dành cho người nhận thư.

3. Phần cuối bức thư

- Chữ kí của người viết thư, cùng từ xưng hô thân mật. Ví dụ: Cháu trai đáng yêu của bà, con gái ngoan ngoãn của bà, em trai của anh…

Mẫu 2: Dàn ý viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19

1. Phần đầu thư:

- Nơi ở của người viết và thời gian. Ví dụ như bạn ở Hà Nội và lúc viết thư là ngày 02/12/2020 thì bạn sẽ viết là: “Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2020”.
- Lời chào đầu thư: Vì đối tượng nhận thư là người thân nên các em viết lời chào đầu thư là: (Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em,...) kính yêu, xa nhớ,… Ví dụ: Ông nội kính yêu!

2. Phần nội dung thư:

- Dẫn nhập: Viết lời dẫn nhập cho người nhận hiểu bạn đang nói về vấn đề gì, khái quát về tình hình hiện tại của mình và nơi mình đang trải nghiệm, có thể viết theo kiểu diễn dịch hoặc quy nạp. Ví dụ như: Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bệnh tật: từ các bệnh thông thường như cảm cúm, ho sốt, đau lưng, đau vai... đến các bệnh khó chữa như: ung thư, HIV/AIDS,... nhưng thời gian gần đây bùng phát dịch bệnh vô cùng nguy hiểm là COVID-19. hoặc Sự sống đang mỗi ngày một tấp nập, hối hả. Chúng ta đang làm cho môi trường biến đổi nghiêm trọng, các vi sinh vật trong đó đặc biệt là virus đang ngày càng trở nên nguy hiểm,… để rồi cả thế giới phải gánh chịu dịch bệnh vô cùng khủng khiếp.

- Đi vào nội dung: Từ vấn đề đã nêu ở phần dẫn nhập, các em mô tả thêm xung quanh khu vực em đang trải nghiệm hoặc chứng kiến, cảnh mọi người chuẩn bị đối phó, phòng chống dịch bệnh như thế nào? cũng như tâm lý của em và mọi người xung quanh. Chính quyền đã làm những gì để khống chế đại dịch, mọi người chấp hành ra sao. Các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, quân đội... đã phải vất vả như thế nào? Kể lại quá trình trải nghiệm của mình về các bước nhiễm bệnh, triệu chứng, quá trình điều trị, cảm giác bản thân,... Cuối cùng em mong muốn và khuyên mọi người điều gì để giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi bệnh dịch này.

3. Phần kết thúc:

- Kết thúc bức thư em có thể bày tỏ tình cảm của mình với người thân, mong muốn người thân tiếp thu trải nghiệm của mình để cảnh giác cao độ và lên phương pháp tối ưu để phòng chống dịch bệnh.

- Cuối thư: Lời chào thân thương và ký tên.


B. Những lưu ý khi Viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19

- Về hình thức: cần đảm bảo đúng cấu trúc về trình bày và nội dung của bức thư

- Về nội dung: các dẫn chứng, lời khuyên đưa ra cần rõ ràng, chính xác, chân thực, cụ thể:

+ Những thông tin về dịch Covid-19 được nhắc đến trong bài cần chính xác tuyệt đối, không được nói giảm nói tránh đi hay nói quá lên, cần đảm bảo tính khách quan của các thông tin này.

+ Những biện pháp phòng tránh lây lan dịch bệnh, những lời khuyên, nhắn nhủ đưa ra trong bài cần chính xác, hữu ích, có căn cứ xác đáng. Tốt nhất là lấy từ những lời khuyên đến từ bộ y tế.

- Về nghệ thuật: Nên sử dụng những tính từ giàu cảm xúc, các hình ảnh sống động để tăng tính biểu cảm của bài viết, dễ tác động đến người đọc.

    Viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19 - Mẫu 1

Hà Nội, ngày 4 tháng 12 năm 2020

    Bà nội yêu quý của cháu!

    Cháu là Hà Anh - cháu gái bé nhỏ của bà đây ạ. Cũng đã hơn 3 tháng cháu chưa được về quê thăm bà rồi. Không phải vì cháu không nhớ bà hay giận bà đâu bà ạ. Thật ra, cháu nhớ bà nhiều lắm. Cháu nhớ từng cái thơm má, từng cái vuốt tóc, từng lời thủ thỉ âu yếm của bà. Thế nhưng, dù vậy, cháu và bố mẹ vẫn không thể về quê thăm bà trong thời gian này được. Bởi đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, mang theo những nguy hiểm khôn lường.

    Dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ dịp Tết Nguyên Đán, với khả năng lây lan chóng mặt. Nó khiến sức khỏe con người suy giảm nhanh chóng và dễ dẫn đến tử vong. Nước ta đã có hơn 1000 người nhiễm phải loại virut này rồi. Tuy nhiên thật may, là nhà nước đã nhanh chóng có những biện pháp ngăn ngừa, cách ly để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Nhờ vậy, mà cuộc sống của chúng ta vẫn ổn định và an toàn. Và đó cũng chính là lý do suốt 3 tháng nay cháu và gia đình không về quê thăm bà. Dù rất nhớ và muốn chạy ngay đến bên bà, nhưng cháu vẫn cố tuân thủ theo những yêu cầu, lời khuyên của bộ y tế, rằng phải hạn chế tối đa việc di chuyển, tập trung nơi đông người trong thời gian này. Thế nên, bà đừng giận cháu bà nhé!

    Ở quê, bà cũng hãy cố gắng thực hiện theo những khuyến cáo của bộ y tế để giữ gìn sức khỏe của bản thân mình. Như hạn chế ra ngoài, tụ tập nơi đông người, luôn mang khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay… Để chờ khi đại dịch qua đi, cháu và cả nhà sẽ về quê thăm bà ngay. Bà sẽ lại vuốt tóc cháu, thủ thỉ những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Bà nhé?

Cháu gái yêu quý của bà

Hà Anh      

Phan Hà Anh    

    Viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19 - Mẫu 2

Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 12 năm 2020

    Gửi bố yêu quý của con!

    Có lẽ bố rất bất ngờ khi nhận được lá thư này của con bố nhỉ? COn biết rằng, công việc của bố rất bộn rộn, nhưng con mong rằng bố sẽ dành chút thời gian đọc hết lá thư này của con bố nhé!

    Những ngày qua, báo đài và mọi người xôn xao rất nhiều về đại dịch Covid-19, và con chắc rằng, bố cũng đã biết đến nó. Và con chắc rằng, nó thực sự là một mối nguy hiểm vô cùng to lớn đối với chúng ta. Chính con virut ấy đã khiến hàng triệu người trên thế giới qua đời, và thêm hàng chục triệu người khác đang phải đối mặt với nguy hiểm. Thế nhưng, ở nước ta, có nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu được sự nguy hiểm của nó. Có một số người, khi đến nơi công cộng vẫn không mang khẩu trang, thường xuyên đi chơi, đi du lịch khắp nơi với lịch trình dày đặc trong thời gian nhạy cảm này. Chính họ đã tạo nên một luồng nguy hiểm đang lớn dần lên từng ngày trong xã hội.

    Vậy nên, mỗi khi bố đi làm, con luôn lo lắng rất nhiều. Vì con biết đặc thù công việc của bố, khiến bố phải tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày. Bố phải trao đổi, ngồi gần thậm chí là tiếp xúc trực tiếp (bắt tay) với họ. Điều này vô tình khiến bố dễ tiếp xúc với mầm bệnh hơn. Và con cũng biết rằng, công việc của bố thực sự rất vất vả, ngày nào khi trở về nhà, trông bố cũng thật mệt mỏi, đôi khi quên cả việc rửa tay trước khi ăn cơm.

    Thế nhưng, con vẫn muốn bố giữ với con một lời hứa. Rằng bố sẽ luôn làm đúng theo những lời khuyên của bộ y tế về phòng chống lây lan virut Covid. Như luôn đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, hạn chế tụ tập nơi đông người… Để dù vất vả, nhưng bố vẫn sẽ luôn khỏe mạnh ở bên cạnh con, không phải rời đi cách li ở một nơi xa khác, hay chịu mệt mỏi do virut hành hạ.

Bố nhé!

Con gái yêu của bố

Lan      

Trần Minh Lan

    Bài tham khảo viết thư quốc tế UPU lần thứ 50, chủ đề: Em hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19.

Việt Nam ngày 05 tháng 12 năm Covid-1

    Chị xa nhớ!

    Hôm nay chị có khỏe không? Di chứng của đợt bệnh lần trước có làm chị lão hóa đi nhiều không? Ở nơi chị đang sống, số người chết vì dịch bệnh Covid-19 đã tăng lên mấy nghìn người rồi chị nhỉ? Giờ này ở bên trời Tây chắc chị đã cảm nhận được cái khủng khiếp của con virus corona này rồi chứ? Chị có còn lên báo bi ba bi bô rằng “Đại dịch làm nhục công cộng” nữa không?

    Trong thời điểm dịch bệnh lây lan chóng mặt, tại Trung Quốc có hàng ngàn người chết, mà lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính phủ, bác sĩ, quân đội và mọi người dân Việt Nam phải căng mình chống dịch với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”. Làm hết sức mình có thể để bảo vệ đất nước này vượt qua đại dịch. Thế mà chị - một người có học thức, có đầu óc lại đi khai báo y tế gian dối để trốn cách ly. Hậu quả là làm cho người đi cùng chuyến bay với chị và cả những người thân của chị cũng bị nhiễm bệnh.

    Vâng, nếu chị có tâm hồn lãng mạng, có lá gan sắt đá dám đi du lịch giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành thì thôi. Một mình chị bị bệnh là đáng rồi tại sao chị lại mang mầm bệnh đến cho bao nhiêu người? Họ có tội tình gì? Họ có phải là kẻ thù của chị không? Mà sao chị ác vậy? Họ cũng có gia đình, cũng có con gái, cũng có cha mẹ, anh em. Họ còn biết bao nhiêu việc phải lo, phải kiếm ăn từng bữa, chứ đâu phải rảnh rang, rủng rỉnh như chị. Chị có biết rằng một sự gian dối của chị đã đẩy cả con phố Trúc Bạch vào nguy hiểm, phải phong tỏa 14 ngày, mấy chục gia đình cũng bị chị làm cho hoang mang, lo lắng tột đỉnh. Cả đất nước lại phải gồng mình lên vì chị, thiệt hại về kinh tế không thể cân, đo, đong đếm được.

    Nhưng thôi lỡ lầm của chị có thể tạm gác lại. Điều trị cho chị và những người bị chị làm nhiễm bệnh trước đã. Cả hệ thống chính trị và cả hệ thống y tế, y bác sĩ phải chịu khó, chịu khổ, lao tâm, lao lực hết sức để khắc phục những gì chị đã gây ra. Thế nhưng khi đã khỏi bệnh chị lại “ăn cháo đá bát” vô ơn tráo trở khi chị lên báo nước ngoài nó rằng ở Việt Nam chị bị “sự ghen tị giai cấp” rồi chê bai công tác chống dịch của Việt Nam. Thật đúng là “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà” một nhân cách mất dạy như chị thật đúng triệu năm có một, chị còn đáng sợ hơn virus corona gấp ngàn lần, thế giới này chắc tìm không ra người thứ hai như chị.

    Em xin mượn lời của một dân mạng để thay lời kết cho bức thư này đến chị rằng: “Các bác sĩ tuyệt vời của Việt Nam có thể chữa khỏi bất kỳ con virus nào cho chị, nhưng không thể nào có thể thay đổi được một nhân cách đáng khinh bỉ như chị. Chị không xứng đáng với quốc tịch Việt Nam, đừng bao giờ tự xưng là một công dân Việt Nam vì chị không xứng đáng với hai từ thiêng liêng đó”.

    Vậy thôi chị nhé! Chào chị, chúc chị có những trải nghiệm Covid-19 tuyệt vời hơn ở trời Tây nhé!

Người em bé nhỏ.

 

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021