logo

Dàn ý phân tích tâm trạng người lữ khách khi đi trên cát

Tổng hợp Dàn ý phân tích tâm trạng người lữ khách khi đi trên cát do Top lời giải sưu tầm và biên soạn. Qua dàn ý và các bài văn mẫu được biên soạn ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm tài liệu, các cách hành văn khác nhau, qua đó có thể tiếp cận tác phẩm với cái nhìn đa chiều, mới mẻ hơn. Mời các bạn cùng xem!


Dàn ý phân tích tâm trạng người lữ khách chi tiết nhất

Dàn ý phân tích tâm trạng người lữ khách khi đi trên cát (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Bài ca ngắn đi trên cát của Cao Bá Quát là tâm trạng của người lữ khách trong bài thơ bài ca ngắn đi trên bãi cát, hình ảnh một con người với những bước chân bước trên bãi cát rộng lớn mỗi bước chân đi đều bị lún xuống đất, chính điều này đã khiến cho người lữ hành mỗi bước tiến lên phải lùi lại một bước dò dẫm, sợ sệt

2. Thân bài

– Phân tích tâm trạng của người lữ hành qua sáu câu thơ đầu:

+ Ngay đầu bài thơ , tác giả đã sử dụng các điệp âm với cách ngắt nhịp hai ba  với mỗi câu thơ  năm chữ, cho người đọc cảm giác rằng bước đi của người lữ hành luôn bị giật lại: “Trường sa phục trường sa,/ Nhất bộ nhất hồi khước”. (Cát dài bãi cát dài, Mỗi bước lùi một bước)

+ Trạng thái khác thường của những bước chân gợi cảm giác như người lữ hành đang bước đi những bước đi vô định, không biết rõ đích đến là gì.

+ Người lữ hành không còn nhận biết được thời gian hay không gian, chất chứa trong cả thân thể của người khách lữ hành này chỉ là một nỗi buồn phiền mãi không thôi “Nhật nhập hành vị dĩ, / Khách tử lệ giao lạc. (Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ,/ Bộ hành nước mắt lã chã rơi).”

+ Hai câu thơ đã người đọc về hình ảnh của một nhà nho chưa đến bốn mươi tuổi nhưng đã nhận ra được sự bức bối đến cùng cực không hợp với chế độ chính trị hiện thời.

+ nhà thơ đã tự tạo ra cho mình một hành trình một cuộc trốn chạy mà không rõ đích đến là nơi đâu, có lẽ chỉ có thần tiên, với những con người đắc quả  mới có thể thoát khỏi những nỗi khổ tinh thần đó “Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông,/ Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng?(Không học được tiên ông phép ngủ,/ Trèo non lội suối giận sao nguôi?)

=> Biện pháp nghệ thuật so sánh giữa loại cực hình tinh thần với những con người đang khát khao danh lợi, họ đang u mê trong quyền lực và tiền bạc, số người tỉnh chắc chỉ có lác đác đến trên đầu ngón tay…

- Phân tích tâm trạng qua 10 câu thơ  tiếp:

+ Biện pháp nghệ thuật đối lập thức, tỉnh -ngủ, say, hiện lên hình ảnh về một con người lầm lũi với bước chân mệt mỏi, đi mãi đi mãi hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác mà không biết điểm dừng chân nơi đâu…gợi cảm hứng về sự cô đơn của người khách lữ hành,

+ Hình ảnh ẩn dụ với sức gợi tả, gợi cảm xuất sắc: người lữ hành đang chịu đựng những cực hình về tinh thần ấy cứ mải miết đi như vô nhưng khi ngước nhìn lên phía Bắc thì những ngọn núi lớp lớp nối nhau đã che mất nối; ngước về phía Nam, hình ảnh núi và sóng cũng trùng trùng điệp điệp bủa vây thân mình.

=>Những ngoảnh đi ngoảnh lại bên cạnh chả có ai chỉ có một mình cô đơn trên bãi cát mênh mông mà thôi.

- Phân tích tâm trạng qua các câu thơ  cuối:

+ Phần cuối của bài thơ kết thúc bằng những câu thơ  như những tâm sự về con đường cùng của tác giả, sự ngột ngạt và đang là nút thắt chưa mở về tư tưởng của nhà thơ.

+ Từ ngữ mang cho người đọc cảm giác bức bách đến khó chịu đến cùng cực của nhà thơ

3. Kết bài

– Ý nghĩa của bài thơ :

Đọng lại trong bài thơ “Bài ca ngắn đi trên cát” của Cao Bá Quát chính là tâm trạng ủ ê, mệt mỏi, bức bách đến cùng cực của một nhà nho đang không hợp khuôn với chế độ đương thời. Con đường đi với nhiều nhưng chông gai khiến những bước chân đầy giật cục, cứng nhắc, những bước đi vô định không rõ mục đích, chưa rõ con đường. trong cảnh ngộ đó nhà nho lạc thời cứ mang trong mình một nỗi băn khoăn, kiếm tìm một lời lý giải…


Dàn ý phân tích tâm trạng người lữ khách ngắn gọn nhất

Dàn ý phân tích tâm trạng người lữ khách khi đi trên cát (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm "Bài ca ngắn đi trên bãi cát".

2. Thân bài

- Tâm trạng người lữ khách trong 4 câu thơ đầu:

+ Bốn câu thơ miêu tả những bước chân vô định của người lữ khách không xác định được đích đến.

+ Tâm trạng người lữ khách buồn bã, phiền muộn. Ông chán ngán khi nhận ra sự mờ mịt của con đường công danh.

+ Ông bất bình với thực trạng xã hội, bất bình với chế độ chính trị đương thời.

- Tâm trạng của người lữ khách trong 6 câu thơ tiếp theo:

+ Tự trách mình vì không học được phép ngủ để có thể thờ ơ trước cuộc đời, thờ ơ trước sự khổ cực của nhân dân → Nhân cách cao đẹp của nhà nho luôn tỉnh táo trước thời cuộc.

+ Trách mình cứ theo đuổi con đường công danh dù biết đó là con đường nhọc nhằn, gian khổ.

+ Ông đã nêu lên một hiện thực rằng số người chạy theo danh lợi thì vô số còn số người nhận ra danh lợi chỉ là những thứ hư vô, tầm thường thì rất ít

→ Tâm trạng chua xót khi nhận ra con đường công danh đã bị biến tướng và con đường ấy đã gắn liền với thứ lợi danh tầm thường, người ta có thể đua chen, giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích.

- Tâm trạng của lữ khách trong 6 câu thơ cuối:

+ Sự băn khoăn, trăn trở, bế tắc của lữ khách khi đối diện với sự nghiệp công danh.

+ Sự cô đơn của ông khi đối diện với không gian rộng lớn.

+ Dường như ông đã rơi vào con đường cùng khi phải lựa chọn theo đuổi tiếp con đường danh lợi hay từ bỏ nó để có một cuộc đời trong sạch, một nhân cách cao đẹp.

+ Ông loay hoay chưa biết làm sao để thoát ra khỏi thực tại bức bách, ngột ngạt đó.

+ Ông thúc giục bản thân hành động để thay đổi cuộc sống.

3. Kết bài

Cảm nghĩ về nhân vật người lữ khách trong bài thơ.


Bài mẫu 1 phân tích tâm trạng người lữ khách khi đi trên cát hay nhất

    Văn chương là nơi người nghệ sĩ gửi gắm những tâm trạng, nỗi niềm của mình. Đó cũng là nơi mà các nhà văn, nhà thơ thể hiện cái chí của bậc nam tử. Cao Bá Quát cũng là một trong số những nhà thơ ấy. Với bài thơ "Sa hành đoản ca" (Bài ca ngắn đi trên bãi cát), ông đã bộc lộ nỗi niềm trăn trở, sự chán ghét đối với chế độ chính trị đương thời.

    Bốn dòng thơ đầu tiên đã thể hiện hình ảnh người lữ khách với tâm trạng buồn bã, phiền muộn:

"Trường sa phục trường sa

Nhất bộ nhất hồi khước.

Nhật nhập hành vị dĩ

Khách tử lệ giao lạc".

(Bãi cát lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.)

    Cao Bá Quát đã nhiều lần vào thi Hội ở kinh đô Huế nên ông đã quen thuộc với những bãi cát chạy dọc nối tiếp nhau ở các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị. Ông đưa những hình ảnh đó vào bài thơ để ẩn dụ cho con đường công danh gian nan, chông gai, vất vả. Các điệp từ "trường sa", "nhất" được lặp lại gợi ra một không gian rợn ngợp chỉ có các bãi cát nối tiếp nhau. Mỗi bước đi trên cát thật nặng nề, "đi một bước" mà "như lùi một bước", tiến về phía trước nhưng dường như người lữ khách lại đang ở vị trí ban đầu. Những bước chân của nhân vật trữ tình là những bước chân vô định, không xác định được phương hướng và đích đến. Ông chán ngán khi nhận ra sự mờ mịt của con đường công danh phía trước. Ông bất bình với thực trạng xã hội, bất bình với chế độ chính trị đương thời bởi đó là một xã hội trì trệ, bảo thủ.

    Người lữ khách tự trách bản thân không "học" được "phép ngủ kĩ" của tiên ông để có thể thờ ơ, không quan tâm đến thời cuộc:

"Quân bất học tiên gia mĩ thụy ông

Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng!

Cổ lai danh lợi nhân,

Bôn tẩu lộ đồ trung

Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu,

Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng".

(Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu

Người say vô số, tỉnh bao người?)

    Nếu có được phép ngủ thì tác giả đã không phải bận tâm đến sự đời, không phải bất bình với thực tại, không lo lắng cho đời sống nhân dân khổ cực. Nhưng suy cho cùng đó cũng chỉ là sự trốn tránh cuộc đời mà Cao Bá Quát thì không phải là con người hèn nhát như vậy. Từ đó cho thấy nhân cách cao đẹp của một nhà nho chân chính. "Trèo non", "lội suối" là những công việc cực nhọc, lữ khách tự oán trách bản thân cứ mãi theo đuổi con đường công danh dù biết trước đó là con đường nhọc nhằn đầy gian nan. Với các bậc nam nhi thuở xưa thì công danh là con đường duy nhất để họ lập thân, khẳng định tài năng của mình trước thiên hạ:

"Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông"

             (Nguyễn Công Trứ)

    Bậc nam nhi sẽ có nỗi hổ thẹn lớn nếu không trả được nợ công danh cho cuộc đời:

"Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu"

                            (Phạm Ngũ Lão)

    Cao Bá Quát đã nêu lên thực trạng về số người chạy theo danh lợi thì vô số còn số người nhận ra sự hư ảo của danh lợi thì rất ít. Chẳng vậy mà ông cất lên câu hỏi: "Người say vô số, tỉnh bao người"? Ông chua xót nhận ra con đường công danh bị biến tướng, mọi người lợi dụng nó để làm giàu cho bản thân. Con đường ấy đã gắn liền với thứ lợi danh tầm thường, người ta có thể đua chen, giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích. Họ tranh giành nhau chức quan để hưởng lợi lộc, tiền bạc, vật chất của cải. Thậm chí họ còn dùng những thủ đoạn xảo quyệt hãm hại nhau để tranh giành công danh. Cao Bá Quát đã ngầm so sánh sức cám dỗ của "phường danh lợi" cũng giống như sức cám dỗ của rượu. Men rượu nồng lôi cuốn người thưởng thức khiến người ta có thể say và mất tỉnh táo. Danh lợi cũng vậy, nó khiến con người chìm đắm trong sự đua chen, ích kỉ. Có vô số con người bị danh lợi làm cho mờ mắt nhưng có mấy ai tỉnh táo nhận ra được bản chất của nó? Lữ khách không bị men rượu quyến rũ cũng không bị danh lợi mê hoặc, ông vô cùng tỉnh táo nhưng cũng băn khoăn vì không biết có nên tiếp tục theo đuổi con đường công danh mà mình chán ngán hay không.

    Dường như người lữ khách ấy đã rơi vào tuyệt vọng:

"Trường sa, trường sa nại cừ hà?

Thản lộ mang mang úy lộ đa.

Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca,

Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp,

Nam sơn chi nam ba vạn cấp.

Quân hồ vi hồ sa thượng lập"?

(Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Hãy nghe ta hát khúc "đường cùng",

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

Anh đứng làm chi trên bãi cát?)

    Cao Bá Quát đang tự vấn chính mình khi nhận ra con đường dẫn đến công danh không hề bằng phẳng, dễ dàng. Đó là con đường có nhiều hiểm nguy, ghê sợ. Ông rơi vào trạng thái cô đơn, bế tắc khi đối diện với thiên nhiên và cũng là sự bế tắc trước thời cuộc. Không có một con đường nào mở ra hướng giải thoát cho ông bởi bủa vây xung quanh người lữ khách bé nhỏ là núi Bắc, núi Nam trùng điệp, sóng dào dạt. Ông chỉ biết cất lên khúc "đường cùng" để bày tỏ nỗi niềm, tâm trạng. Tác giả đang loay hoay trong sự lựa chọn tiếp tục con đường công danh hay từ bỏ nó để có một cuộc đời, nhân cách trong sạch. Câu thơ cuối bài mang ý nghĩa như một lời thúc giục bản thân hãy hành động để thay đổi, vượt qua thực trạng bức bách, ngột ngạt. Nội dung câu hỏi đó cũng là sự dự báo về quyết định của người lữ khách rằng ông sẽ rời bỏ con đường công danh để chọn cho mình một hướng đi khác, một lí tưởng khác. Khi con đường công danh không còn vẹn nguyên giá trị cao quý, làm quan không còn để giúp dân, giúp nước nữa mà làm quan để tư lợi cá nhân thì không có lí do nào phù hợp để một người bản lĩnh, tài năng, cương trực như Cao Bá Quát tiếp tục theo đuổi?

    Tác giả đã dùng thể ca hành không gò bó, giới hạn về số câu, niêm luật, vần điệu cùng việc sử dụng các hình ảnh tượng trưng để thể hiện tâm trạng của bản thân. Qua đó, bạn đọc thấy được nỗi buồn phiền, bế tắc, chán ngán chế độ chính trị đương thời và sự coi thường "phường danh lợi" của Cao Bá Quát. Đồng thời bài thơ cũng cho thấy hoài bão, lí tưởng của ông.


Bài mẫu 2 phân tích tâm trạng người lữ khách khi đi trên cát hay nhất

    Bài ca ngắn đi trên cát của Cao Bá Quát là tâm trạng của người lữ khách trong bài thơ bài ca ngắn đi trên bãi cát, hình ảnh một con người với những bước chân bước trên bãi cát rộng lớn mỗi bước chân đi đều bị lún xuống đất, chính điều này đã khiến cho người lữ hành mỗi bước tiến lên phải lùi lại một bước dò dẫm, sợ sệt 

    Ngay đầu bài thơ, tác giả đã sử dụng các điệp âm với cách ngắt nhịp hai ba  với mỗi câu thơ năm chữ, cho người đọc cảm giác rằng bước đi của người lữ hành luôn bị giật lại:

Trường sa phục trường sa,

Nhất bộ nhất hồi khước.

(Cát dài bãi cát dài,

Mỗi bước lùi một bước)

    Phân tích tâm trạng người lữ khách trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát

    Trạng thái khác thường của những bước chân gợi cảm giác như người lữ hành đang bước đi những bước đi vô định, không biết rõ đích đến là gì. Người lữ hành không còn nhận biết được thời gian hay không gian, chất chứa trong cả thân thể của người khách lữ hành này chỉ là một nỗi buồn phiền mãi không thôi

Nhật nhập hành vị dĩ,

Khách tử lệ giao lạc.

(Mặt trời đã lặn đi chưa nghỉ,

Bộ hành nước mắt lã chã rơi).

    Hai câu thơ đã người đọc về hình ảnh của một nhà nho chưa đến bốn mươi tuổi nhưng đã nhận ra được sự bức bối đến cùng cực không hợp với chế độ chính trị hiện thời. nhà thơ đã tự tạo ra cho mình một hành trình một cuộc chốn chạy mà không rõ đích đến là nơi đâu, có lẽ chỉ có thần tiên, với những con người đắc quả  mới có thể thoát khỏi những nỗi khổ tinh thần đó

Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông,

Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng?

(Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non lội suối giận sao nguôi?)

    Biện pháp nghệ thuật so sánh giữa loại cực hình tinh thần với những con người đang khát khao danh lợi, họ đang u mê trong quyền lực và tiền bạc, số người tỉnh chắc chỉ có lác đác đến trên đầu ngón tay…

Cổ lai danh lợi nhân,

Bôn tẩu lộ đồ trung;

Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu,

Tỉnh giả thường thiểu, túy giả đồng.

(Xưa nay phường danh lợi,

Bôn tẩu trên đường đời;

Gió thoảng hơi men trong quán rượu,

Say cả hỏi tỉnh được mấy người?)

    Biện pháp nghệ thuật đối lập thức, tỉnh -ngủ, say, hiện lên hình ảnh về một con người lầm lũi với bước chân mệt mỏi, đi mãi đi mãi hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác mà không biết điểm dừng chân nơi đâu…gợi cảm hứng về sự cô đơn của người khách lữ hành, hình ảnh ẩn dụ với sức gợi tả, gợi cảm xuất sắc: người lữ hành đang chịu đựng những cực hình về tinh thần ấy cứ mải miết đi như vô nhưng khi ngước nhìn lên phía Bắc thì những ngọn núi lớp lớp nối nhau đã che mất nối; ngước về phía Nam, hình ảnh núi và sóng cũng trùng trùng điệp điệp bủa vây thân mình. Những ngoảnh đi ngoảnh lại bên cạnh chả có ai chỉ có một mình cô đơn trên bãi cát mênh mông mà thôi.

Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông,

Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng

Cổ lai danh lợi nhân, Bôn tẩu lộ đồ trung

Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu,

Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng

Trường sa trường sa nại cừ hà!

Thản lộ mang mang úy lộ đa

    Phần cuối của bài thơ kết thúc bằng những bài thơ như những tâm sự về con đường cùng của tác giả, sự ngột ngạt và đang là nút thắt chưa mở về tư tưởng của nhà thơ. Từ ngữ mang cho người đọc cảm giác bức bách đến khó chịu đến cùng cực của nhà thơ:

Thính ngã nhất xướng “cùng đồ” ca:

Bắc sơn chi Bắc  sơn vạn điệp,

Nam sơn chi Nam ba vạn cấp;

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?

(Nghe ta ca “cùng đường” một khúc:

Phía Bắc núi Bắc núi muôn lớp,

Phía Nam núi Nam sóng muôn đợt;

Sao mình anh trơ trên bãi cát?)

    Đọng lại trong bài thơ “Bài ca ngắn đi trên cát” của Cao Bá Quát chính là tâm trạng ủ ê, mệt mỏi, bức bách đến cùng cực của một nhà nho đang không hợp khuôn với chế độ đương thời. Con đường đi với nhiều nhưng chông gai khiến những bước chân đầy giật cục, cứng nhắc, những bước đi vô định không rõ mục đích, chưa rõ con đường. trong cảnh ngộ đó nhà nho lạc thời cứ mang trong mình một nỗi băn khoăn, kiếm tìm một lời lý giải…

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Dàn ý phân tích tâm trạng người lữ khách khi đi trên cát để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021