logo

Dàn ý phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm (4 mẫu)

Hai đứa trẻ là một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Thạch Lam nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Toàn bộ câu truyện diễn ra như một thước phim chậm dãi về một phố huyện nghèo xung quanh chị em Liên và An vào một buổi chiều tối mùa hè. Cảnh chờ tàu của hai chị em đã được tác giả nắm bắt những chuyển biến tinh tế nhất trong tâm trạng của hai nhân vật. Dưới đây là các mẫu Dàn ý phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm, mời các bạn cùng tham khảo.


Dàn ý phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm - Mẫu số 1:

1. Mở bài

- Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề nghị luận.

2. Thân bài

a) Khái quát chung

- Tóm tắt: Truyện kể về hai chị em Liên và An thay mẹ trông nom một gian hàng tạp hóa ở một phố huyện gần ga xép. Chiều chiều, chúng ngồi trước cửa hàng nhìn ra phố huyện. Những bóng người lù mù đi qua. Đêm, hai chị em đợi xem chuyến tàu Hà Nội đi qua mới đóng cửa hàng đi ngủ.

- Cốt truyện không có gì, không có những biến cố những xung đột lớn, chỉ là khung cảnh phố huyện diễn ra từ chiều đến tối vào đêm trước con mắt của hai đứa trẻ và tâm trạng của chúng.
Qua bức tranh phố huyện và tâm trạng của hai chị em Liên, nhà văn thể hiện niềm thương xót đối với những kiếp người nghèo khổ sống lam lũ, quẩn quanh trong xã hội cũ và niềm trân trọng khát khao đổi đời của họ.

b) Hình ảnh đoàn tàu

- Hiện tại tăm tối, tương lai mù mịt, những người dân phố huyện chỉ còn biết chờ đợi mơ hồ, vu vơ. Còn gì đáng thương hơn khi người ta ngồi trong bóng tối và mơ về hạnh phúc. Hạnh phúc với hai đứa trẻ, với người dân phố huyện là gì? Chẳng có gì to tát, chỉ là mong một chuyến tàu Hà Nội đi qua. Nên Liên và An tuy đã "buồn ngủ ríu cả mắt vẫn gượng để thức khuya chút nữa", không phải để bán thêm hàng như lời mẹ dặn mà vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu.

- Tín hiệu đầu tiên để hai đứa trẻ nhận ra đoàn tàu là ánh sáng đèn ghi. Cả hai tập trung thị giác để quan sát thật kĩ và cảm nhận thế giới của ánh sáng và âm thanh vang động.

- Ánh sáng từ xa: ngọn lửa xanh biếc như ma trơi đến gần một làn khói bừng sáng trắng, khi tàu đi tới các toa đèn sáng trưng ánh cả xuống đường, đồng và kền lấp lánh, khi tàu đi qua nhìn theo mãi những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt và cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng. Đó là những nguồn sáng được nắm bắt kĩ lưỡng khác hẳn với bao nguồn sáng nơi phố huyện. Nó rực rỡ, sáng lòa, sang trọng chứ không tù mù, lay lắt, buồn tẻ như ánh sáng chả các ngọn đèn nơi phố huyện.

- Âm thanh cũng khác biệt hoàn toàn so với thứ âm thanh cố hữu nơi phố huyện tĩnh lặng. Tiếng còi xe lửa kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi, tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng hành khách ồn ào, tiếng còi tàu rít lên. Đây không phải thứ âm thanh heo hút, chậm buồn gợi cuộc sống tăm tối, tù đọng, tàn tạ. Âm thanh đoàn tàu vang động, mạnh mẽ, ồn ào và náo nhiệt. Một bữa tiệc âm thanh chóng vánh đã được dọn chớp nhoáng nơi phố huyện làm thỏa mãn niềm mong mỏi, đợi chờ của những con người nơi đây.

- Đoàn tàu đã mang đến một thời gian hoàn toàn khác hẳn với thời gian tĩnh lặng, tịch mịch và đầy bóng tối nơi phố huyện nghèo. Phép tương phản đã nhấn mạnh vào sự đối lập giữa hai thời gian đó: sang trọng và nghèo nàn, rực rỡ ánh sáng và tối tăm tù đọng, huyên náo vui vẻ và tịch mịch quẩn quanh. Một thời gian vội vã lướt qua như một giấc mơ.

- Tàu không đông, thưa vắng người và kém sáng hơn mọi khi chứng tỏ hai đứa trẻ quan sát rất kĩ và nhạy cảm với những thay đổi, dù là nhỏ nhất. Đoàn tàu vụt qua phố huyện rất nhanh, chỉ chớp nhoáng nhưng Liên và An vẫn cảm nhận được sự thiếu hụt ánh sáng và âm thanh so với mọi ngày. Chắc rằng phải gắn bó, phải thực sự ghi nhớ rất sâu mọi hình ảnh chi tiết thì hai đứa trẻ mới có thể nhận ra.

- Đoàn tàu chạy về từ Hà Nội, từ một tuổi thơ đã mất. Con tàu là tia hồi quang của những tháng ngày sung sướng đủ đầy hạnh phúc. Đó là chuyến tàu khát vọng, chuyến tàu mơ ước về một thế giới thật đáng sống: sức sống mạnh mẽ, sự giàu sang và rực rỡ ánh sáng, nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi, tù đọng nơi đây. Khát vọng ấy chúng gửi vào đoàn tàu từ Hà Nội chạy về. Khát vọng ấy khôn nguôi, luôn được thắp lên như minh chứng về những khát vọng sống không bao giờ bị dập tắt. Đó thể hiện cái nhìn đậm chất nhân văn của Thạch Lam. Khi tàu đi rồi, phố huyện chỉ còn bóng tối.

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ của bản thân.

Hình ảnh đoàn tàu không chỉ phản ánh hiện thực tăm tối, tù đọng mà còn thể hiện khát vọng đổi đời, khát vọng sống của những con người luôn cố vươn tới ánh sáng.


Dàn ý phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm - Mẫu số 2:

1. Mở bài

- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:

+ Thạch Lam là một nhà văn lớn của khuynh hướng văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ.

+ Truyện ngắn Hai đứa trẻ dù không có cốt truyện đặc biệt nhưng thông qua tiếng nói nội tâm của nhân vật Liên, từng mảnh đời bất hạnh hiện lên và mang đến cho tác phẩm thật nhiều cảm xúc.

- Khái quát chung về cảnh đợi tàu: Cảnh đợi tàu của hai chị em Liên là kết tinh của những tư tưởng nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ của Thạch Lam với ngòi bút nhân đạo, trữ tình.

2. Thân bài

* Luận điểm 1: Lý do hai chị em Liên cố thức đợi tàu

- Liên cùng em trai dù đã rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức để đợi tàu bởi:

+ Cô được mẹ dặn chờ tàu đến để bán hàng

+ Nhưng Liên không mong chờ ai đến nữa

+ Cô thức vì muốn được nhìn thấy chuyến tàu như một hoạt động cuối cùng của đêm khuya -> Thực chất để thay đổi cảm giác, thay đổi cái không khí ứ đọng hàng ngày.

=> Sự thức tỉnh cái tôi, khao khát, khắc khoải muốn nhìn thấy những gì khác với cuộc sống của chính mình.

* Luận điểm 2: Hai chị em trước khi tàu đến

- Mi mắt An sắp sửa rơi xuống, vẫn cố dặn chị gọi dậy khi tàu đến

- Chăm chú để ý từ ngọn lửa xanh biếc, tiếng còi vang lại, kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi -> Niềm mong ngóng, chờ đợi, háo hức.

- Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu

- Tiếng gọi em của Liên: cuống quýt, giục giã -> lo sợ nếu chậm một chút thôi sẽ không kịp, sẽ bỏ lỡ.

- An “nhỏm dậy”, “lấy tay giụi mắt” cho tỉnh hẳn -> hành động nhanh, ngây thơ, đáng yêu nhưng cũng đáng thương.

=> Niềm háo hức, mong ngóng chuyến tàu đêm của hai chị em như mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống vốn tẻ nhạt thường ngày.

* Luận điểm 3: Cảnh đoàn tàu đến

- Khi đoàn tàu đến, Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua

- Dù chỉ trong chốc lát, Liên cũng thấy “những toa hạng trên sang trọng lố nhố người, đồng và kền lấp lánh” -> Liên thấy một thế giới khác với cuộc sống thường ngày của chị.

- Câu hỏi cảm thán của An: “Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?” -> Có thể ngày nào hai chị em cũng ngóng tàu.

- Đứng lặng ngắm đoàn tàu đi qua, Liên không trả lời câu hỏi của em -> Trong tâm hồn Liên lúc này cơn xúc động vẫn chưa lắng xuống.

- Liên mơ tưởng về Hà Nội, một Hà Nội sáng rực và xa xăm, một Hà Nội đẹp, giàu sang và sung sướng... Sự hồi tưởng ấy càng khiến Liên thêm tiếc nuối và ngán ngẩm cho cuộc sống hiện tại.

- Tàu đến khiến hai chị em sống với quá khứ tươi đẹp và được sống trong một thế giới mới tốt hơn, sáng hơn, rực rỡ, vui tươi hơn cuộc sống thường ngày.

=> Tâm trạng xúc động, vui sướng, hạnh phúc, mơ mộng.

* Luận điểm 4: Hai chị em khi tàu đi

- Phố huyện với từng ấy người “trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống”, trong đó có cả Liên và An

- Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn treo trên toa cuối cùng

- Khi tàu đi, Liên và An trở về với tâm trạng buồn tẻ, chán ngán cuộc sống thường ngày, niềm vui của hai chị em chỉ lóe sáng rồi vụt tắt.

- Tất cả chìm trong màn đêm với ngọn đèn tù mù chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đi vào giấc ngủ chập chờn của Liên.

=> Tâm trạng nuối tiếc, niềm suy tư thao thức về cuộc sống hằng ngày nơi phố huyện nghèo.

* Ý nghĩa của cảnh đợi tàu

- Thương cảm với cảnh sống nghèo khó, vô danh, vô nghĩa: Ước mơ rất đỗi bình thường và nhỏ bé, chỉ là một đoàn tàu vụt qua trong đêm tối.

- Thể hiện cái nhìn lạc quan về con người: Họ còn sự gắn bó, muốn thay đổi trong cuộc sống. Tất cả mọi người đều biết ước mơ, mong mỏi thay đổi nào đó, dù rất mơ hồ, rời rạc. Điều đó chứng tỏ, ngày dù tàn, cảnh cũng tàn nhưng lòng và đời của họ không tàn, nhất là với đứa trẻ như chị em Liên.

* Đặc sắc nghệ thuật

- Lối viết không có cốt truyện

- Bút pháp lãng mạn xen hiện thực

- Nghệ thuật miêu tả nội tâm

- Ngôn ngữ đơn giản, súc tính, giàu tính tạo hình.

3. Kết bài

- Khái quát ý nghĩa của cảnh đợi tàu.

- Nêu cảm nhận của bản thân.

Dàn ý phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm (4 mẫu)

Dàn ý phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm - Mẫu số 3:

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm( có thể dựa vào bài soạn hai đưa trẻ). Sau đó dẫn dắt về vấn đề cần phân tích.

2. Thân bài

a) Khái quát chung

- Tóm tắt truyện: 

+ Hai đứa trẻ kể về hai chị em tên là Liên và An. Cả hai đang thay phiên nhau trông coi cho một gian hàng tạp hóa tại một phố huyện. Chiều chiều, chúng ngồi phía trước cửa hàng để nhìn ra phố huyện. Đêm đến, mãi sau khi chuyến tàu Hà Nội đi qua, cả hai mới nuối tiếc đóng cửa hàng đi ngủ.

- Cốt truyện đơn giản nhưng không nhàm chán:

+ Nhìn chung, cốt truyện không có những biến cố, xung đột lớn gây kịch tính. Mà nó chỉ diễn tả khung cảnh của cái phố huyện từ chiều đến tối trong mắt hai đứa trẻ cùng với diễn biến tâm trạng của chúng.

- Qua tác phẩm, tác giả thể hiện niềm thương cảm của mình đối với những người nơi phố huyện và sự trân trọng khát khao hạnh phúc của họ.

+ Nhà văn đã thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với những kiếp người mãi quẩn quanh, lam lũ trong xã hội cũ.

+ Ông cũng bộc lộ sự trân trọng những khát khao mà họ vẫn ấp ủ trong đời dẫu cho nơi phố huyện này có u ám, tối tăm vùi lấp kiếp người đến đâu.

b) Hình ảnh đoàn tàu

- Hiện thực tăm tối, u ám nơi phố huyện tưởng chừng như khiến người dân nơi đây chìm trong nỗi bất hạnh, chán chường:

+ Đứng trước hiện thực tăm tối cùng tương lai mù mịt không lối thoát, những lớp người nơi phố huyện này chỉ có thể chờ đợi điều gì đó rất mơ hồ, rất vu vơ. 

+ Ngồi trong bóng tối và mơ về cuộc sống hạnh phúc luôn ám ảnh họ từng giây từng phút. Đối với họ - 2 đứa trẻ cùng người dân phố huyện - hạnh phúc của họ là gì? 

- Hai đứa trẻ và người dân phố huyện chờ đợi đoàn tàu như niềm vui mỗi ngày cứu rỗi họ khỏi hiện thực u ám:

+ Có lẽ hạnh phúc đó chẳng có gì to tát, và niềm vui níu giữ mảnh hồn họ lại với cuộc sống chính là việc đợi chờ một chuyến tàu từ Hà Nội đi qua. 

+ Hai chị em Liên, An dù đã "buồn ngủ ríu cả mắt vẫn gượng để thức khuya chút nữa" chỉ để ngước nhìn một chuyến tàu mang ánh sáng về cho vùng đất ảm đạm này.

- Đoàn tàu đi đến mang lại ánh sáng cho cả phố huyện. Từ đó, xuất hiện hình ảnh tương phản giữa ánh sáng đoàn tàu với ánh sáng heo hắt từ phố huyện:

+ Ánh sáng đèn ghi lấp ló mang đến tín hiệu đầu tiên của đoàn tàu. Dường như cả hai đều đang dừng lại ở mức tĩnh lặng nhất để tập trung thị giác mà quan sát thật kỹ và cảm nhận thế giới diệu kỳ ngập tràn ánh sáng và âm thanh.

+ Ánh sáng từ xa là những ngọn lửa xanh biết như ma trơi đến gần một làn khói bừng sáng. Khi chiếc tàu tới, những toa đèn sáng trưng như bao trùm cả phố huyện nhỏ bé, nó ánh cả xuống đường, đồng và kềnh lấp lánh.      

+ Khi nó đi qua, cả hai chị em cũng nhìn theo mãi những đốm than đỏ bay tứ tung trên đường sắt, và rồi cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng cũng dần dần vút đi ở tít xa.

+ Đó là nguồn sáng được cảm nhận và nắm bắt một cách kỹ lưỡng. Nó khác hẳn nguồn sáng tù mù, buồn tẻ, lay lắt của những ngọn đèn nơi phố huyện, nó sáng tỏa, rực rỡ, sáng lòa và sang trọng một cách lạ lùng.

- Sự tương phản giữa âm thanh vang dội, dồn dập, náo nhiệt khi đoàn tàu đi qua với sự tĩnh lặng của phố huyện trong tác phẩm hai đứa trẻ đã làm nổi bật không gian tĩnh mịch, buồn tẻ nơi phố huyện:

+ Âm thanh khi đoàn tàu đi ngang qua phố huyện cũng khác biệt hoàn toàn so với âm thanh ảm đạm, cố hữu nơi phố huyện nhàm chán, tĩnh lặng. Tiếng còi xe lửa cứ thế kéo dài ra theo ngọn gió, tiếng dồn dập, tiếng xe tít mạnh vào ghi. Cả tiếng ồn ào của hành khách cũng được cảm nhận một cách rõ nét. 

+ Đây là âm thanh vang động, mạnh mẽ, náo nhiệt và ồn ào. 

+ Âm thanh này trái ngược với âm thanh heo hút, chậm chạp đậm màu buồn của cuộc sống tối tăm, tàn tạ nơi phố huyện tù đọng. 

+ Đây chính là một bữa tiệc âm thanh được dọn lên một cách chóng vánh, nhưng đủ để những thực khác - là người dân phố huyện - được thỏa mãn niềm mong mỏi, đợi chờ.

- Sự tương phản giữa âm thanh, ánh sáng khi đoàn tàu đi qua với cuộc sống ngày thường của phố huyện:

+ Khoảnh khắc đoàn tàu đến như phá vỡ đi không gian tịch mịch bị bao trùm bởi bóng đêm của phố huyện. 

+ Tác giả đã tạo nên một sự tương phản đậm chất nghệ thuật, đó là sự tương phản giữa: sang trọng - nghèo nàn, rực rỡ - tối tăm, huyên náo - tịch mịch. Mà khoảng thời gian tốt đẹp lại lướt qua một cách vội vã, trả lại cho phố huyện dáng vẻ bình thường, giống như người ta vừa bừng tỉnh sau giấc mơ.

- Hai đứa trẻ có một sự gắn bó, chú tâm sâu sắc với hình ảnh đoàn tàu:

+ Hai đứa trẻ đã quan sát đoàn tàu một cách kỹ càng và nhạy cảm. Vì thế mà những thay đổi nhỏ nhất như tàu không đông, thưa vắng người và kém sáng hơn mọi ngày. 

+ Dù thời gian đoàn tàu lướt qua rất nhanh, nhưng hai chị em vẫn cảm nhận được sự thiếu hụt so với bình thường. Hẳn phải có sự gắn bó, sự chú tâm sâu sắc mới có thể nhận ra những khác thường này.

- Ý nghĩa hình ảnh đoàn tàu trong hai đứa trẻ: 

+ Đoàn tàu chạy về từ Hà Nội như mang theo một tuổi thơ đã mất đến. Hình ảnh đoàn tàu chính đã đem lại hồi ức của những ngày đủ đầy hạnh phúc. 

+ Chuyến tàu đó là chuyến tàu của khát vọng, ước mơ mãnh liệt về cuộc sống tươi đẹp; là sức sống mạnh mẽ luôn len lỏi trong lòng dù cho thực tại khốc liệt đến đâu. 

+ Đoàn tàu ấy thắp lên minh chứng về những khát vọng sống không bao giờ bị dập tắt, dù là trong hoàn cảnh nào. Đó cũng chính là cái nhìn đậm chất nhân văn của tác giả.

3. Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ cá nhân và giá trị của hình ảnh đoàn tàu.


Dàn ý phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm - Mẫu số 4:

1. Mở bài

Những hình ảnh trong "Hai đứa trẻ" tuy bình dị, gần gũi mà ẩn chứa những tầng ý nghĩa lớn lao sâu sắc. Đặc biệt, hình ảnh chuyến tàu đêm là gây ấn tượng khó phai khiến ta phải trăn trở, nghĩ suy.

2. Thân bài

a) Chuyến tàu đêm được miêu tả theo trình tự thời gian

- Trước khi tàu đến:

+ Nơi phố huyện ấy chỉ là một không gian đầy rẫy những bóng tối bủa vây

+ Dường như trở nên rộn ràng hơn bởi bóng dáng của vài ba người đi đón bà chủ ở tỉnh về trên tay mang những chiếc đèn lồng sáng hoắc.

+ Tiếng bác Siêu vọng ra đầy hứng khởi.

+ Hai chị em Liên ngóng đợi tàu

- Khi tàu đến:

+ Liên đánh thức em dậy

+ Hai chị em cùng ngồi ngắm nhìn những toa tàu sáng loáng đèn.

+ Tiếng những hành khách bắt đầu ồn ào, vồn vã.

+ Đoàn tàu vụt qua mang theo những ánh sáng chiếu xuống một vùng xua đi vẻ tăm tối vốn có

- Khi tàu đi:

+ Để lại niềm tiếc nuối và hụt hẫng

+ Khuất mình sau rặng tre già

b) Ý nghĩa của chuyến tàu đêm

+ Phản ánh thực tại tăm tối

+ Những mơ ước, hy vọng nhỏ nhoi của người lao động nghèo nơi phố huyện.

+ Thể hiện được tấm lòng thương cảm của nhà văn tới những kiếp người nghèo khổ.

3. Kết bài

Với Thạch Lam, ông đã giành tấm lòng giàu yêu thương, sự trân trọng đối với những người lao động khốn khó, nghèo nàn về vật chất nhưng tình thân lớn lao, vẫn chăm chỉ, cần mẫn với lao động, giàu lòng yêu thương, gắn bó.

------------------------

Trên đây là một số mẫu Dàn ý phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm do Toploigiai tổng hợp dành cho các bạn học sinh. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trinh học tập, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 19/12/2022 - Cập nhật : 15/08/2023