logo

Dàn ý phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Tham khảo Dàn ý phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Qua các dàn ý sau đây sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính và cách triển khai các luận điểm nhằm hoàn thiện bài viết một cách hoàn chỉnh nhất. Mời các bạn cùng tham khảo!


Dàn ý Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu - Mẫu số 1

Dàn ý phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu ngắn gọn nhất

Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm: Đồng chí, tác giả: Chính Hữu.

- Hoàn cảnh sáng tác: đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt bắc.

     Vào những năm kháng chiến chống Pháp, đất nước ta sục sôi ý chí, quyết tâm đánh giặc. Hoà mình vào khí thế ấy đã có hàng vạn, hàng triệu thanh niên nhập ngũ. Những chiến sĩ dũng cảm, can trường ấy đã trở thành một hình tượng, một đề tài trong thơ ca thời đó. Một trong những bài thơ rất hay về người chiến sĩ, về tình đồng đội là bài Đồng chí của nhà thơ lính Chính Hữu.

Thân bài:

1.Cơ sở hình thành tình đồng chí:

- Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân của những người lính:

"Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá".

     "Anh" ra đi từ vùng "nước mặn đồng chua", "tôi" từ miền "đất cày lên sỏi đá". Hai miền đất xa nhau, "đôi người xa lạ" nhưng cùng giống nhau ở cái "nghèo". Hai câu thơ giới thiệu thật giản dị hoàn cảnh xuất thân của người lính: Họ là những người nông dân nghèo.

- Tình đồng chí hình thành từ sự cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng, sát cánh bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu:

"Súng bên súng, đầu sát bên đầu"

     Họ vốn "chẳng hẹn quen nhau" nhưng lý tưởng chung của thời đại đã gắn kết họ lại với nhau trong hang ngũ quân đội cách mạng. "Súng" biểu tượng cho nhiệm vụ chiến đấu, đầu biểu tượng cho lý tưởng, suy nghĩ. Phép điệp từ (súng, đầu, bên) tạo nên âm điệu khoẻ, chắc, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lý tưởng, cùng chung nhiệm vụ.

- Tình đồng chí nảy nở và bền chặt trong sự chan hoà và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui:

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.

     Cái khó khăn thiếu thốn hiện lên: Đêm rét, chăn không đủ đắp nên phải "chung chăn". Nhưng chính sự chung chăn ấy, sự chia sẻ với nhau trong gian khổ ấy đã trở thành niềm vui, thắt chặt tình cảm của những người đồng đội để trở thành "đôi tri kỷ".

* Đến đây, nhà thơ hạ xuống một giọng thơ thật đặc biệt với hai tiếng: "Đồng chí!" câu thơ ngắn, cùng với hình thức cảm thán mang âm điệu vui tươi, vang lên như một sự phát hiện, một lời khẳng định,. Hai tiếng "đồng chí" nói lên một tình cảm lớn lao, mới mẻ của thời đại .

=> Sáu câu thơ đầu đã giải thích cội nguồn và sự hình thành của tình đồng chí giữa những người đồng đội. Câu thơ thứ bảy như một cái bản lề khép lại đoạn thơ một để mở ra đoạn hai.

2. Những biểu hiện cảm động của tình đồng đội:

- Tình đồng chí là sự cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi niềm của nhau. Những người lính gắn bó với nhau, họ hiểu đến những nỗi niềm sâu xa, thầm kín của đồng đội mình:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

     Người lính đi chiến đấu để lại sau lưng những gì yêu quý nhất của quê hương: Ruộng nương, gian nhà, giếng nước gốc đa,... Từ "mặc kệ"cho thấy tư thế ra đi dứt khoát của người lính. Nhưng sâu xa trong lòng, họ vẫn da diết nhớ quê hương. Ở ngoài mặt trận, họ vẫn hình dung thấy gian nhà không đang lung lay trong cơn gió nơi quê nhà xa xôi.

- Tình đồng chí còn là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính:

"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Rét run người vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay."

     Những gian lao, thiếu thốn trong cuộc sống của người lính những năm kháng chiến chống pháp hiện lên rất cụ thể, chân thực: áo rách, quần vá, chân không giày, ...Sự từng trải của đời lính đã cho Chính hữu "biết" được sự khổ sở của những cơn sốt rét rừng hành hạ: người nóng sốt hầm hập đến ướt cả mồ hôi mà vẫn cứ ớn lạnh đến run người. Và nếu không có sự từng trải ấy, cũng không thể nào biết được cái cảm giác của "miệng cười buốt giá": trời buốt giá, môi miệng khô và nứt nẻ, nói cười rất khó khăn, có khi nứt ra chảy cả máu. Thế nhưng, những người lính vẫn cười trong gian lao, bởi họ có hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội "thương nhau tay nắm lấy bàn tay". Hơi ấm ở bàn tay, ở tấm lòng đã chiến thắng cái lạnh ở "chân không giày" và thời tiết "buốt giá". Trong đoạn thơ, "anh" và "tôi" luôn đi với nhau, có khi đứng chung trong một câu thơ, có khi đi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau. Cấu trúc ấy đã diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội.

* Liên hệ mở rộng: Tình đồng đội trong bài "Những ngôi sao xa xôi" - Lê Minh Khuê.

3. Đoạn kết:

- Ba câu cuối cùng kết thúc bài thơ bằng một hình ảnh thơ thật đẹp:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

     Nổi lên trên cảnh rừng đêm hoang vắng, lạnh lẽo là hình ảnh người lính "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". Đó là hình ảnh cụ thể của tình đồng chí sát cánh bên nhau trong chiến đấu. Họ đã đứng cạnh bên nhau giữa cái giá rét của rừng đêm, giữa cái căng thẳng của những giây phút "chờ giặc tới". Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp họ vượt lên tất cả…

- Câu thơ cuối cùng mới thật đặc sắc: "Đầu súng trăng treo". Đó là một hình ảnh thật mà bản thân Chính Hữu đã nhận ra trong những đêm phục kích giữa rừng khuya: "...suốt đêm vầng trăng từ bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc nó như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với chúng tôi như một người bạn; rừng hoang sương muối là một khung cảnh thật...".

- Nhưng nó còn là một hình ảnh thơ độc đáo, có sức gợi nhiều liên tưởng phong phú sâu xa.

+ "Súng" biểu tượng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt. "Trăng" biểu tượng cho vẻ đẹp yên bình, mơ mộng và lãng mạn.

+ Hai hình ảnh "súng" và "trăng" kết hợp với nhau tạo nên một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính: chiến sĩ mà thi sĩ, thực tại mà mơ mộng. Hình ảnh ấy mang được cả đặc điểm của thơ ca kháng chiến - một nền thơ giàu chất hiện thực và giàu cảm hứng lãng mạn.

+ Vì vậy, câu thơ này đã được Chính Hữu lấy làm nhan đề cho cả một tập thơ - tập "Đầu súng trăng treo".

+ Đoạn kết bài thơ là một bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính.

Kết bài:

- Tóm tắt các ý đã phân tích.

- Liên hệ bản thân.

     Bài thơ kết thúc nhưng lại mở ra những suy nghĩ mới trong lòng người đọc. Bài thơ đã làm sống lại một thời khổ cực của ông cha ta, làm sống lại chiến tranh ác liệt. Bài thơ khơi gợi lại những kỷ niệm đẹp, những tình cảm tha thiết gắn bó yêu thương mà chỉ có những người đã từng là lính mới có thể hiểu và cảm nhận hết được.

     Với nhiều hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi thân thuộc, với biện pháp sóng đô, đối ngữ được sử dụng rất thành công, Chính Hữu đã viết nên một bài ca với những ngôn từ chọn lọc, bình dị mà có sức ngân vang . Bài thơ đã ca ngợi tình đồng chí hết sức thiêng liêng , như là một ngọn lửa vẫn cháy mãi, bập bùng, không bao giờ tắt, ngọn lửa tháp sáng đêm đen của chiến tranh.


Dàn ý Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu - Mẫu số 2

A, Mở bài

- Giới thiệu tác giả Chính Hữu: Nhà thơ Chính Hữu có họ tên là Trần Đình Đắc, bút danh là Chính Hữu, sinh năm 1928. quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Là chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, ông cũng là nhà thơ chiến sĩ trong suốt những năm dài khói lửa chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Chính Hữu làm thơ không nhiều và hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Thơ ông bình dị, cảm xúc dồn nén, vừa thiết tha vừa trầm hùng:

- giới thiệu bài thơ "Đồng chí":

     Bài thơ "Đồng chí là một trong những bài thơ đặc sắc viết về đề tài người lính trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và được viết vào đầu mùa xuân năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc. Bài thơ ca ngợi tình đồng chí cao cả và thiêng liêng của những người nông dân mặc áo lính, ra đi vì tiếng gọi tổ quốc.

B. Thân bài

1. Cơ sở hình thành tình đồng chí:

- Hai câu thơ đầu có giọng điệu tâm tình của một tình bạn thân thiết:

"Quê hương anh nước mặn, đồng chua,

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá".

- Những người lính đều có xuất thân là những vùng quê nghèo khổ, là nơi "nước mặn, đồng chua", là xứ sở "đất cày lên sỏi đá". Mượn tục ngữ, thành ngữ để nói về làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu của mình, Chính Hữu đã làm cho lời thơ trở nên bình dị, chất thơ mộc mạc 

- Năm câu thơ tiếp theo kể về sự chuyển biến từ"đôi người xa lạ" rồi "thành đôi tri kỉ", về sau trở thành "đồng chí". Chính nhờ cùng mục tiêu chiến đấu nên họ từ những người xa lạ mà gắn kết với nhau thành đồng chí chung một hàng ngũ quân đội.

2, Những biểu hiện của tình đồng chí.

- "Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Đồng chí!"

- "Súng bên súng" là cách nói ẩn dụ cho việc chung lí tưởng chiến đấu. Họ cùng ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước quê hương, vì độc lập, tự do của dân tộc.

- "Đầu sát bên đầu" là hình ảnh diễn tả ý hợp tâm đầu của đôi bạn tâm giao.

- Câu thơ "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ" là câu thơ hay và cảm động gợi ra kỉ niệm một thời gian khổ đã qua.

- Câu đặc biệt "Đồng chí" như một lời xúc động của tác giả về tình cảm đồng chí thắm thiết. Nó dường như là một bản lề đóng lại những câu thơ ở trên và mở ra các câu thơ ở dưới.

- Ba câu thơ tiếp theo thể hiện việc họ chung một nỗi nhớ: nhớ ruộng nương, nhớ bạn thân cày, nhớ gian nhà, nhớ giếng nước, gốc đa. 

"Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay,

Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính".

- "Giếng nước, gốc đa" là hình ảnh thân thương của làng quê được ẩn dụ và nhân hóa trở thành những con người ở lại có nỗi nhớ đối với người ra đi. 

- Chung hoàn cảnh khó khăn, đó là trải qua những cơn sốt rét.

"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

miệng cười buốt giá chân không giày,.."

     Trong hoàn cảnh thiếu thốn và khổ sở ấy, những người lính vẫn hiện lên với hình ảnh "Miệng cười buốt giá". Hình ảnh này không những thể hiện tinh thần lạc quan của họ mà còn thể hiện được tình đồng chí sâu đậm.

- Hình ảnh "Tay nắm lấy bàn tay" chính là cái nắm tay để động viên nhau, truyền cho nhau tình thương và sức mạnh, đế vượt qua mọi thử thách.

3, Biểu tượng sâu sắc của tình đồng chí

-  "đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới" cho thấy một tư thế chủ động, cùng nhau kề vai sát cánh của những người lính.

- Hình ảnh "đầu súng trăng treo" là một sáng tạo thi ca mang vẻ đẹp lãng mạn cùa thơ ca kháng chiến. Trong rừng, vầng trăng Việt Bắc giữa núi ngàn chiến khu tỏa sáng trong màn sương mờ huyền ảo. Ta thấy được dường như mọi gian nan căng thẳng của trận đánh sẽ diễn ra đang nhường chỗ cho vẻ đẹp huyền diệu, thơ mộng của vầng trăng, và chính đó cũng là vẻ đẹp cao cả thiêng liêng của tình đồng chí, tình chiến dấu.

C, Kết bài

     Bài thơ "Đồng chí" vừa mang vẻ đẹp giản dị, bình dị khi nói về đời sống vật chất của người chiến sĩ, lại vừa mang vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng, thơ mộng khi nói về đời sống tâm hồn, về tình đồng chí của các anh – người lính binh nhì buổi đầu kháng chiến.


Dàn ý Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu - Mẫu số 3

Dàn ý phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu ngắn gọn nhất (ảnh 2)

Mở bài:

     Viết về đề tài tình cảm trong chiến tranh vốn là đề tài đước các văn nghệ sĩ hết sức quan tâm. Đóng góp vào kho tàng ấy, nhà thơ Chính Hữu với bài thơ “Đồng chí” đã tái hiện lại hình ảnh người lính chống Pháp một cách chân thực, giàu tính lãng mạng. “Đồng chí” là bài thơ ca ngợi một tình cảm mới, quan hệ mới giữa người với người trong cách mạng và kháng chiến. Đó là tình cảm gắn bó, sẻ chia được gửi vào hai tiếng “đống chí” thân thương.

Thân bài:

* 7 câu thơ đầu: Cơ sở hình thành tình đồng chí:

Mở đầu bài thơ, tác giả giới giả giới thiệu cảnh ngộ của những người lính:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

     Hai câu thơ sóng đôi nhau như những người bạn bên nhau. Giọng thơ tâm tình, thủ thỉ, tâm tình, thân thiết. Hai cụm từ, hai thành ngữ: “nước mặn đồng chua, đất cày sỏi đá” quen thuộc, gần gũi. Câu thơ mô tả cuộc sống nghèo khó của những người lính. Họ là những người nông dân mặc áo lính, quen thuộc việc cày cấy hơn là cầm súng ra chiến trận. Đất nước có loạn, họ buông tay cuốc tay cày để cầm súng lên đường tiêu diệt kẻ thù chung.

     Cùng thời, nhà thơ Hồng Nguyên trong bài thơ “Nhớ” cũng viết về những người nông dân mặc áo lính rất cảm động:

“Lũ chúng tôi”

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi một hai

Súng bắn chưa quen

Quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến”.

     Họ gặp nhau nơi chiến tuyến, trong cùng một đơn vị với bao ước mơ và khát vọng lớn lao. Người lính nông dân áo vải bọc bạch với nhau nhũng lời tâm sự chân thành và thấu hiểu:

“Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

     Hai từ “anh”, “tôi” vừa đứng ở hai dòng thơ, sang đến dòng thơ thứ ba đã hội nhập lại làm một: “Anh với tôi”, trên cùng một dòng thơ. Đó là sự gặp gỡ, là sự đồng tình, đồng cảm… Từ “đôi” mà Chính Hữu sử dụng vừa là vần vừa là điệu, vừa thể hiện sự gắn chặt bên nhau giữa hai người lính, không thể tách rời.

     Từ “xa lạ” đến “thân quen” là một sự hội ngộ bất ngờ. Sự hội ngộ ấy chính là sự gặp gỡ của những người lính có những điểm chung. Trước hết, ở họ có chung nhau nhiệm vụ chiến đấu, chung một kẻ thù:

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”.

     Cùng cầm súng bảo vệ tổ quốc. Họ là người lính vệ quốc. Họ có chung một lý tưởng, một niềm tin: đánh tan giặc Pháp xâm lược, đuổi chúng về Tây, xây dựng lại cuộc đời ấm êm, thanh bình của những người nông dân Việt Nam bên ruộng đồng với con trâu, nhánh lúa, củ khoai… Hai từ mang nghĩa chuyển với phương thức ẩn dụ: “súng, đầu” được luyến láy, lặp lại, càng khẳng định ước mơ, lý tưởng ấy của họ. “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”, hai vế câu sóng đôi với nhau như muốn hình tượng hóa những người lính bên nhau có nhau trong cuộc chiến đấu thần kì, chống kẻ thù chung.

     Họ chung nhau một cuộc chiến đấu gian khổ, thiếu thốn: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. Cái khó khăn của thời kì đầu kháng chiến chống Pháp mà họ cần phải vượt qua, phải khắc phục và chiến thắng nó. Và cũng từ trong gian khổ, khó khăn, ở họ lại hình thành một tình cảm mới: sự thấu hiểu, chia sẻ, tinh thần đồng cam cộng khổ, họ gọi nhau, xem nhau là “tri kỷ”.

     Hai câu thơ vừa như một lời tự sự, như một lời chia sẻ, đồng cảm thân thiết giữa những người lính bộ đội cụ Hồ. Từ những điểm chung cao quý ấy, họ gọi nhau là “đồng chí” đầy trìu mến. Hai tiếng đồng chí vừa bình dị vừa thiêng liêng. Bình dị là bởi họ không cần điều chi lớn lao ngay lúc này ngoài việc cùng chung chí hướng, cùng chiến đấu chống kẻ thù bảo vệ đất nước. Thiêng liêng là bởi những người lính Việt Nam đã chọn một danh từ có hàm nghĩa sau sắc để chỉ một mối quan hệ mang tính thời đại – tình cảm gắn kết của những người cộng sản trong mặt trận chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc.

     Hai tiếng thơ thân thương biết mấy của quá trình hình thành tình cảm đặc biệt của những người lính: xa lạ → quen nhau → tri kỷ → đồng chí! Câu thơ chỉ có một từ. Một từ lắng đọng. Một từ thiêng liêng, cao cả. Bởi nó khẳng định sự gắn bó bền chặt của những người lính bên nhau, có nhau, không thể cắt rời. Hai tiếng thơ thật tha thiết, cứ thấm dần, thấm dần vào lồng xương, ống máu; ở tận tâm can của họ, động viên họ vượt qua gian khổ, khó khăn; sống chết có nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi…

     Câu thơ như một nốt nhấn trong bản tình ca sâu lắng, là câu thơ chốt của toàn đoạn thơ gồm bảy câu với ý tưởng: Như thế là đồng chí!

* 10 câu thơ tiếp theo:  Biểu hiện của tình đồng chí:

Hai câu đầu:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay”.

– Giọng tâm tình, chia sẻ…

– Nỗi niềm: ruộng nương → gửi lại bạn thân,

Gian nhà       → mặc kệ sự nghèo khó.

→ “bạn thân” là ai? → mẹ, chị, vợ, em gái của anh? (khi tất cả trai làng đều lên đường đáp lười thiêng liêng của núi sông)

→ hai từ “gửi, mặc kệ” → thái độ dứt khoát của người lính: dứt áo ra đi, một lòng lên đường kháng chiến bảo vệ tổ quốc:

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng là rơi đầy…”.

(Nguyễn Đình Thi)

→ Vẻ đẹp của người lính: Đức hi sinh, quên mình, gác lại tình riêng, đáp lời sông núi.

→ Biểu hiện tình yêu nước, yêu làng quê của người nông dân sao mộc mạc, dung dị, chân chất, không một chút hoa mỹ cầu kỳ, chau chuốt.

Câu tiếp: “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

– “Giếng nước gốc đa” → Những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam (lũy tre, đình làng, dòng sông, bờ ruộng, cầu ao, gốc rạ…) → Gợi đến hình ảnh những người thân ở làng quê; hình bóng quê nhà; hậu phương vững mạnh… đang dõi theo, đang đợi chờ, mong ngóng…

– Hình ảnh “Người ra lính” → mang ý nghĩa khái quát → chỉ chung những người con của quê hương đang lên đường bảo vệ tổ quốc; những con người đang xông pha giữa chiến trận gian lao, nguy hiểm, ở tiền tuyến xa xôi.

→ Cả hai hình ảnh gắn kết với nhau qua từ “nhớ”, sao thân thương, tha thiết. Đó chính là sự giao hòa, đoàn kết, gắn bó giữa hậu phương và tiền tuyến bền chặt bên nhau → Hai hình ảnh hoán dụ thật đặc sắc, độc đáo.

Sáu câu tiếp:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi

Áo anh rác vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày”.

– Những câu thơ ngắn, sóng đôi liên tiếp:

“Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá”

Và:

“Miệng cười buốt giá

Chân không giày”.

     Những câu thơ giàu sức biểu cảm, diễn đạt rất chân thực những khó khăn, thiếu thốn hoặc những lúc ốm đau bệnh tật, những cơn  sốt rét rừng trong cuộc sống chiến đấu nhiều gian khổ mà hầu như người lính nao cũng trải qua. Những câu thơ thật gần gũi, thân thuộc như chính cuộc sống chiến đấu lúc bấy giờ trải ra trên trang thơ đến ấn tượng, khó có thể nào quên.

Chính Hữu cũng viết trong “Ngày về”

“Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”.

     Hai câu thơ bóng bẩy, hoa mỹ, thế nhưng ít người nhớ đến. Ngược lại, người đọc nhớ mãi, xúc động đến không cùng những “cơn ớn lạnh, sốt run người, ướt mồ hôi, áo rách vai, quần mảnh vá…” Thế mới thấy thơ hay là hay ở tiếng thơ, lời thơ chân thực, dung dị, mộc mạc của cuộc sống.

     Hai hình ảnh tưởng chừng đối lập: “Miệng cười buốt giá” và “Chân không giày”  làm sáng lên tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống chiến đấu lúc bấy giờ của những người lính vệ quốc.

     Chính cuộc sống ở chiến trường gian khổ, cuộc sống của những người lính cùng chia sẻ, đồng cảm với nhau giúp cho Chính Hữu thêm vốn sống, sự hiểu biết để sáng tác những vần thơ truyền cảm đến vậy! Đồng thời nhưng hình ảnh thơ chân thực, gần gũi với cuộc sống – chiến đấu gian khổ lúc bấy giờ của những người lính vệ quốc đã có sức lôi cuốn gây xúc động mạnh trong lòng độc giả.

     Nói như nhà thơ Xuân Diệu: “Chính Hữu dám đưa những hình ảnh bình dị mà đặc sắc này vào thơ như tiếng súng bắn đoàng, giản dị mà sâu sắc đến giật mình!” Những gian khổ ấy còn là biểu tượng cho tình đồng đội gắn bó bên nhau ngay cả những lúc gian nan nhất. Đó cũng chính là nét đẹp của người lính Cụ Hồ, nét đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam.

     Câu thơ cuối: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” là một hình ảnh thơ giàu sức biểu cảm. Cách thể hiện tình cảm của người lính cũng giản dị và chân thật như chính con người họ vậy. Không ồn ào, không hình thức; thật lặng lẽ và đầy xúc động! Chỉ là một cái nắm tay hết sức bình thường nhưng bao nhiêu năm tâm sự đều gửi gắm trong đó. Họ nắm tay để truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh, nghị lực; động viên nhau vượt qua gian khổ, thúc giục nhau cùng vững vàng tiến bước đi lên…

     Đồng cảm, sau này, nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng viết

“Phút chia tay ta chẳng nói câu gì

Điều muốn nới đôi bàn tay đã nói”.

Một sự gặp gỡ thật thú vị.

3 câu thơ cuối: sức mạnh của tinh thần đồng chí:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”.

     Trong những giây phút đối mặt với kẻ thù, tình đồng chí càng trở nên cao đẹp, thiêng liêng. Điều kiện chiến đấu thử thách gian lao: “rừng hoang, sương muối” nhưng những người lính không đơn độc, không rét buốt; bên cạnh họ là tình đồng đội ấm áp: “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”.

     Hơn lúc nào hết, người lính thấm thía tình đồng đội, cùng chia sẻ với nhau sự sống và chết. Có đồng đội, họ có tư thế chiến đấu hiên ngang, chủ động, họ biến cái không thể thành có thể, làm cho những gian lao, khó nhọc trở nên nhẹ nhàng.

     Biểu tượng “Đầu súng trăng treo” là một biểu tượng nghệ thuật độc đáo, đậm chất thơ. Câu thơ có sự kết hợp nhuần nhị giữa hai bút pháp nghệ hiện thực và lãng mạn. Cuộc chiến đấu gian khổ ác, liệt là hiện thực trước mắt. Còn ánh trăng bền vững trên cao là biểu tượng của ước mơ, hạnh phúc và an vui. Hình ảnh còn là sự hài hòa giữa hai tâm hồn chiến sĩ và thi sĩ; giữa hai tính chất: trữ tình và chiến đấu.

     Cách xây dựng những câu thơ sóng đôi biểu hiện sự gắn bó, sẻ chia những gian nan, nhọc nhằn trong cuộc sống chiến đấu chống kẻ thù chung. Ngôn từ chọn lọc, chân thực, cô đọng và hàm súc → diễn đạt một ý tưởng trọn vẹn đi dọc suốt bài thơ: Tình đồng đội đồng chí thắm thiết – điểm tựa tin cậy cho người lính những khi đối mặt với hiểm nguy – cái chết.

Kết bài:

     Chiến tranh đã đi qua nhưng những năm tháng lịch sử ấy là thời khắc không thể nào quên. Nhà thơ Chính Hữu cùng bài thơ “Đồng chí” đã góp thêm vào trang sử hào hùng của dân tộc một hình tượng văn học mơi: hình tượng người lính Cụ Hồ và ý nghĩa cao đẹp của tình đồng đội, đồng chí. Những người lính ấy đã hi sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh vệ quốc, mãi mãi được những người đời sau ghi nhớ

“Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm nên Đất Nước”.

---/---

Trên đây là Dàn ý phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu do Top lời giải sưu tầm được, mong rằng với nội dung tham khảo này các em có thể triển khai bài văn của mình tốt nhất, chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021