logo

Dàn ý chi tiết phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt

Hướng dẫn lập dàn ý Dàn ý chi tiết phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt ngắn gọn, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý chi tiết phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt - Mẫu số 1

Dàn ý chi tiết phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

– Truyện ngắn Vợ nhặt là sáng tác hấp dẫn để lại nhiều dấu ấn của tác giả.

– Nhân vật bà cụ Tứ là hiện thân của người nông dân nghèo và có diễn biến tâm trạng khá phức tạp.

2. Thân bài

a) Bà cụ Tứ ngạc nhiên khi Tràng dắt vợ về

– Hoàn cảnh lúc này đang vô cùng khó khăn nhưng con trai bà lại dẫn vợ về.

– Bà cụ Tứ vô cùng ngạc nhiên vì con mình không chỉ nghèo mà lại còn xấu xí nhưng vẫn lấy được vợ.

– Bà không dám tin vào những điều mắt thấy, tai nghe.

b) Bà cụ Tứ vừa mừng vừa tủi

– Lòng bà có chút buồn khi nghĩ đến chồng và con gái.

– Bà vui vì cuối cùng con trai cũng lấy được vợ nhưng buồn vì không thể cho con một lễ cưới hỏi đàng hoàng.

– Bà cũng không biết lấy gì để cúng tổ tiên, báo cáo rằng con mình đã có vợ.

– Bà thương cho cô con dâu vì cũng phải chịu nhiều thiệt thòi.

c) Nỗi lo của bà cụ Tứ

– Bà lo lắng cho gia đình nhỏ không biết sẽ sống thế nào trong hoàn cảnh đói kém này.

– Bà khuyên nhủ các con nương vào nhau để sống.

d) Niềm tin vào tương lai của cụ Tứ

– Bà có những suy nghĩ tốt đẹp về tương lai.

– Bà sửa sang lại nhà cửa vườn tược.

– Bà nấu bữa cháo cám đầy tình yêu thương.

– Trong đói khổ bà vẫn tạo ra một không khí ấm cúng.

3. Kết luận

– Nêu cảm nhận của em về nhân vật bà cụ Tứ.


Dàn ý chi tiết phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt - Mẫu số 2

1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về nhà văn Kim Lân cùng tác phẩm Vợ nhặt.

- Dẫn dắt đến hình tượng mẹ Tràng cùng diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ vô cùng phức tạp. 

2. Thân bài

- Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ khi chưa biết con nhặt vợ.

- Sự ngạc nhiên, sững sờ cùng tâm trạng vừa mừng vừa lo.

- Bữa cơm trong ngày đói và niềm tin của nhân vật bà cụ Tứ.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Tóm tắt ý nghĩa của “Vợ nhặt” cũng như giá trị hiện thực và nhân đạo qua nhân vật bà cụ Tứ. 

- Bày tỏ những suy nghĩ của bản thân khi phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ.


Dàn ý chi tiết phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt - Mẫu số 3

1. Mở bài

- Vợ nhặt là một tác phẩm nổi tiếng của Kim Lân

- Cụ tứ là một trong những nhân vật của tác giả

- Một hiện thân của người dân nghèo thời kì khó khăn

- Là nhân vật trọng tâm của cả bài

- Tâm trạng diễn biến phức tạp

2. Thân bài

a) Sự ngạc nhien của cụ khi a Tràng dắt vợ về

- Con trai lấy vợ trong lúc bấy giờ rất khó khăn, với người như anh không dễ gì có vợ, nên cụ ngạc nhiên

- Bà cụ ngạc nhiên vì con mình xấu xí, nghèo mà vẫn có vợ trong thời khó khăn

- Khi làm về, thấy một người phụ nữ ngồi trong nhà mà còn thưa u

- Bà cụ vẫn không tin vào những gì con trai mình nói “Kìa nhà tôi nó chào u”..”Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”

- Bà vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra

b) Tâm trạng vừa mừng vừa tủi của bà cụ

- Khi biết rằng con bà “ nhặt” được vợ, bà nghĩ đến chồng, đến con gái trở nên buồn hơn

- Vui vì con đã an bề gia thất, buồn phận làm mẹ mà không cưới nổi vợ cho con

- Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn

- Bà không biết lấy gì để cúng tổ tiên, để trình làng con đã có vợ

- Bà cụ Tứ khóc vì mừng con có vợ, khóc vì thương con dâu không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này.

- Bà cụ xót thương cho con dâu, buồn tủi cho nà mình

c) Nỗi lo của bà cụ Tứ

- Bà lo cho con trai, con dâu, cái gia đình nhỏ của mình không biết phải qua những ngày khó khăn như thế nào

- Bà chỉ biết khuyên con, khuyên dâu thương nhau, vượt qua khó khăn

- Nỗi lo, nổi thương của người mẹ từng trải, hiểu đời có tấm lòng sâu thẳm đối với mình

d) Niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống của cụ Tứ

- Bà suy nghĩ vui trong những điều tốt đẹp tương lai “Rồi ra may mà ông giời cho khá…”

- Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa

- Vui trong bữa cơm đạm bạc đầu tiên có con dâu

- Bà vẫn luôn tạo một không khí ấm cúng cho bữa ăn để con đâu đở tủi

3. Kết bài

- Nghệ thuật đặc sắc trong diễn biến tâm trạng nhân vật

- Tác phẩm có nội dung nhân đạo sâu sắc và cảm động


Phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt - Bài mẫu

     Người mẹ Việt Nam luôn là một nguồn cảm hứng sáng tạo của văn chương. Không một thể loại nào là không có các tác phẩm viết về mẹ. Trong các tác phẩm của nhà văn của Kim Lân, người đọc chắc có lẽ không thể không bị ấn tượng bởi nhân vật bà cụ Tứ. Bà là một người mẹ nghèo có tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương con người và có niềm tin vào tương lai.

     Bà cụ Tứ là mẹ của anh cu Tràng. Trong tác phẩm, bà xuất hiện trước người đọc trong bóng hoàng hôn tê tái, người mẹ nghèo khổ "húng hắng ho" chẳng khác nào một cái bóng đi vào ngõ. Trước mái tranh đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Nhà văn đặt nhân vật vào hoàn cảnh bất ngờ đó là việc đứa con trai đưa một người đàn bà về nhà làm vợ vào giữa ngày đói khủng khiếp và cái chết đang rình rập gõ cửa từng nhà. Viết về bà cụ Tứ nhà văn đi sâu vào phân tích tâm lý và tấm lòng nhân ái đáng quí đáng trọng của bà đối với các con.

     Cũng như mọi người trong xóm ngụ cư, lúc đầu bà rất ngạc nhiên và không thể hiểu nổi điều gì xảy ra. Thấy Tràng ra đón từ ngoài ngõ lại reo lên như một đứa trẻ vồn vã khác thường. Tâm trạng bà cụ Tứ trở nên phấp phỏng, có cái gì đấy bất thường đang chờ đợi bà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, càng ngạc nhiên hơn. Kim Lân đã chọn ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả tâm trạng bà cụ: "Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?" Cho đến khi nghe Tràng phân trần cắt nghĩa, bà cụ mới hiểu. Lòng bà ngổn ngang những lo âu, tủi cực, xót thương lẫn vui mừng. "Bà lão cúi đầu nín lặng". Trong lòng bà đầy những ám ảnh của một dĩ vãng nặng trĩu những đắng cay. Bà nghĩ đến ông lão, đến đứa con Út, đến cuộc đời cơ cực dài dằng dặc của mình mà thương, mà tủi cực xót xa: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì…" Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai hàng nước mắt. Nạn đói đang đe dọa, con có vợ bà lo lắng thự

     Từ xót xa, mặc cảm, lo lắng bà nghĩ tới cái may của gia đình. Bà xót thương người đàn bà lạ. Lòng người mẹ nghèo nhân hậu thấu hiểu cảnh ngộ người con gái xa lạ bỗng trở thành con dâu của mình. "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được.." Nghĩ thế bà vui trong lòng, cử chỉ của bà dịu dàng âu yếm. Bà gọi người đàn bà xa lạ là "con" xưng hô "u" một cách chân tình: "Thôi thì các con phải duyên kiếp với nhau u cũng mừng lòng". Với bổn phận làm mẹ, bà ao ước có được "dăm ba mâm" trước cúng tổ tiên sau mời làng xóm. Có thể nói bà là người suy nghĩ trước sau song cái khó bó cái khôn, ao ước giản dị ấy không thể thực hiện vì quá nghèo.

     Thương con, bà thương dâu. Bà dặn dò nàng dâu bằng những lời động viên an ủi "Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông trời cho khá. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ ai khó ba đời? Có ra rồi con cái chúng mày về sau". Bà lại động viên an ủi " cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá".

     Sáng hôm sau, con trai đã có vợ. Gia đình bà dường như đã thay đổi. Sáng hôm sau bà cùng con dâu dậy sớm thu dọn, quét tước nhà cửa." Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên". Bữa cơm đãi nàng dâu thật thảm hại. "Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo". Bà đãi nàng dâu mới món "chè khoán" cháo cám. Nhưng bà toàn nói chuyện vui, chuyện sung sướng sau này, bà dặn con trai. Mấy hôm nữa mua ít nứa về ngăn cho khỏi trống, có tiền nuôi mấy con gà chẳng mấy chốc có cả đàn gà. Bà đem lại cho cá con niềm tin cuộc sống mặc dù tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập, tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết. Không khí ảm đạm vẫn bao trùm cuộc sống. Có thể nói trong bức tranh xã hội sáng hôm ấy, bà cụ Tứ là một điểm sáng về đạo lý làm người. Người mẹ không ao ước cho mình mà luôn sống vì con, cho con, cho lớp con cháu mai sau.

     Nhân vật bà cụ Tứ tưởng như không thể có được nhất là trong hoàn cảnh gia đình bà, sự tăm tối của xã hội. Ngọn lửa tình mẫu tử ấy cũng đã đủ nhóm lên giữ niềm tin hi vọng vào tương lai tươi sáng. Nét đẹp và nhân hậu vốn có trong bà được tác giả diễn tả tinh tế qua cách sử dụng ngôn ngữ chọn lọc trong diễn tả tâm lý nhân vật, góp phần khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ nghèo Việt Nam.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021