logo

Dàn ý cảm nghĩ giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

Tổng hợp Dàn ý giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh do Top lời giải sưu tầm và biên soạn. Qua dàn ý và các bài văn mẫu được biên soạn ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây sẽ giúp các bạn có thêm tài liệu, các cách hành văn khác nhau, qua đó có thể tiếp cận tác phẩm với cái nhìn đa chiều, mới mẻ hơn. Mời các bạn cùng xem!


Dàn ý giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

Dàn ý giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề: Khái quát vài nét về xã hội phong kiến.

- Nêu vấn đề: Giá trị hiện thực của tác phẩm Vào phủ chúa Trịnh.

2. Thân bài

- Nhân sự kiện Lê Hữu Trác được lệnh vào cung chữa bệnh cho Thế tử, được tận mắt chứng kiến, cảm nhận về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa, ông đã ghi chép lại.

- Khung cảnh hoành tráng, nguy nga nơi phủ chúa:

+ Những hàng cây cao vút, um tùm, mùi hương hoa thơm nức mũi.

+ Đâu đâu cũng có kẻ hầu người hạ túc trực.

+ Mọi đồ vật trong phủ chúa đều được sơn son thiếp vàng tráng lệ, có những thứ hình dáng mới lạ, kiểu cách xinh đẹp.

=> Từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều mĩ cảnh nhân gian, vậy nhưng Lê Hữu Trác cũng phải cúi đầu trước vẻ xa hoa, kiều diễm của phủ chúa.

- Cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa: 

+ Được mời đến chữa bệnh nhưng tác giả cũng chỉ được đi cửa sau, qua nhiều lần cửa mới đến nơi Thế tử nằm, chào hỏi khép nép...

+ Người hầu kẻ hạ ở phủ chúa nhiều không kể xiết.

+ Khi được mời dùng cơm trong phủ chúa: Mọi thứ đều được làm bằng vàng, bạc; đồ ăn toàn của ngon vật lạ, những mĩ vị nhân gian mà ông chưa một lần nếm thử.

=> Đời sống của chúa Trịnh hết sức xa xỉ, tha hồ hưởng thụ cuộc sống nhung lụa mặc lời kêu khóc lầm than của dân chúng.

- Bức tranh phù phiếm về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa được khắc họa rõ nét qua căn bệnh của thế tử: Một đứa trẻ tầm 5, 6 tuổi an nhàn hưởng thụ mọi vinh hoa phú quý trên đời, không phải hoạt động, ăn no, mặc ấm

=> Tạng phủ yếu, bệnh tật lâu ngày không khỏi dẫn đến héo mòn khí huyết, da khô, gầy gò, nổi đầy gân xanh

=> Mặc bệnh do ăn ở quá sung sướng. 

=> Chính sự đối lập giữa cuộc sống xa hoa, tráng lệ, ăn chơi sa đọa của chúa Trịnh với đời sống nghèo khổ lầm than của nhân dân lao động đã nổ ra các cuộc đấu tranh đứng lên đòi lại công lí cho mình. 

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị hiện thực của tác phẩm.

- Đánh giá về thái độ, tình cảm của Lê Hữu Trác qua việc phản ánh hiện thực. 


Dàn ý cảm nghĩ về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

Dàn ý giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

1. Mở bài

Giới thiệu về đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh và khái quát giá trị hiện thực được thể hiện trong đoạn trích

2. Thân bài

- Tác giả Lê Hữu Trác đã ghi lại và phản ánh trong tác phẩm của mình đời sống xa hoa, giả dối và đầy thị phi của tầng lớp vua quan:

+ Quang cảnh xa hoa, lộng lẫy trong các dinh thự và phủ các

+ Vườn hoa với "cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương"

+ Nhà "Đại đường", "Quyển bồng", "Gác tía" với kiệu son, võng điều, đồ nghi trượng sơn son thếp vàng.

+ "những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy" cùng "mâm vàng, chén bạc"

- Giá trị hiện thực của tác phẩm còn được tạo nên thông qua những chi tiết về cung cách sinh hoạt trong phủ chúa:

+  "có tên đầy tớ chạy đằng trước hét đường" và "cáng chạy như ngựa lồng".

+  "người giữa cửa truyền báo rộn ràng, người có việc qua lại như mắc cửi". 

-  Tác giả còn gián tiếp lên án và tố cáo đời sống xa hoa, bệnh hoạn của giới quý tộc, quan lại đương thời.

--> Giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm "Vào phủ chúa Trịnh" đã làm nên tính chân thực của "Thượng kinh kí sự" qua bút pháp kí sự vô cùng đặc sắc của tác giả. 

--> Thông qua giá trị hiện thực của tác phẩm, độc giả còn thấy được giá trị nhân đạo ẩn chứa một cách sâu sắc.

+ Thể hiện sự đồng cảm, thương xót đối với cuộc sống cơ cực, lầm than của nhân dân. 

+ Bức tranh về xã hội phong kiến đã được phác họa trong sự đối lập giữa đời sống của tầng lớp quan lại và cuộc sống của những người dân

3. Kết bài

Khái quát giá trị hiện thực của đoạn trích.


Bài mẫu giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh hay nhất

     Mỗi xã hội đều có mặt tối của nó và ở đây luôn có kẻ thống trị và người bị trị. Thật vậy, dù xã hội có mục ruỗng thối tha đến đâu thì cũng không ảnh hưởng gì đến những kẻ cầm quyền, sau cùng cũng chỉ có những kẻ nghèo hèn, thấp cổ bé họng bị chà đạp. Cuộc sống của bọn quan quân mất dạy tham lam vẫn cứ xa hoa ngày qua ngày và nó được thể hiện rất rõ qua tác phẩm "Vào phủ chúa Trịnh". Đây là tác phẩm mang giá trị hiện thực sâu sắc vạch trần bộ mặt xã hội thối nát lúc bấy giờ.

     "Vào Phủ chúa Trịnh" là đứa con đẻ của Lê Hữu Trác, là sự nhức nhối trong lòng của một con người lương thiện yêu thương con người. Trong tác phẩm, ông đã miêu tả chi tiết về sự xa hoa cũng như những điều mà ông tai nghe mắt thấy đến kinh ngạc. Đó là dịp ông đến kinh thành Thăng Long để chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh Sâm, người được coi là có đời sống xa hoa nhất kinh thành lúc bấy giờ và tin đồn ác quái ấy đã đến được với tai ông. Nhưng khi tận mắt chứng kiến, khi được cảm nhận về cuộc sống ấy thì ông lại không khỏi bàng hoàng, mọi thứ còn hơn cả lời đồn khiến ông sững sờ đến không tưởng.

     Mở đầu tác phẩm là khung cảnh hoành tráng, nguy nga diễm lệ của phủ chúa, đó là những hàng cây cao vút um tùm, mùi hương hoa thơm nức mũi, đâu đâu cũng có kẻ hầu người hạ túc trực. Mọi đồ vật trong phủ chúa đều sơn son thiếp vàng tráng lệ, có những thứ hình dáng mới lạ với kiểu cách xinh đẹp khiến người được chứng kiến như mở mang tầm nhìn. Là một thầy thuốc có tiếng, lại là người tự tin đã từng đi khắp nơi, chứng kiến hết mĩ cảnh nhân gian thế nhưng Lê Hữu Trác cũng phải cúi đầu trước vẻ xa hoa, kiều diễm của phủ chúa. Trên nhân gian không có gì phủ chúa không có nhưng chưa chắc thứ ở phủ chúa có mà ở ngoài kia đã có.

     Đi hết cửa này đến cửa khác, được tận mắt nhìn thấy khung cảnh trong phủ chúa khiến ông bàng hoàng không tin nổi vào mắt mình, chẳng biết đây là nhân gian hay chốn thiên đường phú quý nào đó ở một thế giới khác nữa. Thế nhưng vị danh y ấy lại phải trầm trồ một lần nữa bởi quy cách sinh hoạt ở phủ chúa. Được mời đến chữa bệnh nhưng ông cũng chỉ được đi cửa sau, người hậu kẻ hạ ở phủ chúa nhiều vô kể, chưa kể điều đáng ngạc nhiên nhất là khi được dùng cơm ở chốn cao sang quyền quý này. Mọi thứ đều được làm bằng vàng, mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn thứ của ngon vật lạ ở trên đời, những mỹ vị nhân gian mà ông chưa một lần được nếm thử. Đời sống của phủ chúa hết sức xa xỉ, thật vậy, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ cũng rất rối ren, vua Lê nhu nhược chỉ xứng danh bù nhìn và mọi quyền lực đã rơi vào tay cha con chúa Trịnh, vậy là hắn tha hồ tác oai tác quái, hắn hưởng thụ một cuộc sống sung sướng bạc vàng mà chẳng hay dân chúng đang lầm than kêu khóc.

     Cảnh cuộc sống ở phủ chúa mang giá trị tố cáo sâu sắc, đó là sự đối lập hoàn toàn với người dân nghèo khổ, họ bị chi phối về cả vật chất lẫn tinh thần, bị bóc lột đến tận cùng xương máu. Nhưng con giun xéo lắm thì cũng phải quằn, chịu nhiều áp bức, bóc lột đến thế vậy nên con người lao động nghèo khổ cũng biết nương tựa vào nhau để sống, để đấu tranh tìm lối thoát cho cuộc đời mình. Vậy là khắp nơi bắt đầu nổ ra các cuộc đấu tranh, tiếng khóc than oán hận nay trở thành vũ khí để con người đạp đổ cái chế độ thối nát ấy. Họ là những kẻ nghèo hèn bất hạnh đấu tranh để đòi lại công lý cho cuộc đời mình, họ muốn có cuộc đời của riêng họ, sống bình thường và không bị bóc lột, không phải đặt mạng sống nhỏ bé của mình lên trên miệng người khác.

     Là một người sáng suốt cũng như có kiến thức sâu rộng, vậy nên Lê Hữu Trác đã nhanh chóng nhận ra được bản chất của giai cấp cũng như nhận thức được về bản chất của triều đình phong kiến để rồi ông kiên quyết không đặt chân vào chốn lầm than vinh nhục nơi quan trường. Ông chọn cách giấu đi tài nghệ của mình và muốn nhanh chóng thoát ra khỏi chốn hương mật phù phiếm để trở về sống một cuộc sống yên bình nơi núi rừng. Vàng bạc, tiền tài chẳng có nghĩa lý gì khi tâm hồn con người ta bị trói buộc, điều quý giá nhất của con người là tự do, chỉ khi có tự do con người mới thực sự gọi là sống.

     Bức tranh phù phiếm về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa cũng được khắc họa qua bệnh tình của thế tử. Đó là một đứa trẻ tầm năm, sáu tuổi và bị mắc bệnh do ăn ở quá sướng. Nó hưởng mọi vinh hoa phú quý trên đời, sống một cuộc sống nhàn hạ đầy hưởng thụ vậy nên không phải hoạt động, ăn no, mặc ấm khiến tạng phủ yếu, thêm nữa là bệnh tật lâu ngày không khỏi dẫn đến héo mòn khí huyết, da khô, gầy gò và nổi đầy gân xanh. Cái căn bệnh đấy thật sự không khó chữa thế nhưng Lê Hữu Trác lại giấu cái tài của mình đi và chỉ đưa ra một phương thuốc hòa hoãn cho thế tử, ông sợ nếu chữa nhanh quá thì sẽ bị kìm hãm bởi danh lợi, đánh mất tự do, đánh mất lý tưởng sống của mình.

     Khép lại bức tranh sinh động nhưng đầy ngang trái về cuộc sống nơi phủ chúa ta thấy thêm được về sự thối nát và bất công của xã hội lúc bấy giờ. Đó là cuộc sống của bọn cầm quyền, là cái xã hội hời hợt đem mạng sống của con người nghèo khổ làm trò đùa. Đâu đó khắp chốn là những tiếng than khóc, có máu và nước mắt đầy bất hạnh. Qua tác phẩm chúng ta cũng thấy được một danh y với tấm lòng nhân hậu và sáng suốt. Ông quyết không đánh đổi tự do của mình để đổi lấy danh lợi, vì sau cùng đó cũng chỉ là hư danh trước mắt còn tự do là cả cuộc đời. 

---/---

Thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu Dàn ý giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh tiêu biểu được Top lời giải tuyển chọn từ những bài viết xuất sắc của các bạn học sinh. Mong rằng các em sẽ có khoảng thời gian vui vẻ và hữu ích khi học môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021