logo

Dân tộc là gì theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử? Phân tích các đặc trưng của cộng đồng dân tộc.

icon_facebook

Câu hỏi: Dân tộc là gì theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử? Phân tích các đặc trưng của cộng đồng dân tộc.  

Trả lời: 

     Trong triết học duy vật lịch sử, khái niệm “dân tộc” có ý nghĩa quan trọng để nhận thức xã hội, vậy dân tộc là gì?

     Khái niệm “dân tộc” thông thường được dùng để chỉ hầu như tất cả các hình thức cộng đồng người (bộ lạc, bộ tộc, tộc người, dân tộc). Ta cần phân biệt “dân tộc” theo nghĩa rộng này với “dân tộc” theo nghĩa khoa học: Dân tộc là hình thức cộng đồng người cao hơn các hình thức cộng đồng trước đó, kể cả bộ tộc.

     Cũng như bộ tộc, dân tộc là cộng đồng người gắn liền với xã hội có giai cấp, có nhà nước và các thể chế chính trị. Dân tộc có thể từ một bộ tộc phát triển lên, song đa số trường hợp được hình thành trên cơ sở nhiều bộ tộc và tộc người hợp nhất lại. Từ hình thức cộng đồng trước dân tộc phát triển lên dân tộc là một quá trình vừa có tính liên tục vừa có tính nhảy vọt lớn.

     Dân tộc có những đặc điểm giống bộ tộc, song có những đặc trưng mới phân biệt với bộ tộc. Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp, sự phân biệt giữa dân tộc và bộ tộc không phải dễ dàng đối với khoa học lịch sử.

     Điều cần chú ý trước tiên là, nếu như ở bộ tộc, các mối liên hệ cộng đồng còn tương đối yếu ớt, lỏng lẻo thì dân tộc là cộng đồng người thống nhất hơn, ổn định và bền vững hơn nhiều.

     Sở dĩ như vậy vì dân tộc được hình thành trong thời gian rất lâu dài, trải qua nhiều thử thách của lịch sử. Mặt khác do dân tộc được hình thành và củng cố trên cơ sở mới, đó là các mối liên hệ kinh tế được hình thành trong một thị trường thống nhất, rộng lớn: thị trường dân tộc.

     Sự thống nhất kinh tế của cộng đồng được củng cố bằng thiết chế chính trị mới là các nhà nước tập quyền. Dân tộc hiện đại là quốc gia dân tộc.

Những cộng đồng người được coi là dân tộc có các đặc trưng chủ yếu sau đây:


1. Cộng đồng về ngôn ngữ.

     Các thành viên của một dân tộc có thể dùng nhiều ngôn ngữ trong giao tiếp với nhau, như Thụy Sỹ dùng tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Italia. Lại có một số ngôn ngữ được nhiều dân tộc sử dụng, như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp… Song, điều quan trọng nhất là mỗi dân tộc có một ngôn ngữ chung thống nhất mà các thành viên của dân tộc coi là tiếng mẹ đẻ.

     Tính thống nhất trong ngôn ngữ dân tộc trước hết thể hiện ở sự thống nhất của ngữ pháp và kho từ vựng cơ bản. Ngôn ngữ dân tộc là ngôn ngữ đã phát triển. Thống nhất về ngôn ngữ là một trong những đặc trưng chủ yếu của dân tộc.


2. Cộng đồng về lãnh thổ.

     Mỗi dân tộc có lãnh thổ riêng, thống nhất, không bị chia cắt. Khái niệm lãnh thổ bao gồm cả vùng đất, vùng biển, hải đảo, vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia dân tộc. Lãnh thổ dân tộc ổn định hơn nhiều so với lãnh thổ bộ tộc.

     Trong trường hợp quốc gia có nhiều dân tộc thì lãnh thổ quốc gia gồm lãnh thổ của các dân tộc thuộc quốc gia ấy hợp thành. Phạm vi lãnh thổ dân tộc hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài.

     Chủ quyền quốc gia dân tộc về lãnh thổ là một khái niệm xác định, thường được thể chế hóa thành luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế.

     Thực tế lịch sử có những trường hợp lãnh thổ dân tộc bị chia cắt tạm thời, nhưng không thể căn cứ vào đó mà vội cho rằng cộng đồng ấy đã bị chia thành hai hoặc nhiều dân tộc. Đương nhiên sự chia cắt là một thử thách về tính bền vững của cộng đồng dân tộc.

     Cộng đồng lãnh thổ là đặc trưng quan trọng không thể thiếu của dân tộc. Lãnh thổ là địa bàn sinh tồn và phát triển của dân tộc. Không có lãnh thổ thì không có khái niệm Tổ quốc, quốc gia.


3. Cộng đồng về kinh tế.

     Từ các cộng đông người nguyên thủy chuyển sang bộ tộc, yếu tố liên kết của cộng đồng dựa trên quan hệ huyết thống dần dần bị suy giảm, vai trò của nhân tố kinh tế – xã hội ngày càng tăng.

     Tuy nhiên, với dân tộc, tác dụng của nhân tố kinh tế – xã hội được biểu hiện ra thật mạnh mẽ. C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chứng minh rằng, tác nhân cơ bản dẫn đến việc chuyển hình thức từ cộng đồng trước dân tộc lên dân tộc là tác nhân kinh tế.

     Các mối liên hệ về kinh tế thường xuyên và mạnh mẽ, nhất là mối liên hệ về thị trường đã làm tăng tính thống nhất, bền vững, ổn định của cộng đồng người đông đảo trong một lãnh thổ rộng lớn.

     Dân tộc điển hình là dân tộc tư sản. Dân tộc này bao gồm các giai cấp, tầng lớp khác nhau, trong đó tư sản và vô sản đối lập nhau về địa vị kinh tế. Song hai giai cấp đối lập này có quan hệ kinh tế chặt chẽ trong một hệ thống kinh tế duy nhất hình thành trên địa bàn dân tộc, đó là hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa.

     Thiếu sự cộng đồng chặt chẽ, bền vững về kinh tế thì cộng đồng người chưa phải là dân tộc.


4. Cộng đồng về văn hóa, tâm lý, tính cách.

     Văn hóa là yếu tố đặc biệt quan trọng của sự liên kết cộng đồng. Văn hóa dân tộc mang nhiều sắc thái của các địa phương, các sắc tộc, các tập đoàn người… song nó vẫn là một nền văn hóa thống nhất không bị chia cắt. Tính thống nhất trong đa dạng là đặc trưng của văn hóa dân tộc.

     Văn hóa dân tộc hình thành trong quá khứ lâu dài của lịch sử, hơn bất cứ yếu tố nào khác, tạo ra sắc thái riêng của từng dân tộc. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa độc đáo của mình.

     Trong sinh hoạt cộng đồng, các thành viên của dân tộc thuộc những thành phần xã hội khác nhau tham gia vào sự sáng tạo giá trị văn hóa chung của dân tộc, đồng thời hấp thụ các giá trị đó. Giai cấp thống trị và giai cấp bị trị khác nhau về điều kiện sống nên có những quan niệm khác nhau về giá trị văn hóa và tạo nên những yếu tố văn hóa khác nhau, song vẫn tham gia vào sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng. Cá nhân hoặc nhóm người nào từ chối những giá trị của văn hóa dân tộc thì họ đã tự cách lý mình khỏi cộng động dân tộc.

     Văn hóa của một dân tộc không thể phát triển nếu không giao lưu với văn hóa của các dân tộc khác. Tuy nhiên, trong sự giao lưu văn hóa, các dân tộc không ngừng đấu tranh để bảo tồn và phát triển bản sắc của mình. Văn hóa dân tộc thường có sức đề kháng rất lớn chống lại nguy cơ đồng hóa về văn hóa.


     Mỗi dân tộc có tâm lý, tính cách riêng.

     Ví dụ: Tâm lý, tính cách của dân tộc Việt Nam khác với tâm lý, tính cách của các dân tộc Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản… mặc dù tâm lý, tính cách các dân tộc phương Đông có nhiều nét tương đồng.

     Người ta có thể nhận biết tâm lý, tính cách một dân tộc qua sinh hoạt vật chất cũng như sinh hoạt tinh thần của dân tộc ấy, đặc biệt là qua các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đời sống văn hóa.


     Bốn đặc trưng nêu trên là không thể thiếu của mỗi cộng đồng dân tộc.

     Tuy nhiên, dân tộc không phải là phép cộng giản đơn những quan hệ cộng đồng này. Mà những quan hệ ấy có quan hệ nhân quả với nhau, tác động lẫn nhau, kết hợp với nhau một cách chặt chẽ và độc đáo trong lịch sử lâu dài hình thành và phát triển của cộng đồng.

     Như thế, chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ rõ sự thống nhất biện chứng của các quan hệ cộng đồng; đồng thời khẳng định vai trò quyết định, nếu xét đến cùng, của nhân tố kinh tế – xã hội, vài trò quan trọng của nhân tố chính trị.

     Hình thức cộng đồng có vai trò to lớn đối với sự phát triển của con người và xã hội. Dân tộc không chỉ là sản phẩm của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn là động lực, là cái nôi của mọi sự phát triển trong thời cận và hiện đại, từ sự tiến hóa bình thường cho đến cách mạng xã hội.

     Hiện tượng áp bức dân tộc, đặc trưng của chế độ người bóc lột người, đặc biệt là chế độ tư bản chủ nghĩa, kìm hãm các dân tộc phát triển. Lý tưởng của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người, bao hàm giải phóng các dân tộc, xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.

     Trong tương lai của loài người, dân tộc sẽ tồn tại lâu dài, ngay cả khi các giai cấp đã đi vào lịch sử.

icon-date
Xuất bản : 25/09/2021 - Cập nhật : 27/09/2021

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads