logo

Đặc trưng cơ bản của phủ định biện chứng

icon_facebook

Đáp án chi tiết, giải thích dễ hiểu nhất cho câu hỏi: “Đặc trưng cơ bản của phủ định biện chứng” cùng với kiến thức tham khảo do Top lời giải biên soạn là tài liệu cực hay và bổ ích giúp các bạn học sinh ôn tập và tích lũy thêm kiến thức bộ môn Triết học.


Đặc trưng cơ bản của phủ định biện chứng

Phủ định biện chứng có hai đặc trưng cơ bản là tính khách quan và tính kế thừa:

- Tính khách quan của phủ định biện chứng

Tính khách quan thể hiện ở chỗ: Nguyên nhân của sự phủ định nằm trong chính bản thân sự vật, hiện tượng. Đó là kết quả chuyển hóa của các mặt đối lập nhằm giải quyết những mâu thuẫn bên trong bản thân sự vật, hiện tượng và của quá trình tích lũy về lượng dẫn đến nhảy vọt về chất. Quá trình đó hoàn toàn không phụ thuộc vào ý thức của con người.

- Tính kế thừa của phủ định biện chứng

Tính kế thừa thể hiện ở chỗ: Phủ định biện chứng không phải là sự phủ định sạch trơn. Ngược lại, với phủ định biện chứng, cái mới ra đời trên cơ sở cái cũ, chỉ loại bỏ những yếu tố đã lỗi thời, lạc hậu, cản trở sự phát triển của cái mới ở cái cũ, đồng thời giữ lại và cải biến những yếu tố tích cực cho phù hợp với cái mới từ cái cũ.


Kiến thức tham khảo về Phủ định biện chứng

Đặc trưng cơ bản của phủ định biện chứng

1. Khái niệm phủ định biện chứng là gì?

Khái niệm phủ định dùng để chỉ sự thay thế sự vật này bằng sự vật khác, giai đoạn vận động, phát triển này bằng giai đoạn vận động, phát triển khác. Theo nghĩa đó, không phải bất cứ sự phủ định nào cũng dẫn tới quá trình phát triển.

- Khái niệm phủ định biện chứng dùng để chỉ sự phủ định tạo ra những điều kiện, tiền đề phát triển của sự vật.

- Ví dụ, quá trình “hạt giống nảy mầm”. Trong trường hợp này: cái mầm ra đời từ cái hạt; sự ra đời của nó là sự phủ định biện chứng đối với cái hạt, nhờ đó giống loài này tiếp tục quá trình sinh tồn và phát triển.


2. Nội dung cơ bản của phủ định biện chứng là gì?

Quy luật phủ định của phủ định là quy luật nói lên mối liên hệ, sự kế thừa giữa cái phủ định và cái bị phủ định. Chính sự kế thừa đó, phủ định biện chứng không phải là sự phủ định sạch trơn, bác bỏ hoàn toàn sự phát triển trước đó. Ngược lại, đây chính là điều kiện cho sự phát triển, duy trì và gìn giữ nội dung tích cực. Lặp lại một số đặc điểm cơ bản của cái cũ nhưng trên cơ sở mới cao hơn. Vì vậy, sự phát triển có tính chất tiến lên không phải theo đường thẳng mà theo đường xoáy ốc.


3. Vai trò của phủ định biện chứng đối với sự phát triển

Phủ định biện chứng giữ vai trò tạo ra những điều kiện, tiền đề phát triển của sự vật bởi vì: Phủ định biện chứng là sự tự thân phủ định - xuất phát từ nhu cầu tất yếu của sự phát triển. Đồng thời quá trình phủ định đó, một mặt kế thừa được những yếu tố của sự vật cũ, cần thiết cho sự phát triển của nó, tạo ra khả năng phát huy mới của các nhân tố cũ; mặt khác lại khắc phục, lọc bỏ, vượt qua được những hạn chế của sự vật cũ, nhờ đó sự vật phát triển ở trình độ cao hơn


4. Ý nghĩa của phạm trù phủ định biện chứng

Phủ định biện chứng là mắt khâu tất yếu của mối liên hệ và sự phát triển. Phủ định biện chứng có ý nghĩa trong việc tạo ra những điều kiện, tiền đề phát triển của sự vật.

Phủ định biện chứng giúp chúng ta nhận thức đúng đắn về xu hướng phát triển của sự vật. Có thể thấy quá trình phát triển của bất kỳ sự vật nào có sự phủ định biện chứng, chúng không bao giờ đi theo một đường thẳng, mà diễn ra quanh co, phức tạp, trong đó bao gồm nhiều chu kỳ khác nhau. Chu kỳ sau bao giờ cũng tiến bộ hơn chu kỳ trước.

Bên cạnh đó phủ định biện chứng giúp chúng ta thấy ở mỗi chu kỳ phát triển sự vật có những đặc điểm riêng biệt. Do đó, chúng ta phải hiểu những đặc điểm đó để có cách tác động phù hợp với yêu cầu phát triển.

Ngoài ra, theo quy luật phủ định của phủ định, mọi sự vật luôn luôn xuất hiện cái mới thay thế cái cũ, cái tiến bộ thay thế cái lạc hậu; cái mới ra đời từ cái cũ trên cơ sở kế thừa tất cả những nhân tố tích cực của cái cũ, do đó, trong hoạt động của mình, con người phải biết kế thừa tinh hoa của cái cũ, tránh thái độ phủ định sạch trơn.

icon-date
Xuất bản : 20/04/2022 - Cập nhật : 13/06/2022

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads