logo

Đặc điểm của công nghiệp năng lượng

icon_facebook

Công nghiệp năng lượng chỉ các hoạt động từ khai thác các dạng năng lượng như dầu mỏ, than, khí đốt… cho đến sản xuất điện năng. Công nghiệp năng lượng nước ta với những đặc đặc điểm nổi bật: Có thế mạnh phát triển lâu dài; Mang lại hiệu quả kinh tế cao và Có tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác. 


Công nghiệp năng lượng Việt Nam có thế mạnh phát triển lâu dài

* Có thế mạnh phát triển lâu dài nhờ có nguồn nguyên nhiên liệu phong phú, đa dạng với thị trường tiêu thụ rộng lớn và cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng khá phát triển.

Đặc điểm của công nghiệp năng lượng

+ Nguồn nguyên liệu than: Phong phú đa dạng các loại than: than antraxit và bán antraxit có trữ lượng khoảng 6,6 tỉ tấn. Đặc biệt bể than Quảng Ninh có trữ lượng hơn 6,5 tỉ tấn. Than antraxit có chất lượng tốt với nhiệt lượng từ 7000 – 8000 calo/kg.

+ Nguồn nguyên liệu dầu khí: Dầu khí với 8 bề trầm tích ở thềm lục địa phía Nam, trữ lượng khoảng vài tỉ tấn dầu mỏ.

+ Tiềm năng thủy điện: Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, sông nhiều nước, chảy qua địa hình ¾ đồi núi nên có tiềm năng thủy điện lớn. Một số các con sông lớn tập chung ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Tiềm năng ước tính khoảng 3000 MW, sản lượng 260 – 270 tỉ kWh.

+ Cơ sở vật chất kĩ thuật và cơ sở hạ tầng khá phát triển: Mạng lưới giao thông ngày càng phát triển với các tuyến đường sắt, đường bộ, đường ống giúp cho việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm dễ dàng hơn. 

+ Các nhà máy, thiết bị khai thác, nhà máy nhiệt có nền tảng cơ sở nhất định và phát triển từ lâu đời, hiện nay đang được đầu tư nâng cấp mở rộng.


Công nghiệp năng lượng mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao

Ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam mang lại nhiều hiệu quả kinh tế xã hội cho đất nước. Về mặt kinh tế công nghiệp năng lượng đem lại nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn (than, dầu khí) và cung cấp năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất phát triển kinh tế xã hội. Công nghiệp năng lượng góp phần giải quyết việc làm, là tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Đặc biệt ở những vùng khó khăn thì điện là một  trong những điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng quan trọng cần đi trước một bước.


Công nghiệp năng lượng Có tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác

- Cung cấp nguồn điện cho hoạt động của tất cả các ngành sản xuất còn lại.

- Dầu khí là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành chế biến (nước hoa, nhựa đường, chất tẩy rửa, nhựa PV…)

+ Công nghiệp năng lượng được đánh giá là ngành quan trọng, cơ bản, là cơ sở để phát triển công nghiệp hiện đại và là tiền đề của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây cũng chính là những vai trò của ngành công nghiệp năng lượng.

Đặc điểm của công nghiệp năng lượng

Tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, ngành công nghiệp năng lượng bao gồm ngành công nghiệp khai thác than, dầu khí, công nghiệp điện năng đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp trong nước liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân đạt 4,64%/năm, tương đương 71,903 triệu TOE (tấn dầu quy đổi).

Vai trò của ngành công nghiệp năng lượng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tổng công suất các nguồn điện tăng, tăng cả sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu. Thống kê hết năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sản xuất và mua 231,10 tỉ kWh điện, tăng 8,85% so với năm 2018.

Ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam cũng đang gặp một số thách thức. Nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi đó các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.

Trữ lượng và sản lượng sản xuất của than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm. Yêu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn là một vấn đề trong tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam vì nó làm giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác.

Tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng thế giới thời gian qua cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp năng lượng với sự thay đổi của các chính sách, cơ cấu, công nghệ: từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững (gió, mặt trời, sinh khối…).

Trong xu hướng ấy, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam cũng đang bước đầu có sự chuyển dịch để hướng tới phát triển bền vững. Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và cả Quy hoạch điện VIII đang xây dựng đều ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo nhằm góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện.

Tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung hệ thống điện đang ngày càng tăng (hiện đạt khoảng 12%). Điều này sẽ góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ than nhập khẩu, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đồng thời cùng chung tay với thế giới chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung.

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành ngày 11/02/2020, mục tiêu vào năm 2030 tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% và vào năm 2045 sẽ đạt khoảng 25-30%. Khi đó, mặc dù nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng nhưng vai trò của công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ ngày càng được khẳng định trong sự phát triển kinh tế – xã hội.

icon-date
Xuất bản : 18/03/2022 - Cập nhật : 15/11/2023

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads