logo

Chứng minh rằng có một trái tim cầm lái trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bạn đang gặp khó khi làm bài văn Chứng minh rằng có một trái tim cầm lái trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính? Đừng lo! Hãy tham khảo những bài văn mẫu đã được tuyển chọn và biên soạn với nội dung ngắn gọn, chi tiết, hay nhất của Top lời giải dưới đây để nắm được cách làm cũng như bổ sung thêm vốn từ ngữ nhé. Chúc các bạn có một tài liệu bổ ích!


Chứng minh rằng có một trái tim cầm lái trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Chứng minh rằng có một trái tim cầm lái trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính (ngắn gọn, hay nhất)

     Nhà thơ Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt nổi trội của thi ca Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ, thậm chí có nhà phê bình đánh giá, thời ấy một mình Phạm Tiến Duật làm nên một trường phái thơ chiến tranh mà bài thơ Lửa đèn của ông là một đỉnh cao của phong cách Phạm Tiến Duật. Một số nhà văn đã dùng hình ảnh Con đại bàng của thi ca Trường Sơn để nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật trong những năm 1969-1970, những bài thơ của ông viết trên đường mòn Hồ Chí Minh giữa những đợt bom B52 rải thảm, đã vượt bay lên trên bầu trời thi ca yêu nước, làm xúc động hàng triệu trái tim thanh niên đang ra trận và thơ của ông như cánh chim đại bàng kiêu hãnh dự báo ngày toàn thắng đang đến gần.

     Phạm Tiến Duật từng cầm súng chiến đấu và công tác trong đội ngũ những chiến sĩ vận tải dọc Trường Sơn: chở vũ khí và quân trang, quân dụng từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai

(Tố Hữu)

     Bài thơ về tiểu đội xe không kính tiêu biểu cho hồn thơ khỏe khoắn, tự nhiên và tràn trề sức sống, rất tinh nghịch, vui tươi, mà giàu suy tưởng của anh.

     Những năm tháng chống Mỹ hào hùng của dân tộc đã để lại biết bao hồi ức và những dấu ấn khó phai mờ. Hình ảnh những những cô gái thanh niên xung phong, anh bộ đội cụ Hồ là một trong những hình ảnh đẹp nhất, lãng mạn và anh hùng nhất trong kháng chiến. Bài thơ về tiểu đội xe không kính chính là một trong những minh chứng tiêu biểu cho nét tinh nghịch cũng như tinh thần bất khuất, hiên ngang hào hùng của người chiến sĩ.

     Với phong cách thơ tự do phóng khoáng, Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bài thơ đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách thơ Phạm Tiến Duật. Đây cũng là bài thơ nằm trong chùm thơ được giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969-1970.

     Mở đầu bài thơ là một hình ảnh hết sức cụ thể, chân thực và độc đáo:

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

     Và kết thúc bài thơ là một ý tưởng bất ngờ:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

     Phải chăng tiểu đội xe không kính ấy lăn bánh thông đường mau lẹ là nhờ những trái tim cầm lái? Mở đầu là những câu thơ ngôn ngữ mộc mạc, nhịp điệu khoan thai. Cứ y như một đoàn xe đang lừng lững tiến lại. Những chiếc xe kì lạ – không có kính chắn gió mà thật anh hùng đang vượt qua những chặng đường quân thù đánh phá ác liệt. Người chiến sĩ vững tay lái, vừa nhấn ga cho xe lăn bánh, vừa kể chuyện về mình về đồng đội.

     Đó là những câu thơ tả thực, sự chính xác đến từng chi tiết. Dường như chính nhà thơ cũng đang cầm lái (hay chí  ít cũng đang ngồi bên người lái). Cảm giác, ấn tượng căng thẳng, đầy thử thách. Bình tĩnh, ung dung và tự tin, tập trung cao độ vào tay lái nhìn đường, nên mới có điệp ngữ nhìn thấy, thấy..

     Để lái những chiếc xe không kính, trên những con đường của chiến trường, người lính quả thật phải có những trái tim quả cảm. Vì con đường đó gặp không ít những khó khăn, gian khổi. Những gian khó này lúc đầu nhà thơ nói tới còn mơ hồ thì càng về sau, những khó khăn thử thách ập tới cụ thể:

“Không có kính ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

Không có kính ừ thì ướt áo

Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Chưa cần rửa, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”

     Gió bụi của hiện thực và cũng là những gian khổ, thử thách mà các chiến sĩ lái xe phải vượt qua trên suốt chặng đường ra mặt trận. Qua chặng đường đầy gió bụi, mái tóc xanh của các chàng trai có sự thay đổi đáng sợ: “Bụi phun tóc tắng như người già”. Thế nhưng các anh vẫn rất lạc quan, yêu đời và hóm hỉnh: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.

     Trời nắng thì bụi. Trời mưa thì ướt sũng “như ngoài trời”. “Mưa tuôn mưa xối” thẳng vào người vì buồng lái đâu có kính che chắn gì nữa. Vậy là trên suốt chặng đường dài, người lính đã phải nếm trải đủ mùi gian khổ: gió bụi, mưa rừng. Mặc dù vượt hết khó khăn này lại tới khó khăn kia nhưng người lính vẫn ngang tàng, phơi phới lạc quan: “Chưa cần rửa, lái trăm cây số nữa/Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”. Điệp từ “chưa cần” đã cho thấy cái “ngông”, cái bất cần đời của anh lính bộ đội cụ Hồ. Những gió, những bụi chỉ là những cái khó khăn vụn vặt, cho nên các anh chẳng hề quan tâm. Thiên nhiên có khắc nghiệt, chiến tranh có tàn khốc thì cũng không làm chùn bước, ý chí của người lính cách mạng.

     Trước thử thách mới,  hiến sĩ lái xe càng không nao núng, càng bình tĩnh, dũng cảm hơn. Chấp nhận, vượt qua, coi thường, phớt đời, cười đùa, hứa hẹn.

     Khi hành quân, các anh gặp nhau, động viên nhau, chào nhau thật độc đáo: bắt tay qua cửa kính vỡ rồi. Lúc nghỉ, các anh ăn uống, chuyện trò thoải mái, xuềnh xoàng, thoáng chốc. Rồi lại tiếp tục hành quân:

“Lại đi, lại đi trời xanh thêm”

     Khổ thơ cuối cùng dựng hai hình ảnh đối lập đầy kịch tính, bất ngờ và thú vị. Hai câu đầu dồn dập những mất mát do quân địch và đường trường gây ra: Điệp ngữ không có như nhân lên ba lần khó khăn khốc liệt. Hai dòng thơ ngắt thành bốn chặng gập gềnh, khúc khuỷu, đầy chông gai, bốn khúc cua vòng, rẽ ngoặt, trên ngươi, chọc tức đoàn xe. Những người chiến sĩ lái xe ở đây phải là những tay lái cừ phách và phải có một sự nỗ lực đến phi thường, cũng như trái tim ấm nóng, quả cảm thì mới có thể điều khiển cho đoàn xe của mình bon bon kịp thời.

     Câu thơ cuối cùng như đọng lại một tâm huyết, cũng như một lời giải thích cho tất cả những điều kì lạ đẹp đẽ:

“Chỉ cần trong xe có một trái tim”

     Trái tim là hình ảnh hoán dụ, là hình ảnh yêu nước nồng nàn, trái tim của ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam thân yêu, trái tim dũng cảm, trái tim ấy có sức mạnh vô biên, mạnh hơn mọi lỗi nguy lan, mạnh hơn mọi thứ bom đạn, mạnh hơn cả cái chết, sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là công cụ vũ khí mà chính là con người mang trái tim nồng  nàn yêu nước, kiên cường dũng cảm, có thể nói bai thơ hay nhất ở câu thơ cuối, nó như con mắt của bài thơ, bật sáng chủ đề, tỏa sáng vẻ đẹp của hình tượng người lính.

     Thư vậy bằng thể thơ tự do ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, giọng điệu pha chút ngang tàng, tinh nghịch, hình ảnh thơ chân thực, độc đáo Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công bức chân dung độc đáo về người chiến sĩ lái xe Trường Sơn với những nét đẹp về tâm hồn tình cảm, tinh thần của họ chính là tiêu biểu cho vẻ đẹp của những người lính anh bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng.

 “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

     Chúng ta mãi yêu mến, tự hào về họ – những con người đẹp nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Chứng minh rằng có một trái tim cầm lái trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021