logo

Câu 5. Xu thế quốc tế về xây dựng CT GDPT và việc vận dụng kinh nghiệm của thế giới để xây dựng CT GDPT của Việt Nam?

1. Xu thế quốc tế

     Về số lượng năm học của GDPT, nhiều nước thường kéo dài 12 năm và chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục bắt buộc bao gồm cấp tiểu học và THCS, kéo dài 9 hoặc 10 năm; giai đoạn giáo dục sau THCS thường kéo dài 3 năm. Việc thực hiện phân luồng thường ngay sau khi học xong THCS.

     Phát triển CT theo hướng tiếp cận năng lực là xu thế chung được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng; nhiều quốc gia đã đưa ra khung năng lực, trong đó coi trọng các năng lực chung cần thiết cho việc tham gia cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày và cho việc học tập suốt đời.

     Một số năng lực chung được chú ý là: tự học, học cách học; tự chủ, tự quản lí; xã hội, hợp tác; giao tiếp; tư duy và giải quyết vấn đề, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

     Thống nhất giữa dạy học tích hợp với dạy học phân hoá theo hướng tích hợp cao ở lớp/cấp học dưới, phân hoá sâu ở lớp/cấp học trên. Ở Tiểu học, đối với lớp 1, 2, 3 thực hiện tích hợp cả khoa học tự nhiên và xã hội hoặc tách thành 2 môn: khoa học và nghiên cứu xã hội; lớp 4, 5 hoặc 6 thường tách 2 lĩnh vực khoa học và xã hội để xây dựng các môn học. Ở THCS, nhiều nước thực hiện tích hợp để hình thành 2 môn khoa học và nghiên cứu xã hội, hoặc chỉ tích hợp theo các chủ đề liên môn. Ở THPT một số nước thực hiện tương tự như THCS, tuy nhiên nhiều nước thiên về hướng xây dựng các môn học riêng .

     Phân hóa là xu thế được nhiều nước chú ý từ lâu, nhưng cách thức phân hóa thì có khác nhau. Phân hoá ở tiểu học và THCS bằng các môn/chuyên đề/hoạt động tự chọn. Ở THPT có hai hình thức phân hoá là phân ban và tự chọn, trong đó phân hoá bằng tự chọn là hình thức đang được nhiều nước áp dụng. Cách thức tổ chức của hình thức tự chọn có thể khác nhau trong CT các nước, tuy nhiên có một số điểm chung là: HS học một số môn học bắt buộc và chọn học một số môn học khác theo năng lực, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của cá nhân; số môn học bắt buộc có thể khác nhau, song 3 môn Tiếng mẹ đẻ, Ngoại ngữ, Toán được hầu hết các nước quy định là môn bắt buộc. Với CT tự chọn, các nước đưa ra rất nhiều nội dung học tập đa dạng, đáp ứng với nhu cầu học tập phong phú của người học, những nội dung này có thể được gọi tên là chuyên đề học tập tự chọn, khoá học tự chọn, môn học tự chọn tuỳ ý,…

     CT, SGK và tài liệu dạy học theo hướng mở, một CT nhưng có nhiều SGK. Việc thực nghiệm CT được triển khai một cách thiết thực, gọn nhẹ và thường chỉ tiến hành đối với nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới. Chú trọng phân cấp trong xây dựng và quản lý CT một cách linh hoạt, thống nhất trong đa dạng.

     Phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được thiết kế theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

2. Các xu thế quốc tế nêu trên đã được vận dụng trong việc xây dựng CT GDPT của Việt Nam theo nguyên tắc: Học tập một cách sáng tạo và có hệ thống, không dập khuôn máy móc, đáp ứng yêu cầu vừa hiện đại, hội nhập quốc tế; vừa có bản sắc dân tộc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Với nguyên tắc này, CT GDPT mới đã tiếp thu và lựa chọn kinh nghiệm thế giới ở một số điểm sau:

- Xác định hệ thống GDPT 12 năm với 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp;

- Xây dựng CTGD theo hướng tiếp cận năng lực với tất cả các thành tố của CT: mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá;

- Thực hiện tích hợp mạnh ở tiểu học và THCS, chú ý đến việc hình thành các môn học tích hợp KHTN, KHXH và các chủ đề liên môn;

- Thực hiện dạy học phân hoá ở tiểu học và THCS bằng cách học sinh được tự chọn một số nội dung trong một số môn học, ở cấp THPT bằng phương thức tự chọn nội dung trong môn học (tương tự ở tiểu học và THCS) và tự chọn môn học, cụ thể: bên cạnh một số ít các môn học bắt buộc, HS được tự chọn một số môn học và một số chuyên đề học tập theo quy định và phù hợp với sở thích, định hướng nghề nghiệp của các em;

- Xây dựng, quản lý và thực hiện CTGD một cách thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt (có thời lượng dành cho giáo dục địa phương; nhà trường được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp với điều kiện cụ thể);

- Thực hiện chủ trương 01 CT nhiều SGK, đa dạng hóa tài liệu giáo dục.

     Với sự hỗ trợ và giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ một số nước, Bộ GDĐT đã đưa các nhóm chuyên gia nước ta đi khảo sát, học tập ở các nước tiên tiến; tổ chức nghiên cứu, tham khảo nhiều bộ CT, SGK nước ngoài, tập trung vào các nước có nền giáo dục phát triển; mời các đoàn chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để trao đổi, bồi dưỡng cho đội ngũ chuyên gia trong nước về thiết kế CT và biên soạn SGK phổ thông.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021