logo

Câu 20. Hệ thống môn học bắt buộc và tự chọn ở mỗi cấp học có gì mới?

     Xét về hình thức, tên gọi các môn học bắt buộc (BB) và tự chọn (TC) đã có trong CT GDPT hiện hành. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu mới, CT GDPT mới có nhiều bổ sung, thay đổi về hệ thống các môn học BB và TC: từ quan niệm, tên gọi, nguyên tắc lựa chọn đến sắp xếp, phân bổ thời lượng và các hình thức tổ chức dạy học… Sau đây là mô tả hệ thống các môn học BB và TC trong CT GDPT mới để làm rõ sự thay đổi ấy.

     Trong cả 3 cấp học, các môn học được chia thành: Môn học BB và môn học TC. Với định hướng phân hóa sâu dần từ lớp dưới lên lớp trên. Theo thứ tự từ tiểu học đến trung học phổ thông, số lượng các môn học BB giảm đi và số môn học TC tăng dần.

     Môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học.Nội dung các môn học BB tạo nên cốt lõi học vấn phổ thông, không thể thiếu đối với tất cả học sinh. Các môn học TC gồm 3 loại:

- Tự chọn tuỳ ý (TC1): học sinh có thể chọn hoặc không chọn; Ví dụ: với các môn học như Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật, HS có thể chọn học hoặc không học.

- Tự chọn trong nhóm môn học (TC2): học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong CT; Ví dụ: ngoài các môn học BB ở cấp THPT (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Công dân với Tổ quốc), học sinh được tự chọn một số môn trong số các môn học còn lại (Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý…)

- Tự chọn trong môn học (TC3): học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học. Ví dụ trong môn học Thể dục - Thể thao, có nhiều nội dung hoạt động khác nhau như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bơi, cờ tướng… HS sẽ được chọn một số trong các hoạt động đó phù hợp với sở thích, nhu cầu của mình… Phụ thuộc vào điều kiện dạy học (cơ sở vật chất, giáo viên…) của từng trường mà danh mục các nội dung dạy học tự chọn có thể nhiều hay ít và thay đổi khác nhau.

     Các môn học/hoạt động giáo dục được phân bổ cụ thể ở các cấp như sau:

a) Giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp THCS):

- Ở Tiểu học:

     Các môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta (lớp 1,2,3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4,5), Tìm hiểu xã hội (lớp 4,5).

     Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn:

+ Tự chọn tuỳ ý (TC1) gồm: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc.

+ Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Kỹ thuật - Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

- Ở THCS:

     Các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

     Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn:

+ Tự chọn tuỳ ý (TC1) gồm: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kĩ thuật (ở lớp 8,9).

+ Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

b) Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT):

     Có 4 môn bắt buộc: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1.

     Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn:

+ Tự chọn tuỳ ý (TC1) gồm: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2.

+ Tự chọn trong nhóm môn học (TC2) gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Nếu chọn môn Khoa học Tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học; nếu chọn môn Khoa học Xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, Địa lý. Các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội chỉ học ở lớp 10 và lớp 11.

+ Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12); Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).

     Trong cả cấp học trung học phổ thông, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong CT giáo dục. CT dành một thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này.

c) Việc tổ chức dạy học tự chọn dựa trên nhu cầu của học sinh và trong khả năng đáp ứng về điều kiện dạy học (giáo viên, phòng học, thời gian…) của nhà trường. Nhà trường có thể mời giáo viên thỉnh giảng, gửi học sinh sang học ở trường lân cận, linh hoạt bố trí nhóm/lớp học sinh …để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho học sinh. Do đó, việc này có thể khác nhau giữa các trường, các địa phương; đối với từng trường thì năm sau có thể khác năm trước vì nhà trường càng phát triển thì càng tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho học sinh.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021