logo

Cảm nhận vẻ đẹp của các hình ảnh trong bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh

“Thơ Hữu Thỉnh nghiêng về những suy tư và dày đặc những câu hỏi. Đó là lí do khiến thơ Hữu Thỉnh mang cái nhìn chiêm nghiệm về cuộc đời”. Hãy cùng Toploigiai tham khảo bài Cảm nhận vẻ đẹp của các hình ảnh trong bài thơ "Hỏi" để thấy được đặc sắc ngôn từ của tác giả.


Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp của các hình ảnh trong bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh

Mở bài: Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ “Hỏi”. Nêu cảm nhận chung của em về các hình ảnh trong bài thơ.

Thân bài:

·   Hai câu thơ đầu: Vẻ đẹp của hình ảnh “đất”.

-    “Tôn cao nhau”: không ngừng tôn trọng, đề cao nhau —> tạo thành đồi núi cao.

=>Vẻ đẹp của cách sống giúp đỡ, hộ trợ để cùng nhau vươn cao, đạt được thành công chứ không phải chà đạp, vùi dập người khác để đạt được mục đích của mình.

·   Hai câu thơ tiếp theo: Vẻ đẹp của hình ảnh “nước”.

-    “làm đầy nhau”: bổ sung, hoàn thiện cho nhau để tạo thành các con sóng, áo hồ, sông biển….

=> Vẻ đẹp của cách sống bao dung, giúp đỡ, hoàn thiện và cùng nhau khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm cá nhân để phát triển tập thể.

·   Ba câu thơ tiếp theo: Vẻ đẹp của hình ảnh “cỏ”

-    “đan vào nhau”: sự đan xen, đan cài giữa các ngọn cỏ để cùng nhau tạo thành những thảm cỏ xanh mướt chạy theo chân trời.

=> Vẻ đẹp của cách sống đoàn kết, đồng sức đồng lòng…

·   Sáu câu thơ còn lại: Suy nghĩ, trăn trở của tác giả về cách sống giữa con người với con người với nhau

=> Câu hỏi lặp lại ba lần nhưng không có câu trả lời: Những băn khoăn, trăn trở của tác giả đối với cách sống giữa con người với nhau. Sẽ giống như đất, nước, cỏ hay ngược lại?….

=> Thông điệp: Hãy sống bao dung, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng để vừa thiện cá nhân, vừa phát triển tập thể càng bền vững

  • Nghệ thuật: thể thơ tự do, tứ thơ đối xứng, sóng đôi, hình ảnh thơ gần gũi, giàu sức biểu đạt, các biện pháp tu từ: ẩn dụ, nhân hóa, điệp cấu trúc….

Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Cảm nhận vẻ đẹp của các hình ảnh trong bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh

Bài mẫu Cảm nhận vẻ đẹp của các hình ảnh trong bài thơ Hỏi của Hữu ThỈnh

Hà Thị Anh đã từng nhận xét về thơ Hữu Thỉnh “Thơ Hữu Thỉnh nghiêng về những suy tư và dày đặc những câu hỏi. Đó là lí do khiến thơ Hữu Thỉnh mang cái nhìn chiêm nghiệm về cuộc đời”. Quả đúng như vậy, thơ ông tuy giản dị nhưng lại vô cùng tinh tế và không kém phần sâu lắng. Bài thơ “Hỏi” đã xây dựng thành công nhiều hình ảnh gần gũi nhưng mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Dùng những hiện tượng, sự vật tự nhiên để thể hiện suy nghĩ, quan niệm của mình là cách thức ta thường thấy trong ca dao dân ca: “Con ong làm mật yêu hoa/ Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời”, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…Đến với Hữu Thỉnh, ta thấy sự kế thừa một cách sáng tạo những biện pháp nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Việc sử dụng những hình ảnh tự nhiên vừa làm tăng sức thuyết phục vừa khiến câu thơ giàu hình ảnh, hàm súc, đa nghĩa.

Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào? 
- Chúng tôi tôn cao nhau 

Câu hỏi đầu tiên tác giả dành cho đất, phải chăng đất là nơi bán rễ, bắt nguồn cho mọi sự sống trên trái đất? Đất sống với nhau bằng cách tôn cao nhau, không ngừng tự nguyện chồng lên nhau để cao hơn. Ta đã thấy tư tưởng này trong ca dao xưa: “Núi cao bởi có đất bồi/Núi chê đất thấp, núi ngồi ở đâu?”. Như vậy mặc dù một lớp đất thấp nhưng cùng “tôn nhau” sẽ tạo thành núi đồi, tạo nên sự to lớn, hùng vĩ tồn tại. Đó là vẻ đẹp của cách sống giúp đỡ, hộ trợ để cùng nhau vươn cao, đạt được thành công chứ không phải chà đạp, vùi dập người khác để đạt được mục đích của mình.

Đối tượng tiếp theo mà tác giả lựa chọn để “hỏi” là nước. Hình ảnh nước hiện lên với cách sống “làm đầy nhau”:

Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào? 
- Chúng tôi làm đầy nhau 

“Làm đầy nhau” tức là bổ sung, hoàn thiện những thiếu sót của nhau để trở nên trọn vẹn, đầy đủ hơn. Một giọt nước không thể tạo sóng cũng như sông, suối, biển khơi…vì vậy nước phải liên tục tiếp sức, cộng hưởng với nhau để không ngừng lớn mạnh. Ca dao dân gian từng viết “Muôn dòng sông đổ biển sâu/ Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn”. Như vậy cách sống của nước là vẻ đẹp của lối sống bao dung, giúp đỡ, hoàn thiện và cùng nhau khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm cá nhân nhằm phát triển tập thể.

Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào? 
- Chúng tôi đan vào nhau 
Làm nên những chân trời 

Hình ảnh thiên nhiên cuối cùng tác giả miêu tả là cây cỏ. Như chúng ta đã biết cỏ là loài cây vô cùng yếu ớt nếu sống độc lập với nhau. Chính vì vậy cỏ sẽ rất dễ bị dẫm đạp và biến mất bởi các loài động vật hay sự cạnh tranh của các loài thực vật khác mạnh hơn. Thế nhưng nhờ sự đan cài, xem kẽ nhau, những cây cỏ đã tạo thành đám cỏ, thậm chí là làm nên những chân trời tít tắp. Từ cuộc đối thoại của tác giả và đất, nước, cỏ, người đọc đã thấy được quy luật phát triển của tự nhiên cũng như liên hệ những cách sống tốt đẹp giữa con người với con người. Tuy nhiên ở sáu câu thơ cuối cùng, khi hỏi câu hỏi tương tự với con người thì tác giả lại không nhận được câu trả lời:

Tôi hỏi người: 
- Người sống với người như thế nào? 
Tôi hỏi người: 
- Người sống với người như thế nào? 
Tôi hỏi người: 
- Người sống với người như thế nào?

Câu hỏi được lặp lại ba lần với cùng một nội dung nhưng khác với đất, nước, cỏ thì lần này con người không thể đưa ra đáp án. Bởi lẽ bên cạnh những lối sống tích cực trên thì con người còn có những cách cư xử sai trái, không tốt với nhau. Đó là sự ích kỉ nhỏ nhen, sẵn sàng chà đạp người khác để đạt được mục đích bản thân,…Chính vì vậy con người không thể trả lời một cách thống nhất đáp án, ở mỗi người, câu trả lời lại khác nhau, bao gồm cả tích cực và tiêu cực. Đây không phải câu hỏi dành riêng ai mà dành cho tất cả mọi người - mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, tập thể.

Bằng thể thơ tự do, cấu tứ hỏi đáp gần với ca dao dân ca, phép điệp cấu trúc kết hợp với phép nhân hóa, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị nhưng giàu giá trị biểu đạt…Bài thơ đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc - cách cư xử trong mối quan hệ giữa con người với con người.

icon-date
Xuất bản : 24/03/2024 - Cập nhật : 24/03/2024