logo

Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà

Tuyển chọn những bài văn hay Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà. Với những bài văn mẫu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà

Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở Bài

- Người lái đò sông Đà là một trong những tùy bút xuất sắc nhất nhất của nền văn học Việt Nam, với chất văn độc đáo, sáng tạo được tạo nên từ ngòi bút tài hoa và uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.

- Hình tượng ông lái đò được Nguyễn Tuân dành tặng cho một danh xưng hết sức thú vị "chất vàng mười Tây Bắc".

2. Thân Bài

- Chất vàng mười được làm nên từ những người lao động nhỏ bé, không tên tuổi, vẫn luôn ngày đêm lao động chiến đấu cho cuộc sống mưu sinh vất vả.

- Biểu hiện của chất vàng mười:

+ Ông lái đò không chỉ đơn thuần là một người lao động bình thường mà còn mang trong mình hai vai trò khác ấy là người chiến sĩ trên mặt trận sông nước, lại cũng là người nghệ sĩ tài hoa, hằng ngày vẫn viết lên những bản trường ca lao động anh hùng, điêu luyện.

+ Niềm đam mê lao động, sự kiên trì dũng cảm, trong công việc, ta thấy trong tâm hồn ông lão hãy còn rất sôi động, nhiệt thành, ông chẳng thích những thứ êm đềm, dễ dàng, cái bản tính hiếu chiến, trẻ trung, niềm đam mê khai phá, lao động, chinh phục gian nan. =>Người lao động hết lòng vì công việc, sáng tạo.
+ Kinh nghiệm, lòng can đảm, kiên trì của ông lái đò, khi ngược xuôi vô số lần trên sông Đà => Người chiến sĩ can trường trên mặt trận sông nước.

+ Sự nghiêm túc, tỉ mẩn, trong tâm hồn của người lái đò. Sông Đà dường như đã ăn sâu vào máu thịt, đó là bản trường ca mà người nghệ sĩ từng nghiên cứu, tập dượt vô số lần, đã thuộc lòng "từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng", đến mức "đóng đanh vào lòng". => Người nghệ sĩ kính nghiệp.

- Trong lúc vật lộn với sóng nước, người ta chỉ thấy hiện lên sự kiên cường, vững chãi, sự bình tĩnh của một người lính chiến, bàn tay cầm mái chèo ấy là "tay lái ra hoa", rất điệu nghệ và gọn gàng, dứt khoát, không một chút bối rối sơ sẩy => Chất vàng của nghệ thuật và chinh chiến như hòa vào làm một tổng thể, phối hợp rất ăn ý.

3. Kết Bài

- Hình tượng ông lái đò chính là đại diện cho chất vàng mười quý báu được hun đúc từ đời sống lao động, từ máu, mồ hôi và nước mắt.

- Nó là đại diện cho sức mạnh của con người, dẫu nhỏ bé giữa mẹ thiên nhiên, thế nhưng bằng sự nỗ lực, phấn đấu và tôi luyện không ngừng nghỉ, con người vẫn có thể chế ngự được thiên nhiên, tạo nên thế cân bằng của tạo hóa.


Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà - Bài mẫu

Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

     Người lái đò sông Đà là một trong những tùy bút xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam. Bài tuỳ bút có chất văn độc đáo, mới lạ được sáng tạo nên từ ngòi bút tài hoa và uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân. Qua "Người lái đò sông Đà", ta thấy hiện lên hình ảnh một con sông Đà với vẻ hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng không kém phần thơ mộng lãng mạn, mà tổng thể dường như con sông ấy cũng như có linh hồn, một tâm hồn sôi động bao bọc bên ngoài cái vẻ dịu dàng tiềm ẩn tựa một con người đang sống vậy. Trong văn bản sự xuất hiện của hình tượng ông lái đò được Nguyễn Tuân dành tặng cho một danh xưng hết sức thú vị "chất vàng mười Tây Bắc", thể hiện cái sự trân trọng, ngưỡng mộ mà tác giả dành cho ông lái đò trong công cuộc lao động mưu sinh, rất đỗi anh hùng, nghệ sĩ.

     Phải nói rằng, hình tượng ông lái đò mà Nguyễn Tuân hướng đến, vốn nhìn vào tưởng chẳng có gì đặc biệt, nếu như không có cái đôi mắt và óc quan sát của Nguyễn Tuân chịu khó tìm tòi.

     Ông lái đò cũng như bao con người lao động khác, ngày ngày vẫn cần mẫn với cái kế sinh nhai của mình, chèo đò ngược xuôi sông Đà không mệt nghỉ, Nguyễn Tuân không đề cập rõ về tên, tuổi, gốc gác của ông lái đò, mà chỉ lướt qua mấy nét cơ bản. Và cái làm người ta chú ý hơn cả đó là ngoại hình của ông lão, ai mà nghĩ được rằng một ông lão, đã ngoài cái tuổi thất thập cổ lai hi, vẫn còn ngày ngày vật lộn với sóng nước, bộ dáng đầy phong sương, mang đậm hơi thở của miền sông nước dữ dội, "tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh ra như kẹp lấy một cái bánh lái tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó,...". Để nói về cái gian truân trong cuộc sống lao động của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã viết thế này: "cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa của một kẻ thù số một". Dường như người ta chỉ nghe thấy rằng, con người dựa dẫm, nương nhờ vào mẹ thiên nhiên là nhiều, chứ chẳng mấy khi nghe đến chuyện "chiến đấu" như những chiến binh để chinh phục, làm chủ tự nhiên cả, điều đó đã làm nổi bật lên cái vẻ đẹp trong cuộc sống lao động của ông lái đò, mà ở đó Nguyễn Tuân đã tinh tế nhận ra và khai thác triệt để.

     Ông lái đò không chỉ đơn thuần là một người lao động bình thường mà còn mang trong mình hai vai trò khác, ấy là người chiến sĩ trên mặt trận sông nước, lại cũng là người nghệ sĩ tài hoa, hằng ngày vẫn viết lên những bản trường ca lao động anh hùng, điêu luyện.

     Chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân nhắc đến chính là ở những khía cạnh ấy, tại sao không phải là một thanh niên cao to lực lưỡng mà lại là một ông lão, để trả lời câu hỏi ấy ta lại quay về với "chất vàng mười" mà Nguyễn Tuân đề cập, có câu "lửa thử vàng, gian nan thử sức", cái tài năng, điệu nghệ, cái kinh nghiệm "chinh chiến" trên sông nước của ông lái đò, đâu phải ngày một ngày hai mà có được, đó là cả một quá trình vất vả, tôi luyện, trong đó có cả máu, mồ hôi và nước mắt đổ xuống hòa cùng dòng nước đang mặc sức chảy. Ông lái đò tâm sự, ông đã không dưới trăm lần ngược xuôi trên sông Đà và có tới 60 lần cầm lái chính, mỗi một chuyến đi tưởng sinh tử ấy mà ông lão đã kinh qua từng ấy lần, đâu phải là điều mà ai cũng làm được và dám làm. Suy ra chất vàng mười ấy còn là niềm đam mê lao động, sự kiên trì dũng cảm, trong công việc, ta thấy trong tâm hồn ông lão hãy còn rất sôi động, nhiệt thành, ông chẳng thích những thứ êm đềm, dễ dàng, bởi với ông "Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dạy, chân tay dễ buồn ngủ". Cái bản tính hiếu chiến, trẻ trung, niềm đam mê khai phá, lao động, chinh phục gian nan thử thách mới đúng là bản tính của ông lái đò, chẳng thế mà công việc dẫu vất vả, dẫu bao lần ăn phải "đòn đau" của con sông Đà hùng vĩ, nhưng ông vẫn không thôi ngược xuôi trên ấy. Thân thể ông đầy những vết "củ nâu" là dấu tích của những lần vật lộn với sóng dữ sông Đà, Nguyễn Tuân đã rất ngưỡng mộ, trân trọng mà ví von thật thú vị rằng đó là những "huân chương lao động siêu hạng" dành cho sự cống hiến bằng cả cuộc đời của ông lái đò.

     Đặc biệt chất vàng mười Tây Bắc còn được Nguyễn Tuân làm rõ thông qua cảnh ông lái đò vượt sông Đà. Ví rằng ông lái đò là người nghệ sĩ tài hoa đó là bởi cái sự nghiêm túc, tỉ mẩn, điêu luyện trong công việc của ông. Trong tâm hồn của người lái đò sông Đà dường như đã ăn sâu vào máu thịt, đó là bản trường ca mà người nghệ sĩ từng nghiên cứu, tập dượt vô số lần, đã thuộc lòng "từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng", đến mức "đóng đanh vào lòng" từng đặc điểm, từng khúc lên xuống, thật nhịp nhàng. Với ông lái đò sông Đà đích thực là sân khấu để ông thi triển tài năng, tâm huyết cả đời, cũng lại là miền chiến tuyến đầy cam go thử thách, mà ở đó ông lái đò đóng vai trò là một vị tướng già, đầy rẫy kinh nghiệm chiến đấu, nét mặt đanh thép, với một vũ khí duy nhất là chiếc mái chèo đơn sơ, chiếc đò bỗng trở thành cỗ xe chinh chiến. Và đối nghịch với sự lẻ loi đơn bạc của ông lái đò, thì sông Đà lại thật hung bạo và dữ dội, những âm thanh rùng rợn, khủng khiếp như "như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa...", rồi thì những "trùng vi thạch trận", những cái hút nước sâu hoắm, cả những cửa tử, cửa sinh, luồng sống, luồng chết, mà chỉ sơ ý một chút thôi thì cả người, cả thuyền tan xác lúc nào không hay.

     Khung cảnh ông lái đò vượt sông Đà, được Nguyễn Tuân miêu tả như một bộ phim hành động, gay cấn và hồi hộp, nhân vật chính cũng từng phải nếm những đòn đau từ kẻ thù đến nỗi"mặt méo bệch đi". Thế nhưng bằng lòng kiên cường, bằng chất vàng đã tôi luyện suốt mấy chục năm cuộc đời, chẳng có một lý do nào khiến ông lái đò chùn bước, người ta chỉ thấy hiện lên sự kiên cường, vững chãi, sự bình tĩnh của một người lính chiến, bàn tay cầm mái chèo ấy là "tay lái ra hoa", rất điệu nghệ và gọn gàng, dứt khoát, không một chút bối rối sơ sẩy. Bởi với cương vị người nghệ sĩ, nắm lòng tác phẩm và trình bày nó một cách trôi chảy đã là bản năng, là trách nhiệm không thể chối từ, đó là niềm đam mê bất diệt, còn với cương vị người chiến sĩ trên mặt trận sông nước, đã nắm rõ "binh pháp thần sông, thần núi" lại càng không cho phép ông lái đò được đầu hàng, dũng cảm tiến về phía trước mới là tôn chỉ của cuộc đời. Như vậy trong cả 3 cương vị, người lao động, người chiến sĩ và người nghệ sĩ ông lái đò đều hoàn thành một cách xuất sắc, dường như công việc chèo đò trên sông Đà đã trở thành lẽ sống, niềm vui của ông lão, thế nên bao nhiêu tâm tư, nhiệt huyết ông đều đổ vào đó cả, một con người tôi luyện thành thục cái nghiệp của mình thì xứng lắm với danh xưng "chất vàng mười Tây Bắc" mà Nguyễn Tuân tâm đắc chứ.

     Xung quanh tùy bút Người lái đò sông Đà, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nơi miền rừng núi Tây Bắc hiện ra thật đẹp đẽ và hoang sơ, mà điểm nhấn chính là hình tượng con sông Đà vừa dữ dội, vừa dịu êm, trên dòng sông ấy, sự xuất hiện của hình tượng ông lái đò sông Đà, như là một vì tinh tú, xuất sắc và thật đáng quý. Cả hai hình tượng trên đều được Nguyễn Tuân xưng tụng cho danh hiệu "chất vàng mười Tây Bắc", hình tượng ông lái đò chính là đại diện cho chất vàng mười quý báu được hun đúc từ đời sống lao động, từ máu, mồ hôi và nước mắt, lại càng đáng quý và ấn tượng hơn cả. Ông lái đò là đại diện cho sức mạnh của con người, dẫu nhỏ bé giữa mẹ thiên nhiên, thế nhưng bằng sự nỗ lực, phấn đấu và tôi luyện không ngừng nghỉ, con người vẫn có thể chế ngự được thiên nhiên, tạo nên thế cân bằng của tạo hóa.

---/---

Trên đây là một số bài văn mẫu Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021