logo

Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang hay nhất


Mở bài Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang

          Một trong những nhà thơ trụ cột của phong trào Thơ Mới có thể điểm tới là cái tên Huy Cận. Mỗi vần thơ, cách xây dựng, lồng ghép yếu tố nghệ thuật của nhà thơ luôn mang một nét cá tính rất đặc trưng, nó xen lẫn một chút hiện đại nhưng không bị mất đi cái cổ điển, lãng mạn. Tác phẩm tiêu biểu thể hiện điều đó trong thơ ông là bài thơ da diết nỗi lòng mang tên “Tràng Giang”.

Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang | Văn mẫu 11 hay nhất

Thân bài Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang

 Trong bài thơ được thể hiện yếu tố màu sắc cổ điển khá tinh tế, không đem lại sự nhàm chán cho độc giả. Thấy rõ màu sắc cổ điển đậm nét được bắt ngay vào bài thơ với tựa đề “Tràng giang” , đó là một bài thơ mới nhưng nhan đề của nó lại là chữ Hán. Nét cổ kính toát lên qua chữ “Tràng”, “giang” là chỉ tên chung của hai dòng sông. Sự ghép đôi hai này mang lại sự trang trọng, cổ kính trong không gian mà nhà thơ muốn nói đến. Và nó còn nằm ở câu đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Qua cụm từ “trời rộng”, “sông dài” một sự vô biên của vũ trụ hiện ra để chỉ về một không gian vô cùng, mênh mông không đong đo đếm được. Một không gian mở ba chiều hiện ra một cách tự nhiên, trong đó con người cô đơn, bé nhỏ như rợn ngợp trước, lẻ loi trước cái mênh mang của trời đất bất tận. Nét cổ điển còn được thể hiện ở ngay tứ thơ sóng đôi. Nếu đọc kĩ vào từng dòng thơ ta sẽ thấy được sự miêu tả, ẩn ý tài tình của nhà thơ, đó là có những dòng Tràng giang gợi tả về thiên nhiên trong không gian hữu hình nhưng có những dòng Tràng giang là tâm hồn như không gian vô hình trong tâm tưởng. Các từ “nước”, “con nước”, “dòng”…, gián tiếp qua các cụm từ như: “sóng gợn”, “cồn nhỏ”, “bèo dạt”, “bờ xanh”, “bãi vàng” để thấy rõ từ đầu cho đến những dòng thơ cuối luôn có thông điệp trực tiếp về nước .Hơn nữa cổ điển trong nghệ thuật đối khá linh hoạt, phóng túng, thể hiện cụ thể như: “sóng gợn” đối với “con thuyền” hay “nắng xuống” đối với “trời lên”, “sông dài” đối với “trời rộng”. Đi kèm đó là việc sử dụng những hình ảnh mang tính tương phản, đối lập giữa các chi tiết, sự vật bé nhỏ với những hình ảnh lớn lao nhằm nổi bật lên kiếp người lênh đênh, vô định.

“Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả

… lạc mấy dòng”

        Nét chính được thể hiện trong thi phẩm chỉ có thể là màu sắc hiện đại. Chính vì cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là nỗi buồn man mác, mênh mang, sâu lắng của một cái tôi lẻ loi trước vũ trụ đã được thi sĩ bộc lộ trực tiếp qua cách diễn đạt cô đọng. Tâm trạng đó được nhà thơ sử dụng bút pháp tả thực, biến tấu trong cách phá vỡ quy tắc ước lệ cùng với đó là một phong cách trữ tình mới mẻ, hiện đại. Nỗi sầu muộn, ám ảnh đã khắc sâu vào trong cảnh vật ngay ở khổ thơ đầu. Dẫu biết rằng thuyền và nước “song song” nhưng nhà thơ lại cảm nhận rằng thuyền về một hướng, nước lại chảy một ngã để thấy được sự ngổn ngang trong lòng. Một sáng tạo mới mẻ, hiện đại gợi liên tưởng đến một kiếp người lam lũ, tủi phận được thể hiện qua hình ảnh “củi khô”

        Trong khổ tiếp theo, mạch cảm xúc nối tiếp vẫn là nỗi ám ảnh giữa sự hững hờ, mênh mông của không gian rộng lớn. Con người dường như mang một tâm hồn không liên lạc, tìm một nơi bám víu cho cảm giác trống trải trong tâm hồn.

 “Lơ thơ cồn nhỏ…

… bến cô liu”

         Bằng việc sử dụng nghệ thuật diễn tả cái động để làm nổi bật lên cái tĩnh, sâu sắc hơn về nỗi cô đơn trước không gian . Một khung cảnh chợ chiều là chi tiết nhà thơ chọn để làm rõ hơn ý muốn nói đến sự trống vắng trong chính tâm hồn mình, nó lan cả trong không gian. Một nghệ thuật gây ấn tượng mạnh với cách sử dụng tiểu đối, từ ngữ mới mẻ nằm ở câu “nắng xuống. trời lên sâu chót vót”. Như thế mới gợi lên sâu sắc nỗi cô đơn của cái tôi thi nhân trữ tình, cảm giác rợn ngợp của con người trước vũ trụ vô cùng. Nỗi sầu lại tiếp tục dai dẳng ở khổ tiếp theo, lúc này cái tôi đối diện với một thiên nhiên gần như quay lưng làm ngơ, tìm đến một sự đồng điệu, sẻ chia nhìn thấy sự tha thiết ấy rõ hơn ở tác giả:

 “Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng

…bờ xanh tiếp bãi vàng”

        Câu hỏi mà tác giả tự hỏi chính lòng mình từ đó lại làm bật lên nỗi buồn, cảm giác hẫng hụt, bơ vơ trước một không gian mênh mông không lối thoát vì thế mà ở câu hỏi này sẽ chẳng thể tìm được  một câu trả lời chính đáng. Cách dùng từ, diễn đạt mang tính tăng cấp nhấn vào từ ngữ để phủ định mang đến sự so sánh, liên tưởng nơi người đọc, một nét hiện đại được nhà thơ sử dụng.

        Khổ thơ cuối dẫn dắt độc giả tới một sự đối lập cao độ giữa con người với vũ trụ, nỗi cô đơn lên đến đỉnh điểm.

“Lớp lớp mây cao…

… hoàng hôn cũng nhớ nhà”

       Ở đây “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” trong vần thơ có sự đối lập, tương phản giữa không gian đối với “chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”. Cánh chim lúc này không còn hơi hướng duy mỹ thuần túy nữa mà chứa đựng một cái tôi chới với, ám ảnh trước cái hữu hạn của đời người, vô hạn của cuộc đời. Do đó một khát khao của thi sĩ mong tìm về quê nhà thân thương, điểm tựa an toàn, sưởi ấm lòng người ngay trong hai câu kết.


Kết bài Cảm nhận về bài thơ Tràng Giang

        Huy Cận cùng tập thơ Tràng giang đã từng được nhận xét: “Nhà thơ đã gọi dậy cái hồn của Đông Á,… đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”. Đúng vậy, bài thơ là một nỗi niềm buồn vời vợi, sầu lắng của tâm hồn nhà thơ khi đứng trước khung cảnh sông nước rộng lớn, mênh mông. Chính nỗi u hoài đó đã được chuyển tải vào trong thơ mang nét cổ điển mà vừa hiện đại tạo nên chất thơ chỉ riêng Huy Cận.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 16/12/2022