logo

Cảm nhận về anh thanh niên làm công tác khí tượng trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long

Nguyễn Thành Long là một nhà văn viết vào thời kì chống Pháp. Đề tài của ông là vẻ đẹp của con người trong thời chiến và trong thời kì xây dựng đất nước sau chiến tranh. Trong đó, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là tác phẩm thành công nhất của ông. Nổi bật trong tác phẩm là nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng.

Truyện được sáng tác vào năm 1970, là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai của tác giả. Sở dĩ tác giả đặt nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” vì ông muốn truyền cho ta thông điệp: bên cạnh vẻ đẹp tĩnh lặng, êm dịu của Sa Pa còn có vẻ đẹp của những người lao động thầm lặng đang ngày đêm dốc hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Truyện kể về một người thanh niên làm khí tượng qua lời giới thiệu của bác lái xe đã làm ông họa sĩ và cô kĩ sư khâm phục, ngưỡng mộ. Họ đã có một cuộc trò chuyện với anh, từ đó họ nhận thấy anh ta hội tụ đủ những đức tính tốt đẹp đáng cho họ học hỏi. Khi ra về, họ sẽ không bao giờ quên hình ảnh người thanh niên ấy.

Mở đầu truyện, bằng ngòi bút tài hoa của mình, tác giả đã khắc họa hình ảnh anh thanh niên và hoàn cảnh sống, làm việc của anh qua lời kể chân thực, dí dỏm của bác lái xe. Bác giới thiệu anh là “người cô độc nhất thế gian”, là một thanh niên hai mươi bảy tuổi vô cùng “thèm” người, làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, xung quanh “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo” với nhiệm vụ “đo gió, đo nắng, đo mưa, tính mây, đo chấn dộng mặt đất”. Anh còn phải báo cáo trong thời tiết khắc nghiệt mưa tuyết, “gió ào ào xô tới”. So với nhiều người, anh khá thiệt thòi khi phải chôn vùi tuổi trẻ của mình ở nơi hoang vắng như thế này. Phải chăng anh đã chán nhịp sống hối hả của phồn hoa đô hội, chán những người anh gặp hằng ngày, chán những con đường mỗi ngày anh đi qua, hay là bởi lòng yêu nước mạnh mẽ, bởi niềm khát khao muốn được cống hiến và ngọn lửa nhiệt huyết đam mê của những người trẻ mà anh đã quyết định đặt chân đến nơi đây, làm công việc này?. Công việc này có thể đối mặt với muôn vàn nguy hiểm song anh vẫn chọn chỉ để thỏa lòng mình?. Đó là sự hi sinh cao cả khó ai làm được. Đến đây, ta bỗng nhớ về những dòng thơ tràn đầy cảm xúc của Thanh Hải:

 “Một mùa xuân nho nhỏ               

Lặng lẽ dâng cho đời               

Dù là tuổi hai mươi               

Dù là khi tóc bạc.”.

Nhưng thử hỏi rằng anh ta có bao giờ thấy cô đơn không?. Anh đã chấp nhận xa gia đình, xa làng quê để theo đuổi ước mơ của mình thì dĩ nhiên đôi lúc anh cũng thấy trống vắng. Đó là những ngày không có ai đánh thức, không có ai nấu bữa sáng cho anh như mẹ anh đã làm, và những đêm lạnh giá không ai kéo chăn cho, không ai đóng cửa sổ ngăn gió tràn vào nhà như cha anh đã từng. Vì thế đôi lần anh đã dựng cây giữa đường để chặn các chuyến xe, mong được một lần nói chuyện cùng họ. Nhưng nghĩ lại việc người thân của họ đang mong ngòng nên anh đã chiến thắng sự “thèm” người của mình bằng việc tự giác dời cây sang một bên để chiếc xe tiếp tục hành trình.

Tiếp nối mạch truyện, ta nhận thấy anh là một người gần gũi, thân thiện, dễ mến, hiếu khách và biết quan tâm, chăm sóc người khác. Điều này chứng tỏ qua việc anh mỉm cười trước ông họa sĩ và cô kĩ sư dù đây là lần đầu tiên gặp gỡ. Một nụ cười ấm áp làm ấm lòng những vị khách phương xa mới lần đầu đến đây, một nụ cười rực rỡ làm nảy nở tình cảm yêu thương giữa ba người, một nụ cười thân thiện đã xóa nhòa khoảng cách giữa họ. Ôi! Giá như có thể lưu giữ khoảnh khắc này mãi mãi thì chẳng còn gì bằng. Anh bước tới, tự tin và đường hoàng, tặng củ tam thất mình vừa đào được cho bác lái xe. Anh tặng nó cho bác vì anh không ích kỉ và anh biết rõ những người bệnh, điển hình là người vợ của bác lái xe cần nó vô cùng. Trái tim nhân đạo của anh cao đẹp hơn những cơn gió mát, những tia nắng rực, những cơn mưa rào mà anh đong đo mỗi ngày. Rồi bác đưa cho anh một chồng sách. Anh cầm lấy và mừng quýnh lên. Cái cảm giác sung sướng khi được người khác giữ lời hứa với mình, cái cảm giác sắp chinh phục được bờ bến tri thức của anh thật khó để diễn tả. Bác giới thiệu anh cho ông họa sĩ và cô kĩ sư. Một cảm giác ngại ngùng bao trùm lấy họ. Bất thình lình, anh luống cuống mời họ đến nhà chơi. Sau đó, anh chạy nhanh lên nhà. Liệu anh ta chưa dọn dẹp chăng?. Hay là sự xúc động khi lâu lắm rồi mới có người đến thăm nhà đã làm anh bối rối và ngượng ngùng như thế?. Khi đến nơi, cô kĩ sư đã được anh trao tặng một bó hoa to. Bó hoa ấy không chỉ thể hiện sự “ga lăng” của anh, mà anh còn muốn trao cho cô một niềm tin mãnh liệt vào ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ, cho cô thấy được ánh sáng của người lao động thầm lặng nhưng đầy niềm vui, cho cô yên lòng về quyết định ruồng bỏ mối tình nhạt nhẽo của mình để thêm vững bước trên những con đường cô đã đi qua và có động lực chinh phục những chân trời mới. Anh là nhân chứng sống của nghị lực vươn lên, của niềm tin bất diệt và của tình yêu dành cho công việc của mình. Và rồi anh tâm sự rằng ông họa sĩ và cô kĩ sư là đoàn khách thứ hai đến thăm từ Tết. Đó là những điều người ta chỉ nghĩ, chỉ suy ngẫm và chỉ nói với bản thân, nhưng anh không làm vậy, có lẽ do bản tính thật thà đã không ngăn được anh nói những điều từ đáy lòng ấy. Anh nói chuyện với họ, nhẹ nhàng và chân thật, như những lời anh từ trái tim thanh cao của anh, để họ hiểu hơn về cuộc sống của anh, công việc của anh và đặc biệt là con người anh. Khi họ về, anh còn tặng một cái làn đầy ắp trứng như một lời cảm ơn chân thành vì họ đã lắng nghe câu chuyện của anh và hiểu được tâm tư tình cảm mà anh chôn giấu bao lâu nay.

Những dòng tiếp theo làm ta cảm phục về anh, một người yêu nghề, có trách nhiệm với công việc, tôn trọng thời gian, công việc của mình và của người khác. Ngày nào, anh vẫn đi báo cáo đều đặn, nhưng gian khổ nhất là báo vào một giờ sáng: “nghe chuông đồng hò chỉ muốn đưa tay tắt đi”, “ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng”, “gió tuyết và lặng im bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”, “nó như bị gió chặt ra từng khúc”, “gió như những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung”, “im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy”, “trở vào, không thể nào ngủ lại được”. Gian khổ thế đấy, khó khăn thế đấy nhưng anh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bởi vì anh ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với đồng đội, đối với người dân và đối với đất nước. Cái “hừng hực như cháy” mà anh nói chính là ngọn lửa của đam mê, ngọn lửa của lòng yêu nghề và tình yêu quê hương đất nước, có thể đánh bại mọi cái giá lạnh, khắc nghiệt của thời tiết mà cháy sáng như một bó đuốc lớn giữa đất trời bạt ngàn. Và, đúc kết từ những gian khó ấy, anh đã có những suy nghĩ đầy tính triết lý về công việc: “Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”, “Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em dưới kia.”, “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.”, “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”. Anh đã xem công việc như một người bạn, một người thân, một người truyền cảm hứng và động lực để anh có thêm ý chí vượt qua mọi rào cản mà tiếp tục làm việc. Anh hiểu rằng công việc của mình còn nhẹ nhàng hơn những người đồng chí dưới kia, những người giống anh, muốn được cống hiến bản thân cho Tổ quốc thân yêu. Nếu như một ngày anh không làm việc, anh sẽ buồn lắm. Đáng lý ra anh sẽ vô cùng vui sướng vì có được ngày nghỉ ngơi, nhưng anh đã thấy được vị trí của mình trong xã hội cũng như mục đích làm việc nên sẽ không bao giờ ngơi tay. Suốt buổi trò chuyện, anh luôn xem thời gian từng giây từng phút. Liệu anh làm thế chỉ vì sợ muộn giờ làm việc, hay anh sợ họ sẽ lỡ mất chuyến xe mà không vể đền nhà để gặp gỡ người thân, bạn bè?. Anh cũng đã không tiễn hai người đó vì anh hiểu dù thế nào thì công việc vẫn là trên hết, không thể nào bỏ được.

Ngoài những đức tính tôt đẹp ấy, ta còn phát hiện thêm anh có một lí tưởng sống, một phong cách sống đẹp, luôn khiêm tốn lễ phép và vô cùng hạnh phúc. Công việc khó khăn, gian nan là thế, lại không có ai bên cạnh nhưng anh luôn có niềm vui bằng việc trồng hoa, phơi chè, sưu tầm sách, dọn dẹp nhà cửa. Những việc ấy không chỉ là những thứ tiêu khiển làm anh vui mỗi ngày mà chúng còn trang trải cho cuộc sống của anh vốn thiếu thốn và khá eo hẹp. Nhờ công sức và sự cần cù của anh mà có được bó hoa đẹp, những quyển sách hay cho cô kĩ sư, ly nước chè “thơm như nước hoa”cho ông họa sĩ, “căn nhà ba gian, sạch sẽ” cho anh và ông trò chuyện. Khi ông họa sĩ họa chân dung của anh, anh đã từ chối bằng câu: “Không! Không! Bác đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn.”. Câu nói ấy tưởng chừng chỉ là một lời chối từ giản đơn nhưng lại mở ra cho ta một bức tranh tuyệt đẹp của những người lao động lặng lẽ như anh, điển hình là ông kĩ sư vườn rau và đồng chí nghiên cứu khoa học, luôn âm thầm cống hiến, không cần những lời tán thưởng vô vị, chỉ cần đất nước sớm phát triển, nhân dân sớm được ấm no thì đó mới chính là niềm vui của họ. Đó là một ông kĩ sư vườn rau “ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ông lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào”, “cầm một chiếc que, mỗi ngày chín mười giờ sáng, lúc hoa tung cánh, đi từng cây su hào làm thay cho ông”, hay là đồng chí nghiên cứu khoa học “trong tư thế sẵn sàng suốt ngày chờ sét”, “cứ nghe sét là choàng choàng chạy ra”. Nhờ vậy, ta mới có “củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn ngon ngọt hơn trước”, một cái “bản đồ sét” để “của chìm nông, của chìm sâu trong lòng đất đều có thể biết”. Đáng quý vô cùng!. Rồi anh kể về kỉ niệm anh được các chú lái máy bay tấm tắc khen ngợi vì đã “phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta đã hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng” và từ đó anh “sống thật hạnh phúc”. Nếu như không có anh, chắc quân ta đã phải tốn rất nhiều sức lực để đánh bại giặc. Có thể nói phát hiện của anh là một phát hiện vĩ đại, cao cả, công sức của anh vô cùng lớn lao, đáng khâm phục. Chắc hẳn anh biết ơn bố mình nhiều lắm. Một ông bố đã truyền tình yêu quê hương đất nước cho đứa con thơ của mình, một ông bố thương con quyết định cá cược để thỏa mãn người con hiếu thắng của mình, để rồi hôm nay, trên đỉnh Yên Sơn cao vòi vọi này, anh đã làm nên một điều phi thường.

Với cốt truyện đơn giản, tự nhiên, chân thực, dễ hiểu, cùng với tình huống bất ngờ nhưng hợp lí, có sự kết hợp giữa các yêu tố tự sự, trữ tình và bình luận và dụng ý không nêu tên riêng của các nhân vật cùng chất thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, lãng mạn đã góp phần khắc họa anh thanh niên làm khí tượng yêu nghề, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, có cách sống giản dị nhưng vô cùng thanh cao. Hình ảnh người thanh niên ấy là tiêu biểu cho lớp người trẻ năng động trong thời kì xây dựng và phát triển đất nước.

Qua đó, ta thấy rằng anh thanh niên dù gặp muôn vàn khó khăn, hiểm trở nhưng vẫn yêu nghề và có trách nhiệm với công việc của mình. Anh là hình mẫu lý tưởng cho những người trẻ tuổi đang mong muốn dâng hiến sức mình phục vụ cho mọi người. Do đó, ta cần phải học tập chăm chỉ cũng như có một lý tưởng sống riêng để khi lớn lên, ta có thể giúp đất nước phát triển thêm giàu mạnh.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021