logo

Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu

Hướng dẫn lập dàn ý Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu

Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở Bài

- Giới thiệu tác giả Chế Lan Viên

- Giới thiệu bài thơ Tiếng hát con tàu

- Giới thiệu khổ thơ đề từ

2. Thân Bài

- Cảm nhận 3 câu thơ đầu: Khát vọng lên đường đến với cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước.

- Cảm nhận câu cuối: Lời khẳng định nguyện gắn bó với Tây Bắc, với nhân dân với đất nước - nơi nguồn mạch của sáng tạo thi ca.

3. Kết Bài:

- Khái quát lại những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật

- Nêu cảm nghĩ


Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu - Bài mẫu 1

Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

     Chế Lan Viên là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Trước Cách mạng, ta bắt gặp một Chế Lan Viên với những "điêu tàn, khổ đau, vô nghĩa". Sau Cách mạng, nhà thơ đã có sự lột xác "đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui" hòa vào cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước. Tiêu biểu cho sự đổi thay ấy là bài thơ Tiếng hát con tàu. Bài thơ là khát vọng thoát ra khỏi cái tôi nhỏ hẹp để lên đường đến với cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước. Cuộc sống lớn ấy chính là nguồn mạch sáng tạo thi ca. Và khát vọng ấy được thể hiện rõ nét trong khổ thơ đề từ:

Tây Bắc ư ? có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu"

     Bài thơ Tiếng hát con tàu ra đời nhân một sự kiện kinh tế - xã hội, đó là khi hòa bình lập lại, miền Bắc bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dân miền xuôi lên miền núi Tây Bắc khai hoang, lập nông trường xây dựng và phát triển kinh tế. Theo đó, các văn nghệ sĩ cũng lên đường để bắt nhịp với cuộc sống mới của nhân dân. Với cảm hứng từ cuộc sống lớn của nhân dân, đất nước, Chế Lan Viên đã bộc lộ khát khao được lên đường:

Tây Bắc ư ? có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

     Câu thơ mở đầu là một câu hỏi tu từ để bộc lộ cảm xúc. Tây Bắc là một địa danh, một miền đất cụ thể của Tổ quốc, ở đó trước kia chúng ta có "kháng chiến mười năm như ngọn lửa". Và giờ đây, ở đó đang diễn ra công cuộc xây dựng, tái thiết lại quê hương đất nước đầy nhộn nhịp, hăng say. Như vậy, Tây Bắc còn mang ý nghĩa biểu tượng. Tây Bắc biểu tượng cho mọi miền của tổ quốc trong thời kì dựng xây, biểu tượng cho cuộc sống lớn của đất nước, nhân dân. Bên cạnh biểu tượng Tây bắc là biểu tượng "con tàu". Con tàu thể hiện khát vọng đến với đất nước nhân dân, hòa mình vào cuộc sống lớn của nhân dân. Đến với nhân dân đất nước là đến với cội nguồn của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Vậy là khi lòng ta đã hóa những con tàu chất chứa bao khát khao thì đâu chỉ Tây Bắc, đâu riêng gì Tây Bắc, ta có thể đến bất cứ nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc. Ở nơi đó cuộc sống "bốn bề lên tiếng hát" đầy tươi đẹp và đó chính là ngọn nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo thi ca:

Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu"

     Một lời khẳng định chắc chắn - Tâm hồn ta, cảm hứng nghệ thuật của ta chính là Tây Bắc, chính là cuộc sống lớn của nhân dân đất nước. Chẳng phải kiếm tìm đâu nữa, nguồn mạch thi ca, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ chính là đây - cuộc sống của nhân dân đất nước trong thời kì dựng xây.

     Đến đây có thể nói, với những hình ảnh biểu tượng, khổ thơ đề từ đã thể hiện rõ nét khát vọng lên đường, hòa nhập và phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước của Chế Lan Viên. Đồng thời qua đó cũng thấy được một nhận thức mới trong sáng tạo thi ca, đó là nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống của nhân dân, đất nước.


Cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu - Bài mẫu 2

     Những nội dung trên đây của bài thơ đã được Chế Lan Viên dồn nén một cách cô đọng, hàm súc trong bốn câu đề từ:

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

     Khi lòng ta đã hóa những con tàu Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu!

     Trong các tác phẩm văn học, lời đề từ như một tín hiệu chỉ dẫn, lời mách bảo kín đáo con đường khám phá tác phẩm. Tuy nhiên, không phải một lúc chúng ta có thể nhận thức được hết ý nghĩa của lời đề từ. Muốn hiểu được lời đề từ phải nắm được nội dung tác phẩm. Vì thế, lời đề từ và nội dung tác phẩm luôn soi chiếu lẫn nhau đế vừa hiểu sâu tác phẩm vừa nhận ra ý vị của lời đề từ vốn có hình thức như một câu đố:

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

     Câu thơ cho ta thấy Tây Bắc là một biểu tượng, tượng trưng cho nhiều địa danh, mang nhiều ý nghĩa. Tây Bắc là cách nói về Tổ quốc, về Nhân dân, và với tác giả thì Tây Bắc còn có ý nghĩa là nơi ngọn nguồn của cảm xúc mà lí tưởng, cuộc đời nhà thơ đang hướng tới.

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?

     Chế Lan Viên đã thống nhất nhiều sự việc trong một biểu tượng: Con tàu - Tâm hồn ta - Tây Bắc - Tổ quốc - Nhân dân - Cội nguồn sáng tạo... để lôi cuốn độc giả. Khi "phá cô đơn ta hòa nhập với người", khi mỗi con người phá bỏ chủ nghĩa cá nhâu, phá bỏ những quan niệm nghệ thuật siêu hình bế tắc để hòa nhập với cộng đồng, với thế giới, với nhân dân đất nước thì tâm hồn mỗi con người sẽ trở thành một thế giới không tầm thường chút nào. Tâm hồn anh thuộc về nhân dân, được sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi sông. Cuộc đời và thế giới cá nhân đã hóa thân, chưng cất thành tâm hồn nhân dân. Vì thế tâm hồn anh có sự giao cảm đặc biệt với muôn triệu tâm hồn. Chế Lan Viên đã nhiều lần nói về sự thay đổi kì diệu này:

"Tâm hồn tôi khi thế giới soi vào

Thấy nghìn núi trăm sông diễm lệ".

Hoặc:

"Sợi chỉ lòng anh nghèo có một màu

Xe vào cái đa sắc của cuộc đời thèm chói lọi"

     Ở Tiếng hút con tàu, Tây bắc cũng soi vào hồn nhà thơ và nhìn vào tâm hồn nhà thơ bỗng phát hiện ra Tây Bắc đâu chỉ là một miền đất, một vùng quê. Tây Bắc còn sống trong mỗi con người với những kỉ niệm "máu rỏ tâm hồn ta thấm đất". Tây Bắc là "anh con", "em con", là "mế", là "bản sương giăng", "đèo mây phủ" là vắt xôi nuôi quân êm giấu giữa rừng", là cuộc sông gian lao nhưng trọng nghĩa tình, là tất cả những kỉ niệm tươi rói để kết lại thành: "Tây Bắc - người là mẹ của hồn thơ".

     Lời đề từ chính là một lời tâm niệm: tâm hồn ta thuộc về nhân dân, đất nước. Nhìn vào tâm hồn thấy nhân dân, đất nước. Soi vào đất nước, nhân dân lại thấy được lòng mình. Ra đi đến với cuộc đời, đến với đất nước, nhân dân cũng chính là tìm đến tâm hồn đích thực của mình với những tình cảm trong sáng, những nghĩa tình sâu nặng. Đó chính là ngọn nguồn của sáng tạo bởi "chẳng có thơ đâu giừa lòng đóng khép".

     Tiếng hát con tàu có vẻ đẹp hài hòa giữa cảm xúc và suy tư, giữa tình cảm và trí tuệ. Đây cũng là đặc điểm phong cách Chế Lan Viên trong Ánh sáng và phù sa.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay nêu cảm nhận về 4 câu đề từ trong bài Tiếng hát con tàu để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021