logo

Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Xi-mông ngắn, hay nhất

Để tìm hiểu sâu hơn về giá trị tác phẩm Bố của Xi-mông, mời các em tham khảo một số bài văn mẫu Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Xi-mông ngắn, hay nhất sau đây. Hi vọng với các bài văn mẫu đặc sắc này các em sẽ có thêm tài liệu, cách triển khai để hoàn thiện bài viết một cách tốt nhất!


Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Xi-mông ngắn, hay nhất - Bài mẫu 1

      Guy đơ Mô-pa-xăng (1850-1893) là nhà văn bậc thầy trong việc viết truyện ngắn, ông là nhà văn hiện thực lớn, có tấm lòng thương cảm sâu sắc với những con người có số phận éo le, bất công dưới đáy của xã hội. "Bố của Xi-mông" là một truyện ngắn cảm động kể về một cậu bé được sinh ra do sự lầm lỡ của người mẹ, khi lớn lên đến trường cậu bé liên tục bị chúng bạn chế giễu điều đó làm cậu vô cùng đau khổ, chỉ muốn chết đi. Đúng lúc ấy có một người đàn ông tên là Phi-líp đã đến an ủi cậu bé và đồng ý làm bố cậu, về sau chính người đàn ông này đã cưới mẹ cậu và cậu có một gia đình trọn vẹn. Đoạn trích Bố của Xi-mông bắt đầu từ việc Xi-mông gặp Phi-líp bên bờ sông khi đang buồn phiền vì nghĩ rằng mình không có bố.

      Tác giả đã rất khéo léo khi miêu tả tâm trạng của cậu bé Xi-mông, sự thay đổi tâm trạng được tác giả thể hiện một các tinh tế, bắt nguồn từ việc Xi-mông ngồi một mình bên bờ sông, bắt con nhái xanh rồi sung sướng khi thấy nó cố chống cự mà không được trong tay mình. Từ cảm giác bất lực của con ếch trước sự trêu đùa của mình Xi-mông bắt đầu nhớ đến một món đồ chơi, em nhớ đến ngôi nhà của mình và nhớ đến mẹ, cuối cùng em nghĩ đến hoàn cảnh của bản thân, nhắc nhở cậu nhớ về nỗi đau của chính mình. Đó là nỗi đau không có bố, đặc biệt nỗi đau ấy lại thường bị xoáy sâu hơn bởi những người bạn cùng lớp, điều đó làm em thấy đau đớn và tổn thương vô cùng. Hình ảnh cậu bé ngồi bên bờ sông "người em như rung lên, em quỳ xuống, đọc kinh cầu nguyện...nhưng không đọc hết được, vì tiếng nức nở lại kéo đến , dồn dập xốn xang, choán lấy em...em cứ khóc hoài" khiến độc giả cảm nhận được sâu sắc nỗi đau của một cậu bé 7, 8 tuổi, em còn nhỏ thế nhưng nỗi xúc động trong em là vô cùng lớn, chính tỏ tâm hồn em đã bị tổn thương vô cùng thậm tệ, đến độ niềm tin của em là đức Chúa trời cũng không thể làm cho em bình tĩnh và vơi bớt nỗi đau đớn, tuyệt vọng và bế tắc này.

      Khi gặp người đàn ông tên là Phi-lip, Xi-mông đã không cầm lòng được mà nói ra lý do mình khóc là vì em không có bố, và khi nghe Phi-lip nói theo anh về nhà thì sẽ cho Xi-mông một ông bố, cậu bé lập tức nín khóc và ngoan ngoãn lên đường về nhà ngay. Điều đó chứng tỏ rằng trong thâm tâm cậu bé tội nghiệp này vô cùng khát khao được có một người bố, thế nên chỉ cần nghe nhắc đến việc mình sẽ có một người bố thì biết bao đớn đau, muộn phiền đều lập tức tan biến hết. Từ đó cho thấy cậu bé Xi-mông vẫn là một đứa trẻ ngây thơ và hồn nhiên, thế nhưng lại trở thành nạn nhân bị xã hội đầy định kiến ngoài kia vùi dập làm tổn thương chỉ vì sự lầm lỡ của người mẹ, chỉ vì em thiếu đi một người cha, mặc dù em chẳng làm nên tội tình gì. Chính cái xã hội đó đó suýt chút nữa cướp đi một đứa trẻ đáng yêu, suýt nữa đã khiến Xi-mông nghĩ đến cái chết khi ở bên cạnh bờ sông vì bị tổn thương sâu sắc, vì cảm thấy quá bế tắc tuyệt vọng.

      Sự khao khát có bố của Xi-mông càng thể hiện rõ khi hỏi Phi-líp có muốn làm bố của mình không, chỉ vì trong tâm hồn ngây thơ của cậu bé nhận thấy Phi-líp là một người đàn ông tốt, đồng thời quan trọng hơn cả là cậu bé không muốn bị bạn bè mắng là không có bố. Có lẽ cậu bé đã rất sợ hãi và tuyệt vọng khi bị cô lập, thế nên khi chỉ cần có chút hy vọng thì em lập tức muốn thoát khỏi cảnh tượng đáng sợ ấy và cách duy nhất là tìm về một người bố. Sự ngây thơ hồn nhiên của em càng khiến người ta cảm thấy xót xa khi Xi-mông hỏi tên Phi-líp và nói rằng từ giờ trở đi Phi-líp là bố của em. Có lẽ rằng cậu bé chưa thực sự hiểu từ bố là gì, thế nhưng trong thâm tâm cậu giờ đây đang cần gấp một người bố để bù đắp vào chỗ trống bấy lâu em vẫn thiếu và để nói cho tất cả mọi người biết rằng em cũng có bố như ai, để bản thân mình không bị thua kém và không bị bắt nạt. Việc đột nhiên có một người bố, đã khiến cho Xi-mông trở nên phấn khởi và vui mừng, em trở nên tự tin hơn khi đứng trước lũ bạn vẫn thường trêu chọc em, kể cả khi chúng nó không hề tin là Xi-mông có một người bố tên Phi-líp. Lúc này đây đối với Xi-mông em đã thực sự có một người bố, em thà bị đánh, bị hành hạ, chứ không chịu bỏ chạy, bởi em tin rằng bố của em chính là bác Phi-líp mình mới gặp hôm qua. Cho thấy niềm tin trong lòng Xi-mông vô cùng vững chãi, cũng như tâm hồn ngây thơ, lương thiện và sự thiếu thốn khó lòng bù đắp của cậu bé, để khi chỉ có một chút hạnh phúc cũng khiến cậu bé trở nên yêu đời và tin tưởng hơn bao giờ hết.

      Đoạn trích Bố của Xi-mông đã nêu lên một phần hiện thực tàn khốc của xã hội lúc bấy giờ, những định kiến ác độc đã khiến con người, đau lòng hơn cả là có những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên có ý định tìm đến cái chết. Thế nhưng may sao, tình thương giữa con người với con người đã kịp lóe lên giải thoát nhân vật chính, cụ thể là cậu bé Xi-mông khỉ sự tuyệt vọng và bế tắc, cho em niềm tin và sức mạnh để đối mặt với những định kiến xã hội đầy gai góc.


Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Xi-mông ngắn, hay nhất - Bài mẫu 2

      “Bố của Xi-mông” là một truyện ngắn hiện thực khá hay của Guyđờ Mô-pa-xăng. Truyện này nói lên nỗi đau khổ của em bé Xi-mông và mẹ em vì những thành kiến, thói tục cổ lỗ, khi Xi-mông không rõ bố em là ai và niềm sung sướng tràn ngập khi em được nhận chú Phi-lip làm bố. Đăe biệt, truyện đã đề cao tấm lòng nhân hậu của Phi-lip, người thợ rèn đáng quý mến.

      Hành động nhận làm bố Xi-mông cua chú bị một số người cười chê là khờ dại. Thật ra, đó là một việc làm nhân đạo, cao cả. Vì chính việc làm này đã mang lại nhiều sung sướng, hạnh phúc cho Xi-mông, cứu em thoát khỏi cái chết. Bởi lẽ, ngay từ những ngày đầu tiên học ở trương, Xi-mông đã bị đám bạn bè độc ác, vô ý thức đùa cợt, trêu chọc về việc em không có bố. Bị chế giễu, bị đánh đập, Xi-mông tức giận nên ném đá vào bọn chúng rồi bỏ đi ra bờ sông. Em đã khóc ròng và nghĩ đến việc nhảy xuống sông cho chết đuối. Em ngắm đàn cá bơi lội, em bắt con nhái chơi, nhưng cái ý.định tự tử ấy cứ lởn vởn mãi. “Em lại khóc, người em cứ run lên, em quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyên như trước khi đi ngủ. Nhưng em không đọc hết được bài kinh vì những cơn nức nở tại trở lại dồn dập, xốn xang, choán ngợp lấy em. ” Đang lúc đau khổ như thế thì Xi-mông gặp chú Phi-lip, biết được tình cảnh của em, chú ấy đã dẫn em về nhà. Trước mặt mẹ Xi-mông, chú đã trả lời câu hỏi của em này: “Chú có muốn làm bố cháu không?”,' bằng lời khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát: “Có chứ, chú có muốn.” Thế là lần thứ nhất chú Phi-lip đã cứu Xi-mông ra khỏi cơn tuyệt vọng, giành em khỏi tay thần chết.

      Chú Phi-lip và các bác thợ đã nói và làm theo tiếng gọi của lương tri, thoát khỏi những thành kiến hẹp hòi, cổ hủ.Tuy nhiên đối với chú Phi-lip, lúc đầu chú nghĩ đây là một việc làm nhất thời, cốt để an ủi cho Xi-mồng trong phút giây thoát khỏi cơn tuyệt vọng. Nhưng sau đó, đến lúc Xi-mông đến nói với chú tại lò rèn: “Bố Phi-lip này, lúc nãy thằng cọn bác Micốt bảo cho rằng bố không phải là bố của con hẳn hoi vì bố không phải là chồng của mẹ.” Lúc này, không còn là nhất thời nữa rồi! Vấn đề đặt ra trước chú Phi-lip lúc này là một vấn đề nghiêm túc. Xi-mông lại có thể đựng trước tình thế tuyệt vọng một lần nữa, nếu như chú Phi lip xem lời nói lần trước của mình là lời nói đùa. Chính các bác thợ rèn đồng nghiệp của chú Phi-lip, những vị thần khổng lồ ấy đã giúp chú vượt qua định kiến đối với mẹ Xi-mông. Chị ta lầm lỗi không phải do lỗi ở chị ta, để đi đến quyết định cuối cùng: ngỏ lời cầu hôn với người phụ nữ đáng thương mến này. Việc làm của chú Phi-lip đã mang lại cho Xi-mông hạnh phúc thật sự, cậu bé nhờ có đủ nghị lực để tuyên bố với các bạn cùng lớp: “Bố tớ là Phi-lip Rêmi (bác thợ rèn) và bố tớ hứa sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt tớ?

      Chú Phi-lip và các bác thợ rèn trong truyện ngắn này được Guyđờ Mô-pa-xăng miêu tả như các vị phúc thần. Chú đã giải thoát cho Xi-mông khỏi nỗi đau khổ của em và mang lại cho em hạnh phúc. Việc làm ấy cũng giúp cho mẹ Xi-mông thoát khỏi khổ đau do lầm lỡ. Chú Phi-lip và các bác thợ đã nói và làm theo tiếng gọi của lương tri, thoát khỏi những thành kiến hẹp hòi, cổ hủ. Việc làm của họ như là đại diện cho sự công bằng, cho lòng nhân ái, giúp cho các nhân vật bị đau khổ, bất hạnh thoát khỏi đau khổ và có hạnh phúc. Hình ảnh của họ thật đẹp, thật hào hùng mà cũng nhân hậu xiết bao.

      Có ý kiến cho rằng việc làm của chú Phi-lip: nhận làm bố của Xi-mông và làm chồng của mẹ em bé này thật là khờ dại. Không đúng. Phải nói đây là một việc làm nhân đạo, cao cả, xuất phát từ một tấm lòng yêu thương rộng lớn, đồng cảm sâu sắc đối với cảnh ngộ đáng thương mến của Xi-mông và của mẹ em bé này. Chú đã khơi dậy trong lòng người đọc tình cảm quý mến đối với việc làm tốt đẹp, thấm đẫm tình người của một người lao động nhân hậu, cao cả.  


Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Xi-mông ngắn, hay nhất - Bài mẫu 3

      Truyện ngắn Bố của Xi-mông của nhà văn Pháp Mô-pa-xăng đã khắc họa thành công tâm trạng của ba nhân vật chính trong truyện là Xi-mông, bác Phi-lip và chị Blăng-sốt, qua đó tác giả nhắc nhở chúng ta lòng yêu thương con người.
Nhà văn viết truyện ngắn theo trình tự sự việc, qua từng sự việc đó, các nhân vật thể hiện tâm trạng và tính cách của mình. Trong truyện ngắn, mỗi nhân vật có một hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa họ có một điểm chung là tình cảm của họ dành cho nhau rất chân thành.

      Xi-mông là em bé có hoàn cảnh éo le. Em không có bố, em lớn lên trong sự dạy dỗ của mẹ mà thiếu tình thương của bố. Đến khi đi học, ngày đầu tiên em đến trường đã bị sự chế giễu của bạn bè. Hoàn cảnh đó đã làm em tuyệt vọng và em quyết tìm đến cái chết. Tuy nhiên, cũng như bao đứa trẻ khác, em là người ham chơi đến nỗi quên mất ý định ban đầu của mình. Ra bờ sông để tự tử, thấy cảnh đẹp, thấy chú nhái xanh, em quên mất ý định tự tử của mình và vui với những trò hấp dẫn. Nhưng chợt nhớ lại ý nghĩa ban đầu, em buồn bã khóc, khóc hoài. Trong đầu em lúc đó không thể nghĩ ra điều gì, không thể nào nghĩ ra cách để em có bố. Gặp bác Phi­lip và bác hứa cho em một người bố, em như quên tất cả và vui vẻ theo bác về nhà như không có chuyện gì xảy ra trước đó. Tính cách trẻ con của Xi- mông được tác giả khắc họa rất thành công, nó vừa thể hiện được sự ngây thơ nhưng đồng thời cũng là cho thấy niềm khát khao có bố của em.

      Nếu như trong truyện Những đứa trẻ, nhà văn Go-rơ-ki thể hiện lòng thương cảm đối với những em bé sống thiếu tình thương của mẹ thì trong truyện Bố của Xi-mông,Mô-pa-xăng lại thông cảm với số phận của những em bé sống thiếu tình thương và sự dạy dỗ của cha. Tình thương và lòng nhân ái luôn hiện hữu trong mỗi chi tiết truyện. Với tình thương của mình, không những bác Phi-lip làm cho Xi-mông từ bỏ cái ý định tự tử của mình mà còn mang lại cho em sự lạc quan, tin tưởng, tạo ra một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em. Không những thế, sự hi sinh của bác còn tạo cho người mẹ vững tâm hơn trong cuộc sống. Tình thương đã làm thay đổi tất cả. Đó là giá trị cao cả của tác phẩm và cũng là thông điệp tác giả muốn gửi gắm cho người đọc.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu cảm nhận diễn biến tâm trạng của Xi-mông ngắn, hay nhất. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 07/06/2021 - Cập nhật : 07/06/2021