logo

Cảm nhận của em về bài thơ Dừa ơi

Tình yêu quê hương đất nước luôn thường trực trong trái tim mỗi người dù ở đâu và làm gì. Khi Tổ quốc đứng trên bờ vực khó khăn, giặc ngoại xâm liên tục chống phá, tình cảm thiêng liêng đấy như ngọn sóng đẩy mỗi ngày một cao. Đối với Lê Anh Xuân, ông luôn trân trọng những ngày tháng sống trong thời kì rực cháy, hào hùng đấy. Sau đây, hãy cùng nhau tìm hiểu “Cảm nhận của em về bài thơ Dừa ơi”.


Dàn ý Cảm nhận của em về bài thơ Dừa ơi

Mở bài

- Dẫn dắt vấn đề: Thơ là tiếng lòng.

- Đặt vấn đề: Cảm nhận của em về bài thơ Dừa ơi.

Thân bài

- Giới thiệu chung:

+ Hoàn cảnh sáng tác: ra đời vào năm 1966, trong thời kì đất nước còn chiến tranh.

+ Nội dung bài thơ: ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân, lên án chiến tranh phi nghĩa gây nên nhiều thảm họa đồng thời thể hiện tình yêu quê hương, đất nước da diết, mãnh liệt.

- Cảm nhận:

+ Cây dừa – biểu tượng của người dân miền Tây Nam Bộ: cây dừa gắn bó với cuộc sống nhân dân, nhất là với những đứa trẻ khi đó là nơi che nắng che mưa, là nơi ru mát những giấc trưa hè.

+ Cây dừa – minh chứng cho lịch sử chiến tranh: Những vết đạn in hằn trên thân dừa hay tiếng gió xào xạc từ lá dừa mà ngỡ đâu tiếng gươm đang khua.

+ Cây dừa - ẩn dụ cho phẩm cách con người anh dũng, kiên cường, bất khuất trong thời kì chống giặc ngoại xâm.

- Đánh giá:

+ Tình cảm của tác giả.

+ Cảm xúc của người viết: Trân trọng, biết ơn, tự hào về những người anh hùng dân tộc.

Kết bài

- Tổng kết vấn đề: Bài học rút ra.


Cảm nhận của em về bài thơ Dừa ơi

“Thơ là tiếng lòng”. Khởi phát từ trái tim rung cảm trước sự vật – hiện tượng, thơ đến với độc giả. Nói cách khác, thơ là dòng tâm sự giãi bày tâm tình của người cầm bút. Nhà thơ Lê Anh Xuân cũng vậy. Trước một đất nước tự lực tự cường trong những năm tháng cứu nước, bài thơ “Dừa ơi” ra đời.

“Dừa ơi” được sáng tác vào năm 1966 giữa thời điểm đất nước còn chiến tranh. Bằng tài năng của mình, Lê Anh Xuân đã cất lên những dòng thờ nhẹ nhàng, trữ tình ngợi ca tinh thần anh dũng của nhân dân miền Nam đồng thời bộc lộ niềm tự hào về con người, về quê hương đất nước.

“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ

Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ

Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió

Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”

Nội nói: “Lúc nội còn con gái

Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân

Đất này xưa đầm lầy chua mặn

Đời đói nghèo cay đắng quanh năm”

Cảm nhận của em về bài thơ Dừa ơi

Nhắc tới cây dừa là nói tới mảnh đất vùng Tây Nam Bộ. Cây dừa là hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân nơi đây, thậm chí, sau này, khách du lịch một lần ghé thăm, hẳn phải choáng ngợp trước những hàng cây dừa. Cây dừa, từ lâu, trở thành một biểu tượng chứng kiến sự đổi thay từ năm này qua năm khác, chứng kiến sự sinh tồn và kết thúc của vạn vật. Thậm chí, cây dừa còn có thể coi như một người bạn. Khi nhà thơ còn bé, cây dừa đã hiện hữu. Cây dừa chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của “tôi”. Lời thơ nặng tình tâm sự. Nhân vật “tôi” thắc mắc về sự “có mặt” của cây dừa nhưng đổi lại, là câu trả lời “Lúc nội còn con gái / Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân”. Điều này thêm phần khẳng định sức sống mạnh mẽ của cây dừa. Con người bị thời gian làm cho thay đổi, còn với cây dừa thì không. Dù năm tháng qua đi, dừa vẫn đứng trụ như thế! Không chỉ vậy, với hình ảnh đất “đầm lầy chua mặn” đã thể hiện nơi sống của nhân vật “tôi” cũng chính là tác giả - miền Tây Nam Bộ. Đặc trưng không thể trộn lẫn vào bất cứ xứ sở nào. Chỉ với câu thơ ngắn “Đời đói nghèo cay đắng quanh năm” mô tả cuộc sống thời bấy giờ còn nghèo đói, khó khăn. Cuộc sống nhân dân chưa ổn định, gặp nhiều trắc trở. Dẫu thế, nó vẫn là nơi nuôi lớn nhân vật “tôi”. 

“Hôm nay tôi trở về quê cũ

Hai mươi năm biết mấy nắng mưa

Nội đã khuất rồi xanh rì đám cỏ

Trên thân dừa vết đạn xác xơ.

Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi

Mà lá tươi xanh mãi đến giờ

Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi

Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.”

Để rồi, khi “tôi” trở về thăm ngôi nhà xưa cũ, cây dừa vẫn còn đó. “Trên thân dừa vết đạn xác xơ” là chứng tích của cuộc chiến tranh khốc liệt đã tàn phá mọi thứ. Tuy vậy, cây dừa vẫn sừng sững hiên ngang như nói lên phẩm cách của bao thế hệ anh dũng thời kì đó. Vì đất nước, họ sẵn sàng chịu khổ đau, không run sợ trước quân thù. Câu hỏi tu từ “Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi / Mà lá tươi xanh mãi đến giờ” minh chứng cho sự trường tồn của cây dừa. Thời gian cứ ngày một trôi đi, con người ngày một lớn thêm, nhưng dừa vẫn thế! Lặng lẽ và chứng kiến bao sự đổi thay. Cây dừa che mát sân dừa, đưa “tôi” vào giấc ngủ tuổi thơ. Hình bóng dừa đã in sâu trong tâm trí nhà thơ. Kể cả khi nghe tiếng gió thổi qua từng kẽ lá, nhân vật không phân biệt được là tiếng lá dừa xào xạc hay là tiếng gươm đang khua. Hiện thực chiến tranh quá tàn khốc, gây nên sự ám ảnh trong lòng. Nhà thơ yêu quê hương nhưng không khỏi đau đáu trước tình cảnh làng quê bị ảnh hưởng tàn phá.

“Ôi có phải nhà thơ Đồ Chiểu

Từng ngâm thơ dưới rặng dừa này

Tôi tưởng thấy nghĩa quân đuổi giặc

Vừa qua đây còn lầy lội đường dây.

 

Tôi đứng dưới hàng dừa cao vút

Cạnh hàng dừa tơ lá mướt xanh màu

Những công sự còn thơm mùi đất

Cạnh những chiến hào chống Pháp năm nao.”

Cảm nhận của em về bài thơ Dừa ơi

Dừa không chỉ xuất hiện trong thơ của nhân vật, mà nó còn từng xuất hiện trong thơ Đồ Chiểu. Thấy cây dừa, tác giả như thấy được viễn cảnh Đồ Chiểu ngâm thơ về một thời kì đất nước đang đánh trận. Cây dừa, có lẽ, cũng đã từng chứng kiến nghĩa quân anh hùng, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta đánh đuổi quân thù để giành lại bình yên, tự do. Cây dừa cao thẳng vút lưu dấu với thời gian về năm tháng oai hùng.

“Vẫn như xưa vườn dừa quê nội

Sao lòng tôi vẫn thấy yêu hơn

Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy

Biết bao đau thương, biết mấy oán hờn.

 

Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút

Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng

Rễ dừa bám sâu vào lòng đất

Như dân làng bám chặt quê hương.”

Cây dừa, dù hình hài thế nào, nó vẫn là một kỉ niệm đẹp của tác giả. Dẫu trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, dừa đau một, nhân dân đau mười. Đó là nỗi đau của sự mất mát, hi sinh của người thân, của những người anh hùng vĩ đại của dân tộc. Và đó còn là tiếng lòng ai oán với lũ cướp nước. Câu thơ lặp lại “Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút” một lần nữa thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, không sợ giặc của người dân miền Tây Nam Bộ. Phép so sánh “Rễ dừa bám sâu vào lòng đất / Như dân làng bám chặt quê hương” nói lên sự đoàn kết của toàn thể dân tộc. Khi đất nước rơi vào hiểm nguy, dòng máu quê hương đang chảy dọc, ai nấy đều đứng lên kiên quyết bảo vệ. Một tình thần đáng quý và đáng tự hào biết bao nhiêu.

“Dừa bị thương dừa không cúi xuống

Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời

Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng

Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài.

 

Lá dừa xanh long lanh ánh nắng

Theo đoàn quân thành lá ngụy trang

Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng

Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường.

 

Đất quê hương nát bầm vết đạn

Đã nuôi dừa năm tháng xanh tươi

Ôi có phải dừa hút bao cay đắng

Để trổ ra những trái ngọt cho đời.”

Dừa không chỉ hứng chịu những đau thương từ chứng tích chiến tranh, dừa còn là pháo đài ngăn cản quân thù, để nhân dân ra sức chiến đấu. Dừa như người bạn đồng hành trong cuộc chiến giành lấy độc lập dân tộc. Thậm chí, ngay cả khi dừa ngã xuống, thì nó vẫn có tác dụng của mình, là ánh đuốc soi đường trong đêm khuya. Phép ẩn dụ, miêu tả về cây dừa song thực chất là đang ngợi ca nét đẹp phẩm cách của nhân dân ta về một thời oanh liệt vàng son. Để có được hòa bình như hôm nay là bao người đã hi sinh? Và thế hệ mai sau, sẽ chẳng thể nào quên, bởi trong họ luôn tồn tại “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”.

“Tôi ngước nhìn mùa xuân nắng dọi

Bốn mặt quê hương giải phóng rồi

Tôi bỗng thấy nội tôi trẻ lại

Như thời con gái tuổi đôi mươi

Như hàng dừa trước ngõ nhà tôi.”

Giờ đây, đất nước đã giải phóng, hòa bình lập lại, tác giả về với quê hương trong cảnh yên bình khiến ông thổn thức nhớ về vùng trời tuổi thơ, về với người bà trẻ đẹp ở tuổi đôi mươi – ngày mà bà cong con gái đã thấy sự có mặt của cây dừa. Không còn sự đau thương mất mát, đổi lại là sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng bình yên trước ngõ nhà xưa.

Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh cây dừa được lặp đi lặp lại nhiều lần, Lê Anh Xuân thể hiển tình cảm với quê hương đất nước thông qua hình ảnh biểu tượng cây dừa. Đó là cây dừa kiên cường, anh dũng; đó là phẩm cách của người dân nơi đây. Và hơn bao giờ hết, sau tất cả, là một trái tim yêu nước da diết, mãnh liệt. Tác giả ,ượn thơ để giãi bày tình cảm của mình. Một bài thơ hay là một bài thơ chạm đến trái tim người đọc. Lê Anh Xuân đã làm được điều này! Bởi khi đọc lên, người đọc hòa mình vào thế giới cảm xúc của ông, tự hào về thế hệ đi trước quá đỗi anh dũng.

Như vậy, thông qua bài thơ “Dừa ơi”, nhà thơ Lê Anh Xuân đã mang đến cho người đọc phút giây lắng đọng về một thời đã xa, nhắc nhở chúng ta hãy luôn biết ơn những người đã cho chúng ta cuộc sống hòa bình như hôm nay.

---------------------------

Trên đây là Cảm nhận của em về bài thơ Dừa ơi do Toploigiai biên soạn. Mong rằng, với nội dung tham khảo này có thể giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 28/05/2023 - Cập nhật : 19/08/2023