logo

Cảm nhận bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát


Mở bài Cảm nhận bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát

       Cao Bá Quát là một bậc văn sĩ tiêu biểu của thời kì trung đại, do đó cũng không tránh nổi việc ôm ấp những mối u hoài về nợ công danh và con đường theo đuổi sự nghiệp, bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát chính  là những dòng thơ vừa như độc thoại mà vừa như đang dằn vặt đối thoại với chính mình của thi nhân.

Cảm nhận bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát | Văn mẫu 11 hay nhất

Thân bài Cảm nhận bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát

“Bãi cát lại bãi cát dài,

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi”

        Vừa choáng lấy tâm trí của người đọc khi mở đầu là hình ảnh bãi cát dài vô tận, mang hơi thở nhọc nhằn, chật vật của bước chân người đi đường. Đi một bước, thế nhưng lại như lùi một bước câu thơ mang đậm hơi thở nhọc nhằn, đầy u uẩn và bế tắc của người lữ khách, bước chân ấy tưởng như đang bị cái sa mạc khát khô và bỏng rát kia cuốn lấy, kìm chặt và định làm chùn bước. Để rồi tiếp tục, dẫu thiên nhiên vũ trụ có đi vào thế nghỉ ngơi thì người đi đường vẫn phải đơn độc tiếp tục hành trình ấy của mình, vẫn kéo những bước dài lê thê trên con đường mệt mỏi. Nhưng phải chăng, hình ảnh bãi cát dài vô tận làm cho bước chân của người đi đường mệt mỏi ấy cũng là một ẩn dụ cho con đường công danh mà tác giả theo đuổi, đầy gập ghềnh, trúc trắc, luôn chực chờ làm gục ngã bước chân người đi đường. Và có lẽ, càng trong hành trình đơn độc và nhọc nhằn ấy, nhân vật trữ tình càng muốn độc thoại đối thoại để chất vấn lý do tiếp tục cuộc hành trình gian nan này:

“Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?”

         Ở đời, vốn dĩ con người ta bao giờ cũng bị tất tả ngược xuôi bị cuốn vào vòng danh lợi. Ở đây thi nhân của chúng ta, một trang nam nhi đầu đội trời chân đạp đất, sống giữa thế kỉ lúc bấy giờ, cũng bị nợ nam nhi ghìm chân, ràng buộc, vì thế cứ mãi rong ruổi say sưa theo đuổi con đường công danh dẫu nó mịt mờ và mỏi mệt như hành trình trên bãi cát dài vô tận. Nhà thơ ví bả công danh, ví bả danh lợi như hơi men, hơi men dễ làm chư vị qua đường say xưa bởi hương thơm và mùi vị của nó, người ta dễ dàng sà vào nó, nhưng lại không phải ai cũng đủ bản lĩnh để đứng vững trong chốn lao xao ấy, không phải ai cũng có thể giữ mình, giữ lấy cốt cách thanh cao đạo mạo của mình và vừa theo đuổi công danh, vừa dấn thân vào chốn nhiễu nhương xô bồ nhộn nhạo lại không đánh mất đi chân tâm thuở ban đầu. Thế nên, người say vô số, người tỉnh được mấy ai? Hoặc thậm chí, có những kẻ dẫu mệt mỏi và bế tắc trong hành trình này vẫn không tìm được lối thoát, vẫn gượng gục bước đi đầy khổ nhọc và chán chường.

“Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

 Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

 Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?”

         Một lần nữa câu hỏi đầy u uẩn và những trằn trọc của người đi đường lại cất lên, vang lên trong không gian lặng thinh bốn bề, vang lên để rồi đáp trẻ lại là sự im lặng đến đáng sợ, khiến cho người đi đường một lần nữa rơi vào vực thẳm của lí trí, và sự ngã khụy của con tim. Câu hỏi cất lên, nhưng đáp trả lại chỉ là sự vô vọng, sự trống trải, bâng khuâng, nó khiến cho người đọc cũng như thêm nghẹn ngào trong dòng nghi vấn đầy uẩn ức nghẹn ngào bế tắc ấy. Một mối quan hoài mà có lẽ bản thân người đi đường có thể đã tìm được câu trả lời, nhưng câu trả lời ấy có lẽ không được chấp nhận trong xã hội lúc bấy giờ, nên hành trình dẫu mỏi mệt vẫn phải cứng rắn tiếp tục gồng mình đứng lên. Biết là đường ghê sợ còn nhiều đâu ít, biết là nếu tiếp tục nguy hiểm bủa vây chập chùng, nhưng không thể bỏ cuộc, bước tiếp thì cô đơn và cùng cực, tiếng hỏi tiếng than và cũng là lời tự nhận về thực cảnh làm dấy lên những chua xót trong lòng người đọc.

 “Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,

  Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

  Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

  Anh đứng làm chi trên bãi cát?”


Kết bài Cảm nhận bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát

         Bỗng dưng trong một giây phút khao khát được đồng điệu cùng với tâm trạng của người đi đường, khúc đường cùng của Cao Bá Quát làm gợi ta nhớ đến khúc Bạc Mệnh đã ám cả lấy đời Kiều, còn ở đây khúc “Đường cùng” như nói lên phần nào hoàn cảnh hiện tại, rằng người lữ khách ấy đã vô cùng mệt mỏi, bế tắc, cất tiếng hỏi trời, hỏi đời, và hỏi bốn bề xung quanh, mà cửa đời vẫn đóng im lìm quá. Vẫn chỉ còn lại đây mỗi nỗi lòng nặng trĩu về nợ công danh của kẻ đi đường và những khoảng không bất tận của cô đơn. Bốn câu thơ cuối, hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội hiện lên bốn về xung quanh, như tạo thành bức tường vây bủa lấy nội tâm u uất lúc này của người lữ khách. Đồng thời, lấy thiên nhiên hùng vĩ để dựng nền, cũng đã phần nào tôn lên nét cao trượng và kì vĩ của kẻ anh hùng.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 20/11/2022