logo

Cảm nhận Anh thanh niên trong đoạn trích "Anh hạ giọng...bác vẽ hơn”

Lặng lẽ Sa Pa là tác phẩm nổi tiếng nhất của tác giả Nguyễn Thành Long với nhiều thông điệp ý nghĩa. Trong tác phẩm, nhân vật anh thanh niên nổi bật nhất ở đoạn trích "Anh hạ giọng...bác vẽ hơn”. Các bạn hãy cùng đến với bài viết sau đây để hiểu hơn về anh thanh niên trong đoạn trích đó nhé.


Dàn ý Cảm nhận Anh thanh niên trong đoạn trích "Anh hạ giọng...bác vẽ hơn”

Cảm nhận Anh thanh niên trong đoạn trích "Anh hạ giọng...bác vẽ hơn”

a. Mở bài:

Giới thiệu tác giả và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, cũng như đoạn trích

b. Thân bài:

- Anh thanh niên là một người yêu công việc và có suy nghĩ đúng đắn về công việc của mình

+ Anh thấy rằng anh không một mình ‘“khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? “

+ Anh biết công việc của mình liên quan tới mọi người đang làm nhiệm vụ khác, và nói rằng nếu không có nó mình sẽ buồn chết mất

- Anh là người có quan điểm về hạnh phúc rất đặc biệt

+ Anh nghĩ rằng nếu nhớ những thứ xa hoa như đô thị thì là tầm thường, mà nỗi nhớ hơn cả là nỗi nhớ con người mới xứng đáng,...

+ Hạnh phúc của anh là được cống hiến cho đất nước, anh tự hào khoe với bác họa sĩ và cô kĩ sư mình đã giúp quân ta biết được khí tượng và đánh được máy bay địch

- Anh thanh niên là một người rất ham đọc sách, chân thành và khiêm tốn

+ Trong nhà anh rất nhiều sách, anh coi sách là bạn thân của mình

+ Anh khiêm tốn khi nói bác họa sĩ đừng vẽ mình, nhiều người đáng vẽ hơn

=> Em rất yêu quý nhân vật anh thanh niên, anh ấy là một người đáng ngưỡng mộ và kính trọng

c. Kết bài:

Khái quát lại cảm nhận của bản thân về anh thanh niên

>>> Tham khảo: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong "Lặng lẽ Sa Pa" và liên hệ với hình ảnh người lính trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" để rút ra nét chung về vẻ đẹp của con người Việt Nam qua văn học


Cảm nhận Anh thanh niên trong đoạn trích "Anh hạ giọng...bác vẽ hơn”

Cảm nhận Anh thanh niên trong đoạn trích "Anh hạ giọng...bác vẽ hơn”

      Trong lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có biết bao thế hệ đã cống hiến hết mình cho Tổ Quốc. Họ cống hiến tuổi trẻ, nhiệt huyết, tài năng thậm chí là cả mạng sống để bảo vệ và xây dựng đất nước. Mỗi người một việc, nhưng tất cả đều có sự liên kết với nhau, giúp đỡ nhau để cùng phát triển, hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước giao cho. Đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn sáng tác những tác phẩm ca ngợi sự cống hiến của con người Tổ quốc, nhiều hơn cả có lẽ là những tác phẩm viết về người lính nơi đầu chiến tuyến. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những người ở hậu phương, âm thầm hỗ trợ, góp sức mình bảo vệ Tổ quốc và làm những việc quan trọng không kém việc ra trận như là người nông dân làm ra lương thực gửi cho tiền tuyến, người đưa thư giao những thông báo về chiến tranh một cách nhanh nhất, những người vợ ở nhà chăm con cho chồng đi đánh trận,....Với cảm hứng sáng tác từ những con người như vậy, nhà văn Nguyễn Thành Long đã sáng tác tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa vào năm 1970, trở thành truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông, được in trong tập Giữa trong xanh (1972). Tác phẩm kể về cuộc gặp gỡ của anh thanh niên làm khí tượng ở đỉnh Yên Sơn (Lào Cai), ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Qua đó truyện ca ngợi những con người thầm lặng đang ngày ngày cống hiến cho tổ quốc. Đối với em, nhân vật anh thanh niên đã để lại cho em nhiều cảm nhận ấn tượng nhất, đặc biệt là ở đoạn trích "Anh hạ giọng...bác vẽ hơn”.

      Qua đoạn trích trên, người đọc như em đã cảm nhận được nhân vật anh thanh niên hiện lên với những phẩm chất thật tốt đẹp. Trước tiên, anh là một người có suy nghĩ đúng đắn và yêu công việc của mình. Anh thanh niên khẳng định rằng anh không một mình “khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Suy nghĩ của anh thanh niên đã khiến em thật ngạc nhiên vì nó đúng đắn quá. Anh thanh niên coi công việc là một phần của cơ thể mình, không thể tách rời nên dù sống và sinh hoạt ở nơi lạnh lẽo, vắng vẻ, anh cũng không bao giờ thấy cô đơn, lẻ loi, chỉ là đôi lúc “thèm người” nên anh mới chặn khúc gỗ lại để xe dừng và có người trò chuyện thôi. Anh thanh niên còn nhận thức được công việc của anh “ gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.” Anh suy nghĩ cho mọi người và có cái nhìn sâu rộng về công việc của mình, công việc đo khí tượng của anh gắn liền với việc chiến đấu, làm nhiệm vụ của những người hoạt động cách mạng khác. Anh biết công việc của mình rất gian khổ nhưng lại cũng rất quan trọng nên làm công việc một cách nghiêm túc, không hởi hợt, anh yêu công việc của mình và tâm sự với bác họa sĩ “cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Anh thanh niên thật sự đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng em vì tình yêu công việc cũng như có trách nhiệm đối với mọi người xung quanh.

     Anh thanh niên còn có suy nghĩ rất khác về hạnh phúc.. Anh thấy rằng “Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng”, đối với anh, nỗi nhớ về những điều xa hoa như đô thị, thì chỉ là thứ “xoàng”, nghĩa là tầm thường. Nỗi nhớ con người với nhau mới là thứ lớn hơn cả, vậy nên anh thanh niên mới thèm người như vậy. Và hạnh phúc hơn cả đối với anh là được cống hiến cho cuộc đời, cho con người. Anh thanh niên thật cao cả làm sao. Anh rất muốn được đi đánh trận, bảo vệ Tổ quốc nhưng không được chọn đi, nhưng điều này đã giúp anh có được công việc đo khí tượng như hiện tại, một công việc ở hậu phương cũng quan trọng không kém đi ra trận. Anh tự hào và vui sướng kể cho bác họa sĩ, cô kĩ sư biết rằng nhờ có anh “góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ đựơc bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng.”Đây chính là niềm vui của một con người yêu nước và khao khát cống hiến cho Tổ quốc.

     Sống một mình nơi đỉnh núi cao hoang vắng, anh thanh niên không hề xuề xòa, anh vẫn chăm chút cho tâm hồn của mình mỗi ngày, ngoài nhờ vào công việc, anh còn dùng cả sách. Anh có rất nhiều sách, đối với anh nó như một người bạn của mình vậy, trước lúc bác họa sĩ và cô kĩ sư trẻ lên thăm, anh vẫn đang đọc dở một cuốn sách không biết từ bao giờ, được đánh dấu để trên bàn. Không những thế, đọc đoạn trích em còn cảm nhận được anh thanh niên là một người rất khiêm tốn. Với sự chân thành và lí tưởng sống cao đẹp của mình, anh thanh niên đã khiến cho bác họa sĩ già quý mến và muốn vẽ chân dung của anh. Nhưng anh đã khiêm tốn từ chối và nói với bác họa sĩ rằng “Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”. Theo anh thanh niên, ngoài kia có rất nhiều người xứng đáng được bác họa sĩ già vẽ hơn anh, anh thấy mình chưa đủ xứng đáng để được bác họa sĩ vẽ. Mặc dù qua đoạn trích, chúng ta có thể thấy anh thanh niên có những phẩm chất vô cùng tốt đẹp, hoàn toàn xứng đáng được bác họa sĩ già vẽ tranh.

     Qua đoạn trích “Anh hạ giọng...bác vẽ hơn”  của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa, người đọc chúng ta có thể cảm nhận được anh thanh niên là một yêu công việc của mình, có lý tưởng sống cao đẹp cùng với đó là nhiều phẩm chất đáng quý như khiêm tốn, chân thành và quan tâm đến mọi người. Qua đó, nhà văn Nguyễn Thành Long muốn ngợi ca những con người như anh thanh niên, đang thầm lặng ngày đêm cống hiến cho Tổ quốc. Những người làm việc ở hậu phương và tiền tuyến đều xứng đáng được biết ơn và ca ngợi, tất cả họ đã làm nên đất nước ta ngày hôm nay.

---------------------------

Trên đây Toploigiai đã mang đến cho các bài bài viết Cảm nhận Anh thanh niên trong đoạn trích “Anh hạ giọng...bác vẽ hơn” nằm trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. Anh thanh niên là một người đáng để cho thế hệ trẻ ngày nay noi gương theo, một người với những phẩm chất cao quý, góp sức mình dựng xây đất nước.

icon-date
Xuất bản : 08/01/2023 - Cập nhật : 15/07/2023