logo

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Bạn đang gặp khó khi làm bài văn Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy? Đừng lo! Hãy tham khảo những bài văn mẫu đã được tuyển chọn và biên soạn với nội dung ngắn gọn, chi tiết, hay nhất của Top lời giải dưới đây để nắm được cách làm cũng như bổ sung thêm vốn từ ngữ nhé. Chúc các bạn có một tài liệu bổ ích!


Nội dung khái quát của 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với biển

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỷ

 

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

- Tái hiện lại hình ảnh vầng trăng trong quá khứ

+ Điệp từ “với” tô đậm thêm sự gắn bó chan hòa của con người với thiên nhiên, với những tươi đẹp của tuổi thơ

+ Phép liên tưởng đầy tính nghệ thuật “trần trụi với thiên nhiên”, so sánh độc đáo “hồn thiên như cây cỏ” → Cho ta thấy rõ hơn vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, trong sáng, rất đỗi vô tư, hồn nhiên của vầng trăng. Đó cũng chính là hình ảnh con người lúc bấy giờ: vô tư, hồn nhiên, trong sáng


Dàn ý Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

1. Mở bài

- Giới thiệu về bài thơ Ánh trăng

- Hai khổ thơ đầu của bài thơ là hình ảnh của vầng trăng khi xưa.

2. Thân bài:

- Hình ảnh vầng trăng là hình ảnh chủ đề, trung tâm của bài thơ.

- Hai khổ đầu là hình ảnh của ánh trăng gắn bó với con người khi còn thiếu niên và cùng nhau trải qua thời gian chiến đấu thời chiến tranh.

- Khổ thơ thứ nhất như kể một câu chuyện theo dòng thời gian từ lúc còn nhỏ tới khi trở thành người chiến sĩ cụ Hồ.

- Cấu trúc lặp và biện pháp liệt kê được sử dụng theo trình tự không gian từ nhỏ tới lớn, từ quê hương rộng ra là đất nước.

- Điệp từ "hồi": Sự suy tưởng, suy ngẫm về quá khứ, từ lúc thiếu niên tới khi hành quân cùng đồng đội, ánh trăng luôn theo sát bên.

- Khi còn ở chiến khu, "vầng trăng thành tri kỉ": đi đâu trăng cũng theo sau, nghỉ ngơi cùng nhau tự tình.

=> Tình cảm thật tự nhiên, gắn bó, chân thành, mộc mạc.

- Hình ảnh "trần trụi ...cây cỏ": cảm giác gần gũi, thân thuộc với vầng trăng, tự nhiên như hơi thở, không có khoảng cách.

- Nhà thơ đã tưởng chừng như không thể quên được hình ảnh của vầng trăng ấy "ngỡ không...tình nghĩa".

- Vầng trăng ở đây được nhân hóa thành nhân vật trữ tình, là một con người thực thụ, chứng nhân những năm tháng từ thơ bé cho tới khi chiến đấu.

=> Ánh trăng không chỉ là một người bạn mà còn là một chứng nhân tượng trưng cho quá khứ, cho những năm tháng không thể nào quên. => Nguyễn Duy muốn rút ra bài học: không được quên đi quá khứ, phải sống đúng đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

- Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ, không viết hoa đầu dòng làm lời thơ như câu chuyện kể. Các biện pháp nhân hóa, so sánh được sử dụng nhuần nhuyễn,

3. Kết bài

- Khẳng định lại đạo lý mà Nguyễn Duy muốn gửi gắm.


Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy - Bài mẫu 1

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy (ngắn gọn, hay nhất)

    Nguyễn Duy là nhà thơ trường thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Sáng tác của ông thấm đẫm phong vị của ca dao, dân ca nhưng nhiều bài văn có cái ngang tàng mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm. Thơ ông vì thế cứ đi sâu vào tâm hồn người đọc một cách tự nhiên và có lúc khiến người ta phải giật mình. Ánh trăng là một thi phẩm như thế. Nó tựa như một câu chuyện nhỏ có các sự kiện diễn biến theo trình tự thời gian. Lời thơ dung dị như lời kể những chất thơ vẫn đong đầy và ẩn chứa những triết lí sâu sắc về con người, cuộc đời.

    Mở đầu bài thơ là những kỉ niệm êm đềm, tươi đẹp giữa trăng và người trong quá khứ. Một loạt những mốc thời gian được liệt kê, như một cuốn phim quay chậm:

Hồi nhỏ sống với đồng

..........

vầng trăng thành tri ki.

    Lời thơ như không hề có sử dụng công nghệ thuật mà chỉ là sự đo đếm bước đi của thời gian, sự kiện: hồi nhỏ, sống với đồng, với bể, với sông, hồi chiến tranh,… Thế nhưng ẩn chứa sau nó là cả một quãng đời dài, từ thời niên thiếu hồn nhiên, thơ dại đến khi trưởng thành và trong những năm tháng chiến tranh gian khổ gắn bó cùng trăng. Mọi chiều kích không gian và thời gian được mở rộng tới bao la, khôn cùng, gợi hình ảnh Ánh trăng tràn ngập không gian, trải dài theo thời gian. Cách gieo vần lưng “đồng”, “sông" và điệp từ “với” đã diễn tả một tuổi thơ êm đềm hạnh phúc chan hoà cùng thiên nhiên của tác giả. Khi lớn lên, bước chân vào đời lính gian khổ, giữa núi rừng hoang lạnh “vầng trăng thành tri kỉ". Trăng theo sát bước chân người lính, cùng chia sẻ buồn vui của cuộc sống chiến đấu. Ta chợt nhớ tới vầng trăng của tình đồng đội thiêng liêng trong sáng tác của Chính Hữu:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

(Chính Hữu – Đồng chí)

    Trăng thực sự là một người bạn thân thiết trong những năm tháng tuổi nhỏ và là người “tri kỉ” của người lính trong những tháng ngày khói lửa chiến tranh. Con người giản dị, hồn nhiên như bản tính vốn có của tự nhiên bao đời:

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ.

    Tính từ “trần trụi”, “hồn nhiên” được đặt ở hai đầu dòng thơ như muốn nhấn mạnh khi chất của con người. Trăng và người cứ hồn nhiên như thể, như sông, như đồng, như bể, như tâm hồn chân chất của những người nông dân mộc mạc, như tinh thần lạc quan, bay bổng của những người lính. Cách gieo vần lưng “thiên nhiên”, “hồn nhiên” làm cho âm điệu thơ liền mạch, khơi dòng cảm xúc dâng tràn trong tâm hồn thi nhân. Từ “ngỡ” như báo trước một sự đổi thay, một điều bất thường. 


Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy - Bài mẫu 2

     Từ xưa đến nay, ánh trăng với các thi nhân mà nói luôn là nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo ra những tác phẩm để đời. Ánh trăng là bạn, là người thương, là tri kỉ đối với họ. Như Bác Hồ của chúng ta, Người cũng say mê ánh trăng, vầng trăng ấy với biết bao bài thơ về trăng như Vọng nguyệt, Rằm tháng Giêng, ... Và Nguyễn Duy cũng là một người yêu trăng như bao thi sĩ khác, thế nhưng ánh trăng ấy với ông lại mang thêm một tầng ý nghĩa mới, không chỉ là bạn, là tri kỷ, ánh trăng ấy còn tượng trưng cho quá khứ, cho tuổi thơ, cho những năm tháng hào hùng của dân tộc. Ông đã thể hiện điều đó thông qua hai khổ thơ đầu bài thơ Ánh trăng của mình:

"Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với biển
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỉ
Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa".

     Lời thơ ở đây không mỹ miều, không thi vị hóa, nó giản dị, mộc mạc như đang kể một câu chuyện ngày xưa. Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn ngủi, Nguyễn Duy đã dựng lên cho chúng ta thấy cuộc sống của một con người từ những ngày còn thơ ấu cho đến những lúc trưởng thành. Chẳng có một sự đong đếm nào ở đây, nhưng người đọc lại như cảm thấy được bước đi của thời gian từ "hồi nhỏ" - lúc thơ ấu, đến "hồi chiến tranh" - khi là thanh niên. Và trong tất cả quãng thời gian ấy, ánh trăng là hình ảnh trung tâm, là hình ảnh xuyên suốt đi cùng con người. Điệp từ "hồi" như nhấn mạnh cái quá khứ đã xa xôi, nhưng vẫn còn nguyên, hiện rõ trong tâm khảm của nhà thơ. Đó là sự hồi tưởng về những ngày tháng quá khứ, gợi lên những hình ảnh không thể quên từ lúc còn thơ ấu, đến khi hành quân bên đồng đội, ánh trăng vẫn luôn đồng hành cũng nhà thơ. Không gian ở đây được mở rộng từ "đồng" đến "sông" rồi đến "biển" theo trình tự liệt kê, đó là quá trình trưởng thành từ nhỏ tới lớn của nhà thơ, từ quê hương rộng ra đất nước.

     Ngày còn bé, ánh trăng cùng chơi đùa với con người. Sau này, lên tới chiến khu, "vầng trăng thành tri kỉ" bởi đi đâu vầng trăng ấy cũng theo sau, cùng con người trải qua những tháng năm gian khổ chiến tranh, cùng nhau tình tự lúc nghỉ ngơi dọc đường. Như Chính Hữu cũng đã từng nhắc về vầng trăng ấy trong tác phẩm "Đồng chí" của mình:

"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo".

     Phải, vầng trăng ấy, ánh trăng ấy gắn bó với con người thật sâu sắc, thật gần gũi, chân thành biết bao! Nó là chứng nhân cho hết thảy những năm tháng gian khổ, vất vả của con người.

     Cái vầng trăng ấy với con người tưởng chừng đã gắn kết, một sự gắn kết tự nhiên, thân thuộc như hơi thở, không còn khoảng cách:

" Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ"

     Nhà thơ đã tưởng chừng như cái vầng trăng ấy đã biến thành một người bạn tri kỉ, chẳng bao giờ có thể thôi không nhớ tới. Vầng trăng ở đây được nhân hóa thành một con người, một nhân vật trữ tình đầy xúc cảm, một tri kỉ đã theo suốt những tháng năm tuổi thơ và thời kì hành quân vất vả. Nhà thơ đã nghiễm tưởng sẽ chẳng bao giờ có thể quên đi được:

"ngỡ chẳng bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa"

     Bởi nó quá gắn bó, quá thủy chung với con người. Nhà thơ nhấn mạnh hai chữ "tình nghĩa" như nhấn mạnh sự gắn kết, nhấn mạnh thứ tình cảm bao năm tháng của con người đã có với nhau.

     Ánh trăng ở đây không còn đơn thuần là một người bạn tri kỉ nữa, nó là chứng nhân của năm tháng con người, là thứ biểu tượng cho quá khứ. Con người sống ở hiện tại, hướng tới tương lai nhưng không được phép quên đi cái quá khứ ngày xưa đã từng gian khổ đi lên. Đây là chân lý, là bài học mà tác giả Nguyễn Duy muốn gửi gắm tới chúng ta qua hai khổ đầu bài thơ Ánh trăng này.

     Thể thơ năm chữ nhịp nhàng, uyển chuyển, không viết hoa chữ cái đầu dòng thơ, bởi mỗi khổ thơ, Nguyễn Duy lại kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về vầng trăng mà ông đã gắn bó. Cùng với các biện pháp nhân hóa, so sánh, Nguyễn Duy muốn nhấn mạnh ý nghĩa của vầng trăng kia, nó là một người bạn, là một chứng nhân cho quá trình trưởng thành của con người, cho những năm tháng khốc liệt của chiến tranh trong quá khứ.

     Ánh trăng ở đây không còn đơn thuần là ánh trăng nữa mà nó còn tượng trưng cho quá khứ, chi những năm tháng đã từng gắn bó với nhau. Qua hai khổ thơ, Nguyễn Duy không chỉ muốn viết về ánh trắng mà còn muốn nhắc nhở chúng ta bài học: không được phép quên đi quá khứ, phải sống chung thủy, trọn vẹn nghĩa tình, đúng với đạo lý cha ông ta từng nói "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".


Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy - Bài mẫu 3

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

    Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những sáng tác của ông mang đậm những triết lý, suy tư về cuộc đời và cuộc sống. Ánh trăng là một trong những sáng tác nổi bật cho đời thơ Nguyễn Duy, là lời gửi gắm đến mọi người về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính.

    Bài thơ gồm sáu khổ thơ năm chữ kết hợp tự sự với trữ tình, là hồi ức mộc mạc, giản dị được kể lại theo trình tự thời gian. Từ một câu chuyện riêng của tác giả, Ánh trăng trở thành lời nhắc nhở sâu xa thấm thía về cảm xúc ân tình với quá khứ gian lao nhưng đầy tình nghĩa đối với thiên nhiên đất nước.

    Mở đầu bài là những dòng hồi ức mộc mạc, giản dị. Những ký ức thuở nào ùa về hết sức chân thành:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

.........

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa”

    Đoạn thơ gợi lại ký ức của tác giả, một tuổi thơ bình dị với đồng ruộng mênh mông, với con sông bát ngát, với những cánh đồng trĩu nặng phù sa. Vầng trăng xuất hiện trong ký ức tuổi thơ là những tháng ngày giăng câu, xúc tép giữa đêm hôm được vầng trăng soi rọi, là những đêm quây quần bên góc sân, cùng nghe kể chuyện ngày xưa, cùng thổi nồi bánh nóng dưới ánh sáng vàng nhạt của ánh trăng. Trăng không chỉ soi tỏ góc sân mà còn tràn ngập cả vườn cây, đồng lúa, không chỉ soi sáng vùng trời mà còn soi rọi cả tuổi thơ. Lớn lên, theo kháng chiến trường kỳ, nhà thơ gắn bó với ánh trăng trong những năm dài chiến đấu.

    Vầng trăng vì thế cũng trở nên thân quen bởi giữa rừng núi hoang vu cùng đồng đội “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”, cũng trong những đêm ấy, vầng trăng như hòa cùng tinh thần người lính, tạo nên cái nhìn tinh nghịch “đầu súng trăng treo”. Bao lần họ cùng đắm mình dưới trăng, cùng hát ca, quây quần dưới tiếng khèn vi vút trong những đêm liên hoan, cùng ngắm mảnh trăng nhớ về ánh mắt người yêu đang trông đợi ở quê nhà, cùng hành quân trên chặng đường đầy ánh trăng sáng. Anh và trăng vì thế đã trở thành đôi bạn thân, khăng khít, gắn bó ngỡ không thể nào quên. Tình cảm ấy, nghĩa tình ấy chỉ có thể gọi với nhau bằng hai từ “tri kỷ”.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Ánh trăng của Nguyễn Duy. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021