Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Cảm nghĩ về một món quà mà em đã được nhận thời thơ ấu. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Một trong những đồ vật nằm của thời thơ ấu mà tôi rất trân trọng là một con búp bê - món quà của bà.
Con búp bê mặc một chiếc váy xanh da trời. Hồi còn bé, tôi “thần tượng” nó lắm. Tôi ước sao xinh như búp bê. Nhưng mỗi lần nói với bà về niềm mong ước ấy, bà lại ôm tôi vào lòng và nói rằng tôi xinh hơn búp bê nhiều. Mặc dù biết bà nói để làm tôi vui nhưng tôi vẫn khoái lắm. Trẻ con có ai là không thích nịnh đâu. Tôi cũng vậy thôi. Tôi còn nhớ, bà đã dạy tôi tắm gội cho búp bê và bảo rằng lúc nào tôi cũng phải sạch sẽ thơm tho hơn búp bê. Những lần cần khuyên tôi điều gì bà đều nhờ búp bê để nói đến tôi, chứ không bao giờ bà mắng tôi cả. Chính vì vậy tôi yêu bà lắm. Mỗi lần ôm búp bê trong tay, tôi lại nhớ bà da diết. Áo búp bê có mùi mồ hôi của bà nên tôi ôm búp bê suốt ngày.
Chỉ mãi đến khi học cấp hai, tôi mới bỏ được thói quen ấy. Có búp bê ở bên, tôi thường cảm thấy được che chở dù cho búp bê chỉ bé bằng cái chân tôi. Có lẽ búp bê cũng giống bà, luôn che chở, bảo vệ tôi mỗi khi tôi cần. Trong tim tôi, bà giống như một thiên sứ, mãi mãi đem đến cho tôi những nụ cười. Có những lần tôi đã định cất búp bê đi cho khỏi nhớ bà nhưng cất đi rồi tôi vẫn nhớ, có lúc còn nhớ hơn. Hơn thế nữa, tôi cũng nhớ búp bê lắm chứ. Những lúc buồn, tôi chỉ muốn tâm sự với búp bê mà thôi. Đôi mắt to, tròn, xanh của búp bê khiến tôi trở nên tự tin hơn, bản lĩnh hơn. Búp bê giống như một người bạn, biết xuất hiện đúng lúc tôi cần. Búp bê hình như cũng có một tâm hồn riêng, một trái tim riêng. Nếu sau này, thế giới tổ chức một cuộc thi cho những đồ chơi có khả năng kì diệu, tôi sẽ cho búp bê tham dự. Búp bê này không thể khóc, không thể cười nhưng búp bê có cảm xúc. Chẳng hiểu có phải vì tôi yêu búp bê quá mà lú lẫn không nhưng tôi tin vào điều đó lắm. Tôi nói: búp bê của tôi có cảm xúc là để mọi người có thêm nhiều hi vọng vào cuộc sống và để họ luôn nghĩ rằng: trên đời này không có gì là không thể làm được nếu chúng ta biết hy vọng vào tương lai. Cũng chính vì lí do đó, tôi đặt tên búp bê là: ngôi sao xanh – ngôi sao mang đến niềm hy vọng.
Thời gian giúp con người thêm trưởng thành, giúp cho những kỉ niệm, kỉ vật trở nên quý giá. Nhờ đó, mỗi con người cũng biết trân trọng quá khứ và biết hướng tới tương lai nhiều hơn. Những kỉ vật như những chiếc cầu thần diệu, nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Đối với tôi, con búp bê ngôi sao xanh là tất cả. Tôi vẫn luôn giữ cẩn thận con búp bê thay cho lời nói với bà: Cháu nhớ bà lắm. Tôi không dám chắc bà sẽ nghe được lời nói ấy nhưng tôi biết chắc rằng tại một nơi nào đố, bà cũng đang rất nhớ tôi và nhớ cả “ngôi sao xanh”.
Thời gian đến và đi, cuốn theo những ước mơ và hoài bão của tôi ở trong đó. Thời gian vô thường giúp cho con người trưởng thành và những kỉ niệm, kỉ vật cũng trở nên quý giá hơn. Chúng là cầu nối kì diệu nối quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Với tôi, chiếc áo len là một món đồ như thế. Bởi đó là món quà đầu tiên cũng là món quà cuối cùng của bà tặng cho tôi.
Mùa đông năm ấy, trời lạnh và rét ngọt. Gió thổi từng cơn lạnh buốt. Bước chân nặng nề vô định trên đường, tôi như còn chẳng biết xung quanh mình là gì. Với tôi, chúng đâu có quan trọng bằng bà. Bệnh tình bà tôi đã khó lòng trụ được, bà tôi có thể bị thần chết cướp đi bất cứ lúc nào. Cái giấy phút tôi khóc hết cả nước mắt bên bà khi nghe mọi người nói bà không thể qua khỏi là giây phút khó khăn nhất với tôi. Đáp lại ánh mắt lo lắng, hỗn độn, sợ hãi của tôi lại là cái nhìn trìu mến, yêu thương, bình thản đến không ngờ của bà khi đối diện với cái chết. Đôi tay bà run rẩy chỉ về một vật màu nâu trong ngăn bàn đối diện:
- Cháu yêu, mùa đông năm nay lạnh lắm. Bà, bà đã cố để đan cho cháu một chiếc áo sưởi ấm. Nhưng vẫn chưa thể hoàn thành…. Giúp bà hoàn thành nó…
Bà còn chưa kịp nghe câu trả lời của tôi, bàn tay đã buông lõng xuống. Bà ngừng nói…
Tại sao bà không nói nữa? Bà đang nói dở cơ mà. Bà chưa bao giờ không nghe ý kiến của cháu. Bà sao vậy? Bà không yêu cháu nữa sao? Nếu cháu làm gì sai bà phải mắng, phải chỉnh đốn lại cho cháu chứ!
Tôi cứ như thế, cứ tự hỏi mà biết chắc không có câu trả lời. Bà vẫn im lặng. Bà vẫn lặng im tiếng kêu vô vọng của tôi và tiếng khóc bi thương của mọi người.
Chiếc áo len của bà trong tay tôi. Tôi nhìn nó và khóc nức nở. Chiếc áo tỏa ra hơi ấm kì lạ, như bàn tay bà đang vỗ về, chở che cho tôi.
Theo tâm nguyện của bà, tôi dành cả tình cảm của mình để đan chiếc áo ấy. Màu nâu không rực rỡ nhưng nó đem lại sự bình yên đến lạ kì. Chiếc áo tuy không phải làm bằng loại len đắt tiền, kiểu dáng không thời trang nhưng nó là chiếc áo đẹp nhất tôi từng thấy. Bà tôi sinh rà từ đất nâu, giản dị như màu của đất và cũng bình yên, ấm áp như vậy. Áo không có lông, chẳng dày mà sao ấm áp đến vậy. Mặc nó, tôi cảm giác như bà đang ở bên mình, đang ôm mình và che chở cho tôi. Vì thế, dù mùa đông lạnh lẽo tới đâu cũng không đáng sợ. Đáng sợ là ta mất đi điểm tựa và tình yêu ngay cả trong mùa xuân.
Tôi lớn lên dần, bộ sưu tập những chiếc áo của tôi lại nhiều thêm. Chiếc áo nâu năm nào đã không còn vừa để tôi mặc nữa. Đã có một thời gian chiếc áo rơi vào sự quên lãng của tôi. Và một buổi chiều, cũng là buổi chiều mùa đông gió lạnh ấy, tôi lại thấy chiếc áo khi đang xu dọn đồ đạc. Kí ức trong tôi ùa về, giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi trên khuôn mặt tôi. Bao lâu rồi tôi đã không mảy may suy nghĩ về nó? Bao lâu rồi tôi đã không còn nhớ về bà, không còn khóc khi nghĩ đến bà không còn ở bên cạnh nữa? Bao lâu rồi tôi trở thành kể vô cảm như thế? Bao lâu rồi…
Một mình tôi cứ như thế, ngồi lặng im trước chiếc áo, trong tiếng khóc nức nở của mình và tiếng rít lên từng hồi của gió lạnh bên ngoài. Lòng tôi đã lạnh hơn cả ngoài kia rồi. Và bà, chính bà lại xuất hiện để sưởi ấm tôi, yêu thương tôi như ngày nào. Bà lúc nào cũng hiền từ và cao đẹp như thế.
Một món đồ chẳng mang nhiều giá trị. Nhưng một kỉ vật là vô giá. Nó nhắc ta về những kỉ niệm, những tình cảm, những giá trị làm nên con người và cuộc sống của ta.
Ngày còn bé, bố tôi rất hay công tác xa nhà, mỗi lần đi xa, khi về, bố đều mua cho tôi rất nhiều quà đẹp. Trong những món quà đầy áp tình yêu thương của bố, có ý nghĩa với tôi nhất là cuốn từ điển Anh- Việt mà bố mua năm tôi lên lớp bốn.
Tôi vẫn còn nhớ ngày ấy tôi là một cô bé ham chơi và môn học mà tôi ghét nhất là môn tiếng Anh bởi học tiếng Anh vừa lắm từ mới lại rất khó đọc nhưng bố đã biến môn tôi ghét nhất trở thành môn học mà tôi yêu nhất bằng món quà tuyệt vời của mình. Tôi vẫn còn nhớ hồi ấy bố đi công tác xa cả tuần liền. Tối hôm ấy do bị điểm kém môn tiếng Anh mà bị mẹ mắng, tôi tủi thân, liền gọi điện cho bố mà khóc. Bố thấy tôi vậy chỉ bật cười rồi nói mai bố về bố sẽ mua cho tôi một món quà mà bố tin rằng món quà ấy sẽ khiến cho tôi thấy việc học tiếng Anh trở nên thú vị và dễ dàng hơn nhiều.
Chiều hôm sau bố về và mang theo một món quà đặc biệt như bố đã hứa đó là một cuốn từ điển tiếng Anh. Lúc đầu khi nhìn thấy cuốn từ điển, tôi phụng phịu không ưng bởi tôi cũng có một cuốn mẹ mua cho, mà đối với tôi thì nó chả thú vị gì, cũng không làm cho môn tiếng Anh dễ dàng hơn đối với tôi. Bố liền hiểu ý và bảo tôi cứ mở ra xem, thật bất ngờ, cuốn từ điển không giống với những cuốn mà trước đây tôi đã từng trông thấy. Trong mỗi trang sách không còn là vô vàn những từ tiếng Anh mới khó nhớ đến đau đầu nữa mà là những bức tranh rất ngộ nghĩnh về những đề tài khác nhau, khi nhìn vào những bức tranh ấy tôi không còn thấy khó chịu với những từ mới dài khó nhớ nữa mà ngược lại còn cảm thấy rất thích thú mỗi lần dở cuốn từ điển ra. Từ đó tôi có một thói quen đọc cuốn từ điển ấy mỗi ngày, lúc đầu chỉ là do tò mò thú vị về cuốn sách mới nhưng ít lâu sau đó tôi nhận ra vốn từ vựng của mình tăng lên rất nhiều. Một lần trong giờ học tiếng Anh tôi trả lời câu hỏi của cô giáo bằng một câu tiếng Anh có rất nhiều từ mới mà các bạn trong lớp không biết khiến cho cả cô và các bạn đều tấm tác khen ngợi. Từ đó tôi thấy môn tiếng Anh thú vị rất nhiều và chăm chỉ học hơn bao giờ hết.
Cuốn từ điển quả thật với tôi có rất nhiều ý nghĩa, nó là cầu nối cho tôi đến với môn tiếng Anh, là một kỉ niệm tuổi thơ không thể quên và đạc biệt hơn cả là sự biểu hiện của tình yêu thương mà bố dành cho tôi. Cho dù bây giờ đã lên lớp lớn, không thể dùng cuốn từ điển bố mua cho để học nữa nhưng nó vẫn luôn nằm trong hộc bàn của tôi như một vùng kí ức bất khả xâm phạm và nó sẽ mãi là món quà tuổi thơ mà tôi trân trọng nhất. Thỉnh thoảng, khi mở xem lại “người bạn ấu thơ thông minh” của mình, tôi không khỏi đắm mình trong những tia nắng vàng tươi mang tên tuổi hồng, khi ấy, mọi nỗi buồn như tan biến, mọi niềm vui như đọng lại và chỉ còn là một làn gió hết sức dịu dàng luồn thổi qua từng khe tóc, nâng tâm hồn tôi đến một xứ sở thần tiên nào đó mà chính tôi cũng không rõ, chỉ biết nó ngập tràn hào quang và hân hoan hạnh phúc.
Tuổi thơ tôi có lẽ được lấp đầy bằng những món quà, những món quà vô hình mang tên tình yêu thương. Sống trong hạnh phúc ấy, tôi yêu lắm tuổi thơ tuyệt vời của mình và những món quà hữu hình đối với tôi hiện hữu như là biểu tượng thay cho thứ quà tặng vô hình mà những người thân yêu dành cho tôi.
Tuổi thơ là những ngày tháng rong chơi không lo nghĩ, là những nụ cười trong trẻo ngày nắng, những âm thanh vui vẻ lắng đọng ngày mưa. Tuổi thơ của tôi gói gọn trong một kỉ vật đến giờ vẫn được cất giữ trên vị trí đẹp nhất của tủ kính nơi phòng khách: con gấu bông.
Con gấu bông này tôi được mẹ tặng vào dịp sinh nhật sáu tuổi, khi mà ngày khai trường vào lớp một đã cận kề. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hạnh phúc đến vỡ òa khi bóc từng lớp giấy bọc quà, nhìn thấy chiếc tai gấu lấp ló phía trong hộp bìa carton. Cảm giác nghẹn ngào, xúc động đến mức tôi nhảy cẫng lên hò reo khiến cả nhà nhìn tôi thích thú trêu chọc. Tôi đã thích gấu bông từ rất lâu rồi, khi sang nhà chị họ chơi và thấy chị có một chú gấu Teddy để trên bàn học, tuy nhiên tôi biết gia đình mình không quá khá giả, mẹ và bố phải làm việc vất vả để kiếm tiền trang trải học phí và những lần ốm đau của tôi. Do đó, tôi không hề năn nỉ hay xin bố mẹ mua bất cứ món quà nào cả. Tuy nhiên, có lẽ vì nhìn thấy sự thích thú của tôi với chú gấu bông kia và muốn động viên tôi học tốt nên mẹ đã mua tặng tôi vào ngày sinh nhật món quà tuyệt vời đến vậy.
Tôi rất thích chú gấu mẹ tặng và đặt tên nó là Nhỏ, vì em cũng nhỏ xinh thôi, không quá to, vừa đủ để tôi ôm đi ngủ. Từ khi có chú gấu Nhỏ, tôi luôn mang theo em khi sang nhà hàng xóm chơi trò gia đình, em sẽ là em bé, tôi chăm em, cho em ăn, dỗ dành em khi ngủ... Tôi may áo cho em mặc, làm mọi thứ từ những tờ giấy lịch hay bất kể thứ gì tôi nghĩ ra để em có "một cuộc sống sung túc nhất".
Nhỏ toàn thân có màu nâu xám, đôi mắt đen láy như hai hạt nhãn và chiếc mũi xinh xinh hình tam giác. Tôi luôn cố gắng giữ gìn em, tuy nhiên có một ngày tôi ôm em sang nhà hàng xóm chơi như thường lệ, thì tôi làm em rách bục chỉ ở tay vì bị mắc vào đinh ở trên tường. Tôi lúc đó rất sợ, sợ vì mẹ sẽ trách mắng, lại buồn, buồn vì đây là món quà mẹ tặng, tôi không muốn em bị hỏng chút nào.
Tôi và một chị hàng xóm đã lấy kim chỉ và khâu lại nhưng vẫn bị lòi bông ra ngoài. Tôi càng trở nên lo lắng. Khi mẹ biết chuyện, mẹ đã khâu lại giúp tôi, cười và nói: mẹ rất tự hào khi tôi biết tự khâu lại vì lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng cũng lưu ý tôi không nên quá lo lắng về những chuyện vô tình xảy ra, cứ thoải mái đón nhận và chuyện gì cũng có cách giải quyết. Khi ấy, tôi vẫn chưa hiểu rõ lời mẹ nói, nhưng giờ đây nhớ lại, tôi đã có thể hiểu phần nào. Tôi đã không còn luống cuống khi gặp phải tình huống bất ngờ nữa. Thay vào đó, tôi bình tĩnh hơn và suy nghĩ tìm cách giải quyết, nếu việc nào khó quá, tôi sẽ đi tìm người nào đó có thể giúp mình.
Đó là bài học đầu tiên mẹ dạy tôi - một đứa trẻ nhỏ luôn lo lắng, luôn sợ hãi. Giờ đây, khi tôi đã lớn hơn, em gấu Nhỏ được mẹ cất trong ngăn tủ ở phòng khách, thỉnh thoảng được mẹ mang đi giặt cho đỡ bụi bặm. Mỗi khi nhìn thấy em gấu, tôi luôn tự nhủ với bản thân phải cố gắng, không được làm mẹ phiền lòng, phải mạnh mẽ và luôn bình tĩnh, lạc quan.
Ngoài ra, các em cùng Top lời giả tìm hiểu thêm về cách làm một bài văn biểu cảm hay nhé!
Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc. Đây là dạng văn mà học sinh được học trong chương trình Ngữ văn 7.
Ví dụ đề văn biểu cảm: Cảm nghĩ về dòng sông, cánh đồng, quê hương; Vui buồn tuổi thơ; Loài cây em yêu…
Phân tích về yêu cầu tình cảm cần bộc lộ: Trong đề 1, tình cảm cần biểu hiện là “cảm nghĩ” rất chung, đề bài có hướng mở, học sinh có thể tự do bộc lộ tình cảm thế nào đều được, miễn là các tình cảm ấy hướng tới giá trị nhân văn. Đề 2 yêu cầu tình cảm “vui buồn”. Còn đề 3 yêu cầu tình cảm “yêu”. Có thể thấy yêu cầu về tình cảm trong đề 2 và 3 cụ thể hơn.
Phân tích về yêu cầu đối tượng biểu cảm: Đối tượng trong đề có thể chung chung cho ta lựa chọn: cảnh đẹp quê hương, kỷ niệm tuổi thơ…. Nhưng có những đối tượng hạn định như nụ cười của mẹ, đêm trăng trung thu… Tùy vào từng đối tượng khác nhau mà học sinh cần linh hoạt trong cách viết bài, đối với đối tượng chung, các bạn nên chọn đối tượng cụ thể để viết bài, còn đối với các đối tượng cụ thể thì các bạn nên chọn những hướng viết bài mới lạ, độc đáo.
“Muốn viết văn biểu cảm hay không phải ngày một ngày hai, mà đó là quá trình chúng ta trau dồi ngòi bút, chăm chỉ luyện tập. Khi làm một bài văn biểu cảm, các bạn phải suy nghĩ về cách khai triển ý trong từng phần ở thân bài. Đây là phần quan trọng để bài văn của bạn mạch lạc, thu hút, hấp dẫn. Đồng thời, các bạn nên dựa vào những hướng dẫn từ đó luyện tập viết nhiều đề văn biểu cảm để ngày càng thành thục, viết văn đạt điểm cao.” Cô Vân Anh chia sẻ.
Bước 1: Tìm hiểu đề
Để xác định được hướng viết, trước hết, học sinh cần phân tích đề văn biểu cảm yêu cầu thế nào. Các bạn nên đọc kỹ đề để xác định hai yêu cầu: yêu cầu về đối tượng biểu cảm và tình cảm sẽ bộc lộ trong bài văn.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
Bước thứ hai, học sinh cần tìm ý cho bài viết, bao gồm các nội dung gì, đi theo trình tự nào, phần nào sử dụng yếu tố biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp. Đồng thời, lựa chọn các yếu tố khác để hỗ trợ cho thể loại chính như: yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả,… và vị trí phù hợp để đưa các yếu tố này vào bài. Sau khi đã tìm ý, học sinh tiến hành lập dàn ý với 3 phần:
Mở bài: Giới thiệu đối tượng biểu cảm và tình cảm chung đối với đối tượng đó.
Thân bài: Những cung bậc cảm xúc cụ thể về đối tượng:
– Cung bậc cảm xúc 1 + khía cạnh 1 của đối tượng
– Cung bậc cảm xúc 2 + khía cạnh 2 của đối tượng
Để học sinh hiểu rõ hơn, cô Vân Anh đưa ra ví dụ như sau:
Ý 1: Ta thấy hạnh phúc, sung sướng khi ngắm nhìn nụ cười của mẹ.
Ý 2: Ta thấy cô đơn, trống trải khi thiếu vắng nụ cười của mẹ.
Đồng thời, để có thể viết môt văn biểu cảm vừa mạch lạc, vừa hấp dẫn, cô cũng định hướng học sinh cách để triển khai các nội dung qua:
+ Liên hệ hiện tại với tương lai: Là hình thức dùng trí tưởng tượng để liên tưởng tới tương lai, mượn hình ảnh tương lai để khơi gợi cảm xúc về đối tượng biểu cảm trong hiện tại. Cách biểu cảm này tạo nên mối liên hệ và tương lai.
+ Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ về hiện tại: Là hình thức liên tưởng tới những kí ức trong quá khứ, gợi sống dậy những kỉ niệm để từ đó suy nghĩ về hiện tại. Đây cũng là hình thức lấy quá khứ soi cho hiện tại khiến cho cảm xúc của con người trở nên sâu lắng hơn. Cách biểu cảm này sẽ tạo nên mối liên hệ gắn kết rất tự nhiên và nhuần nhuyễn giữa hiện tại và quá khứ.
+ Tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ước: Là hình thức liên tưởng phong phú, từ những hình ảnh thực đang hiện hữu để đặt ra các tình huống và gửi gắm vào đó những suy nghĩ và cảm xúc về đối tượng biểu cảm cũng như những ước mơ hi vọng. Cách biểu cảm này đòi hỏi người viết văn biểu cảm phải có trí tưởng tượng phong phú.
Đây là ba cách học sinh nên vận dụng để khai triển ý trong bài văn biểu cảm để có một bài văn hay. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên kết hợp biểu cảm gián tiếp với biểu cảm trực tiếp.
Kết bài: Suy ngẫm, mong ước của mình đối với đối tượng biểu cảm
Bước 3: Viết bài
Trên cơ sở dàn bài đã xây dựng, bước thứ ba là bước quan trọng giúp học sinh triển khai thành bài văn hoàn chỉnh. Trong quá trình viết bài, học sinh nên bám sát “sườn” mà mình đã lên, đồng thời, cô cũng lưu ý các bạn trong quá trình diễn đạt phải biết kết hợp với các phương thức biểu đạt khác (miêu tả, tự sự, nghị luận,…) và sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ, nói quá…) để tăng tính hấp dẫn cho bài viết. Đối với dạng văn biểu cảm, học sinh cũng cần có sự biên hóa linh hoạt về câu văn, lời văn, trong đó:
+ Câu văn nên có sự biến hóa các thể loại, hình thức câu khác nhau như: câu trần thuật, câu cảm, câu nghi vấn, câu cầu khiến; câu dài, câu ngắn; có câu tỉnh lược, câu câu tồn tại…
+ Lời văn nên có cảm xúc với vốn từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm và đặc biệt học sinh không nên sử dụng quá nhiều thán từ trong một bài văn như “Ôi!”, “Oa”,… để tránh gây nhàm chán cho người đọc, người xem.
Bước 4: Kiểm tra lại bài
Rất nhiều học sinh do thiếu thời gian hoặc muốn làm bài nhanh đã bỏ qua bước cuối cùng này dẫn đến bài văn dù viết khá nhưng vẫn không đạt điểm số cao. Bởi ngoài nội dung hấp dẫn thì cách diễn đạt, lỗi chính tả, cảm xúc đem đến cho người đọc cũng chính là cách giúp học sinh “ghi điểm” trong mắt người đọc, người chấm.
---/---
Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Cảm nghĩ về một món quà mà em đã được nhận thời thơ ấu. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!