Để đạt hiệu quả học tập cao trên lớp thì việc quan trọng của mỗi học sinh chính là chuẩn bị bài ở nhà. Giống như tất cả các môn học khác để có thể học tốt môn văn thì các em học sinh cần phải soạn văn trước khi đến lớp. Soạn văn chính là yếu tố quan trọng khẳng định sự hiểu bài, chăm chỉ, siêng năng của từng học sinh. Tuy nhiên việc soạn văn như thế nào để đạt hiệu quả cao? Đây là một câu hỏi đặt ra cho tất cả các bạn học sinh mà sau đây Top lời giải sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề đó.
Thực tế cho thấy rằng có rất nhiều bạn học sinh học tập với hình thức đối phó và việc soạn văn cũng vậy, các em không tự mình làm để tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức mà chỉ đối phó với thầy cô giáo bằng việc chép lại sách giải, hoặc mượn vở bài chép cho xong chuyện. Nhưng thực chất lượng kiến thức các em tìm hiểu hoàn toàn không có, không có sự chuẩn bị bài bằng tư tuy vì thế khi cô giáo giảng bài khó có thể tiếp nhận và lĩnh hội hết được các kiến thức.
Để chuẩn bị cho 1 giờ Soạn văn hiệu quả, điều đầu tiên bạn cần làm đó là: Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng. Tự tạo một niềm hứng khởi trước khi vào học. Tâm lí là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình bạn làm một việc nào đó. Nhiều bạn tự giới hạn khả năng của mình chỉ vì những suy nghĩ tiêu cực: “Mình không làm được đâu!” “Khó thế này, không phải dành cho mình.” “Ui trời ơi chán quá, tôi không phù hợp với môn Văn”. Chính những suy nghĩ này đã cản trở sự sáng tạo và linh hoạt của bộ não của bạn, khiến bạn cảm thấy chán nản khi ngồi Soạn văn.
Giờ đây, bạn hãy một lần thử tự nhủ, cổ vũ bản thân trước khi cầm chiếc bút đặt chữ viết lên quyển vở Soạn văn xem sao. Ví dụ nhé:
- Soạn văn dễ mà, chỉ cần mình chuyên tâm là được.
- Cố lên! Vì một tương lai học sinh giỏi Văn
- Học Toán Lí Hóa nhiều rồi, giờ ngồi nghiền ngẫm Văn cho tâm hồn thoải mái nào!
Mình chắc chắn với bước đầu thay đổi tinh thần này sẽ đem lại cho bạn một sự khác biệt cũng kha khá đó.
Sách giáo khoa là kênh thông tin quan trọng và bắt buộc cho tất cả các em học sinh trong học tập. Để có thể soạn văn tốt điều cơ bản đầu tiên của mỗi em học sinh chính là đọc tác phẩm, đọc phần tìm hiểu chung về kiến thức liên quan đến tác giả, tác phẩm. Đây là các kiến thức văn bản cơ bản của các tác phẩm văn học. Các em còn phải đọc các kiến thức chung về tiếng việt, về làm văn.
Cần phải đọc như thế nào để hiểu được nội dung cơ bản của tác phẩm, các vấn đề chính trong tiếng việt, kiến thức gì trong làm văn.
– Đọc kỹ văn bản: có nhiều người cho rằng việc đọc văn bản là thực sự không cần thiết, bởi vì chỉ cần có sách học tốt, chỉ cần chép mà không cần đọc. Nhưng đối với học sinh việc soạn văn mà không đọc văn bản là điều ảnh hưởng xấu tới quá trình học. Ngoài ra một số bạn học sinh chỉ thích đọc thơ, hoặc truyện có đối thoại mà không thích đọc tác phẩm dài, ít tình tiết, thiên về độc thoại, kể… Tuy vậy cần phải đọc tác phẩm để nắm được nội dung chính của tác phẩm hướng tới đó là gì.
– Đọc kỹ phần chú thích trong sách giáo khoa: Câu hỏi đặt ra tại sao cần như vậy? Vì phần chú thích chính là phần giải thích các từ khóa trong văn bản đó, các em khi đọc kỹ phần chú thích sẽ hiểu thêm về văn bản, có thêm vốn từ phong phú như từ Hán Việt.
Ví dụ: Khi đọc tác phẩm “Bàn về phép học” của Nguyễn Thiếp nếu chúng ta không đọc kỹ chú thích làm sao chúng ta biết đến “tam cương, ngũ thường” là gì?
– Đọc kỹ về tác giả, tác phẩm, thể loại của văn bản đó: Đây là việc không thể thiếu trong khi soạn bài, ghi nhớ các kiến thức về tác giả, tác phẩm để tìm ra hoàn cảnh sáng tác, các ý chính về thời đại, phong cách sáng tác, quan điểm sáng tác… Vì mỗi tác giả, tác phẩm được viết trong các thời đại khác nhau, gắn với hoàn cảnh lịch sử khác nhau nên ở mỗi tác phẩm đều có những thông điệp riêng mà tác giả gửi đến bạn đọc.
Ví dụ: Bài “Ánh trăng” viết sau khi giải phóng đất nước được 3 năm, còn bài “Mùa xuân nho nhỏ” viết khi tác giả sắp qua đời
Rồi giờ đọc xong nội dung rồi, thì phải đến phần đọc câu hỏi, xem người ta hỏi gì? Những câu hỏi ở phần Đọc - Hiểu văn bản sẽ là những câu hỏi nhắm đến những vấn đề cốt lõi của tác phẩm. Những điều mà tác giả muốn bạn rút đc ra sau khi đọc. Và nếu bạn đọc qua trước 1 lượt phần này thì ngay trong lúc đọc, não bộ của bạn cũng đã tự tư duy để nhớ lại những yếu tố liên quan trong tác phẩm rồi đó. Đây cũng được coi như là bạn đang được đọc lại 1 lượt nữa tác phẩm ở trong đầu.
– Trả lời hệ thống câu hỏi trong phần đọc hiểu
Có thể nói hệ thống các câu hỏi trong phần đọc hiểu chính là nền tảng quan trọng trong việc học sinh tiếp cận với nội dung cơ bản trong các văn bản. Vì vậy việc trả lời lần lượt các câu hỏi trong sách giáo khoa là phương pháp tốt nhất đối với học sinh ở việc tiếp cận và chuẩn bị kiến thức về tác phẩm. Các câu hỏi trong sách giáo khoa cùng với các từ khóa chính đã giúp học sinh tự tìm tòi, khám phá, xác định cho mình những vùng kiến thức cơ bản. Hơn nữa khi học sinh có sự chuẩn bị bài trước khi đến lớp, kết hợp với giáo viên giảng bài sẽ giúp cho các em dễ dàng hơn trong khi tiếp thu.
Ví dụ: Khi soạn bài “Làng” của Kim Lân, các em sẽ phải trả lời câu hỏi về diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trải qua mấy giai đoạn, cách giai đoạn đó diễn ra như thế nào, có gì đặc sắc…? Chính việc trả lời các câu hỏi này các em đã có thể nắm cơ bản về diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai.
– Trả lời các câu hỏi phần tiếng việt
Phần chuẩn bị các câu hỏi tiếng việt là một điều khá khó đối với học sinh vì các em chỉ biết chuẩn bị các kiến thức trong phần văn bản. Các em không biết cụ thể mình cần làm gì trước khi học các giờ tiếng việt. Vì thế việc giúp đỡ của giáo viên là thực sự cần thiết. Cụ thể giáo viên cần có các yêu cầu cụ thể rõ ràng đối với học sinh trong việc các em phân tích các ví dụ mẫu trong sách giáo khoa, từ đó rút ra kết luận và lấy các ví dụ khác tương tự ngoài đời sống.
Ví dụ: Cho hai ví dụ
Giàu! Tôi đã giàu rồi.
Đối với tôi, sách là tài sản quan trọng nhất.
Hai từ giàu, đối với tôi chính là chủ đề trong câu. Về vị trí: đều đứng trước chủ ngữ.
⇒ Đây chính là khởi ngữ, vậy khởi ngữ là gì? (Học sinh tự trả lời)
– Trả lời các câu hỏi trong phần tập làm văn.
Giờ tập làm văn chính là một giờ để hình thành các kiến thức kỹ năng cho các em trong việc tạo lập văn bản. Cũng giống như hai giờ đọc hiểu và tiếng việt, muốn học tốt giờ này cần có sự chuẩn bị trước khi đến lớp. Để chuẩn bị tốt phần làm văn các em cũng cần phải phân tích văn bản mẫu, từ ví dụ đi đến lí thuyết. Khi phân tích kỹ các vấn đề trong văn bản mẫu, tự rút ra bài học, nội dung chính làm văn cần học. Hay một số tiết luyện nói trong làm văn, nhiều học sinh khá khó khăn khi nói nếu như chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đến lớp.
Ví dụ: Khi có tiết luyện nói về văn bản nghị luận với đề tài tự chọn.
Học sinh cần chuẩn bị
– Tìm hiểu lại văn nghị luận, tìm đề tài cần viết.
– Lập dàn ý cho bài viết.
– Bài viết cụ thể về văn bản thuyết minh
Bên cạnh việc trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa để tìm hiểu kiến thức, các em còn thể đọc, tìm các sách, báo tài liệu khác nhau để nâng cao hiểu biết của mình. Nguồn các em tìm hiểu có thể ở nhiều kênh khác nhau: sách, báo, thơ, văn mẫu, internet…Điều quan trọng chính là việc lựa chọn, chọn lọc các kiến thức phù hợp để tự nâng cao khả năng của bản thân. Ngoài ra các em nên nhờ thầy cô giáo, gia sư Văn tại nhà giới thiệu một số tên sách, báo, trang điện tử tham khảo để các em dễ tìm hiểu.
Hoàn thành hết các bước trên rồi, việc của bạn bây giờ là cầm bút lên, mở vở Soạn ra và bắt đầu Soạn văn thôi. Nhớ hãy trình bày sạch đẹp, cẩn thận vì thầy cô sẽ kiểm tra vở Soạn văn 7 của bạn đấy nha! Hơn nữa, việc trình bày soạn văn cẩn thận sẽ giúp các bạn rèn luyện được tính kiên nhẫn, sự tỉ mỉ và cả óc thẩm mĩ nữa đó. Hãy trân trọng những quyển vở Soạn văn 7 và cả các vở soạn văn khác nữa nhé.
Văn biểu cảm là gì?
Văn biểu cảm là những bài văn được viết nên bởi cảm xúc từ trong chính tâm hồn người viết. Nó bộc lộ sự đánh giá, tâm tư tình cảm của con người thông qua câu chữ, ngôn từ.
Ví dụ đề bài 1 bài văn biểu cảm:
- Nêu cảm nghĩ của em về vấn đề bạo lực học đường hiện nay
- Phát biểu cảm nghĩ về ngôi trường em đang theo học.
Cách làm dạng bài Văn biểu cảm - Soạn văn 7:
- Xác định vấn đề cần triển khai. Trong văn biểu cảm, thường có 2 vấn đề chính chúng ta cần xác định trước. Thứ nhất. đó là đối tượng cần biểu cảm. Thứ 2, đó là Tình cảm, cảm xúc cần thể hiện về đối tượng đó. Trước khi bắt tay vào viết văn, bạn phải xác định được 2 vấn đề này trước.
Ví dụ: Cảm nghĩ của em về ngôi trường em đang theo học
- Đối tượng biểu cảm: Ngôi trường bạn đang học
- Tình cảm cần thể hiện: Sự yêu quý và trân trọng đối với mái trường của bạn.
Bài văn biểu cảm có những yêu cầu sau mà bạn cần tuân thủ:
- Tình cảm, thái độ: Phải hoàn toàn chân thực và rõ ràng. Không nên quá khác biệt so với thực tế, như thế, văn của bạn mới dễ đi vào lòng người.
- Kỹ năng: Vì là phát biểu cảm nghĩ, nên bạn không thể nói chung chung các vấn đề được, mà phải chỉ rõ cụ thể, điểm nào khiến bạn ấn tượng, điểm nào khiến bạn yêu thích và điểm nào khiến bạn không hài lòng. Do đó, trong khi làm bài văn biểu cảm, bạn phải kết hợp cả phân tích và trích dẫn.
Lập luận chứng minh được sử dụng trong văn nghị luận. Lập luận chứng minh dùng để làm sáng tỏ vấn đề bằng việc sử dụng những lí lẽ và dẫn chứng có thực. Việc lập luận chứng mình nhằm làm người đọc tin tưởng vào ý kiến của người viết.
Những vấn đề cần lưu ý khi viết văn lập luận chứng minh - Soạn văn 7
- Xác định được vấn đề cần chứng minh là gì?
- Xác định cần tập trung chứng minh điểm nào, điểm nào người đọc chưa tin tưởng lắm cần phải khai thác thêm. Điểm nào người đọc đã tin tưởng sẵn, thì không cần tốn thời gian đi chứng minh nhiều, chỉ gây nên cảm giác rườm rà, dài dòng và gây chán nản cho người đọc.
- Các dẫn chứng, lí lẽ đưa ra phải đặc sắc, mức độ đáng tin tưởng cao, và phù hợp với vấn đề đang nêu, như thế thuyết phục người đọc sẽ dễ hơn.
- Trong các bài văn nghị luận, lập luận giải thích thường được sử dụng kết hợp với lập luận chứng minh. Để nếu, có một vấn đề nào đó chưa được phổ biến, người đọc có khả năng không hiểu thì ta phải giải thích giúp cho họ hiểu. Còn nếu họ chưa tin, thì cần phải chứng minh điều đó để kéo được niềm tin của họ. Khi người đọc vừa tin, vừa hiểu vấn đề ta đang nêu thì bài văn của mình mới gọi là đạt chuẩn.
- Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý
Trước tiên, ta phải hiểu được đề đang yêu cầu giải thích vấn đề gì? Đọc qua đề bài 1 lượt, gạch chân dưới những câu văn, câu tục ngữ,... cần phải tìm hiểu nghĩa (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để nắm được nội dung chính cũng như xác định được vấn đề cần phải chú trọng.
- Bước 2: Lập dàn bài
Lập dàn bài theo bố cục 3 phần thông thường:
Mở bài:
Giới thiệu vấn đề cần phải giải thích
Phần này sẽ thường có 2 cách:
- Nêu trực tiếp vấn đề cần giải thích, nêu ngắn gọn ý nghĩa nội dung của vấn đề
- Đi từ vấn đề chung tới vấn đề riêng (Có nghĩa là nêu 1 vấn đề tổng quát, sau đó trích dẫn câu nói, câu tục ngữ,..)
Thân bài: Giải thích và phân tích vấn đề đã nêu ở mở bài
- Bắt đầu đi cắt nghĩa các cụm từ, hình ảnh nổi bật của câu nói, câu tục ngữ,..
- Giải thích các ý nghĩa mở rộng, liên hệ với thực tế, với các dẫn chứng khác
- Ý nghĩa của vấn đề đó đối với cuộc sống của con người.
Kết bài:
Thâu tóm lại những ý chính đã triển khai trong phần Thân bài, một lần nữa nhấn mạnh nội dung chính.