logo

Cách vào bài giảng hay


1. Cách mở đầu bài giảng hay bằng trò chơi

Cách mở đầu này không quá xa lạ đối với nhiều thầy cô. Một trò chơi ôn lại bài cũ, liên quan bài mới và mang tính tập thể sẽ có tác dụng lan tỏa năng lượng buổi đầu tiết học. Tùy vào từng môn và từng bài, các thầy cô tổ chức đa dạng các trò chơi. Một số trò chơi như: thi nhau liệt kê tên, tính năng, tính chất, từ ngữ; thi nhau đối đáp, nối chữ; trò chơi đoán từ khóa. Trò chơi khá đa dạng và thỏa sức sáng tạo cho Qúy thầy cô.

Một mở đầu ấn tượng không chỉ giúp các thầy cô ghi điểm trong tiết dự giờ, trong thi đua khen thưởng mà còn có tác dụng giúp các em ham học và học tốt hơn. Sự ấn tượng, thú vị, kỳ lạ bao giờ cũng dễ dàng để lại dấu ấn sâu sắc trong trí nhớ con người. Sự vật, hiện tượng, kiến thức một lần nữa rất gần gũi, rất đời thường đến với các em học sinh một cách tự nhiên và sâu sắc. Hy vọng, qua bài viết này, các thầy cô sẽ có thêm nhiều ý tưởng hay phục vụ cho quá trình giảng dạy, cho sự nghiệp trồng người. Trên đây, chỉ là sườn và một số gợi ý, Qúy thầy cô có thể thỏa sức sáng tạo dựa trên những gợi ý đó để một buổi học đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất.

1.1 Ai nhanh – Ai đúng

Đây là cách vào bài giảng hay bằng trò chơi được nhiều giáo viên áp dụng hiện nay. Ví dụ bài giảng về “Bảng nhân 7”, giáo viên sẽ học sinh chia thành 2 đội, mỗi đội có 3 thành viên.

Đội 1 sẽ viết về bảng nhân 5. Đội 2 sẽ viết về bảng nhân 6. Trong vòng 2 phút, đội nào viết xong trước sẽ giành chiến thắng. Sau khi cả hai đội chơi xong trò chơi, giáo viên sẽ sử dụng hai bảng nhân đó để giới thiệu về bảng nhân 7.

1.2 Ghép hình

Ví dụ bài học về diện tích của hình vuông. Giáo viên sẽ chuẩn bị trước các hình tam giác vuông cân, chia lớp làm 2 nhóm, phát cho mỗi nhóm 4 hình. Giáo viên hô “Bắt đầu” để các nhóm ghép hình theo mẫu sẵn đã được treo ở trên bảng.

Trong thời gian 2 phút, nhóm nào ghép nhanh nhất là nhóm chiến thắng và nhận được tràng pháo tay tán thưởng của các bạn trong lớp. Khi kết thúc trò chơi, giáo viên lấy số đo của một cạnh hình vuông rồi cho lớp tính chu vi của hình vuông. Khi cả lớp tính xong, dựa vào chu vi để giới thiệu về bài học mới “diện tích hình vuông”.

1.3 Làm theo lời cô

Trò chơi này đánh giá là cách mở đầu bài giảng hay, kích thích được sự hứng thú của học sinh. Với cách mở bài này, giáo viên sẽ cho chơi một trò chơi, mà ở đó học sinh sẽ phải thực hiện dựa theo lời giáo viên nói chứ không làm theo động tác tay của giáo viên

Ví dụ, giáo viên hô: Gió thổi, học sinh đáp: Ào ào; giáo viên hô: Mưa rơi, học sinh đáp: Rào rào… Nếu bạn nào làm sai, sẽ phải nhận hình phạt là nhảy lò cò, hát một bài hoặc bò lúc lắc…

1.4 Ô chữ bí mật

Giáo viên sẽ tạo một ô chữ bí mật gồm có các hàng ngang và hàng dọc là từ khóa liên quan đến bài giảng. Giáo viên đưa ra gợi ý để các em học sinh giải ô hàng ngang. Nếu giải đúng thì được tuyên dương, được cộng điểm. Nếu giải sai thì bạn khác sẽ có cơ hội thử sức. Ai giải được ô hàng dọc nhanh nhất sẽ là người chiến thắng.


2. Mở đầu bằng một video

Học sinh thường thích và bị thu hút bởi những thứ nhiều sắc màu và sinh động. Video là một ý tưởng tuyệt vời để thu hút các em vào bài giảng. Các thầy cô sẽ bật một video, có thể là video về sinh học, hóa học, một video hài hước hoặc cảm động có chủ đề liên quan đến bài học.

Tôi còn nhớ ngày trước, cô tôi đã bật cho cả lớp xem những video vô cùng cảm động về tình yêu thương, tình cha nghĩa mẹ trước khi bắt đầu bài giảng. Trong lớp đã có rất nhiều bạn khóc, có cả những cái vỡ òa mà muốn dỗ cũng không ngăn lại được. Một video chân thực và hay chính là thứ chạm đến tâm hồn và đồng điệu tâm hồn ấy một cách nhanh chóng nhất. Cô tôi đã dùng cách đó để mở cửa trái tim chúng tôi và dạy chúng tôi bài học về Tình yêu thương, về tình cảm gia đình, về công cha nghĩa mẹ và ơn thầy.

Nếu dung lượng nội dung bài học không quá nhiều, thầy cô có thể chọn cách mở đầu bằng một video ngắn. Âm thanh, màu sắc và chuyển động có sức thu hút sự tập trung rất hiệu quả. Thêm nữa, video ấn tượng sẽ giúp các em nhớ lâu và hứng thú với bài giảng hơn.


3. Đưa ra tình huống liên quan bài học để vào bài

Ví dụ bài giảng sẽ học là bài Phép chia hết và phép chia dư thuộc bộ môn Toán lớp 3. Giáo viên có thể tạo tình huống, nhờ ba bạn học sinh có thành tích tốt trong bộ môn Toán lên bảng. Đưa cho một bạn 10 chiếc kẹo để chia đều cho cả ba. Chắc chắn rằng mỗi bạn sẽ nhận được 3 chiếc kẹo và còn dư lại 1 chiếc.

Cách vào đầu bài giảng mà giáo viên có thể áp dụng: “Như vậy, các em có thể thấy rằng với 10 chiếc kẹo khi đem chia đều cho 3 người, mỗi người sẽ nhận được 3 chiếc và dư lại 1 chiếc. Điều đó đồng nghĩa với việc 9 chia hết cho 3, còn 10 chia 3 sẽ dư 1. Hai phép chia này được gọi là phép chia hết và phép chia có dư. Để hiểu rõ hơn về hai phép chia này, trong bài học hôm nay chúng ta sẽ cùng học về: Phép chia hết và phép chia có dư.”


4. Mở đầu bằng vận động

Sau khi vừa kết thúc một tiếp học, đa phần các em học sinh khá mệt mỏi và chán. Thầy cô mới sẽ bước vào lớp và tiếp tục mang đến cho các em một nguồn kiến thức khác trong khi não các em thì muốn “bão hòa và đình công”. Vậy làm sao để xua tan tình trạng “lờ đờ mệt mỏi” này bằng một mở đầu thú vị?

“Mời cả lớp đứng lên. Bước sang trái một bước, bước lên trên một bước, giơ tay trái lên, giơ tay phải lên, để tay xuống. Các em đi sang phải hai bước. Cả lớp ngồi xuống”. Một yêu cầu vận động được đưa ra trong lớp học gây cảm giác tò mò. Có vẻ không liên quan gì đến bài học mới nhưng yêu cầu vận động này đưa ra đều có mục đích. Đấy là giúp các em được vận động, máu lưu thông hơn thay vì chỉ ngồi một chỗ, đồng thời hỗ trợ các em lấy lại tinh thần sau một tiết học dài tiếp thu kiến thức. Vận động kích thích sự tỉnh táo và khi đủ tỉnh táo và năng lượng, bài học mới cũng được tiếp thu tốt hơn.


5. Dẫn dắt từ bài cũ sang bài mới

Ở cách này, giáo viên có thể hỏi học sinh về những kiến thức các em đã học ở tiết trước thông qua một số bài tập trắc nghiệm nhanh hoặc một số câu hỏi có tính liên hệ thực tế hay có liên quan nào đó đến bài mới. Điều này vừa giúp các con ôn tập, củng cố lại bài học cũ, vừa gợi mở để tạo hứng thú, sự tò mò cho các con muốn tìm hiểu bài mới.

Cách vào bài giảng hay

Ôn lại bài cũ sẽ giúp học sinh nhớ lại kiến thức cũ và khơi gợi sự tò mò về nội dung bài học mới.


6. Cách dẫn nhập vào bài giảng thông qua kể chuyện

Có thể nói đây là cách vào bài giảng hay được rất nhiều giáo viên sử dụng. Bởi cách vào bài này vừa khơi gợi được sự chú ý của học sinh vừa giúp tăng thêm sự sinh động cho tiết học. Nhưng điều quan trọng nhất là giáo viên cần phải lựa chọn những mẩu chuyện ngắn, sát với nội dung bài học, từ đó mới có thể dẫn dắt vào bài mới một cách tự nhiên nhất.

Ví dụ: Nội dung buổi học là bài Chuyện cổ tích về loài người của tác giả Xuân Quỳnh thì thầy, cô giáo có thể kể câu chuyện về Adam và Eva trích ở trong Chuyện Kinh Thánh –tác giả Pearl Buck để dẫn dắt vào bài.

Sau khi kết thúc câu chuyện, giáo viên sẽ dẫn dắt vào bài: “Với câu chuyện cô vừa kể, các em thấy có hay không nào? Có thể nói đây là nguồn gốc của loài người dưới góc nhìn của tôn giáo, nhưng nếu là dưới cái nhìn đầy ngây ngô của trẻ thơ sẽ ra sao? Hãy cùng cô tìm hiểu nguồn gốc của loài người trong bài tập đọc “Chuyện cổ tích loài người” của văn sĩ Xuân Quỳnh nhé!”

icon-date
Xuất bản : 07/11/2021 - Cập nhật : 07/11/2021