logo

Các đề thi học sinh giỏi bài Tây Tiến - Quang Dũng

Tuyển chọn Các đề thi học sinh giỏi bài Tây Tiến - Quang Dũng hay nhất, có gợi ý đáp án dành cho các bạn học sinh giỏi và thầy cô giáo chuyên văn.


Đề thi học sinh giỏi bài Tây Tiến - Quang Dũng - Đề số 1

Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả.

Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên ? Hãy phân tích bài thơ Tây Tiến để làm sáng tỏ ý kiến đó.


Gợi ý:

1. Giải thích nhận định:

– Riêng: nét mới, cái độc đáo.

– Vì sao văn chương phải có cái riêng: văn chương là lĩnh vực của cái độc đáo. Mỗi tác phẩm văn chương phải có nét riêng, nét mới ở ý tưởng nghệ thuật cũng như ở hình thức biểu hiện. Mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật riêng, một “chân trời” riêng, một “biên cương” riêng. Nhà văn có phong cách thì mới được người đọc chấp nhận và yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn.

– Vì sao văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả: mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm chương không có gì mới sẽ không được người đọc tiếp nhận. Nhà văn có phong cách nghệ thuật mờ nhạt sẽ bị người đọc quên lãng ; lặp lại mình hoặc lặp lại người khác đều là điều tối kị trong hoạt động sáng tác của nhà văn. Cái bình thường là cõi chết của nghệ thuật (M.Gorki).

=> Nhận định nhấn mạnh tầm quan trọng của phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cái độc đáo cho tác phẩm.

2. Phân tích bài thơ để làm rõ vấn đề nghị luận:

a/ Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

b/ Phân tích

– Nét riêng trong lựa chọn, xử lí đề tài, xác định chủ đề: Người lính Tây Tiến xuất thân là những trí thức Hà Thành. Họ vừa có dáng dấp của những tráng sĩ thuở trước vừa mang đậm vẻ đẹp của người lính chống Pháp, vừa mang vẻ đẹp lãng mạn vừa có chất bi tráng.

– Cách nhìn, cách cảm thụ giàu khám phá nghệ thuật (cách nhìn, cách cảm mới mẻ về người lính): trong số những bài thơ viết về người lính năm 1948 như Nhớ của Hồng Nguyên, Cá nước của Tố Hữu, Đồng chí của Chính Hữu…..thì Tây Tiến của Quang Dũng nói nhiều đến sự hi sinh. Tác giả không ngần ngại nói đến cái chết của người lính ở chiến trường, ở rừng sâu nước độc, ở biên giới Tây Bắc, cái chết vì súng đạn, cái chết vì bệnh tật, thiếu thốn….nhưng đoạn thơ và cả bài thơ vẫn không hề gây cảm giac bi lụy.

– Giọng điệu riêng của bài thơ: Cả bài thơ được bao trùm trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy gợi về những kỉ niệm, những hình ảnh với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, được diễn tả bằng những giọng điệu phù hợp với mỗi trạng thái cảm xúc.

+ Đọan 1: giọng tha thiết, bồi hồi, được cất lên thành những tiếng gọi những từ cảm thán.

+ Đọan 2: tái hiện kỉ niệm về những đêm liên hoan thắm tình quân dân, giọng điệu chuyển sang hồn nhiên , tươi vui; sau đó bâng khuâng, man mác khi gợi lại một cảnh chia tay trong một chiều sương mờ bao phủ Châu Mộc.

+ Đọan 3: giọng thơ trang trọng bi tráng, tái hiện hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hi sinh cao cả của họ.

+ Đọan 4: tha thiết, bồi hồi….

=> Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là bi tráng.

– Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật mang đậm dấu ấn riêng:

+ Hình ảnh trong bài thơ được sáng tạo bằng nhiều bút pháp khác nhau, tạo nên những sắc thái thẩm mỹ phong phú. Trong bài thơ có hai hình ảnh chính: thiên nhiên miền Tây và người lính Tây Tiến. Ở mỗi loại hình ảnh có hai dạng chính, tạo nên sắc thái thẩm mỹ phối hợp, bổ sung cho nhau.

Thiên nhiên có cái dữ dội, khắc nghiệt, hoang sơ, hùng vĩ: thanh trắc, nét vẽ khoẻ khoắn, dữ dằn. Bên cạnh đó, có những hình ảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, ẩn hiện trong sương khói, trong màn mưa, hoa đong đưa : thanh bằng, nét vẽ nhoè mờ kiểu tranh lụa. Tác giả đã sử dụng nhiều bút pháp để miêu tả, dựng hình ảnh, có khi tả cận cảnh, dừng lại ở những chi tiết khá cụ thể, có khi lại lùi xa để bao quát khung cảnh rộng, mở ra bức tranh phóng khoáng và hùng vĩ của miền Tây.

Hình ảnh người lính Tây Tiến cũng hiện ra với nhiều sắc thái, chủ yếu là hào hùng và hào hoa. Hào hùng ở ý chí, tư thế hiên ngang, coi thường gian khổ. Hào hoa ở tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên, đằm thắm tình người và cả những khát khao, mơ mộng.

=> Trong thơ có nhạc, có hoạ, có chạm khắc theo một cách riêng.

+ Đặc sắc ngôn ngữ của Tây Tiến là sự phối hợp, hòa trộn của nhiều sắc thái phong cách với ngôn ngữ những lớp từ vựng đặc trưng. Có thứ ngôn ngữ trang trọng, mang màu sắc cổ kính, chủ yếu miêu tả hình ảnh Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ. Có lớp từ ngữ sinh động của tiếng nói hàng ngày, in đậm phong cách người lính.

Một nét sáng tạo trong ngôn ngữ là có những kết hợp từ độc đáo mới lạ tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới : nhớ chơi vơi, đêm hơi, súng ngửi trời, mưa xa khơi, mùa em thơm nếp xôi…

Sử dụng địa danh : tạo ấn tượng về tính cụ thể, xác thực của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người; gợi được vẻ heo hút nhưng cũng rất hấp dẫn của xứ lạ phương xa.

+ Thể thơ 7 chữ với các biện pháp tu từ: nhân hoá, sử dụng từ láy, liệt kê, nghệ thuật đối…

3. Đánh giá chung:

– Nội dung: Tây Tiến của Quang Dũng đã dựng lên đươc một bức tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến hào hoa, dũng cảm. Nhà thơ đã tái hiện được hiện thực bi hùng của cuộc kháng chống Pháp trong niềm cảm hứng lãng mạn dạt dào.

+ Nghệ thuật: Bài thơ hội tụ nhiều nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng.

+ Tây Tiến là một đóng góp đặc biệt của Quang Dũng cho thơ ca viết về người lính của văn học dân tộc.


Đề thi học sinh giỏi bài Tây Tiến - Quang Dũng - Đề số 2

Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo, còn trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca. (V.Huygô)

Anh/chị suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên? Hãy phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng để làm sáng tỏ quan điểm của anh/chị.


Gợi ý:

Giải thích ý kiến

– Nghệ thuật chỉ làm ra những vần thơ khéo léo:

+ Nghệ thuật: những yếu tố thuộc phạm trù hình thức của tác phẩm thơ ca: thể loại, cấu tứ, ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, các biện pháp tu từ…

+ Những vần thơ khéo léo: là những vần thơ đẹp, hấp dẫn bởi hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu…tạo ấn tượng ban đầu cho người đọc.

– Trái tim mới làm nên tác phẩm thi ca:

+ Trái tim: cách diễn đạt hình tượng biểu hiện những tình cảm, cảm xúc mãnh liệt…vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ.

+ Tác phẩm thi ca: sản phẩm tinh thần của nhà thơ. Ở đây V.Huygô đề cập đến những tác phẩm thơ ca chân chính, có giá trị, có sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả, vượt qua giới hạn của thời gian, không gian, trở thành tác phẩm chung của nhân loại, của muôn đời…

=> Ý kiến nhấn mạnh yếu tố tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ trong sáng tác thơ ca nói riêng, văn học nói chung. Đó là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định giá trị của tác phẩm.

Bình luận

* Bình: Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến.

- Về lí luận:

+ Xuất phát từ đặc trưng của thơ ca là những rung động và cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ một cách tự nhiên, chân thành. Tình cảm, cảm xúc là yếu tố có trước, khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà thơ. Thơ là do tình sinh ra (Viên Mai), Thơ khởi phát từ lòng người ta (Lê Quý Đôn)…

+ Chức năng, giá trị của văn học: giáo dục tư tưởng, tình cảm, hướng con người tới vẻ đẹp Chân – Thiện – Mĩ…Thơ ca muốn lay động lòng người, truyền được tư tưởng tình cảm cho người đọc thì người cầm bút phải rung động mãnh liệt, có tình cảm thương yêu hay căm giận sâu sắc…Thơ sinh ra từ nụ cười trong sáng hay những giọt nước mắt đắng cay (Ra-xun Gam – za- tôp).

– Về thực tiễn: trong sáng tác thơ ca từ xưa tới nay, những tác phẩm có giá trị đều là những tác phẩm được tạo nên từ trái tim giàu cảm xúc của người cầm bút.

* Luận

– Trong văn học nói chung, thơ ca nói riêng, những tác phẩm có giá trị, nội dung và hình thức luôn thống nhất chặt chẽ với nhau, chúng sẽ không thể tồn tại và không thể có ý nghĩa thực sự khi có cái này mà không có cái kia.

Chính sự thống nhất của các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật đã tạo nên sức mạnh tư tưởng cho tác phẩm. Yêu cầu lí tưởng là nội dung của tác phẩm phải có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống con người, nội dung đó phải được biểu hiện bằng một hình thức độc đáo. Tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhất là những tác phẩm ngôn từ, bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung (Lêônôp).

– Muốn làm được điều đó, nhà văn phải có tâm huyết và tài năng.

Chứng minh ý kiến của V. Huygô qua việc phân tích bài thơ Tây Tiến

– Giới thiệu thật ngắn gọn tác giả, tác phẩm, nhấn mạnh Tây Tiến là tác phẩm thơ ca có giá trị nội dung và nghệ thuật được tạo nên từ tâm huyết và tài năng của Quang Dũng.

– Về nội dung:

+ Nỗi nhớ chơi vơi, da diết về một thời Tây Tiến (gắn với hoàn cảnh ra đời của bài thơ).

+ Bức tranh thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt, vừa thơ mộng, huyền ảo, trữ tình.

+ Hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn đậm chất bi tráng.

– Về nghệ thuật:

+ Bút pháp lãng mạn phát huy cao độ trí tưởng tượng để diễn tả cảm xúc, tình cảm.

+ Thủ pháp đối lập, tương phản, phóng đại, lí tưởng hoá tô đậm vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người.

+ Ngôn ngữ sáng tạo, độc đáo, giàu tính nhạc, tính tạo hình.

=> Bài thơ thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng: một cái tôi lãng mạn, tài hoa, phóng khoáng, hồn hậu; có khả năng diễn tả thiên nhiên, tình người một cách gợi cảm, tinh tế. Thi phẩm làm đẹp, phong phú thêm hình tượng người lính trong văn học kháng chiến và qua đó gửi đến người đọc thông điệp về lòng yêu nước và lí tưởng sống cao đẹp nên có sức hấp dẫn độc giả mọi thời đại.

Kết luận

– Đánh giá khái quát nhận định của V.Huygô. Mỗi tác phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật được tạo nên từ sự thống nhất của hai yếu tố nội dung và hình thức biểu hiện. Trong đó nội dung bao giờ cũng đóng vai trò quyết định việc lựa chọn hệ thống các phương tiện biểu hiện của người viết.

– Bài thơ Tây Tiến được tạo nên từ tài năng và tâm huyết của Quang Dũng là minh chứng cho sự đúng đắn của nhận định đó.

– Rút ra bài học cho người sáng tạo và tiếp nhận.


Đề thi học sinh giỏi bài Tây Tiến - Quang Dũng - Đề số 3

Thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng con người bằng ngôn ngữ cô đọng, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu.

Hãy giải thích và làm sáng tỏ nhận định trên qua việc cảm nhận đoạn thơ sau:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, SGK Ngữ văn 12, Tập 1, NXBGD, năm 2014, tr.88)


Gợi ý : 

1. Giải thích

– Nhận định đã khái quát đặc trưng của thể loại thơ ở hai phương diện:

+ Nội dung: Thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng con người. Cốt lõi của thơ là trữ tình. Thơ gắn với chiều sâu thế giới nội tâm. nên thơ là những rung động tâm hồn, suy ngẫm sâu xa, những trạng thái tâm lí trước thiên nhiên, cuộc sống, con người của  nhân vật trữ tình.

+ Nghệ thuật: Ngôn ngữ cô đọng, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu, đòi hỏi sự chắt lọc, gọt rũa trau chuốt tỉ mỉ, hình ảnh thơ chân thực, sinh động, đẹp đẽ từ đời sống, đồng thời có khả năng gợi ra những tầng ý nghĩa sâu xa. Nhạc điệu của thơ không chỉ là tính nhạc trầm bổng do cách phối thanh mà còn là nhạc điệu của tâm hồn.

->Nhận định nói lên đặc trưng, thế mạnh của thể loại thơ là khám phá, diễn tả đời sống nội tâm phong phú, sâu sắc của con người bằng ngôn ngữ chắt lọc, biểu cảm, điêu luyện, hấp dẫn.

2. Phân tích, chứng minh: Đoạn trích Tây Tiến (Quang Dũng)

a. Giới thiệu

– Quang Dũng là nhà thơ – chiến sĩ với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, tài hoa. Tây Tiến– tác phẩm xuất sắc nhất của Quang Dũng, sáng tác năm 1948, thể hiện nỗi nhớ về miền đất Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến.

– Đoạn trích mở đầu bài thơ với cảm hứng bao trùm là nỗi nhớ chơi vơi  được diễn tả bằng ngôn ngữ thơ phong phú, giàu chất hội họa, âm nhạc của một thi sĩ đa tài.

b. Phân tích

b1) Những cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật trữ tình:

–  Nỗi nhớ chơi vơi – da diết, mênh mang lan tỏa không gian, thời gian.

–  Đó là nỗi nhớ về thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, thơ mộng – bức phông nền tôn lên hình tượng người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân gian khổ, hào hùng.

-> Đoạn thơ khắc sâu tình đồng đội yêu thương, gắn bó, tình yêu thiên nhiên tha thiết được cảm nhận bằng tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, nhạy cảm.

b2) Ngôn ngữ cô đọng, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu:

– Lời gọi Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! cất lên thiết tha, tiếc nuối.

–  Hàng loạt các từ chỉ địa danh Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát vừa tái hiện chặng đường hành quân vừa gợi cảm giác về những vùng đất xa xăm, hoang vu, lạ lẫm.

– Nghệ thuật đối lập trên nhiều phương diện: Thiên nhiên khi khắc nghiệt, dữ dội trong màn sương lấp dày đặc, khi bồng bềnh, huyền ảo, nên thơ hoa về trong đêm hơi. Việc phối hợp đầy dụng ý thanh bằng/trắc khiến trong thơ có nhạc, âm hưởng khi gân guốc mạnh mẽ, khi mềm mại du dương.

– Cách diễn đạt mới mẻ sáng tạo, gợi nhiều hơn tả hoa về trong đêm hơi tạo nên chất lãng mạn, bay bổng.

-> Vốn ngôn ngữ giàu có được sử dụng linh hoạt, biến hóa, sáng tạo; bút pháp hiện thực kết hợp bút pháp lãng mạn tạo đã nên sức hấp dẫn riêng cho đoạn thơ.

=> Qua vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ, có thể thấy tài năng sáng tạo của Quang Dũng: một cây bút rất tài hoa, một hồn thơ vô cùng lãng mạn, yêu và gắn bó sâu nặng với đất nước, quê hương.

3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Nhận định chủ yếu khẳng định đặc trưng của thể loại thơ ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

– Nhận định cũng gợi nhắc những đòi hỏi, yêu cầu:

+ Đối với người sáng tác: phải có cả cái Tài và cái Tâm, phải dày công sáng tạo, trau chuốt ngôn từ; phải có những rung động tinh tế, những cảm xúc, suy nghĩ chân thành, gắn bó sâu sắc với cuộc đời, con người để tác phẩm thơ thật sự đặc sắc về nghệ thuật và sâu sắc về nội dung, tư tưởng.

+ Đối với người đọc: hướng tới Chân, Thiện, Mĩ. Bồi dưỡng trí tuệ, tâm hồn phong phú, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ để thêm yêu quý, trân trọng vẻ đẹp cuộc sống, con người.

icon-date
Xuất bản : 07/05/2021 - Cập nhật : 15/11/2022