logo

Bộ đề Đọc hiểu Tranh Đông Hồ

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Tranh Đông Hồ hay nhất thi THPT Quốc gia. Trả lời các câu hỏi Đọc hiểu Tranh Đông Hồ chi tiết nhất.


Đề Đọc hiểu Tranh Đông Hồ số 1

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Tranh Đông Hồ

      Đông Hồ, làng nhỏ nằm bên bờ sông Đuống đã trở thành một địa danh văn hóa quen thuộc với mọi người. Người họa sĩ Đông Hồ vẽ tranh bằng bút lông chấm mực tàu trên giấy bản. Sau đó tranh nét được khắc trên ván gỗ thị vàng ươm. Chỉ khắc trên gỗ thị vì gỗ thị mềm, mịn, dai. Ngọn dao khắc sắc lẻm tung tẩy trên phiến gỗ thị làm nên những bản khắc quý giá.

Bộ đề Đọc hiểu Tranh Đông Hồ hay nhất thi THPT Quốc gia

      Bản khắc được in trên giấy điệp. Tờ giấy điệp cũng là một kì công của kĩ thuật chế tạo giấy đời xưa. Giấy làm từ vỏ cây dó. Vỏ dó được giã nhuyễn, ninh kĩ, hớt lấy những sợi tơ mềm như mạng nhện. Sợi tơ đan dệt nên tờ giấy xốp, dai, mềm mại như lụa. Rồi người ta lấy vỏ sò, hến, trai, điệp,… đem nung như nung vôi. Chất liệu vụn như cám và có màu óng ánh sa-phia ấy gọi là điệp. Điệp trộn với hồ quết lên giấy dó thành tờ điệp.

      Tranh Đông Hồ được in trên tờ điệp. Họa sĩ Đông Hồ xưa kia tô màu tranh bằng chất liệu thiên nhiên. Lá tre đốt ủ kĩ làm màu đen. Lá chàm cho màu xanh. Rỉ đồng cho màu lam. Nhựa thông cho màu hổ phách. Quả dành dành cho màu vàng. Son đồi cho màu đỏ. Vỏ trứng giã nhỏ trộn hồ cho màu trắng. Những chất liệu tự nhiên ấy đã làm nên sắc màu kì diệu quý giá của tranh dân gian Đông Hồ.

      Hàng trăm tác phẩm nổi tiếng đã sinh ra từ làng tranh này. Bộ Tố nữ là bốn “hoa hậu” Việt Nam thời xưa, là những Vê-nuýt (Venus) phương Đông. Hứng dừa vừa có màu sắc trữ tình vừa hài hước. Tranh Chuột kiệu anh đi trước, võng nàng đi sau diễn tả vẻ tưng bừng của ngày vinh quy. Thầy đồ cóc là hình ảnh của “nền giáo dục” thời xa xưa. Đánh ghen là tiếng cười phê phán. Quen thuộc nhất, nổi tiếng nhất dòng tranh Đông Hồ là tranh Gà, tranh Lợn. Lợn nái ăn dáy thật đẹp được cách điệu lạ mắt nhất là cái khoáy tròn âm dương. Đó thực sự là nét tài hoa, là thần bút của họa sĩ dân gian. Bức Đàn lợn mẹ con cũng vậy, con lợn nào trên mình cũng có khoáy âm dương! Xưa tháng chạp là tháng bán tranh Tết. Khắp các chợ cùng quê đều có những người phụ nữ Đông Hồ nón ba tầm, áo dài thắt vạt, đòn gánh cong quẩy hai bồ tranh đi bán. Người đi sắm hàng Tết thường không bao giờ bỏ qua hàng tranh. Dăm xu lẻ đã mua được một bức Tiến tài, Tiến lộc, Phú quý, Vinh hoa về dán cửa đón xuân gửi gắm ước mơ mỗi độ Tết đến, xuân về.

(Theo Bài tập Ngữ văn 10 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr.26-27)

Câu 1: Vì sao bản khắc tranh Đông Hồ chỉ khắc trên gỗ thị? 

Câu 2: Họa sĩ Đông Hồ xưa tạo màu cho tranh Đông Hồ từ những chất liệu nào? 

Câu 3: Văn bản thể hiện tình cảm, thái độ gì của người viết? 

Câu 4: Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của tranh Đông Hồ qua hai câu thơ sau:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

(Trích Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

Lời giải

Câu 1: Bản khắc tranh Đông Hồ chỉ khắc trên gỗ thị vì gỗ thị mềm, mịn và dai.

Câu 2: Họa sĩ Đông Hồ xưa tạo màu cho tranh Đông Hồ từ những chất liệu thiên nhiên: màu đen được lấy từ lá tre đốt ủ kĩ, màu xanh được lấy từ lá chàm, màu lam lấy từ rỉ đồng, màu hổ phách lấy từ nhựa thông, màu vàng lấy từ quả dành dành, màu đỏ lấy từ son đồi, màu trắng lấy từ vỏ trứng giã nhỏ trộn hồ.

Câu 3: Văn bản thể hiện lòng yêu mến, trân trọng và tự hào của người viết đối với một vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt là tranh Đông Hồ. 

Câu 4: Hai câu thơ của Hoàng Cầm đã thu vào trong nó vẻ đẹp hồn cốt của tranh Đông Hồ: nét tươi trong, màu dân tộc sáng bừng. Đó là những bức tranh gợi đời sống giản dị, thân thuộc, bình yên mà no ấm, trù phú của cuộc sống người lao động (tranh gà - lợn) với sắc màu tươi sáng, đầm ấm với phong cách nghệ thuật dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.


Đề Đọc hiểu Tranh Đông Hồ số 2

Đọc trích đoạn văn bản sau rồi trả lời các câu hỏi bên dưới:

      Đông Hồ, làng nhỏ nằm bên bờ sông Đuống đã trở thành một địa danh văn hóa quen thuộc với mọi người. Người họa sĩ Đông Hồ vẽ tranh bằng bút lông chấm mực tàu trên giấy bản. Sau đó tranh nét được khắc trên ván gỗ thị vàng ươm. Chỉ khắc trên gỗ thị vì gỗ thị mềm, mịn, dai. Ngọn dao khắc sắc lẻm tung tẩy trên phiến gỗ thị làm nên những bản khắc quý giá.

      Bản khắc được in trên giấy điệp. Tờ giấy điệp cũng là một kì công của kĩ thuật chế tạo giấy đời xưa. Giấy làm từ vỏ cây dó. Vỏ dó được giã nhuyễn, ninh kĩ, hớt lấy những sợi tơ mềm như mạng nhện. Sợi tơ đan dệt nên tờ giấy xốp, dai, mềm mại như lụa. Rồi người ta lấy vỏ sò, hến, trai, điệp,… đem nung như nung vôi. Chất liệu vụn như cám và có màu óng ánh sa-phia ấy gọi là điệp. Điệp trộn với hồ quết lên giấy dó thành tờ điệp.

      Tranh Đông Hồ được in trên tờ điệp. Họa sĩ Đông Hồ xưa kia tô màu tranh bằng chất liệu thiên nhiên. Lá tre đốt ủ kĩ làm màu đen. Lá chàm cho màu xanh. Rỉ đồng cho màu lam. Nhựa thông cho màu hổ phách. Quả dành dành cho màu vàng. Son đồi cho màu đỏ. Vỏ trứng giã nhỏ trộn hồ cho màu trắng. Những chất liệu tự nhiên ấy đã làm nên sắc màu kì diệu quý giá của tranh dân gian Đông Hồ.

(H.Vinh, báo Thiếu niên Tiền phong chủ nhật, số 8, 1-2003)

Câu 1: Cho biết phương thức biểu đạt chính của trích đoạn văn bản.

Câu 2: Nêu nội dung và đặt tiêu đề cho trích đoạn văn trên

Câu 3: Những câu văn: Vỏ dó được giã nhuyễn, ninh kĩ, hớt lấy những sợi tơ mềm như mạng nhện. Sợi tơ đan dệt nên tờ giấy xốp, dai, mềm mại như lụa có sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Hãy chỉ rõ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy.

Câu 4: Theo tác giả, những chất liệu tự nhiên nào đã làm nên sắc màu kì diệu, quý giá của tranh dân gian Đông Hồ.

Câu 5: Xét theo mục đích nói, trích đoạn văn bản trên sử dụng kiểu câu nào là chủ yếu. Việc sử dụng kiểu câu đó có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung đoạn trích.

Lời giải

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là: thuyết minh

Câu 2: Nội dung: giới thiệu vẻ đẹp và quá trình làm ra bức tranh dân gian Đông Hồ.

Tiêu đề: Tranh Đông Hồ - Nét đẹp văn hoá dân gian Việt

Câu 3: - Những sợi tơ mềm như mạng nhện… sợi tơ xốp, dai mềm như lụa  có tác dụng làm cho lời văn cân đối, sinh động, gợi cảm; đồng thời gợi tả rõ nét hình ảnh cụ thể của sợi tơ mang vẻ đẹp mềm mại, đan cài thướt tha…

Câu 4: Theo tác giả, những chất liệu tự nhiên đã làm nên sắc màu kì diệu, quý giá của tranh dân gian Đông Hồ: lá tre… màu đen, lá chàm… màu xanh, rỉ đồng… màu lam, nhựa thông… hổ phách, quả dành dành… màu vàng, son đồi… màu đỏ, vỏ trứng… màu trắng.

Câu 5: Xét theo mục đích nói, trích đoạn văn bản trên chủ yếu sử dụng kiêu câu: trần thuật.

icon-date
Xuất bản : 14/04/2021 - Cập nhật : 17/12/2021