logo

Bình luận về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Bình luận về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Bình luận về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

1. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Viễn Phương - là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời chống Mĩ cứu nước.

- Vài nét về bài thơ “Viếng lăng Bác”- bài thơ mang đậm chất trữ tình đã ghi lại tình cảm sâu lắng, thành kính của nhà thơ khi hòa vào dòng người viếng lăng Bác.

2. Thân bài

a. Niềm xúc động nghẹn ngào khi đến thăm lăng Bác (khổ 1)

- “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”: nhân dân miền Nam xưng con với Bác vì Bác như một người cha nhân hậu hiền từ.

- Nhà thơ dùng từ “thăm”: nói giảm nói tránh để giảm nhẹ đi nỗi đau , mặc dù Bác đã đi xa nhưng trong tâm trí mỗi người Bác luôn sống mãi.

- Từ láy “bát ngát” hiện lên trước mắt mà một màu xanh ngút ngàn trải dài và lan ra quanh lăng.

- Hình ảnh hàng tre mang nghĩa thực là những khóm tre quanh lăng nhưng còn mang nghĩa ẩn dụ chỉ phẩm chất con người Việt Nam bất khuất kiên cường, ngay thẳng có tinh thần yêu thương, đùm bọc.

⇒ Tác giả đứng trước lăng bác với cảm xúc nghẹn ngào “ôi”, xưng hô “con”…

b. Cảm xúc trước đoàn người vào lăng viếng Bác (khổ 2)

- Ẩn dụ “mặt trời”: Bác là mặt trời của dân tộc mang ánh sáng ấm áp cho cuộc sống của dân tộc, đồng thời thể hiện niềm yêu mến kính trọng Bác. Hình ảnh ẩn dụ có ý nghĩa ca ngợi sự vĩnh hằng, trường tồn của Bác trong trái tim của triệu người dân Việt.

- Sử dụng điệp ngữ “ngày ngày”: chỉ thời gian vô tận, tấm lòng của người dân chưa bao giờ thôi nhớ Bác.

- Hình ảnh ẩn dụ “tràng hoa”: chỉ những người vào lăng viếng Bác kết thành tràng hoa rực rỡ huy hoàng, mỗi người mang một bông hoa của lòng thành kính, sự yêu mến và niềm ngưỡng vọng lãnh tụ.

- “bảy mươi chín mùa xuân”: là hoán dụ chỉ cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân, đó còn là tuổi thọ của Bác.

⇒ Sự biết ơn công lao to lớn của chủ tịch Hồ Minh, niềm thành kính của người dân Việt Nam với vị lãnh tụ của dân tộc.

c. Cảm xúc khi vào lăng, nhìn thấy di hài Bác (Khổ 3)

- “Giấc ngủ bình yên”: nói giảm nói tránh nhằm giảm đi nỗi đau, vừa thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng giấc ngủ của Bác.

- “vầng trăng sáng dịu hiền”: nhân hóa chỉ ánh đèn tỏa ra từ lăng, đó cũng là ẩn dụ chỉ vẻ đẹp tâm hồn thanh cao của Người.

- “Trời xanh”: ẩn dụ Bác trường tồn, vĩnh hằng cùng non sông đất nước.

- Nhà thơ dùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “nghe nhói ở trong tim”, nhà thơ như nghe thấy nỗi đau cứ nhức nhối như cắt cứa trong tim mình.

⇒ Cảm xúc trong lăng của nhà thơ với Bác thành kính mà xúc động.

d. Những tình cảm, cảm xúc trước lúc ra về (Khổ 4)

- “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”: cảm xúc trực tiếp lưu luyến không muốn rời xa.

- Phép liệt kê, ẩn dụ “con chim, đóa hoa, cây tre” cùng với điệp ngữ “muốn làm”: niềm dâng hiến tha thiết,mãnh liệt, muốn làm một điều gì đó vì Bác.

- Hình ảnh cây tre được lặp lại tạo kết cấu đầu cuối tương ứng.

⇒ Chủ thể “con” đến đây không xuất hiện thẻ hiện ước nguyện này không phải của riêng tác giả mà là của tất cả mọi người, của dân tộc ta đối với Bác.

3. Kết bài

- Tổng kết những thành công về nội dung, nghệ thuật làm nên bài thơ:

   + Với thể thơ 8 chữ, giọng điệu thiết tha, sâu lắng, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ quen thuộc, ngôn ngữ thơ giản dị mà cô đọng.

   + Thể hiện niềm xúc động, thành kính, và nỗi đau xót của nhà thơ trước sự ra đi của Bác, ước nguyện là được ở mãi bên Bác, đang lên Bác tất cả lòng tôn kính và biết ơn…

- Cảm nghĩ của em về giá trị của tác phẩm.


Bình luận về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương – Bài mẫu 1

       Hoà cùng dòng cảm hứng viết về sự ra đi của Người trong những ngày tháng chín năm 1969, qua bài thơ Viếng lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương đã nói lên tấm lòng của đồng bào miền Nam cũng như muốn nói Bác bất tử trong niềm thương kính của nhân dân.                                    

       Viết về lần thăm viếng một con người vĩ đại, dòng cảm xúc của bài thơ đi theo trình tự thời gian nhưng chủ yếu cảm xúc được gửi vào những không gian bên lăng. Bao trùm cả bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau của nhà thơ.

       Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu giản dị mà hàm súc:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

        Nhà thơ xưng con – một tiếng nói nghẹn ngào được nén chặt suốt hai mươi năm lăm xa cách. Một tiếng con giản dị nhưng lại như tiếng nấc xót đau. Tiếng con vừa thân thương mà lại vừa gần gũi. Người con ấy từ miền Nam, đang thực hiện ước nguyện được gặp Người..Khi sinh thời, Người vẫn nói miền Nam trong trái tim tôi và ước nguyện lớn lao của Người đó là Tổ quốc thống nhất, Bắc Nam sum vầy. Bác dành cho miền Nam một tình cảm đặc biệt:

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác nỗi mong cha

                                               (Tố Hữu)

        Giờ đây, khi đất nước đã sạch bóng quân thù, con từ miền Nam về đây gặp Người thì Người đã đi xa. Câu thơ chỉ là lời giới thiệu giản dị, nhưng lại chứa đựng bao tiếc đau và nước mắt. Trong phút bên lăng ấy, nhà thơ bắt gặp những hàng tre:

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

       Hàng tre có thực bên lăng nhờ từ bát ngát đã trở thành hàng tre đất nước, hàng tre biểu tượng cho sức sống bền bỉ, sự kiên cường bất khuất, dáng đứng hiên ngang của dân tộc Việt Nam. Qua bão táp mưa Sa hàng tre vẫn đứng thẳng, vẫn kiên cường như những người dân Việt:

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Cảm xúc dồn nén giờ bật lên thành lời:

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

        Hàng tre kia đã được gắn với tên Tổ quốc, hai tiếng Việt Nam đầy thân thương. Nơi lăng Bác, ý nguyện của Người về đất nước độc lập, tự do vẫn vẹn nguyên, tươi xanh trong hình ảnh hàng tre. Nếu như dòng thơ đầu là nỗi tiếc đau của tác giả thì ba dòng thơ còn lại Viễn Phương nói về tre, nghĩ về tre và cũng là nói về Bác. Bên lăng, trong cảm xúc xúc động của nhà thơ, hình ảnh Bác gắn liền với hình ảnh đất nước kiên cường.

       Bác đã đi xa mãi mãi nhưng với Viễn Phương, hình ảnh Bác bất tử trong mối liên tưởng với mặt trời và tràng hoa – dòng người viếng Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

       Thời gian là bất tận. Vòng tuần hoàn thời gian vẫn cứ trôi lặng lẽ. Như vầng dương chói sáng đem lại ánh sáng cho thiên nhiên, Bác là nguồn sáng của dân tộc Việt Nam. Bác là người đã rọi sáng con đường tự do dẫn cả dân tộc bước tới. Chính Bác đã mang đến sự sống cho cả một dân tộc. Phải có lòng kính yêu, chân thành, thiết tha mới có cảm xúc liên tưởng Bác với mặt trời như thế. Ví Bác với mặt trời vừa nói lên sự vĩ đại của Bác vừa nói lên sự trân trọng, tấm lòng thành kính của Bác và cũng qua hình ảnh ẩn dụ ấy còn là sự bất tử bởi Người đã hoá thân vào những gì vĩnh cửu của thiên nhiên, vũ trụ. Không chỉ so sánh bằng hình ảnh tĩnh mặt trời mà mặt trời Bác còn là một vầng dương rất đỏ. Vầng dương rực đỏ như bầu nhiệt huyết của một vị lãnh tụ suốt đời hi sinh cho Tổ quốc. Bầu nhiệt huyết ấy như vẫn chói sáng, vẫn căng tràn dù rằng con người ấy không còn. Đặt Bác trong mối liên tưởng với mặt trời dù đã là sự suy tôn cao nhất nhưng tác giả vẫn gắn thêm định ngữ rất đỏ như muôn khẳng định: Bác vẫn tồn tại, toả thắm như vầng mặt trời toả sáng.

       Với Viễn Phương, hình ảnh không chỉ bất tử khi được ví như mặt trời mà người còn mãi trong những dòng thương nhớ:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

        Trong con mắt tác giả, cảm xúc đã khiến không gian lặng không còn là không gian tự nhiên mà là không gian của lòng người, không gian thương nhớ. Một năm sau ngày đất nước thống nhất, lòng thương kính vẫn vẹn nguyên khi nhà thơ hoà cùng dòng người viếng Bác. Sự ra đi của Người như mới chỉ là ngày hôm qua. Tất cả vẫn như còn lại đó, không đổi thay, xoay chuyển, vẫn luôn là dòng người với nỗi đau, cảm giác mất mát, thiếu vắng. Từ hình ảnh thực ấy, tác giả liên tưởng dòng người như kết thành tràng hoa. Tuy không còn nữa nhưng sự ra đi của Người lại gắn kết những người còn sống theo đúng ước nguyện của Người:

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

       Dòng người không chỉ đến viếng một Người đã khuất mà viếng một cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân. Nhà thơ không gọi bằng tuổi mà nói bằng mùa xuân là để hoá xuân, vĩnh cửu hoá cuộc đời Người. Bởi cuộc đời ấy đẹp như mùa xuân và mùa xuân ấy đã mang lại sức xuân cho cả một dân tộc. Cuộc đời Bác là một mùa xuân đẹp nhất trong hàng ngàn mùa xuân nhỏ của dân tộc anh hùng. Khổ thơ có sự lặp lại cấu trúc:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng…

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

       Mặt trời lặn mọc mỗi ngày trên lăng cũng như dòng người vào lăng viếng Bác vẫn còn mãi như niềm yêu kính của nhân dân và cũng bởi vậy mà Bác Hồ là bất tử.

       Theo bước chân của dòng người, nhà thơ được tiếp cận di hài Bác và cảm thấy một niềm tiếc thương vô hạn, niềm đau xót khôn nguôi:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

       Khung cảnh và không gian thanh tĩnh trong lăng như ngưng kết cả thời gian và không gian. Cả cuộc đời Bác là những chuỗi ngày dài không ngủ. Chỉ giờ đây Người mới có giấc ngủ ngàn thu yên bình. Trong không gian lăng tĩnh lặng, trang nghiêm như thế, trong dòng cảm xúc trào dâng những ý thơ, trăng vốn gắn bó với người lúc sinh thời như hiện về trong tâm tưởng:

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

       Nếu hai dòng thơ đầu là cảm xúc của nhà thơ trong phút đầu gặp Người thì hai dòng thơ sau là một nỗi xót đau:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

 Mà sao nghe nhói ở trong tim!

       Câu thơ như một lời tự hỏi, một câu phân vân giữa ý chí và tình cảm. Tiếng nói của ý chí vẫn biết trời xanh là mãi mãi – Người vẫn còn như trời xanh còn mãi nhưng điều đó chẳng thể ngăn được tình cảm nhói đau chợt đến Mà sao nghe nhói ở trong tim. Cặp quan hệ từ vẫn biết – mà sao diễn đạt cái diễn biến không lường được, không kiểm soát nổi cảm xúc của tác giả, của người về muộn bên di hài Người cha tôn kính.

       Những xót đau, thương tiếc đã trở thành ước nguyện hoá thân làm đẹp nơi yên nghỉ của Người, làm người con trung hiếu của Bác trong bài thơ:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

       Thời gian phải rời xa còn rất ngắn. Không gian trở về xa cách. Và khoảng cách lòng người tuy xa mà gần. Nghĩ đến điều ấy mà nước mắt lại trào trên mi, chẳng thể nào xuôi vào trong được nữa. Nước mắt cứ trào ra, pha lẫn cả nỗi đau thương mất mát với những quyến luyến bịn rịn. Trong quãng thời gian chỉ còn được tính bằng ngày, bởi không nỡ xa Người nên tác giả ước nguyện hoá thân để ở lại bên Bác:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác 

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

       Muốn được hoá thân thành con chim hót bên lăng, thành đóa hoa toả hương, thành cây tre trung hiếu cũng có nghĩa là ước nguyện để lại một thanh âm, một làn hương làm đẹp cõi Bác và lớn hơn đó là làm một cây tre trung hiếu. Khổ đầu bài thơ, từ hàng tre bên lăng liên tưởng tới hàng tre Việt Nam bất khuất, kiên cường. Giờ đây, tác giả muốn làm một cây tre trong hàng tre ấy, muốn là một người con trung hiếu di theo con đường mà Bác đã đi. Tất cả những ước nguyện đó đều đẹp đẽ, chân thành, tha thiết. Điệp ngữ muốn làm mở đầu cho những dòng thơ càng tôn lên những ước nguyện đẹp đẽ ấy.

       Nằm trong số rất nhiều những bài thơ viết về sự ra đi của Người, Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương vừa mang những cái chung đó là niềm tiếc thương, xót đau vô hạn lại vừa có cả những cái rất riêng, rất đặc biệt. Cái riêng, cái đặc biệt chính bởi sự liên tưởng để bác mãi mãi là bất tử trong lòng mỗi người dân đất Việt. Bài thơ như một lời tưởng niệm với con người đã khuất. Hơn nữa, nó đã nâng tầm vóc một con người lên một tầm cao, vĩ đại.


Bình luận về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương – Bài mẫu 2

       Bài thơ diễn tả niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với lãnh tụ bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc sâu lắng.

    Trong những bài thơ viết sau ngày Bác Hồ "đi xa", bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương là bài thơ đặc sắc nhất. Bài thơ diễn tả niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với lãnh tụ bằng một ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc sâu lắng. Nó đã được phổ nhạc, lưu truyền sâu rộng trong nhân dân. Câu thơ mở đầu cho thấy xuất xứ của bài thơ:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác.

       Từ chiến trường miền Nam, nhà thơ Viễn Phương mang theo bao tình cảm thắm thiết của đồng bào và chiến sĩ ra viếng lăng Bác Hồ kính yêu. Đây là cuộc hành hương của người chiến sĩ. Từ xa, nhà thơ đã nhìn thấy hàng tre ẩn hiện trong sương khói trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Màn sương trong câu thơ gợi lên một không khí thiêng liêng, huyền thoại. Cây tre, hàng tre "đứng thắng hàng" trong làn sương mỏng, ẩn hiện thấp thoáng, mang màu sắc xanh xanh. “ Hàng tre xanh xanh" vô cùng thân thuộc được nhân hóa, trải qua "bão táp mưa sa” vẫn "đứng thẳng hàng" như dáng đứng của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất trong bốn nghìn năm lịch sử:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác,

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng  tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

       "Ôi!" là từ cảm, biểu thị niềm xúc động tự hào. Hình ảnh hàng tre xanh mang tính chất tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng sâu sắc. Tre mang phẩm chất cao quý của con người Việt Nam: "mộc mạc, thanh cao, ngay thẳng, bất khuất..." (Thép Mới). Có nhà thơ đã viết:

...Bão bùng thân bọc lấy thân,

Tay ôm, tay níu, tre gần nhau thêm

Thương nhau tre không ở riêng

 Lũy thành từ đó mà nên hỡi người...

                                                (Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)

       Miêu tả cảnh quan (phía ngoài) lăng Bác, nhà thơ tạo nên những suy nghĩ sâu sắc về phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta. Khổ thơ tiếp theo nói về Bác. Bác là người con ưu tú của dân tộc, là "tinh hoa và khí phách của nhân dân Việt Nam" (Phạm Văn Đồng).

       Hai câu thơ sóng nhau, hô ứng nhau với hai hình ảnh mặt trời. Một mặt trời thiên nhiên, rực rỡ, vĩnh hằng "Ngày ngày... đi qua trên lăng”, và "Một mặt trời trong lăng rất đỏ" - hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Màu sắc "rất đỏ" làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp gây ấn tượng sâu xa hơn, nói lên tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

       Hòa nhập vào "dòng người" đến lăng viếng Bác, nhà thơ xúc động bồi hồi... Thành kính và nghiêm trang, dòng người đông đúc, chẳng khác nào một "tràng hoa" muôn sắc ngàn hương từ mọi miền đất nước đến Ba Đình lịch sử viếng lăng Bác. Hình ảnh ẩn dụ "tràng hoa" diễn tả tấm lòng biết ơn, sự thành kính của nhân dân đối với Bác Hồ vĩ đại:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

 Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

       Chữ "dâng" chứa đựng bao tình cảm, bao tình nghĩa. Nhà thơ không nói "79 tuổi” mà nói: "bảy mươi chín mùa xuân", một cách nói rất thơ: cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân. Qua đó, ta thấy nghệ thuật lựa chọn ngôn từ của Viễn Phương rất tinh tế biểu cảm và hình tượng.

       Khổ thơ thứ ba nói về sự vĩnh hằng bất diệt của Bác. Bác như đang nằm ngủ, một giấc ngủ "bình yên", trong một khung cảnh thơ mộng. Bác vốn yêu trăng. Thời kháng chiến, giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, Bác đã từng có những khoảnh khắc sống rất thần tiên:

Việc quân, việc nước bàn xong,

Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm.

       Giờ đây, nhà thơ cảm thấy “Bác yên nghỉ" một cách thanh thản "giữa một vầng trăng sáng dịu hiền". Nhìn "Bác ngủ", nhà thơ đau đớn, xúc động. Câu thơ  "Mà sao nghe nhói ở trong tim!" diễn tả sự đau đớn, tiếc thương đến cực độ. Viễn Phương có một lối viết hàm súc, đầy thi vị; câu chữ để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc.

       Khổ thơ cuối nói lên cảm xúc của nhà thơ khi ra về, biết bao lưu luyến, buồn thương. Nhà thơ muốn hóa thân làm "con chim hót”  làm "đóa hoa tỏa hương", làm "cây tre trung hiếu" để được đền ơn đáp nghĩa Người. Ý thơ sâu lắng, hình ảnh thơ đẹp và độc đáo, cách hiểu hiện cảm xúc "rất Nam Bộ". Đây là những câu thơ trội nhất trong bài “Viếng lăng Bác”:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

 Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

       Điệp ngữ "muốn làm..." được láy lại ba lần gợi tả cảm xúc thiết tha, nồng hậu của nhà thơ miền Nam đối với lãnh tụ.

       Viếng lăng Bác, bài thơ ngắn mà ý nghĩa, hình tượng thơ cảm xúc thơ sâu lắng, hàm súc và đẹp. Viễn Phương đã chọn thể thơ mỗi câu tám từ, mỗi khổ bốn câu, toàn bài bốn khổ - một sự cân đối hài hòa để biểu hiện một giọng điệu thơ nghiêm trang, kính cẩn.

        Bài thơ thể hiện sâu sắc tấm lòng yêu thương, kính trọng và biết ơn Bác. Tâm tình của nhà thơ cũng là tâm tình của mỗi người Việt Nam và của cả dân tộc. Đó là giá trị lớn lao của bài thơ “Viếng lăng Bác".

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Bình luận về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 02/06/2021 - Cập nhật : 02/06/2021