logo

Biện pháp tu từ Thân em như củ ấu gai

icon_facebook

Qua những bài ca dao xưa, ta thường bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đáng thương phải chịu nhiều bất công của xã hội, họ không được xã hội coi trọng, ngay cả hạnh phúc bé mọn của bản thân họ cũng không thể tự lựa chọn cho mình. “Thân em như củ ấu gai/ Ruột trong thì trắng, ruột ngoài thì đen” cũng là một câu ca dao như thế. Nhờ biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ, hình ảnh, số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến càng được khắc hoạ rõ nét và mang nhiều cảm hứng.


Biện pháp tu từ trong câu ca dao:

Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng, ruột ngoài thì đen

Trả lời:

- Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài ca dao trên là phép so sánh và ẩn dụ.

+ So sánh "thân em" với "củ ấu gai" => thân phận người phụ nữ nhỏ bé nhưng luôn tiềm tàng những vẻ đẹp.

+ Ẩn dụ: "ngọt bùi" => nhấn mạnh vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ. Vẻ ngoài có thể sương gió, hao gầy nhưng thực chất họ luôn tiềm tàng những giá trị, vẻ đẹp truyền thống, những phẩm chất đáng trân trọng: dịu dàng, tần tảo, hi sinh, cam chịu, đảm đang,...

[CHUẨN NHẤT] Biện pháp tu từ Thân em như củ ấu gai

Dàn ý phân tích bài ca dao Thân em như củ ấu gai

a. Mở bài

- Nói đôi nét về ca dao dân ca của nước ta có những đặc sắc chung gì: (Đó là tiếng hát của những người bình dân được gửi gắm vào đó để bày tỏ tâm trạng nỗi lòng).

- Ca dao - dân ca là những câu hát tâm tình phản ánh sinh động đời sống tình cảm phong phú của nhân dân lao động. Tác giả dân gian bình dân đã gửi gắm vào đó tiếng nói tâm tình chân thành tha thiết, với đủ mọi cung bậc buồn vui…

- Giới thiệu bài ca dao cần được phân tích.

Trong số những câu hát tâm tình trong kho tàng văn học dân gian thì không thể thiếu những lời thủ thỉ than thân trách phận, và cụm từ Thân em và nội dung cùng đề cập đến phẩm chất tốt đẹp, cao quý cùng số phận hẩm hiu, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa. Và câu hát chất chứa như đã vọng lên:

Thân em như củ ấu gai,

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi nếm thử mà xem!

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

b. Thân bài

- Việc sáng tác của nhiều câu ca dao bắt đầu từ “Thân em" có rất nhiều. Đây có thể coi là một motip chung của các bài ca dao than thân.

+ Câu đầu tiên tác giả dân gian đã ví von thật lạ lùng “Thân em” - người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa là củ ấu gai. Củ ấu gai được coi là một hình ảnh quen thuộc của người nông dân Việt Nam nói chung.

⇒ Tác giả dân gian như đã thẳng thắn so sánh là để thừa thận rằng phụ nữ xưa chưa được coi trọng.

+ Nhưng vế sau của câu hát mới thực sự là điều quan trọng “Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen”. Cặp từ như đã đăng đối “đen” - “trắng” làm nổi bật câu ca dao về người phụ nữ.

⇒ Dẫu cho vẻ ngoài có đôi chút xấu xí đi chăng nữa nhưng vẫn mang trong mình tấm lòng son sắc, trái tim chung thủy và một tâm hồn đẹp. Cái lí đã được trình bày một cách rất tường tận.

- Tiếp sau đó chính là việc cái tình đòi thổ lộ và bộc bạch “Ai ơi, nếm thử mà xem!” đúng là một tiếng gọi, một lời mời – cứng cỏi, táo bạo mà không kém phần tha thiết.

⇒ Phải bộc bạch kĩ và mời mọc da diết đến nghẹn lời như vậy bởi vì phẩm chất tốt đẹp của họ ít ai biết đến. Sự khẳng định về phẩm giá, giá trị ấy chứa đựng một nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận người con gái nghèo khổ trong xã hội cũ.

- Cái củ ấu gai góc đến nhọn hoắt lại đen đủi sống dưới bùn sâu, chẳng mấy ai để ý tới, dẫu rằng bên trong nó vừa trắng, vừa ngọt, vừa bùi chứ không phải vì bên ngoài nó gai góc xấu xí mà bên trong nó cũng vậy.

+ Trong cuộc sống cũng vậy, để có thể giúp đời hiểu mình hơn, người ta có khi phải đứng ra tự quảng cáo. Thật là một điều bất đắc dĩ, nhất là đối với một cô gái. Nhưng biết làm sao được, ý thức về phẩm giá và sự tự trọng có khi bắt người ta phải làm vậy.

c. Kết bài

- Bài ca dao còn như nói lên quyền sống của người phụ nữ xưa kia, mà trước hết là quyền tự do hoàn toàn bị phủ nhận. Đó còn chính là nguồn gốc của mọi đau khổ, ngang trái mà họ, những người phụ nữ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời.


Bài văn phân tích bài ca dao Thân em như củ ấu gai

Số phận và vẻ đẹp người phụ nữ luôn là vấn đề được phản ánh trong văn học mọi thời kỳ. Từ văn học dân gian đến văn học viết, từ chữ Hán đến chữ Nôm và chữ quốc ngữ đều có số lượng lớn tác phẩm xoay quanh chủ đề này. Trong đó, nhiều bài ca dao dân ca bắt đầu bằng cụm từ “Thân em” phản ánh hình ảnh người phụ nữ rất phổ biến. Bài ca dao sau đây là một ví dụ:

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

Trong văn học dân gian, đặc biệt là ca dao thường xuyên có hình ảnh người phụ nữ.

“Thân em như ớt chín cây

Càng tươi ngoài vỏ càng cay trong lòng.”

“Thân em như hạt mưa sa,

Hạt rơi đài các, hạt ra ngoài đồng.”

“Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.”

Những bài ca dao này cũng có ý nghĩa tương tự như bài ca dao trên, tập trung phản ánh số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội.

Trước hết, câu ca dao phản ánh hiện thực về số phận người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, chuân chuyên, bất hạnh.

“Thân em như củ ấu gai”

Nhân vật chính là “em” ở đây không tên, không tuổi, không gốc gác. Như vậy, câu ca dao lấy hình ảnh “em” làm điển hình cho người phụ nữ Việt Nam nói chung. Mặt khác, chữ “thân” được đẩy lên đầu câu và trước chủ ngữ để nhấn mạnh vào thân phận, số phận, cuộc đời của họ. Cuộc đời của người phụ nữ được ví như “củ ấu gai”. Củ ấu gai là một loại củ hình tam giác khối, do rễ của cây ấu phình to tạo thành. Cây ấu được người ta trồng trên mặt ao, hồ, trôi nổi. Củ ấu gai hình thành từ bộ rễ chìm dưới nước. Củ ấu gai nhìn đen đúa, vỏ xám xịt, không mấy hấp dẫn. Loại củ này luộc hoặc rang lên ăn rất thơm, ngọt và bùi. Vì sao “thân em” lại được so sánh như vậy? Ta tìm câu trả lời trong câu thơ thứ hai.

Trong câu thứ hai, tác giả đã làm rõ hơn về hình ảnh củ ấu gai:

“Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”

Câu thơ làm rõ đặc trưng của củ ấu, vỏ đen và thô kệch còn ruột trắng, ngọt bùi. Khi so sánh “thân em” với “củ ấu gai”, có lẽ nhân dân ta cũng đang tế nhị ca ngợi về người phụ nữ Việt Nam: người phụ nữ dường như nhỏ bé, phụ thuộc, bị coi thường, vô giá trị nhưng thực chất họ luôn có tấm lòng đáng quý. Người phụ nữ Việt Nam dù xinh đẹp hay xấu xí, thanh cao hay mộc mạc, kiêu sa hay cơ cực thì đều có chung một điểm đó là tấm lòng cao đẹp. Giống như câu thơ của Hồ Xuân Hương trong bài “Bánh trôi nước”:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Người phụ nữ Việt Nam, họ luôn đằm thắm, khéo léo, tần tảo, thủy chung, giàu đức hi sinh. Thời chiến, họ là hậu phương vững chắc, là người xung phong cầm súng diệt giặc, là hình ảnh “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Họ hóa thân trong những Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, chị Út Tịch…

Thời bình, người phụ nữ vừa làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ đồng thời cũng tham gia vào xây dựng đất nước. Họ ở trong những Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh… Ngày nay, có biết bao người phụ nữ tham gia chính trị, là trụ cột quốc gia. Do vậy, bài ca dao trên đây đã đồng thời phản ánh thân phận và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Mỗi bài ca dao là sự kết tinh tâm hồn, tư tưởng, tình cảm và lối nghĩ của cha ông ta. Khi sáng tạo nên bài ca dao “Thân em như củ ấu gai / Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen” ông cha ta cũng đang dành tình cảm lớn cho người phụ nữ Việt Nam. Với tinh thần cao cả đó, những bài ca dao sẽ sống mãi trong lòng người Việt.

icon-date
Xuất bản : 26/05/2022 - Cập nhật : 26/05/2022

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads