logo

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác - xen Pruxt cho rằng: Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới


Câu hỏi:

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác-xen Pruxt cho rằng: “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết về truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao và bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, hãy làm rõ quan niệm nghệ thuật của Mác-xen Pruxt.

Lời giải:

* Giải thích từ ngữ 

+ “Cuộc thám hiểm thực sự”: Quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ và đầy bản lĩnh của nhà văn để sáng tạo nên tác phẩm đích thực. 

+ “Vùng đất mới”: Hiện thực đời sống chưa được khám phá (đề tài mới). 

+ “Đôi mắt mới”: Cái nhìn, cách cảm thụ con người và đời sống mới mẻ. 

→ Hàm ý câu nói: Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, điều cốt yếu là nhà văn phải có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo, giàu tính phát hiện về con người và đời sống. 

* Bàn luận 

+ Để tạo nên tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhà văn phải có tài năng, tâm huyết, có bản lĩnh và phải biết lao động nghệ thuật nghiêm túc, gian khổ giống như “cuộc thám hiểm thực sự”. Nếu dấn thân vào “vùng đất mới” mà nhà văn không có cách nhìn, cách cảm thụ đời sống mới mẻ thì cũng không thể tạo nên tác phẩm nghệ thuật có giá trị đích thực. 

+ Dù viết về đề tài đã cũ nhưng bằng cái nhìn độc đáo, giàu tính khám phá, phát hiện, nhà văn vẫn thấu suốt bản chất đời sống, mang lại cho tác phẩm giá trị tư tưởng sâu sắc. 

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác - xen Pruxt cho rằng: Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới

+ Nếu nhà văn có “đôi mắt mới”, biết nhìn nhận con người và đời sống giàu tính khám phá, phát hiện lại tiếp cận với một “vùng đất mới”, thì sức sáng tạo của nhà văn và giá trị của tác phẩm càng độc đáo, càng cao. Vì  thế, coi trọng vai trò quyết định của “đôi mắt mới” nhưng cũng không nên phủ nhận ý nghĩa của “vùng đất mới” trong thực tiễn sáng tác. 

+ Để có cái nhìn và cách cảm thụ độc đáo nhà văn phải bám sát vào hiện thực đời sống; trau dồi tài năng, bản lĩnh (sự tinh tế, sắc sảo...); bồi dưỡng tâm hồn (tấm lòng, tình cảm đẹp với con người và cuộc đời...); xác lập một tư tưởng, quan điểm đúng đắn, tiến bộ. 
(Trong quá trình bàn luận có thể lấy dẫn chứng minh họa) 

* Phân tích, chứng minh  

- Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao 

+ Đề tài: Cuộc sống của người nông dân nghèo Việt Nam thời kì  trước Cách mạng tháng Tám. Đây là đề tài quen thuộc, được nhiều nhà văn khai thác và đã xây dựng được những hình tượng điển hình như trong: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan),... 

+ Cũng viết về cuộc sống của người nông dân thời kì trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất của người nông dân mà còn xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: Bi kịch bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền sống làm người lương thiện. 

+ Nhà văn trân trọng phát hiện phẩm chất tốt đẹp của con người. Khẳng định bản chất lương thiện của con người không bao giờ mất đi cho dù họ có bị hủy hoại và tàn phá cả nhân hình lẫn nhân tính... 

- Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng 

+ Khác với các thi sĩ cùng thời, khi viết về đề tài người lính (anh bộ đội  Cụ Hồ) thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng thể hiện một cách nhìn mới, một “đôi mắt mới”: 

+ Nhà thơ không né tránh hiện thực mà nhìn thẳng vào cuộc chiến khốc liệt để làm nổi bật những hi sinh, mất mát. 

+ Con đường Tây Tiến hiện ra vừa dữ dội, hùng vĩ vừa thơ mộng, mĩ lệ một thời. 

+ Bức tượng đài người lính Tây Tiến (xuất thân từ tầng lớp trí thức Hà Nội) hào hoa, lãng mạn, đậm tinh thần bi tráng. 

* Đánh giá khái quát 

Nếu có“đôi mắt mới”, cách nhìn mới thì cho dù có viết về “vùng đất cũ” nhà văn vẫn tạo ra được những áng thơ, thiên truyện độc đáo, có giá  trị, có phẩm chất và cốt cách văn học, có sức lay động lòng người, có khả năng sống mãi với thời gian.


Bài văn phân tích luận điểm của Mác - xen Pruxt

Trong cuộc hành trình vĩ đại tạo nên sự sáng tạo, việc nắm bắt và truyền tải tinh thần con người hay cuộc sống là một lối đi độc đáo của các nhà văn. Một quan điểm được nhiều tác giả đồng tình của Mác - xen Pruxt là: "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới." Đây không chỉ là một câu nói ngẫu nhiên mà còn là một tuyên bố vĩ đại về bản chất và yếu tố quan trọng nhất của sự sáng tạo trong nghệ thuật.

"Cuộc thám hiểm thực sự" ở đây không chỉ đơn thuần là một cuộc hành trình vật lý trên một vùng đất mới. Nó được hiểu là một cuộc phiêu lưu trong thế giới tinh thần, trong không gian sáng tạo và trí tưởng tượng của nhà văn. Để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực, nhà văn phải dấn thân vào một quá trình lao động nghiêm túc và gian khổ tương tự như một cuộc thám hiểm. Một tác phẩm nghệ thuật không chỉ là sản phẩm của trí óc, mà là sự kết tinh của tâm huyết và bản lĩnh của người sáng tạo. Vậy nên để tạo ra được nó, con người phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt, đánh đổi thời gian và sức lực. "Vùng đất mới" không chỉ đề cập đến đề tài mới mẻ, mà còn là việc khám phá sâu sắc vào hiện thực cuộc sống nhưng ở những khía cạnh khác nhau. Tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần là việc kể chuyện, mà là hiện thực hóa thế giới tinh thần và cảm xúc của con người. Vậy nên, “đôi mắt mới” chính là sự nhạy bén, sự sáng tạo và không rập khuôn theo những gì đã có. 

Bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác - xen Pruxt cho rằng: Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới

Nam Cao đã viết về cuộc sống của người nông dân nghèo thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, một đề tài vô cùng quen thuộc đối với văn học Việt Nam. Nhưng nó không hề đi theo cái lối mòn cũ là cứ thể hiện cái nghèo và khốn khó của người nông dân, ông đã thông qua nhân vật để kể một câu chuyện có tình yêu lãng mạn, có hiện thực tàn khốc. Truyện "Chí Phèo" không chỉ kể về sự đau khổ khi thiếu thốn vật chất mà còn xoáy sâu vào bi kịch tinh thần, bản chất con người trong hoàn cảnh khốn khó. Vậy nên Chí Phèo mới bừng tỉnh mà chạy đến chất vấn, “đòi lại công đạo” cho mình từ chỗ Bá Kiến. Không chỉ Chí Phèo, Tây Tiến của Quang Dũng cũng xuất sắc khi viết về “con đường cũ” nhưng lại sử dụng “đôi mắt mới”. Thay vì tập trung vào những tình huống chiến đấu hoặc hình ảnh anh hùng quen thuộc, bài thơ này đặt người lính vào tâm điểm với một cái nhìn tinh tế và nhân văn hơn. Nhà thơ đã tạo ra hình ảnh một con đường Tây Tiến hùng vĩ và đầy mạnh mẽ, nhưng cũng không quên thể hiện một vẻ đẹp thơ mộng của con người trong cuộc chiến tranh. Nơi đó, những người lính vẫn có một giấc mơ về bóng nàng nơi xa, có những hình ảnh đoàn binh “trọc lốc” đầy cảm động.

Trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, quan điểm của Mác-xen Pruxt rất đúng khi khẳng định rằng "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới." Lao động nghệ thuật của nhà văn là một cuộc hành trình tinh thần, đòi hỏi sự tận tâm, sáng tạo và khả năng nhìn nhận cuộc sống từ nhiều góc độ mới mẻ hơn. Bởi chẳng ai thành công khi đi trên một đường mòn, chẳng ai “tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.

-----------------------------------

Vậy là trong bài viết này, Toploigiai và các em đã cùng bàn về lao động nghệ thuật của nhà văn, Mác - xen Pruxt cho rằng: Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới. Chúc các em học tốt môn văn!

icon-date
Xuất bản : 11/08/2022 - Cập nhật : 19/08/2023