logo

Bài Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật SGK 7 trang 13, 14 - Văn Cánh diều

Hướng dẫn Soạn Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật SGK 7 trang 13, 14 - Văn Cánh diều ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Cánh diều Ngữ văn lớp 7 chi tiết. Hi vọng qua bài soạn trên các bạn đã nắm vững được nội dung bài học và chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt nhất. 

Bài Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật SGK 7 trang 13, 14 - Văn Cánh diều

Mục lục nội dung

1. Định hướng

a) Phân tích đặc điểm nhân vật là việc nêu lên nhận xét xung quanh đặc điểm, làm sáng tỏ các đặc điểm ấy. Nhân vật thường thể hiện đặc điểm qua lai lịch, hoàn cảnh, hình dáng, cử chỉ, hoạt động, lời nói, ý nghĩ, …

b) Để viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong truyện ngụ ngôn, cần chú ý: 

- Nhân vật trong truyện ngụ ngôn thường được nhân hoá, có đặc điểm như người, ví dụ: các bộ phận của cơ thể con người trong truyện Bụng và Răng Miệng, Tay, Chân hay con ếch trong truyện Ếch ngồi đáy giếng. Cũng có khi nhân vật là con người như anh thợ mộc trong truyện Đẽo cày giữa đường,...

- Nêu nhận xét về đặc điểm nhân vật và phân tích, từ đó làm sáng tỏ đặc điểm ấy thông qua những chi tiết tiêu biểu chứ không phải chỉ kể lại câu chuyện

- Lập dàn ý cho bài viết.

- Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật theo dàn ý. 


2. Thực hành

Bài tập (trang 13, SGK Ngữ văn 7 tập 2): Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”.

a) Chuẩn bị 

- Đọc và xem lại câu truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường. 

→ Nội dung câu truyện: Kể về một anh thợ mộc dốc hết vốn liếng để mua gỗ về đẽo cày bán. Khi đẽo cày anh ta không có chính kiến, ai khuyên gì anh ta cũng làm theo và kết quả là không có thành quả và mất tất cả vốn liếng

- Xác định đặc điểm nhân vật mà em định viết bài văn phân tích.

→ Đặc điểm nhân vật: một người không có chính kiến và lập trường riêng; là người đại diện cho những người thiếu kiến thức, thiếu bản lĩnh.

b) Tìm ý và lập dàn ý 

* Tìm ý bằng cách trả lời các câu hỏi: 

- Truyện viết về nội dung gì, có những nhân vật nào trong truyện, ai là nhân vật chính?

→ Truyện viết về nội dung: anh thợ mộc đẽo cày giữa đường để bán.

→ Nhân vật: gồm anh thợ mộc và những người qua đường.

→ Nhân vật chính: anh thợ mộc.

- Nhân vật chính được mô tả là người như thế nào? (Nêu các đặc điểm của nhân vật và các biểu hiện trong tác phẩm).

→ Nhân vật chính là người thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh, không có chính kiến và lập trường.

→ Biểu hiện cụ thể: 3 người qua đường góp ý anh đều làm theo và kết quả là tiền của, vốn liếng mất hết, không có thành quả gì.

- Em có nhận xét, đánh giá gì về nhân vật? (Nêu lên những cảm xúc, suy nghĩ của em về đặc điểm của nhân vật,...).

→ Đây là một nhân vật thiếu hiểu biết và thiếu bản lĩnh, thiếu lập trường

→ Là nhân vật có gan làm giàu nhưng lại không có chính kiến

→ Cảm thấy buồn cười khi nhân vật ứng xử trước những lời góp ý. Đồng thời thấy nhân vật đáng thương hơn đáng trách.

* Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở bài

Giới thiệu đặc điểm nổi bật của nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

Thân bài

+ Lần lượt phân tích và làm sáng tỏ từng đặc điểm của nhân vật người thợ mộc thông qua các chi tiết cụ thể (hoàn cảnh, cử chỉ, hành động, ý nghĩ,...).

+ Nêu nhận xét của em về nhân vật người thợ mộc. Ví dụ: Người thợ mộc muốn làm giàu nhưng lại thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết nên không có suy nghĩ và hành động đúng dẫn đến kết quả thất bại thảm hại.

Kết bài

Qua việc phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc, nêu lên ý nghĩa hoặc bài học sâu sắc.

Ví dụ:

+ Truyện đã khái quát được đặc điểm của một kiểu người trong xã hội: thiếu hiểu biết nên dễ thay đổi,...

+ Trong cuộc sống, chúng ta cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý của người khác nhưng phải biết cân nhắc, chọn lọc được ý kiến phù hợp, đúng đắn,...

Bài Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật SGK 7 trang 13, 14 - Văn Cánh diều

c) Viết 

Bài viết tham khảo số 1

Làm bất cứ công việc nào trong cuộc sống cũng cần có kiến thức, chính kiến để có thể có được bản lĩnh vững vàng, nếu không sẽ dễ rơi vào trạng thái thay đổi lập trường khi được góp ý, băn khoăn trước mọi ý kiến. Nhân vật anh thợ mộc trong truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường là đại diện tiêu biểu cho người không có bản lĩnh và chính kiến.

Ban đầu câu truyện, anh thợ mộc được khắc họa là người ham làm giàu, có chí. Điều này thể hiện rõ nét khi anh dốc hết vốn ra để làm công việc đẽo cày. Nhưng tầm hiểu biết của anh ta lại không tương xứng với chí của mình. Bởi không chịu học hỏi, trau dồi kiến thức nên anh ta đã liên tục thay đổi hành động khi góp ý. 

Lần thứ nhất, khi ông cụ góp ý anh ta thay đổi nhưng kết quả là không ai mua sản phẩm. Lần thứ 2, thứ 3 cũng vậy, ai góp ý anh cũng nghe theo nhưng kết thúc là vốn liếng của anh đi đời nhà ma cùng đống gỗ vụn. Giá như trước khi bắt tay vào thực hiện, anh ta hãy bỏ công nghiên cứu kĩ những yêu cầu cần đạt của sản phẩm. Bên cạnh đó dành thời gian khảo sát thực tế tình hình khu vực thì anh sẽ bảo vệ được chính kiến của mình và không khiến người khác buồn cười.

Không chỉ thiếu hiểu biết mà anh thợ mộc cũng không có bản lĩnh. Việc tiếp thu ý kiến đóng góp là tốt, nhưng cần có sự lựa chọn, anh đã không có bản lĩnh phản bác những điều sai mà điều góp ý nào cũng thấy phải. Cho nên anh nhận lại kết quả quá đắt. 

Thông qua nhân vật anh thợ mộc, truyện ngụ ngôn đã khái quát được đặc điểm của một kiểu người khá phổ biến trong xã hội: thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh nên không có lập trường. Kiểu người này dễ thay đổi chính kiến của mình và kết quả không được như ý muốn. Qua đây, chúng ta cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý của người khác nhưng phải biết cân nhắc, chọn lọc được ý kiến phù hợp, đúng đắn. Đồng thời phải biết bảo vệ ý kiến cá nhân của mình.

 Bài viết tham khảo số 2

Việc tự tin vào bản thân, có chính kiến và bảo vệ chính kiến của mình trước những lời góp ý là rất cần thiết. Bởi nếu không sẽ lâm vào tình trạng của anh thợ mộc trong Đẽo cày giữa đường vừa không bán được hàng mà còn mất sạch vốn liếng trong quá trình kinh doanh.

Câu chuyện kể về anh nông dân có chí làm giàu, có một khúc gỗ to, anh này ra ý định đẽo cày để thu lợi nhuận. Tuy nhiên anh lại chọn một vị trí giữa đường để đẽo cày. Từ một khúc gỗ lớn, đầy tiềm năng sử dụng, sau nhiều lần góp ý đã trở thành một mẩu gỗ vô dụng do anh ta không bảo vệ được chính kiến của mình. Nếu anh ta chịu bỏ công nghiên cứu sản phẩm trước khi làm thì đã không lâm vào tình trạng dở khóc dở cười này. Lắng nghe ý kiến đóng góp là tốt, những mỗi cá nahan sẽ có một cảm nhận riêng, vì vậy quan trọng nhất là bản thân anh ta cần chọn lọc và tiếp thu những ý kiến chất lượng cho mình. Không chỉ vậy anh ta cần bảo vệ ý kiến của bản thân mình nếu thấy ý kiến đống góp không phù hợp.

Nếu là người có chính kiến, chín chắn, am hiểu sản phẩm của mình chắc chắn anh ta sẽ không mất sạch vốn liếng. Có ý chí là tốt nhưng cần có trí thức và trình độ nhận thực để có thể có giải quyết công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả dựa trên những cơ sở sẵn có trong mỗi con người. 

Trong bất cứ công việc nào cũng vậy, ai cũng cần có chính kiến riêng. Tuy nhiên vẫn cần tiếp nhận ý kiến của người khác nhưng phải biết chọn lọc, không thể để ý kiến đó chi phối và lấn át lý tưởng của bản thân. Anh chàng trong chuyện chẳng những thiếu lập trường mà còn thiếu hiểu biết, thiếu tri thức về công việc mình đang làm. Câu chuyện khuyên mọi người phải biết học hỏi một cách chủ động và phải có chủ kiến của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào và lĩnh vực nào.

Trong một tập thể việc tuân theo ý kiến số đông là tốt, nhưng hãy mạnh dạn nêu lên suy nghĩ cùng ý kiến của mình, điều này không chỉ có ích cho kết quả chung, giúp ta nhẹ nhõm và tự tin hơn vào bản thân năng lực, trí tuệ cũng như hoàn thiện hơn và điều quan trọng hơn là được mọi người yêu quý, tin cậy và thán phục. Nhưng ngược lại kết quả xấu làm ảnh hưởng đến bản thân và cuộc sống.

Cuộc đời chúng ta chỉ sống được một lần duy nhất nên phải đẽo một cái cày thật hoàn hảo để không cảm thấy hối tiếc. Hãy học từ những sai lầm của người khác, bạn sẽ không bao giờ hối hận.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa 

- Kiểm tra lại xem bài viết đã đầy đủ, chính xác như dàn ý đã lập ra và yêu cầu của để bài hay chưa. 

- Tự phát hiện và biết cách sửa các lỗi về viết như:

+ Lỗi về ý: thiếu ý (ý sơ sài, chưa nêu hết được những điều cần nói), ý lộn xộn (các ý không được sắp xếp theo một trình tự hợp lí), lạc ý (nếu các ý không liên quan đến nội dung bài yêu cầu); ý tản mạn (nếu các ý không tập trung vào nội dung chính của bài viết),...

+ Lỗi về diễn đạt (dùng từ, viết câu), chính tả,...

>>> Xem trọn bộ: Soạn Văn 7 Cánh diều

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Soạn Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật SGK 7 trang 13, 14 trong bộ SGK Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Toploigiai đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Toploigiai để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 21/10/2022 - Cập nhật : 15/12/2022