logo

Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào?

Đáp án chi tiết, giải thích dễ hiểu nhất cho câu hỏi “Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào?” cùng với kiến thức tham khảo là tài liệu cực hay và bổ ích giúp các bạn học sinh ôn tập và tích luỹ thêm kiến thức bộ môn Ngữ Văn. 


Trả lời câu hỏi: Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào?

Bài văn kể chuyện thường có 3 phần:

- Phần 1: Giới thiệu về vấn đề định kể (nhân vật, tình huống,..) 

- Phần 2: Diễn biến câu truyện định kể 

+ Kể theo trình tự nào ? 

+ Có những sự kiện gì ?

- Phần 3: Ý nghĩa 

+ Kết bài ra sao ? Mở rộng hay không mở rộng?

Bổ sung thêm kiến thức cùng Top lời giải thông qua bài mở rộng về một số bài văn kể chuyện nhé!


Tham khảo các bài văn mẫu kể chuyện 


1. Kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn.

Câu chuyện đêm trung thu

    Cho tới bây giờ, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh các bạn nhỏ đang bán vé số hay đánh giày ngoài đường, tôi lại nghĩ về Minh Trang – cô bạn thân của mình. Là bạn thân, chúng tôi có không ít những kỉ niệm vui buồn cùng nhau. Kỉ niệm mà tôi nhớ nhất là về một cô bé bán vé số xảy ra nhiều năm về trước.

    Vào dịp trung thu năm lớp 2, trường tôi tổ chức “Đêm hội trăng rằm”. Khi ông trăng đã lên cao giữa vòm trời, chúng tôi được rước đèn, phá cỗ. Tiếng trống múa lân rộn vang tưng bừng. Đêm hội kết thúc, tôi và Minh Trang cùng đi ra cổng trường đợi bố mẹ đón về. Chúng tôi vô cùng thích thú với những món đồ chơi trung thu, nào đèn ông sao, nào vương miện còn có cả kẹo, bánh nữa. Ra tới cổng, chúng tôi thấy một cô bé đang nhìn vào bên trong khán đài. Cô bé chạc tuổi chúng tôi hoặc nhỏ tuổi hơn. Người gầy gò, khoác trên mình chiếc áo sơ mi hoa nhí đã sờn màu. Cô đeo một chiếc túi và trên tay cầm một tập giấy nhỏ. Bỗng, cô bé ấy nhìn hai đứa tôi. Gương mặt cô nhỏ nhắn, tái nhợt. Ánh mắt nhìn chằm chằm vào chiếc đèn ông sao mà tôi đang cầm trên tay. Tôi hỏi: “Sao cậu lại nhìn tớ?”. Cô bé hơi ngạc nhiên, mắt vẫn nhìn chiếc đèn và cất lời: “Cậu cho tớ mượn chiếc đèn ông sao một lúc được không?”. Tôi lập tức trợn mắt: “Tớ không cho cậu mượn được”. “ Tớ chỉ mượn một lúc thôi mà!” – Vừa nói, cô bé đưa tay cầm vào chiếc đèn. Thấy vậy, tôi liền giật lại.

    Minh Trang vỗ vào người tôi và bảo: “Ánh Dương ơi, cậu cho bạn ấy mượn đi, chỉ một lúc thôi mà.” Tôi nhìn cô bạn của mình tỏ vẻ khó hiểu: “Chúng ta không quen câu ấy? Cậu ấy vừa bẩn vừa hôi. Cậu không sợ người lạ sao? Nhất là những người mà không đi cùng bố mẹ.”. Cậu ấy mỉm cười: “Sao chúng ta phải sợ. Tớ và cậu có hai người, bạn ấy chỉ có một mình. Mà tớ biết bạn ấy không phải người xấu đâu.” Tôi nhìn cô bé kia, rồi nhìn Minh Trang, lòng chưa hết ngờ vực. Cô bạn tôi đưa cho cô bé kia chiếc đèn và một chiếc bánh, rồi tiếp lời: “Tặng cậu luôn nhé! Chúc cậu trung thu vui vẻ!”. Cô bé ấy hớn hở cảm ơn. Vừa lúc đó, mẹ tôi tới. Hai chúng tôi lên xe ra về. Trên xe, Trang bảo tôi rằng, cô bé lúc nãy là cô bé bán vé số. Thường những bạn nhỏ nào phải đi bán vé số thì họ rất đáng thương. Các bạn ấy nhiều khi còn mồ côi, không được đi học, phải tự mình kiếm sống. Ngay cả ngày lễ, các bạn vẫn phải làm việc, không được hát múa, cũng chẳng được phá cỗ. Tôi nghe cô bạn nói mới hiểu mình đã sai. Chúng ta không nên kì thị, hắt hủi những người có số phận kém may mắn, mà cần yêu thương và giúp đỡ họ. Tôi thật may mắn khi có một người bạn như vậy.

    Giờ đây, tôi với Minh Trang không còn học cùng nhau nữa. Tôi đã chuyển đến ngôi trường mới nhưng sẽ chẳng bao giờ quên cô bạn dễ thương và tốt bụng của mình. Đặc biệt, kỉ niệm đêm trung thu hôm đó.

Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào?

2. Kể về người ông mà em yêu quý 

Ông em năm nay đã bảy mươi tám tuổi, tóc đã bạc trắng. Ông là một người giản dị, hiền từ. Ông có thân hình thon thả, đôi mắt hiền từ lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ với em về bất cứ vấn đề nào mà em không dám chia sẻ với bố mẹ, như là điểm kém, bị mắng ở lớp hay đánh nhau với bạn... Đôi tay ông gầy gò vì đã có tuổi, nhưng ông rất khỏe, sáng nào ông cũng dậy sớm tập thể dục rồi ra quét vườn, nghe tiếng chim hót. Đối với ông, một buổi sáng như thế này là buổi tinh thần ông được thư thái nhất. Ông rất thích thư giãn vào buổi này bằng cách hưởng cái không khí trong lành mà thiên nhiên đã ban tặng. Như thường lệ, buổi sáng ông quét vườn và ăn sáng, buổi trưa ông đi dạo quanh nhà, buổi chiều ông phụ bà tôi làm các công việc nhà như dọn dẹp, cho mèo ăn, nấu cơm. Mặc dù làm nhiều như vậy nhưng ông luôn thấy thoải mái, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Buổi tối, ông hay ngồi xem tivi hoặc đọc báo rồi ông khóa cửa đi ngủ. Những lúc dỗi, ông thường kể truyện cho các cháu nghe, ông kể đủ loại truyện, nào là truyện dân gian, nào là truyện cười, chuyện hồi nhỏ của ông... Ông rất giỏi về địa chất, em còn nhớ, hồi tháng ba năm nay, ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về địa chất. Ông còn là một họa sĩ, ông vẽ rất giỏi, những bức tranh nào em nhờ ông vẽ cũng được điểm chín và mười. Hồi nhỏ, ông học rất giỏi, lúc nào cũng xếp thứ nhất lớp. Ông học tất cả các môn.

Ông còn kể với em, hồi chiến tranh, ông phải chăm sóc từng miếng ăn, áo mặc cho bố em, bác em và cô em. Tất cả mọi người phải trốn dưới hầm, ở trên đầy tiếng súng, bom nghe rất sợ. Hồi đó còn không có tivi để xem, chỉ đi học và mỗi khi loa phát thanh kêu có máy bay và giặc của Mỹ đến là mọi người lại ồ ạt xuống hầm để trốn. Ông rất thích đi du lịch, vì mỗi lần đi là ông lại thấy sảng khoái, được thư giãn. Vì vậy, mỗi lần nghỉ hè bố mẹ em đều tổ chức cho cả nhà đi du lịch biển, nhiều nhất là Đà Nẵng. Vẫn như ở nhà, ông thức dậy sớm vào buổi sáng và đi dạo, tập thể dục cùng với những người già khác và ông làm quen được với rất nhiều người. Buổi chiều ông ra tắm biển. Biển Đà Nẵng xanh và trong vắt như thủy tinh. Ông thường bơi ra xa, sau khi bơi được nhiều vòng, ông vào trong để chơi với các cháu, nhảy sóng với các cháu. Sau mỗi lần tắm biển, ông tôi, em tôi "thu hoạch" được rất nhiều vỏ sò, ốc và những con còn sống để mang về Hà Nội làm quà kỉ niệm cùng với chai nước biển và ít cát để nuôi chúng.

Em rất yêu ông, em chỉ mong ông sống được trăm tuổi, sống mãi với gia đình em và dù ông có đi đến phương trời nào đi chăng nữa thì hình ảnh của ông vẫn còn mãi trong tâm trí em, không bao giờ phai.


3. Hãy kể về một buổi tiệc sinh nhật của em.

Em tên là Hồng Nhung, năm nay 11 tuổi. Ngày 20 tháng 4 vừa qua, ba mẹ đã tổ chức sinh nhật cho em thật vui và ý nghĩa.

Trước đó vài hôm, trong bữa cơm tối, mẹ ân cần bảo:

   - Sắp đến sinh nhật Hồng Nhung rồi đấy! Năm nay, con gái thích mẹ tặng quà gì nào?

Em đang bẽn lẽn chưa biết trả lời ra sao thì ba nói:

   - Lần này, ba sẽ dành cho con một bất ngờ! Một món quà không nằm trong tưởng tượng của con.

Suốt bữa cơm, em băn khoăn suy đoán nhưng đành chịu.

   - Thôi, con hãy vui lòng chờ nhé!

 Ba vuốt tóc em rồi cười. Tiếng cười của ba mới sảng khoái và ấm áp làm sao!

 Điều thú vị nữa là sinh nhật của em năm nay lại đúng vào ngày nghỉ. Em đã trao thiệp mời tận tay mấy bạn thân trong lớp. Chắc thế nào các bạn ấy cũng tới chia vui với em.

 Sáng chủ nhật, mẹ dậy rất sớm, để dọn dẹp nhà cửa. Em và bé Khoa cũng làm giúp mẹ. Hai chị em lau bàn ghế và nền nhà thật sạch. Mọi việc xong xuôi, ba chở mẹ đi chợ. Em nghe thấy mẹ nói với ba rằng: "Chúng ta sẽ mua tặng con gái một bó hồng anh nhé!".

 Lát sau, ba mẹ về. Em hớn hở đón từ tay mẹ một bó hồng nhung tươi thắm. Mẹ bảo :

   - Con hãy tự cắm hoa để xem con gái mẹ có khéo tay không nào !

 Nhờ mẹ hướng dẫn, em cũng cắm được một bình hoa xinh xắn rồi đem đặt vào giữa chiếc bàn phủ khăn màu xanh lá cây. Sắc đỏ hoa hồng nổi bật giữa nền khăn xanh, trông thật đẹp ! Trên bàn, mẹ đã bày mấy đĩa trái cây, bánh kẹo,… cùng một chiếc bánh kem có cắm 11 ngọn nến nhỏ xíu đủ màu. Dòng chữ : "Chúc mừng sinh nhật Hồng Nhung" nhìn thật thích mắt. Mẹ giục em chải tóc và thay quần áo mới.

 Ngoài cửa chợt có tiếng nói cười rộn rã. Hương, Oanh, Quyên, Tú và Đức ùa vào, tíu tít chúc mừng và tặng em những món quà nho nhỏ nhưng thật ngộ nghĩnh, dễ thương : cuốn sổ tay, chiếc nơ cài tóc, hộp bút chì màu,… Bạn nào cũng xiết tay em thật chặt làm em cảm động không nói nên lời.

 Buổi sinh nhật diễn ra thật là vui. Em thổi tắt nến trong tiếng vỗ tay và tiếng hát chúc mừng sinh nhật. Ba, mẹ chúc em chăm ngoan, học giỏi, được mọi người yêu mến. Một cảm xúc kì lạ, khó tả chợt làm em rưng rưng. Em muốn ôm chặt ba mẹ, bé Khoa và các bạn vào lòng để san sẻ niềm hạnh phúc.

 Ba trao cho em gói nhà mà ba nói là đặc biệt rồi bảo em mở ra xem. Một chiếc đồng hồ báo thức có hình chú gà trống với chiếc mào đỏ chót và chiếc cổ vươn cao ngạo nghễ. Mọi người cùng ồ lên thích thú. Nhìn thấy nó là em mê ngay. Từ nay, chiếc đồng hồ báo thức này sẽ trở thành người bạn gắn bó với em, nhắc nhở em đi học đúng giờ. Em cảm ơn ba. Ba mẹ nhìn em với ánh mắt động viên đầy tình thương mến!

 Em tự nhủ rằng mình đã lớn, phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất mà ba mẹ, thầy cô và các bạn đã dành cho mình. Sinh nhật vừa rồi sẽ trở thành một kỉ niệm khó quên trong tuổi học trò của em.

icon-date
Xuất bản : 20/03/2022 - Cập nhật : 25/03/2022