logo

Bài tập điền l hay n tiểu học

Bài tập: Điền l / n:

…o …ê,  …o …ắng, …ưu …uyến,  …ô …ức,  …ão …ùng, …óng …ảy,  …ăn …óc,  …ong …anh,  …ành …ặn, …anh …ợi,  …oè …oẹt,  …ơm …ớp.

Đáp án:

No nê, lo lắng, lưu luyến, nô nức, não nùng, nóng nảy, lăn lóc, long lanh, lành lặn, lanh lợi, lòe loẹt, nơm nớp.

Để hiểu rõ hơn về bài tập điền n hay l, mời các bạn cùng Toploigiai đến với phần nội dung dưới đây!


1. Phân biệt n/l

Ghi nhớ:

– L xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (VD: loan, luân, loa,…)/N không xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (trừ 2 âm tiết Hán Việt: noãn, noa).

Trong cấu tạo từ láy:

+ L/n không láy âm với nhau.

+ L có thể láy vần với nhiều phụ âm khác (VD: lệt bệt, la cà, lờ đờ, lò dò, lạnh lùng,..)

+ N chỉ láy âm với chính nó (no nê, nợ nần, nao núng,…)

>>> Tham khảo: Sáng lạng hay xán lạn từ nào đúng chỉnh tả?

Bài tập điền l hay n tiểu học

2. Cách khắc phục lỗi phát âm l/n

a. Nguyên nhân phát âm sai L và N

Thứ nhất, nguyên nhân chính của cách phát âm sai L - N là do môi trường giao tiếp xã hội tạo nên. Đặc biệt là ở các địa phương miền Bắc như: Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định,... thì cách phát âm sau L - N càng rõ rệt hơn.

Chưa kể, việc giảng dạy bộ môn Tiếng Việt ở các bậc học chưa thực sự chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng phát âm cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, dẫn đến việc “mưa dầm thấm lâu” càng lớn càng khó sửa cách phát âm. Ngoài ra, nguyên nhân phát âm sai L - N là do bộ máy cấu âm bị khiếm khuyết. Ví dụ như lưỡi quá ngắn hoặc quá dài cùng đều ảnh hưởng đến việc phát âm chưa chuẩn hai phụ âm này.

b. Cách phát âm L và N chuẩn nhất

+ Bước 1: Đặt lưỡi vào đúng vị trí

- Học phát âm chữ N: Bạn hãy đặt đầu lưỡi ở chân răng hàm trên vòm cứng sao cho miệng hơi mở khi nói, lưỡi cứng và bật nhẹ đầu lưỡi xuống. Khi đó luồng hơi từ họng đi qua hai lỗ mũi tạo thành âm N (nờ).

- Học phát âm chữ L: Đầu lưỡi đặt ở chân răng hàm trên, miệng mở ra để lấy hơi. Tiếp tục uốn nhanh đầu lưỡi cong lên, bật mạnh và từ từ để lưỡi hạ xuống đến khi luồn hơi từ họng đi qua hai mép lưỡi tạo thành âm L(lờ) thì dừng lại.

Lưu ý: Nếu bạn phát âm thử và dùng tay kiểm tra phần khí thoát ra. Nếu thấy phần khí thoát ra không đúng như trên thì điều chỉnh lại cách đặt lưỡi.

+ Bước 2: Phát âm lặp lại nhiều lần với hai âm trên

Hãy lên một danh sách các từ có nghĩa trong Tiếng Việt có bắt đầu bằng chữ n và l. Sau đó từ từ đọc lên từng câu, từng chữ với tần suất lặp đi lặp lại.

Đọc chậm một lượt rồi tăng tốc độ lên dần dần khi đã quen với chữ. Cách này sẽ giúp bạn quen với khẩu hình và vị trí đặt lưỡi, thích nghi với 2 âm này một cách dễ dàng trôi chảy hơn.

+ Bước 3: Luyện thực hành đọc các văn bản có chứa các từ có phụ âm đầu L/N

Sau khi đã đọc từng từ thì bạn có thể nâng cấp độ lên đọc một bài thơ hoặc một đoạn văn bản có chứa các âm trên.Ví dụ một số câu giúp bạn thực hành như sau:

- Có ông LeNin lên núi lấy nước nấu lòng.

- Lúa nếp là lúa nếp non; Lúa nếp là lúa nếp vàng.

Nếu mà nói lầm lẫn lần này thì lại nói lại. Nói cho đến lúc luôn lưu loát hết lầm lẫn mới xong.

Đọc được những câu này thành thạo thì bạn có thể yên tâm về khả năng phát âm n và l sẽ được cải thiện rất nhiều đó.

+ Bước 4: Luyện phát âm L và N qua hoạt động giao tiếp hàng ngày

Đừng vì sai một lần, bị người khác cười chê mà bạn không dám nói. Có sai mới có sửa, hãy dùng cách giao tiếp hàng ngày với mọi người để luyện tập phát âm.

Cách này bạn có thể luyện tập bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu với một tâm trạng thoải mái nhất.


3. Một số bài tập bổ trợ

Bài tập 1: Điền l / n:

Hoa thảo quả …ảy dưới gốc cây kín đáo và …ặng …ẽ. Dưới tầng đáy rừng, những chùm thảo quả đỏ chon chót, bóng bẩy như chứa …ửa, chứa …ắng.

Đáp án

Hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ. Dưới tầng đáy rừng, những chùm thảo quả đỏ chon chót, bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng.

Bài tập 2: Điền l /n:

"Tới đây tre …ứa …à nhà

Giò phong …an …ở nhánh hoa nhuỵ vàng

Trưa …ằm đưa võng, thoảng sang

Một …àn hương mỏng, mênh mang nghĩa tình.

…án đêm, ghé tạm trạm binh

Giường  cây …ót …á cho mình đỡ đau…"

                                                  (Tố Hữu)

Đáp án

"Tới đây tre nứa là nhà

Giò phong lan nở nhánh hoa nhuỵ vàng

Trưa nằm đưa võng, thoảng sang

Một làn hương mỏng, mênh mang nghĩa tình.

Lán đêm, ghé tạm trạm binh

Giường cây lót lá cho mình đỡ đau…"

                                                 (Tố Hữu)

Bài tập điền l hay n tiểu học

Bài tập 3: Điền tiếng có chứa phụ âm đầu l /n:

a) 

"… trường Tam Đảo chạy quanh quanh

Dòng … qua nhà lấp … xanh

Bãi cỏ xa nhấp nhô sóng …

Đàn cừu … gặm cỏ yên …"

                          (Vĩnh Mai)

b) “Trăng toả … từng ánh vàng dìu dịu. Những cụm mậy trắng lững … trôi. Đầu phố, những cây dâu da đang thầm … ban phát từng … hương ngọt ngào vào đêm yên tĩnh. Càng về khuya, hoa càng nồng …, … nức.” (Đức Huy)

*Đáp án :

a) nông, nước, lánh, lượn, non, lành.

b) lan, lờ, lặng, làn, nàn, náo.

Bài tập 4:

Tìm 4-5 từ có tiếng : la, lạc, lạm, nam, lam, lan, nan, nanh, lao, lát, lăm, lăng, năng, lập, neo, nép, linh, nòng, lóng, lỗi, lung, nương.

Đáp án:

– la: la bàn, la cà, la đà, la hét, la liệt, la ó, bao la, dò la,…

– lạc: lạc đà, lạc đề, lạc đường, lạc hậu, lạc quan,…

– lạm: lạm dụng, lạm phát, lạm quyền, tiêu lạm,…

– nam: nam nữ, gió nam, Miền Nam, phương Nam,…

– lam: lam lũ, lam nham, danh lam thắng cảnh, màu lam, tham lam,…

– lan: lan man, lan tràn, sà lan, tràn lan,…

– nan: nan cót, nan rổ, nan hoa xe đạp, quạt nan, thuyền nan,…

– nanh: nanh ác, nanh nọc, nanh cọp, nanh độc, nanh lợn, nanh vuốt, răng nanh,…

– lao: lao công, lao động, lao xao, gian lao,…

– lát: lát cắt, lát bánh, lát gạch, lát sàn, đan lát, chốc lát, giây lát,…

– lăm: lăm le, lăm lăm, mười lăm, hăm lăm,…

– lăng: lăng miếu, lăng mộ, lăng kính, lăng tẩm, xâm lăng,…

– năng: năng suất, năng động, năng khiếu, chức năng, siêng năng, tài năng,…

– lập: lập công, lập dị, lập đông, lập hạ, lập luận, sáng lập, tự lập, thành lập,…

– neo: neo thuyền, gieo neo, thả neo, neo đậu, neo lại,…

– nép: nép chặt, nép mình, nép vào, nem nép, khép nép,…

– linh: linh kiện, linh thiêng, anh linh, tâm linh, thần linh, vong linh, lung linh,…

– nòng: nòng cốt, nòng nọc, nòng súng, đạn lên nòng,…

– lóng: lóng lánh, lóng ngóng, nói nóng, tiếng nóng,…

– lỗi: lỗi lầm, lỗi thời, mắc lỗi, xin lỗi, thứ lỗi, sửa lỗi, tội lỗi,…

– lung: lung linh,  lung lay, lung tung, mông lung,…

– nương: nương náu, nương rẫy, ruộng nương, lên nương, làm nương,…

------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về bài tập điền l hay n. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 23/08/2022 - Cập nhật : 23/08/2022