logo

Đọc hiểu Áo cũ rồi mỗi ngày thêm ngắn (3 đề)

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Áo cũ rồi mỗi ngày thêm ngắn: Xác định thể thơ của văn bản. Lí do nào khiến tác giả “càng yêu áo thêm. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong hai câu thơ sau: Thương áo cũ như là thương kí ức Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay. Hình ảnh chiếc áo cũ trong bài thơ gợi cho em những suy ngẫm nào về cuộc sống? Tại sao?

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:

 “Áo cũ rồi mỗi ngày thêm ngắn

Chỉ đứt sờn màu bạc hai vai

Thương áo cũ như là thương kí ức

Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay

Mẹ vá áo mới biết con chóng lớn

Mẹ không còn nhìn rõ chỉ để xâu kim

Áo con có đường khâu tay mẹ vá

Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm

Áo đã ở với con qua mùa qua tháng

Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương

Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới

Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn

Hãy biết thương lấy những manh áo cũ

Để càng thương lấy mẹ của ta

Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống

Những gì trong năm tháng trôi qua…”

(Áo cũ, Lưu Quang Vũ)

Đọc hiểu Áo cũ rồi mỗi ngày thêm ngắn

Đọc hiểu Áo cũ rồi mỗi ngày thêm ngắn - Đề số 1

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Lí do nào khiến tác giả “càng yêu áo thêm"

Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong hai câu thơ sau:
Thương áo cũ như là thương kí ức/ Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.

Câu 4. Hình ảnh chiếc áo cũ trong bài thơ gợi cho em những suy ngẫm nào về cuộc sống? Tại sao?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Thể thơ của văn bản là: Thơ bảy chữ

Câu 2. 

Lí do nào khiến tác giả “càng yêu áo thêm" là: vì chiếc áo được mẹ tác giả nâng niu, tỉ mỉ khâu vá dù cho mẹ không còn nhìn rõ đường sợi chỉ như xưa nhưng vì tình yêu thương con nên mẹ vẫn cố. Vậy nên tác giả càng yêu áo thêm chính là càng yêu mẹ, biết quan tâm, lo lắng nên muốn gìn giữ, trân trọng chiếc áo mà mẹ vất vả khâu cho.

Câu 3. 

Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong hai câu thơ sau: Thương áo cũ như là thương kí ức/ Đựng trong hồn cho mắt phải cay cay.

Biện pháp tu từ so sánh: thương áo cũ – thương kỉ ức

- Tác dụng: Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ. Khẳng định được giá trị của tấm áo, đó là vật chứa đựng biết bao kí ức, kỉ niệm gắn bó mà tác giả rất yêu thương, trân trọng. Qua phép so sánh còn thể hiện được tình cảm sâu sắc của tác giả dành cho mẹ với gì từng gắn bó.

Câu 4. 

Hình ảnh chiếc áo cũ trong bài thơ gợi cho em rất nhiều suy ngẫm về cuộc sống: hình ảnh chiếc áo cũ trong bài thơ gợi cho em những suy ngẫm về cuộc sống nghèo khó, vất vả, lam lũ, nhọc nhằn của người lao động. Hinh ảnh chiếc áo cũ gắn liền với kí ức tuổi thơtươi  đẹp, hồn nhiên và trong sáng. Chiếc áo cũ có từng đường kim mũi chỉ mẹ khâu vá. Dù chỉ là chiếc áo cũ nhưng luôn gắn liền với kí ức, kỉ niệm tuổi thơ tuyệt đẹp nhất. Áo cũ tượng trưng cho tình yêu bao la, sự hi sinh cao đẹp của mẹ dành cho con. Trong hoàn cảnh nghèo khó, người ta càng cảm thấy trân quý tấm lòng yêu thương, tình nghĩa mọi người dành cho nhau. 


Đọc hiểu Áo cũ rồi mỗi ngày thêm ngắn - Đề số 2

Câu 1. Bài thơ được sáng tác theo thể thơ nào?

Câu 2. Bài thơ có hai hình ảnh thân thương. Hãy chỉ ra hai hình ảnh đó?

Câu 3. Em hiểu ý nghĩa của hai câu thơ sau như thế nào? Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn

Câu 4. Hình ảnh chiếc áo cũ trong bài thơ gợi cho em những suy ngẫm nào về cuộc sống? Tại sao?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Bài thơ được sáng tác theo thể thơ: 7 chữ

Câu 2. 

Hai hình ảnh thân thương trong bài thơ là:

+ Hình ảnh “mẹ”

+ Hình ảnh “áo cũ”

Câu 3. 

Ý nghĩa hai câu thơ: “Con chẳng nỡ mỗi lần thay áo mới/ Áo dài hơn thấy mẹ cũng già hơn”.

Thể hiện sự yêu thương, xót xa của người con đối với mẹ mình vì người con ý thức được rằng, “mỗi lần thay áo mới” là khi đó con sẽ khôn lớn, trưởng thành hơn. Nhưng đồng nghĩa với sự trưởng thành ấy là sự già đi của mẹ.

Câu 4. 

Hình ảnh chiếc áo cũ trong bài thơ gợi cho em những suy ngẫm về cuộc sống là:

+ Chiếc áo cũ thể hiện sự nghèo đói, lam lũ của những gia đình Việt ngày xưa. Vì những chiếc áo đó được vá đi vá lại để mặc, không có điều kiện để mua những chiếc áo đẹp đẽ, lành lặn hơn.

+ Chiếc áo cũ là hình ảnh gợi kỉ niệm thân thương, những kí ức đẹp đẽ tuổi ấu thơ. Vì trong từng chiếc áo cũ ấy là hình ảnh bàn tay mẹ khéo léo sửa lại từng sợ chỉ, từng vết rách cho chúng ta.

+ Chiếc áo cũ là hình ảnh tượng trưng cho những hy sinh, tần tảo của người mẹ.


Đọc hiểu Áo cũ rồi mỗi ngày thêm ngắn (Trắc nghiệm) - Đề số 3

Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ?

A. Tự do

B. Lục bát

C. Bảy chữ

D. Thất ngôn

Cây 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của bài thơ?

A. Sinh hoạt

B. Nghệ thuật

C. Chính luận

D. Báo chí

Câu 3. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ?

A. Biểu cảm

B. Miêu tả

C. Tự sự

D. Nghị luận

Câu 4. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích thương ai?

A. Ông, bà

B. Con

C. Cha

D. Mẹ

Câu 5. Trong bài thơ đã lặp từ nào nhiều lần?

A. Cha

B. Áo 

C. Chỉ

D. Những

Câu 6. Xác định biện pháp tu từ của câu thơ sau: "Thương áo cũ như là thương kí ức".

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Điệp

Câu 7. Hình ảnh món đồ nào trong bài thơ được tác giả nhắc đến như thể hiện tình cảm, sự quan tâm, trân trọng, yêu thương mẹ?

A. Quần

B. Lược

C. Áo

D. Váy

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. C => Thể thơ của bài thơ là thơ bảy chữ.

Câu 2. B => Phong cách ngôn ngữ của bài thơ là nghệ thuật.

Câu 3. A => Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm.

Câu 4. D => Nhân vật trữ tình trong đoạn trích thương mẹ.

Câu 5. B => Trong bài thơ đã lặp từ áo rất nhiều lần.

Câu 6. A => Biện pháp tu từ của câu thơ  "Thương áo cũ như là thương kí ức" là so sánh thương áo cũ - thương kí ức.

Câu 7. C => Hình ảnh chiếc áo trong bài thơ được tác giả nhắc đến như thể hiện tình cảm, sự quan tâm, trân trọng, yêu thương mẹ, và cũng là ký ức nhớ về mẹ.

icon-date
Xuất bản : 12/05/2022 - Cập nhật : 17/04/2024