logo

Viết kết nối với đọc Lớp 6 trang 10 bài Sơn tinh Thủy Tinh

Câu hỏi: Viết kết nối với đọc Lớp 6 trang 10 bài Sơn tinh Thủy Tinh: Đây là tưởng tượng của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp về hình ảnh Sơn Tinh và Thuỷ Tinh:

 Sơn Tinh có một mắt ở trán

Thuỷ Tinh râu ria quăn xanh rì

Một thần phi bạch hổ trên cạn

Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi.

(Nguyễn Nhược Pháp, Sơn Tỉnh, Thuỷ Tinh, trích trong tập Ngày xưa, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1996, tr. 9)

Điều này cho thấy, từ những thông tin về nhân vật trong câu chuyện, mỗi chúng ta đều có thể tưởng tượng ra ngoại hình của nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh theo cách riêng. Hãy ghi lại tưởng tượng của em bằng một đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu).

Lời giải:

     Ngoại hình của nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh - hai vị thần luôn gây tò mò cho bạn đọc. Vị thần núi Sơn Tinh thì có ba mắt. Mắt thứ ba kia như nhìn thấy mọi thứ để có thể thấy cảnh nhân dân lầm than trong dòng nước lũ và quyết tâm chiến thắng kẻ thù Thủy Tinh. Thần Sơn Tinh phi bạch hổ, oai phong lẫm liệt. Còn thần Thủy Tinh thì mang theo dáng vẻ phong trần với râu ria quăn xanh rì. Màu xanh của biển cả nhuốm trên mình chàng. Cưỡi rồng uy nghi càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp Thủy Tinh - vẻ đẹp của quyền lực, bão tố. Hai chàng trai là hai vẻ đẹp, hai bức họa sống động về tự nhiên muôn màu. 

Viết kết nối với đọc Lớp 6 trang 10 bài Sơn tinh Thủy Tinh

>>> Xem trọn bộ: Soạn văn 6 trang 10 Bài: Sơn Tinh Thủy Tinh - Kết nối tri thức

Kiến thức chung về truyện Sơn Tinh Thủy Tinh

1. Bố cục

Có thể chia văn bản thành 3 đoạn:

- Đoạn 1 (Từ đầu đến …mỗi thứ một đôi): Vua Hùng thứ mười tám kén rể

- Đoạn 2 (Tiếp theo đến …thần Nước đành rút quân): Cuộc giao tranh cầu hôn giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh

- Đoạn 3 (Còn lại): Cuộc trả thù hằng năm với Sơn Tinh và những thất bại của Thủy Tinh

2. Tóm tắt truyện Sơn Tinh Thủy Tinh

Hùng Vương thứ mười tám muốn kén chồng cho con gái Mị Nương. Sơn Tinh (Thần Núi) và Thủy Tinh (Thần Nước) cùng đến cầu hôn. Nhà vua băn khoăn đưa ra yêu cầu sính lễ, ai đem sính lễ đến trước sẽ được lấy Mị Nương. Hôm sau Sơn Tinh đến trước, rước Mị Nương về. Thủy Tinh đến sau nổi giận, dâng nước đánh Sơn Tinh và thua trận. Từ đó hằng năm Thủy Tinh làm mưa bão trả thù Sơn Tinh.

3. Một số yếu tố của truyền thuyết

- Truyền thuyết thường kể lại cuộc đời và chiến công của nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong tục, sản vật địa phương theo quan điểm của tác giả dân gian.

- Truyền thuyết được kể theo mạch tuyến tính (có tính chất nối tiếp, theo trình tự thời gian). Nội dung thường gồm ba phần gắn với cuộc đời của nhân vật chính: hoàn cảnh xuất hiện và thân thể; chiến công phi thường; kết cục.

- Nhân vật chính của truyền thuyết là những người anh hùng. Họ thường phải đối mặt với những thử thách to lớn, cũng là thử thách của cả cộng đồng. Họ lập nên những chiến công phi thường nhờ có tài năng xuất chúng và sự hỗ trợ của cộng đồng.

- Lời kể của truyền thuyết cô đọng, mang sắc thái trang trọng, ngợi ca, có sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật nhằm gây ấn tượng về tính xác thực của câu chuyện.

- Yếu tố kì ảo (lạ và không có thật) xuất hiện đậm nét ở tất cả các phần nhằm tôn vinh, lí tưởng hóa nhân vật và chiến công của họ.

icon-date
Xuất bản : 11/10/2022 - Cập nhật : 11/10/2022