logo

Viết đoạn văn từ 20 đến 25 dòng kể về một việc làm

Đề bài: Viết đoạn văn từ 20 đến 25 dòng kể về một việc làm tốt khiến ba mẹ vui lòng


Bài văn mẫu 1:

Tất cả chúng ta ai ai cũng muốn mình làm được một điều tốt cho mọi người, dù việc đó nhỏ hay lớn thì điều do cái tâm của mọi người. Còn riêng tôi, tôi không bao giờ quên được hình ảnh cụ bà đáng thương ngồi xin ăn trên vỉa hè.

Một hình ảnh cách đây hơn một năm, khi trên đường tôi đi học về thấy một bà cụ đang ngồi xin ăn hai tay run lẩy bẩy trông có vẻ đói lắm. Thấy thế, tôi chạy lại kế bên bà khẽ nói:

- Bà ơi bà! Chắc bà đói lắm phải không ạ? Bà chờ một tí cháu chạy lại đằng kia mua thức ăn cho bà nhé!

Bà cụ đáng thương nhìn tôi và nói thì thầm với tôi:

- Bà cám ơn cháu rất nhiều lắm! Cháu ngoan quá!

Thế là tôi chạy một mạch đến chỗ cô bán bánh bao rồi mua cho bà một cái, và quay lại hàng nước mua cho bà một chai nước ngọt bỏ vào túi ni lông mang đến cho bà. Và hai tay mời bà dùng:

- Con mời bà dùng cho đỡ đói, thưa bà!

Một lần nữa tôi lại thấy trên khuôn mặt nhăn nheo của bà chứa ẩn một điều gì đó rất đáng thương. Bà liền nói:

- Bà cảm ơn cháu nhiều lắm. Tuy cháu còn nhỏ nhưng tấm lòng cháu biết thương yêu những kẻ nghèo hèn giống như bà. Bà rất cảm động.

Hai hàng nước mắt tôi không biết từ nơi đâu cứ tuôn trào trên khuôn mặt, thưa với bà:

- Bà ơi ! Bà không cần cám ơn cháu đâu, đây là tấm lòng của cháu xem bà như là bà của cháu ở nhà vậy. Còn có nhiều bạn cùng lứa tuổi cháu cũng thương yêu người già lắm bà ạ !.

Tôi ngồi cho đến khi bà ăn xong rồi mới thưa bà trở về nhà kẻo bố mẹ mong chờ. Sau đó, tôi lấy ra số tiền nhỏ mà bố mẹ cho làm quà rồi xin biếu cho bà.

Ngày nào cũng vậy, khi đi học về là tôi ghé lại thăm bà mua thức ăn biếu bà và hai bà cháu ngồi tâm sự với nhau rất vui.

Bố mẹ sau khi biết được chuyện thì rất vui. Bố mẹ khen tôi ngoan ngoãn, biết thương yêu người khác. Tôi cũng cảm thấy rất vui và tự hào vì đã làm được việc tốt khiến bố mẹ tự hào.

Tôi là thành viên của Tổ tình thương - lớp 8A. Sau Tết Trung thu, Tổ tình thương phải làm việc khẩn trương: phân loại, sắp xếp, đóng gói, tổng hợp tiền, sách vở, quần áo đưa lên Quận đoàn gửi cứu trợ đồng bào, học sinh ở sáu tỉnh miên Trung sau cơn bão số 9. Hầu như chiều nào tôi đi học về cũng muộn.

Bữa cơm tối thứ Bảy hôm ấy, trong không khí vui vẻ, ấm cúng của gia đình, mẹ hỏi tôi:

- Tết Trung thu đã qua rồi, sao mẹ thấy con gái bận bịu thế, hôm nào cũng tất bật, đi học sớm, về thì lại muộn thế?

Lúc nào mẹ cũng nhẹ nhàng, dịu dàng, dù cả những khi tôi mắc khuyết điểm. Lúc nào mẹ cũng mong các con được ăn ngon, mặc đẹp, học hành giỏi giang, hiếu thảo. Tôi và em Hải rất tự hào về mẹ, rất yêu mẹ. Lúc nào hai chị em cũng muốn làm cho mẹ vui lòng.

Tôi nhìn mẹ rồi nói:

- Mẹ ơi, con có lỗi chưa cho mẹ biết là hiện nay con tham gia vào Tổ tình thương của lớp, của trường. Tuần vừa qua, trường con tổ chức quyên góp ủng hộ học sinh, đồng bào sáu tỉnh miền Trung bị bão lũ. Mỗi học sinh tuỳ theo khả năng và lòng hảo tâm ủng hộ một, hai nghìn, mười nghìn, sách vở, quần áo... Lớp 8A của con đã quyên góp được 362.000 đồng, 216 quyển sách giáo khoa, 42 bộ quần áo. Số tiền toàn trường đã quyên góp là 12 triệu, bảy trăm sáu mươi chín nghìn đồng. Sách vở, quần áo quyên góp được nhiều lắm. Riêng con gái của mẹ đã ủng hộ hai chiếc áo, một cái quần và 12 nghìn đồng (tiền mẹ cho ăn sáng, con đã dành dụm lại). Các thầy, cô giáo trong trường đều nhiệt liệt tham gia, mẹ ạ. Báo Thiếu niên tiền phong cho biết có 193 người chết và mất tích, nhiều em nhỏ bị lũ cuốn trôi... Đau thảm lắm mẹ ạ!

Em Hải cũng nói:

- Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũng quyên góp, mẹ ạ! Con cũng ủng hộ 5000 đồng đấy!

Nghe hai con nói, mẹ chớp chớp cặp mắt. Mẹ khẽ nói, như nói thầm:

- Ở cơ quan mẹ, mỗi cán bộ, công nhân viên cũng ủng hộ một ngày lương; Việc làm tốt đẹp của hai con thế mà hôm nay mẹ mới biết... Hai con thơm thảo lắm!

Em Hải nói xen vào:

- Một miếng khi đói bằng một gói khi no; lá lành đùm lá rách... Cô giáo con đã dạy thế mẹ ạ!

Mẹ ôm chặt đứa con trai bé bỏng vào lòng.

Viết đoạn văn từ 20 đến 25 dòng kể về một việc làm

Bài văn mẫu 2:

Có một lần, tôi đã làm một việc khiến ba mẹ rất vui lòng. Cảm giác làm được tốt trong lòng thấy vui lắm, vì lúc ấy tôi mới học lớp bốn thôi.

Hôm đó, một ngày chủ nhật, ánh nắng mặt trời trải khắp không gian chiếu lên những giọt sương còn đọng trên lá cỏ làm nó lung linh như những viên pha lê. Một ngày được nghỉ ngơi thư giãn sau một tuần học tập và làm việc vất vả của mọi người. “Một ngày rảnh rỗi mà không đi chơi thì thật là lãng phí thời gian” chỉ nghĩ thôi tôi thấy lâng lâng trong người. Tôi vừa đi ra phòng khách vừa hát “Một ngày mới nắng lên, ta đưa tay chào đón…là…la…lá…lá…la. . ” thì thấy ba mẹ lăng xăng làm chuyện gì đó, tôi tò mò hỏi “Ba mẹ đang làm gì vậy ạ?” “À! Ba mẹ chuẩn bị đi thăm bạn cũ, đã lâu rồi không còn gặp con à” ba tôi đáp. Mẹ nói với thêm vào “Hôm nay con trông nhà và giúp ba mẹ làm việc nhà nhé! Chiều ba mẹ về có quà cho con”. Nghe mẹ nói xong tôi cảm thấy cụt hứng, những dự định được đi chơi tan biến, chưa làm việc gì mà cảm thấy mệt mỏi. Trước giờ tôi có động tay, động chân vào mấy việc này đâu, có thời gian rảnh là đi chơi với đám bạn nên mệt mỏi là phải rồi.

Ba mẹ tôi vừa ra khỏi nhà thì lũ bạn tôi chạy ùa vào “Linh ơi! Đi thôi!”, một đứa trong bọn la lên, tôi ngạc nhiên hỏi “Đi đâu?” “Mày không nhớ hôm nay là ngày gì à?” Ngân hỏi lại, nó nhìn cái mặt ngơ ngác của tôi và nói tiếp “Hôm nay là ngày sinh nhật Minh Thư lớp mình đấy” Tôi chợt nhớ ra và nói “Chút xíu nữa là quên mất, cảm ơn các bạn nha”. Tôi mời các bạn vào nhà và nói “Chờ tao một chút, đi thay quần áo”. Bước vào trong nhìn thấy nhà còn bề bộn, dơ bẩn tôi chợt nhớ lời mẹ dặn lúc nãy tôi nghĩ bụng “Chết rồi nhà cửa như thế này làm sao mà đi được, với lại buổi tiệc cũng sắp bắt đầu rồi”. Tôi đắn đo cân nhắc có nên đi hay không, nếu đi thì tất cả việc nhà mẹ giao mình không làm chắc mẹ buồn lắm và mẹ phải bắt tay vào dọn dẹp thì càng vất vã. Còn nếu tôi không đi sinh nhật thì Minh Thư sẽ giận và không chơi với tôi nữa, sinh nhật nó bốn năm mới tổ chức một lần vì nó sinh vào ngày 29/2. Tôi phải làm sao đây? Một đứa ham chơi như tôi đây mà bỏ lỡ một cuộc vui như vầy thì thật là đáng tiếc. Suy nghĩ một hồi lâu, tôi quyết định ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Chạy ra cửa nói với đám bạn là tôi không đi được và gửi lời xin lỗi đến Minh Thư. Có thể nó giận và không chơi với tôi thì cũng một thời gian ngắn thôi, thế nào rồi cũng quay lại, tính Thư trước giờ là như vậy.

Tôi bắt tay vào công việc. Bắt đầu là phòng ngủ, sắp xếp lại mền, gối cho ngay ngắn, quét dọn phòng sạch sẽ, kéo rèm lên cho nắng sớm vào phòng. Tiếp đến phòng khách phải quét bụi trên tủ, bàn rửa bộ ấm chén uống trà của ba và lau sạch nền gạch. Bước xuống bếp thấy chén đũa ăn sáng còn ngổn ngang trên bàn, một thau đồ mẹ giặt chưa phơi, trên bếp còn bề bộn xoong nồi, tôi hít một hơi dài và bắt tay vào việc. Trước giờ tôi chưa làm việc này nhưng vừa làm vừa nhớ lại lời mẹ dạy, miệng ngân nga câu hát mà công việc đã xong lúc nào không hay. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mồ hôi của mình chảy như suối vậy, cảm giác mệt mỏi xen lẫn niềm vui. Thành quả lao động của một cô bé luôn lười biếng, ỉ lại ba mẹ, nhiều lúc ba mẹ nói lắm mới giúp, bây giờ làm việc một cách tự giác và hoàn thành rất tốt công việc được giao, trong lòng thấy vui sướng làm sao! Hạnh phúc biết bao! Thật sung sướng khi mình đã chiến thắng bản thân để vượt lên chính mình.

Khỏi phải nói, chiều đó ba mẹ về, vừa bước vào nhà đã vui cười ba khen “Con gái của ba rất ngoan, biết nghe lời ba mẹ, cảm ơn con rất nhiều” tôi bẽn lẽn “Dạ con đã lớn rồi phải không mẹ”. Mẹ nói “Con mẹ đã lớn rồi, quà của con đây này” vừa nói mẹ vừa lấy trong túi ra một con gấu bông xinh xinh tặng cho tôi “Cảm ơn ba mẹ, con thích lắm”. Mẹ làm cơm chiều thật ngon để đãi tôi vì thành quả lao động của một ngày “làm việc”.

Sau ngày hôm đó tôi suy nghĩ nhiều về bản thân “Mình có thể làm được nhiều việc hơn thế nữa, tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình”. Hoàn thành một việc tốt làm cho ba mẹ vừa lòng và mình cũng cảm thấy hạnh phúc nhân lên gấp bội. Về sau tôi làm được nhiều việc hơn, cố gắng giúp đỡ ba mẹ bớt cực nhọc sau những ngày làm việc vất vả. Hôm nay tôi chia sẻ cho các bạn một mốc son trong đời và là một kỷ niệm đẹp làm tôi nhớ mãi.


Bài văn mẫu 3:

Ba mẹ là người đã cho tôi sự sống, cho tôi tình yêu cao cả, dạy cho tôi những điều tốt đẹp nhất để tôi làm hành trang bước vào đời. Trong mắt tôi, không ai có thể sánh bằng ba mẹ. Tình yêu của tôi dành cho ba mẹ như ngọn lửa không bao giờ tắt. Tôi luôn mong muốn làm cho ba mẹ hài lòng về mình. Chủ nhật vừa qua là một ngày hạnh phúc đối với tôi vì tôi đã làm được một việc khiến ba mẹ rất vui lòng.

Từ bé đến giờ tôi vẫn luôn tự hào về gia đình tôi. Ba mẹ lúc nào cũng yêu thương, quan tâm, chăm sóc tôi. Một ngày đẹp trời nọ, ba mẹ trìu mến thông tin với tôi một tin rất quan trọng: tôi sắp có em. Niềm vui ấy làm cả nhà chúng tôi hân hoan hơn, hạnh phúc hơn khi chào đón thành viên mới của gia đình. Rồi đến ngày em trai tôi cất tiếng khóc chào đời, tôi thấy ba mẹ vất vả lo cho em, tôi càng thêm yêu ba mẹ. Tôi cũng rất yêu thương nó. Đó là cậu bé có nước da trắng hồng, hai mắt tròn xoe, long lanh. Cái miệng nó cười trông rất dễ thương. Hai tay nó huơ huơ mỗi lần có người lại trò chuyện, âu yếm, nựng nịu nó. Có lẽ chính vì thế mà tôi thấy ba mẹ chăm sóc em quá mức mà quên khuấy tôi đi. Mỗi lần như vậy, tôi thường có cảm giác ba mẹ đã không còn thương mình, chỉ thương em thôi. Vì thế, có đôi lúc tôi hay đứng xa ra mỗi khi thấy ba mẹ chơi với em. Cũng từ lúc có em, tôi thường bị sai vặt: “Lan à, lấy dùm mẹ cái này. Lan à, lấy cho em cái kia…” Tôi cứ chạy ra chạy vào, chạy tới chạy lui để “phục vụ” cho em. Ý nghĩ ba mẹ không thương mình cứ luẩn quẩn trong đầu tôi làm tôi không thể nào cười nói gì được. Tôi thực hiện mệnh lệnh mà thấy khó chịu vô cùng. Tôi cứ hay lảng tránh ba mẹ. Tôi hay ngồi vào cái bàn học để ngồi vẽ những bức tranh mà tôi đang nghĩ. Tôi vẽ hình ảnh ba mẹ nắm tay Ton Ton em tôi đi chơi. Còn tôi thì đứng ở xa nhìn theo. Không có ai nắm tay tôi hết! Tôi vẽ hai giọt nước mắt rất to trên mắt tôi. Tôi thấy bức tranh này chính là tôi. Tôi hay nhìn bức tranh đó và nói một mình: “Ba mẹ không thương mình nữa rôi, chỉ thương Ton Ton thôi”.

Một hôm, chắc mẹ phát hiện ra có điều gì không ổn đối với tôi nên mẹ gọi tôi đến cạnh bên, vuốt đầu tôi, mẹ hỏi :

- Lan à, có việc gì mà mẹ thấy con không được vui vậy?

Tôi chỉ im lặng mà nước mắt sắp tràn ra. Mẹ hoảng hốt ôm tôi vào lòng và hỏi thêm:

- Việc học hành có gặp gì khó khăn không con?

Tôi lắc đầu mà nước mắt chảy.

- Sao vậy con ? Có chuyện gì con nói với mẹ nghe đi!

Tôi gạt tay mẹ ra và bỏ chạy tới cái bàn, cầm lấy bức tranh và đưa cho mẹ xem rồi lại ù bỏ chạy.

Suốt buổi chiều hôm đó tôi trốn vào một góc nhà. Mẹ tìm thấy tôi và dỗ dành:

- Mẹ biết rồi, con nghĩ ba mẹ không thương con phải không?

Tôi nói một cách thổn thức:

- Ba mẹ chỉ thương em, không thương con như hồi đó nữa. Huhu…

Mẹ tôi âu yếm vuốt nước mắt trên má tôi rồi ôn tồn giải thích:

- Con nghĩ như vậy là sai rồi. Em còn quá nhỏ, ba mẹ phải dành nhiều thời gian lo cho em. Còn con, con lớn hơn nên ba mẹ tin tưởng, an tâm về con. Ba mẹ rất thương con. Hơn nữa, con lại còn biết phụ giúp ba mẹ. Từ khi có em, mẹ thấy con rất người lớn, mẹ rất vui. Con có thương em không?

Tôi nói lí nhí: Dạ có.

- Vậy con có muốn làm cho ba mẹ vui lòng không?

- Dạ có – Tôi khẳng định.

Con hãy phụ mẹ chăm sóc em, con sẽ thấy em rất cần sự chăm sóc đặc biệt. Nếu con nghĩ ba mẹ không thương con. Ba mẹ sẽ rất buồn.

Tôi nghe trong giọng nói của mẹ có sự nghẹn ngào. Tôi thấy mẹ ôm tôi chặt hơn. Tự dưng những ý nghĩ trước đó bỗng nhiên biến đâu mất. Tôi chỉ còn thấy mẹ thương tôi biết chừng nào. Tôi sung sướng được ở trong vòng tay của mẹ… Ba không biết có mặt từ lúc nào, cũng cười và nói:

- Cả nhà ta cùng thương yêu nhau. Ba mẹ đều thương cả hai con!

Tôi chạy đến ôm lấy ba. Ba ơi, con thương ba mẹ. Con biết ba mẹ rất thương con… Lúc đó tôi chợt nhớ ba đã lấy lới bài hát “cả nhà thương nhau” để khẳng định tình cảm của ba mẹ. “Ba này, lúc nào cũng thật vui.”. Tôi thầm nghĩ mà thấy lòng vô cùng sung sướng.

Chiều chủ nhật hôm ấy cả nhà chuẩn bị sang nhà ngoại chơi, có ẵm em đi nữa. Mẹ gọi tôi phụ sắp xếp quần áo, tả, khăn, sữa, nước cho em. Tôi thấy vui vô cùng. Thì ra em Ton Ton cần được mọi người chăm sóc đến như vậy. Tôi chơi với em và cảm nhận được tình yêu thương chạy khắp người. Ton Ton dễ thương của chị, chị rất yêu thương em.

Thấy tôi vừa chơi với em, vừa hôn vào bàn tay bé bỏng của nó, mẹ cũng cười bảo:

- Thôi, chúng ta chuẩn bị lên đường nào, con gái cưng ơi!

Tôi “Dạ” nhanh gọn và dứt khoát lắm. Ba mẹ nhìn tôi cười:

- Thôi ta đi. Con gái của ba mẹ giỏi quá…

Ba mẹ cười mãi. Hình ảnh ba mẹ vui sướng hiện lên khuôn mặt, lên nụ cười, ánh mắt của ba mẹ dành cho tôi khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi vui quá…

Mỗi lần nhìn ba mẹ cười, tôi lại nhớ đến kỉ niệm đáng nhớ ấy. Tôi phải làm nhiều việc tốt hơn nữa, cố gắng học tốt và yêu thương em để ba mẹ yên tâm về tôi, để tôi tự hào với chính mình là một người con ngoan, một người chị tốt.

Tôi lại nhớ đến lời một bài hát có hình ảnh gia đình thật đẹp:

Ba là cây nến vàng

Mẹ là cây nến xanh

Con là cây nến hồng…

Còn em con là cây nến gì??? Mình phải tìm nhạc sĩ để khiếu nại, thiếu hình ảnh ngọn nến lung linh của em rồi…

icon-date
Xuất bản : 21/12/2021 - Cập nhật : 23/12/2021