Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu - Dàn ý
Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu
Mở bài:
+ Nêu được sự việc có thật liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử mà em sẽ thuật lại trong bài viết.
+ Chỉ ra lý do hoặc hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử đó.
Thân bài:
Gợi lại không gian, thời gian xảy ra câu chuyện, hoặc các dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử được nhắc đến.
+ Không gian, thời gian xảy ra câu chuyện.
+ Dấu tích liên quan đến sự kiện lịch sử hoặc nhân vật nói đến.
Thuật lại diễn biến của sự việc có thật liên quan sự kiện lịch sử hoặc nhân vật.
+ Thuật lại theo trình tự: Mở đầu - diễn biến - kết thúc
+ Sử dụng các bằng chứng như tư liệu, trích dẫn và kết hợp kể chuyện với miêu tả
Vai trò, ý nghĩa hoặc tầm ảnh hưởng của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về sự kiện lịch sử hoặc nhân vật.
Kết bài: Khẳng định ý nghĩa hoặc đưa ra cảm nhận bản thân về sự việc hoặc nhân vật lịch sử.
Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu - Bài mẫu
Thanh Hải sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” vào những năm cuối đời, khi ông nằm trên giường bệnh. Qua bài thơ chúng ta thấy được những chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc đời, khát khao và ước nguyện được cống hiến cuộc đời cho đất nước, cho nhân dân. Sau này bài thơ được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc. Trần Hoàn vốn là bạn thân với Thanh Hải. Khi vào giường bệnh thăm bạn, đọc bài thơ, nhạc sĩ hứa sẽ phổ nhạc và chỉ sau một tuần ông đã hoàn thành. Bài hát được nghệ sĩ Kim Phúc hát vang trên sóng truyền hình năm 1981, sau khi nhà thơ Thanh Hải qua đời. Sau này bài hát đã trở nên quen thuộc với công chúng, qua bao thế hệ, bao bước thăng trầm của lịch sử vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng khán thính giả cả nước.
Bà Thanh Tâm là vợ của nhà thơ Thanh Hải có kể lại rằng, vào những ngày cuối đời nhà thơ vẫn có thói quen cầm bút, không quên được việc sáng tác thơ. Ngay trên giường bệnh ông đã sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” giống như một bản di chúc, tổng kết về cuộc đời và khát vọng của mình. Bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm, biết mình chẳng còn sống được bao lâu, Thanh Hải đã trao bài thơ cho Trần Hoàn và ngỏ ý người bạn của mình sẽ chuyển thành bài hát, phổ nhạc cho đứa con tinh thần của mình. Xúc động với ý thơ và linh cảm sắp phải vĩnh biệt người bạn thân, Trần Hoàn không kìm được những giọt nước mắt. Thời gian rất ngắn, chỉ chưa đầy một tuần sau đó bài thơ đã được phổ nhạc thành công. Sau khi hoàn thành ông lao ngay vào bệnh viện hát cho bạn nghe. Thanh Hải sung sướng, thỏa mãn và nói “Bài này chắc chắn sẽ lại có tiếng vang như bài hát “Lời ru trên nương” và cảm ơn Trần Hoàn nhiều lắm.
Trần Hoàn cho biết ông gần như giữ hết các câu chữ trong bài thơ này và chỉ thay đổi rất ít, chẳng hạn câu “Đất nước như vì sao, cứ đi lên phía trước” thì ông sửa thành “ vững vàng lên phía trước”, hoặc “Tôi đưa tay tôi hứng” thành “tôi đưa tay hứng về”. Bên cạnh đó ông cắt bỏ một số câu thơ để bài hát được chặt chẽ và gọn gàng về bố cục.
Sau đó Trần Hoàn gửi bài hát ra Đài tiếng nói Việt Nam để thu thanh với hy vọng Thanh Hải kịp nghe một lần trước khi đi xa. Tết năm đó bài hát vang trên sóng truyền hình nhưng đáng tiếc Thanh Hải chưa kịp nghe thì đã qua đời.
Giờ đây cứ mỗi độ xuân về, “Mùa xuân nho nhỏ” lại vang lên ở khắp mọi nơi, đem đến cho người đọc bao nhiêu cảm xúc khó tả. Những ước nguyện chân thành được thể hiện trong bài hát cũng là mong ước của bao nhiêu thế hệ con người Việt Nam “lặng lẽ dâng cho đời, dù là khi 20, dù là khi tóc bạc”.