Câu hỏi: Vì sao khi đem cây đi trồng ở một nơi khác người ta phải cắt bớt cành lá?
Chúng ta thường bắt gặp mỗi lần trồng cây xanh ở đô thị hay ở vườn nhà, nhất là những cây to đều chỉ thấy cây không có cành và lá. Khi đem cây đi trồng ở một nơi khác người ta phải cắt bớt cành lá là vì:
Trong quá trình đào cây lên, rễ cây một phần đã bị đứt, không cắm sâu xuống đất làm ảnh hưởng tới khả năng hút nước và chất dinh dưỡng cho cây. Trong khi đó, nếu vẫn để nguyên cành và lá thì cây vẫn quang hợp và hô hấp bình thường. Hai quá trình này cần nhiều nước để thực hiện. Khi rễ cây hút không đủ nước thì 2 quá trình này vẫn diễn ra, đến khi hết nước thì không thực hiện được và làm cây bị chết.
Nếu để nhiều cành lá, cây sẽ bị thoát hơi nước quá nhiều. Vì thế chúng ta phải cắt bớt cành lá để làm giảm quá trình quang hợp và hô hấp, giảm bớt việc thoát hơi nước (nhất là vào những hôm trời nắng, khô hanh) thì cây mới phát triển được. Nếu không, cây sẽ héo dần, khô thân cây và chết. Ngoài ra, còn phải tưới đủ nước cho cây, để cây phát triển bộ rễ vững chắc, khả năng hấp hút nước và muối khoáng của cây được phục hồi thì lá mới sẽ mọc ra và cây trở nên xanh tốt.
Đây cũng là một trong những lí do khi đem cây đi trồng ở một nơi khác người ta phải cắt bớt cành lá. Các tán lá sẽ cản trở gió, tích tụ nước mưa làm cho thân cây chịu khối lượng nặng hơn. Trong khi đó bộ rễ rất yếu, không thể chịu được sức gió nên dễ làm cây bị bật gốc.
Thực tế chúng ta thấy đối với các loại cây trồng đô thị, ngoài việc cắt bớt cành lá người ta còn che chắn thân cây cũng nhằm giảm hạn chế sự thất thoát nước, để tránh nắng làm khô cây do bộ rễ không hút đủ nước cho cây phát triển.