logo

Ví dụ về cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng

icon_facebook

Câu trả lời chính xác nhất: Trong suốt tiến trình lịch sử xã hội, mỗi hình thái kinh tế – xã hội có cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng với những đặc điểm riêng của nó. Giữa chúng có mối quan hệ biện chứng, trong đó cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, còn kiến trúc thượng tầng có sự tác động trở lại nhất định lên cơ sở hạ tầng

Ví dụ về cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng:

+ Ví dụ 1: Cơ chế bao cấp (cở sở hạ tầng) tương ứng với nó là Nhà nước mệnh lệnh quan liêu( kiến trúc thượng tầng) .

+ Ví dụ 2: Cơ chế thị trường (cơ sở hạ tầng)  thì tương ứng với nó là Nhà nước năng động, hoạt động có hiệu quả (kiến trúc thượng tầng)

=> Cơ sở hạ tầng quyết định sự thay đổi căn bản của kiến trúc thượng tầng. Khi cơ sở hạ tầng nào mất đi thì kiến trúc thượng tầng do nó sinh ra cũng mất theo, khi cơ sở hạ tầng mới xuất hiện thì nó lại sản sinh ra kiến trúc thượng tầng mới phù hợp với nó. Đó là quy luật phổ biến của mọi hình thái kinh tế xã hội.

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp mọi thắc mắc cho bạn về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Hãy cùng theo dõi nhé!


1. Cơ sở hạ tầng

– Cơ sở hạ tầng, với tư cách là khái niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một xã hội nhất định.

Ở đây, ta cần phân biệt giữa khái niệm “cơ sở hạ tầng” của triết học với thuật ngữ “cơ sở hạ tầng” của ngành xây dựng (như cầu, đường, bến cảng, sân bay…).

– Từ thời cổ đại đến nay, trong bất cứ hình thái kinh tế – xã hội nào, bên cạnh những quan hệ sản xuất thống trị vẫn còn tàn dư của những quan hệ sản xuất của xã hội cũ và cả mầm mống của những quan hệ kinh tế – xã hội của tương lai.

– Như thế, về mặt kết cấu, cơ sở hạ tầng gồm có: Quan hệ sản xuất thống trị;Những quan hệ sản xuất là tàn dư của xã hội trước đó;Những quan hệ sản xuất là mầm mống của xã hội sau. Trong đó, quan hệ sản xuất thống trị giữ địa vị chi phối, có vai trò chủ đạo và quyết định tính chất, đặc trưng của một cơ sở hạ tầng nhất định. Tuy nhiên, hai kiểu quan hệ sản xuất còn lại cũng có vai trò nhất định.


2. Kiến trúc thượng tầng

– Kiến trúc thượng tầng, với tư cách là khái niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, là toàn bộ những quan điểm, tư tưởng xã hội, những thiết chế tương ứng và những quan hệ nội tại của chúng được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định.

- Ở đây, ta cần phân biệt “kiến trúc thượng tầng” trong triết học với ngành kiến trúc – xây dựng. Về mặt kết cấu, kiến trúc tượng tầng gồm các thành tố:Những quan điểm, tư tưởng xã hội: Đó là những quan điểm về chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật…Những thiết chế xã hội tương ứng: Đó là nhà nước (gồm quốc hội, chính phủ, quân đội, công an, tòa án…), đảng phái, giáo hội, hội nghề nghiệp và những đoàn thể xã hội khác.

- Trong đó, mỗi yếu tố của kiến trúc thượng tầng có đặc điểm và quy luật phát triển riêng. Nhưng chúng đều liên hệ với nhau và đều nảy sinh từ cơ sở hạ tầng, phản ánh cơ sở hạ tầng, trong đó nhà nước là yếu tố có quyền lực mạnh mẽ nhất. Chính nhờ có nhà nước mà tư tưởng của giai cấp thống trị mới trở thành tư tưởng thống trị toàn xã hội.

– Trong xã hội có đối kháng giai cấp, kiến trúc thượng tầng gồm có: Hệ tư tưởng và các thiết chế của giai cấp thống trị (như chủ nô, địa chủ, tư sản…);Các quan điểm và tổ chức của giai cấp bị trị (như nô lệ, tá điền, công nhân…) đối lập với giai cấp thống trị;Tàn dư của các quan điểm xã hội đã lỗi thời;Quan điểm của các tầng lớp trung gian (như trí thức, nông dân…);v.v…– Hệ tư tưởng và thiết chế của giai cấp thống trị quyết định tính chất cơ bản của toàn bộ kiến trúc thượng tầng.

- Tính giai cấp của kiến trúc thượng tầng thể hiện rõ ở sự đối lập về quan điểm tư tưởng và cuộc đấu tranh chính trị – tư tưởng của các giai cấp đối kháng. Mâu thuẫn đối kháng trong kiến trúc thượng tầng bắt nguồn từ mâu thuẫn trong cơ sở hạ tầng

Ví dụ về cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng

Cơ sở hạ tầng sinh ra kiến trúc thượng tầng. Kiến trúc thượng tầng phục vụ cơ sở hạ tầng. Ảnh: Arthive.com.


3. Mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

Mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng được thể hiện rất rõ, chúng tác động qua lại lẫn nhau. Cụ thể:

- Thứ nhất: Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng thể hiện qua:

+ Mỗi cơ sở hạ tầng sẽ hình thành nên một kiến trúc thượng tầng tương ứng với nó. Tính chất của kiến trúc thượng tầng là do tính chất của cơ sở hạ tầng quyết định. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào thống trị về kinh tế thì cũng chiếm địa vị thống trị về mặt chính trị và đời sống tinh thần của xã hội. Các mâu thuẫn trong kinh tế, xét đến cùng, quyết định các mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị tư tưởng; cuộc đấu tranh giai cấp về chính trị tư tưởng là biểu hiện những đối kháng trong đời sống kinh tế. Tất cả các yếu tố của kiến trúc thượng tầng như nhà nước, pháp quyền, triết học, tôn giáo,… đều trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định.

+ Khi cơ sở hạ tầng thay đổi kéo theo kiến trúc thượng tầng cũng thay đổi theo. Quá trình thay đổi diễn ra không chỉ trong giai đoạn thay đổi từ hình thái kinh tế – xã hội này sang hình thái kinh tế – xã hội khác, mà còn diễn ra ngay trong bản thân mỗi hình thái kinh tế – xã hội. Sự thay đổi cơ sở hạ tầng dẫn đến làm thay đổi kiến trúc thượng tầng diễn ra rất phức tạp. Trong đó, có những yếu tố của kiến trúc thượng tầng thay đổi nhanh chóng cùng với sự thay đổi cơ sở hạ tầng như chính trị, pháp luật,

- Thứ hai: Tác động trở lại của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng:

+ Sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng có thể thông qua nhiều phương thức, hình thức, điều này phụ thuộc vào bản chất của mỗi nhân tố trong kiến trúc thượng tầng, phụ thuộc vào vị trí, vai trò của nó và những điều kiện cụ thể. Nhà nước là nhân tố có tác động trực tiếp nhất và mạnh mẽ nhất tới cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội.

+ Sự tác động của các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng có thể diễn ra theo nhiều xu hướng và mục tiêu, thậm chí các xu hướng không chỉ khác nhau mà còn có thể đối lập nhau, điều đó phản ánh tính chất mâu thuẫn lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp xã hội khác nhau và đối lập nhau: có sự tác động nhằm duy trì cơ sở kinh tế hiện tại, tức xu thế duy trì chế độ xã hội hiện thời, lại có sự tác động theo xu hướng xóa bỏ kinh tế này và có xu hướng đấu tranh cho việc xác lập một cơ sở kinh tế khác, xây dựng một chế độ xã hội khác,…

+ Sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng có thể diễn ra theo xu hướng tích cực hoặc tiêu cực, điều đó phụ thuộc vào sự phù hợp hay không phù hợp của các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng đối với nhu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế; nếu phù hợp nó sẽ có tác dụng tích cực, ngược lại sẽ có tác dụng tiêu cực, kìm hãm và phá hoại sự phát triển kinh tế trong một phạm vi và mức độ nhất định.

------------------------

Trên đây là một số thông tin về vấn đề cơ bản về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình học tập cũng như làm việc. 

icon-date
Xuất bản : 31/05/2022 - Cập nhật : 31/05/2022

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads