logo

Trong truyện "Củ khoai nướng", em ấn tượng với chi tiết nào nhất ? Vì sao?

Truyện “Củ khoai nướng” là một câu chuyện có nội dung đơn giản nhưng lại đầy tính nhân văn của tác giả Tạ Duy Anh. Trong truyện có rất nhiều chi tiết để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Các bạn hãy đến với bài viết sau đây để hiểu rõ hơn nhé!


Trong truyện "Củ khoai nướng", em ấn tượng với chi tiết nào nhất ? Vì sao?

Trong truyện "Củ khoai nướng", em ấn tượng với chi tiết nào nhất ? Vì sao?

Mẫu số 1

Trong truyện “Củ khoai nướng” em ấn tượng nhất với chi tiết “Mặc dù rong trâu về từ chiều nhưng mãi tối mịt Mạnh mới vào nhà. Giờ đây mới là lúc cậu  sống trọn vẹn với cảm giác ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá”. Bởi vì qua chi tiết đó, em cảm nhận được sự hạnh phúc và tình yêu thương con người toát ra từ cậu bé Mạnh nhân hậu. Tưởng rằng Mạnh không cho ông cháu người ăn xin khoai nướng mà cậu đang háo hức được thưởng thức, nhưng không, đoạn cuối của truyện, với chi tiết trên, em đã vô cùng bất ngờ và thấy ấm áp vì Mạnh đã cho ông cháu người ăn xin nửa củ khoai nướng “bọc trong giấy báo”. Sau khi làm một việc tốt đã khiến Mạnh “sống trọn vẹn với cảm giác ngây ngất của người vừa được ban tặng một món quà vô giá”, đúng như vậy, tình thương đối với mọi người, niềm hạnh phúc khi mường tượng ra cảnh cậu bé ăn xin vui vẻ khi được Mạnh cho khoai nướng chính là món quà vô giá mà Mạnh nhận được.


Mẫu số 2

Truyện “Củ khoai nướng” là một câu chuyện vô cùng ý nghĩa với nội dung đơn giản nhưng sâu sắc mà em đã được đọc. Trong truyện, em ấn tượng nhất với chi tiết “Giường như đoán được nỗi khó xử của Mạnh, ông lão bảo:  - Tôi chỉ xin lửa thôi...”. Lời nói này được ông lão ăn xin nói ra trong hoàn cảnh Mạnh đang nướng khoai và ông cháu người ăn xin đi qua, Mạnh không muốn chia cho ông lão người ăn xin khoai nướng, đang khó xử sợ bị xin khoai, thì ông lão ăn xin nhận ra và nói luôn với Mạnh rằng ông chỉ xin lửa để hút thuốc thôi. Câu nói của ông lão đã gây ấn tượng mạnh với em, vì tuy là người ăn xin do bị mù, già yếu không làm được việc, lại còn phải chăm sóc đứa cháu nhỏ đang đói và ngửi thấy mùi thơm do Mạnh nướng khoai nhưng ông lão vẫn là người có lòng tự trọng, đúng với câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” và ông cũng là một người tốt, không muốn thấy Mạnh phải khó xử nên ông đã nói luôn rằng mình chỉ xin lửa thôi, ngụ ý sẽ không xin khoai của Mạnh. Chỉ qua một chi tiết đó, đã khiến cho người đọc hiểu rõ về tính cách của ông lão, khiến cho em cảm thấy thương hai ông cháu và cũng kính trọng ông hơn.


Mẫu số 3

Truyện “Củ khoai nướng” của nhà văn Tạ Duy Anh đã để lại trong lòng em ấn tượng khó quên vì tuy có cốt  chuyện đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó lại là những bài học sâu sắc. Trong truyện, em ấn tượng nhất với chi tiết “Giờ đây củ khoai như là nhân chứng cho một việc làm đáng hổ thẹn nào đó”. Đây chính là suy nghĩ của Mạnh khi đang háo hức nướng khoai thì thấy ông cháu người ăn xin đi đến, cậu thể hiện thái độ khó xử do không muốn chia sẻ củ khoai cho ông cháu ông lão, nhận thấy vậy, ông lão nói luôn là mình chỉ lửa để hút thuốc sau đó đi tiếp cùng cháu. Sau khi ông cháu người ăn xin đi, Mạnh không còn thấy háo hức ăn khoai nữa mà lại thấy “Giờ đây củ khoai như là nhân chứng cho một  việc làm đáng hổ thẹn nào đó”. Suy nghĩ này của Mạnh đã thể hiện cậu là một cậu bé nhân hậu và thương yêu người khác. Bởi vì cậu hoàn toàn có thể ăn củ khoai đó và không phải suy nghĩ điều gì vì đó là khoai do cậu tự đào lên và nướng ăn, ông cháu người ăn xin cũng không xin cậu, nhưng nếu quả thật như vậy thì Mạnh lại là một người vô tâm. Không làm em thất vọng, cậu bé vô cùng nhân hậu, cậu đã thấy củ khoai mà mình đang háo hức thưởng thức giờ lại chỉ như nhân chứng cho một việc làm hổ thẹn, cậu bé có ý thức trách nhiệm với cả người khác, thấy hổ thẹn và hối hận khi không giúp đỡ người khó khăn. Vậy nên cậu bé đã đuổi theo và chia cho cháu người ăn xin nửa củ khoai và cậu đã rất hạnh phúc vì đã làm được việc tốt.


Mẫu số 4

Trong truyện “Củ khoai nướng” của tác giả Tạ Duy Anh, em ấn tượng nhất với chi tiết “Giờ đây củ khoai như là nhân chứng cho một  việc làm đáng hổ thẹn nào đó. Dù Mạnh có dối lòng rằng mình chẳng có lỗi gì sất nhưng cậu  vẫn không dám chạm vào củ khoai... Hình như đã có người phải quay mặt đi vì không dám ước có được nó”. Bởi qua chi tiết đó, em thấy được Mạnh là một cậu bé ấm áp và vô cùng nhân hậu. Đúng là cậu hoàn toàn có thể ăn củ khoai nướng mà cậu đang háo hức nướng, vì đó là thành quả do cậu tự tìm được nhưng với tấm lòng nhân ái của mình, cậu đã thấy hổ thẹn khi không cho ông cháu người ăn xin khoai. Đặc biệt cậu còn nghĩ đến cậu bé ăn xin “phải quay mặt đi vì không dám ước có nó”. Chính vì vậy nên Mạnh đã chạy theo và chia cho cậu bé ăn xin nửa củ khoai. Mạnh quả là cậu bé có lòng nhân ái và ngoan ngoãn.

>>> Tham khảo: Đọc hiểu Củ khoai nướng

------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn đến với một số mẫu trả lời cho câu hỏi Trong truyện "Củ khoai nướng", em ấn tượng với chi tiết nào nhất ? Vì sao? Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận được tính nhân văn của câu chuyện mà tác giả Tạ Duy Anh gửi gắm đến người đọc qua các bài học về tình người trong truyện.

icon-date
Xuất bản : 27/12/2022 - Cập nhật : 15/07/2023

Tham khảo các bài học khác