Là một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của phong trào Cần Vương - khởi nghĩa Bãi Sậy đã góp phần tạo nên khí thế chống Pháp rực lửa trong quần chúng nhân dân: Nguyên nhân bùng nổ cuộc khởi nghĩa, diễn biến chính, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa.
- Ngày 28 tháng 3 năm 1883, quân Pháp triển khai một ít quân đội tiến đánh thành Hưng Yên. Quân triều đình hoảng sợ chạy trốn để quân Pháp chiếm thành Hưng Yên mà không có bất kỳ tổn thất.
- Đinh Gia Quế chán ghét cảnh hèn nhát của quan quân triều Nguyễn. Vì vậy, ông quyết định từ quan, về quê xây dựng quân đội khởi nghĩa chống Pháp. Nhân dân quanh vùng nô nức hưởng ứng, lập nên nghĩa quân Bãi Sậy. Vì Đinh Gia Quế tự xưng là Đổng quân vụ nên người đời thường gọi ông là Đổng Quế.
- Sau này, phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi phản công kinh thành Huế thất bại. Ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ở Tân Sở hạ chiếu Cần Vương kêu gọi nghĩa sĩ, dân chúng giúp vua cứu nước. Trong số các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào này, khởi nghĩa Bãi Sậy là một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất. Lúc này, Nguyễn Thiện Thuật từ Trung Quốc trở về nhận quyền lãnh đạo nghĩa quân Bãi Sậy từ Đổng Quế.
- Lá cờ của nghĩa quân Bãi Sậy có thêu 8 chữ "Nam đạo Cần Vương - Bình Tây phạt tội", cho thấy mục đích của nghĩa quân là giúp vua, tiêu diệt giặc Tây. Đây cũng là nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
- Trong những năm 1883 - 1885, địa bàn hoạt động của nghĩa quân chỉ hạn chế trong vùng Bãi Sậy.
- Từ năm 1885 đến cuối năm 1887, nghĩa quân đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của Pháp ở vùng Văn Giang, Khoái Châu và vùng căn cứ Hai Sông. Nhiều trận đánh diễn ra ác liệt trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Yên.
- Từ năm 1888, nghĩa quân bước vào giai đoạn chiến đấu quyết liệt. Quân Pháp tiến hành đàn áp dã man, nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm, nhưng lực lượng ngày càng giảm sút và rơi dần vào thế bị bao vây, cô lập.
- Tháng 7-1889, Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Trung Quốc. Phong trào tiếp tục một thời gian rồi tan rã vào năm 1892.
* Đặc điểm nổi bật của khởi nghĩa:
- Cuộc khởi nghĩa kéo dài qua nhiều năm đã thể hiện sự quyết tâm và tinh thần chiến đấu kiên trì của nhân dân Bắc Kỳ.
- Nghĩa quân Bãi Sậy ứng dụng hiệu quả chiến thuật du kích, tạo ra những đòn tấn công bất ngờ nhằm vào quân Pháp.
- Nghĩa quân Bãi Sậy luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của dân chúng trong việc cung cấp thông tin, lương thực, binh lính.
- Nghĩa quân Bãi Sậy đã khéo léo tận dụng địa thế sình lầy, rừng sậy để ẩn nấp, di chuyển và tổ chức các cuộc tấn công chống lại quân Pháp.
- Các lãnh tụ của khởi nghĩa Bãi Sậy, như Đinh Gia Quế, Nguyễn Thiện Thuật đã thể hiện khả năng lãnh đạo và tài năng quân sự xuất sắc, giúp nghĩa quân đạt được nhiều chiến công.
- Khởi nghĩa Bãi Sậy không chỉ hoạt động ở vùng Bãi Sậy mà còn lan rộng ra các vùng lân cận, góp phần tạo nên khí thế chống Pháp rực lửa của nhân dân Việt Nam ở cuối thế kỷ 19.
* Nguyên nhân thất bại:
- Nghĩa quân phải chiến đấu trong tình thế bị động, thiếu chủ động trong cuộc đấu tranh.
- Lực lượng nghĩa quân yếu thế so với quân Pháp về số lượng, trang bị và huấn luyện. Vì vậy, nghĩa quân gặp nhiều bất lợi trong các cuộc giao tranh trực diện.
- Khởi nghĩa phong kiến đã lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
- Chưa thực sự kết nối và huy động được sức mạnh của đại chúng nhân dân. Quy mô của cuộc khởi nghĩa không thể lan rộng ra cả nước.
Khởi Nghĩa Bãi Sậy là một trong những cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Phong trào Cần Vương lớn nhất trong lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ 19, thể hiện ý chí kiên cường chống xâm lược của nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiêu biểu cho Phong trào Cần Vương.
Mặc dù thất bại, nhưng Khởi Nghĩa Bãi Sậy đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng căn cứ, phương thức hoạt động và tác chiến cho các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam đầu thế kỉ 20.