logo

[TOP 5] Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát

“Bài ca ngắn đi trên bãi cát” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Cao Bá Quát. Cùng Toploigiai đi Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát để hiểu rõ hơn về tác phẩm này nhé!


Dàn ý phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát


a. Mở bài.

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.

- Khái quát hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.


b. Thân bài.

* Luận điểm 1: Hình ảnh con người trên những bãi cát dài vô tận như cuộc đời của họ (4 câu thơ đầu).

“Bãi cát lại bãi cát dài,

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.“

- Điệp ngữ: bãi cát. Nhấn mạnh sự vô tận của những bãi cát.

- “Đi một bước như lùi một bước”: miêu tả sự vô tận, không thấy điểm dừng của bãi cát và những bước chân nặng nề, khó khăn.

- "Mặt trời đã lặn, chưa dừng được/ Lữ khách trên đường nước mắt rơi.“: Sự bất lực đến tuyệt vọng của những lữ khách trên đường đời.

* Luận điểm 2: Những hiện thực về cuộc đời và sự phê phán những người hám danh lợi.

"Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?"

- Tác giả sử dụng biện pháp ẩn dụ:

+ “Phường danh lợi”: là nơi chứa đựng những góc khuất về con đường lợi lộc.

+ “Quán rượu": chỉ những danh lợi mà con người muốn hướng tới.

+ "Người say": chỉ những người say mê công danh.

+ "Người tỉnh": chỉ những người trong sạch, liêm khiết, không hám công danh.

→ Tác giả phê phán những người hám công danh lợi, dù có vất vả chạy vạy ngược xuôi, làm bao việc khó khăn để đạt được cái công lợi mà mình muốn.

* Luận điểm 3: Sự bế tắc và tuyệt vọng của những người không chọn đi đường bằng phẳng.

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

Anh đứng làm chi trên bãi cát?

- Bãi cát dài, bãi cát dài ơi! / Tính sao đây?: Câu hỏi tu từ chỉ sự tuyệt vọng và cô đơn của tác giả khi không biết trò chuyện cùng ai trên con đường mà mình chọn.

- “Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?”: Đường ghê không chỉ nhiều mà còn ít người không muốn đi. 

- khúc “đường cùng”: là khúc ca về sự cùng đường lạc lối.

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

- Dù phía Bắc hay phái Nam, con đường đi cũng đều khó khăn cả.

→ Cho thấy sự bế tắc và tuyệt vọng của tác giả trên con đường mà mình đã chọn. 


c. Kết bài.

- Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.


Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Mẫu số 1

     Cao Bá Quát là một trong những nhà thơ nổi tiếng sống dưới thời nhà Nguyễn. "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" là một sáng tác nổi bật của ông vừa chứa đựng một sự phản kháng âm thầm đối với trật tự hiện hành, vừa thể hiện nỗi thất vọng và niềm bi phẫn của nhà thơ.

Bãi cát lại bãi cát dài,

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.

Bốn câu thơ đầu là hình ảnh người đi đường trên bãi cát và trên cuộc đời. Câu thơ đầu chỉ có sáu từ nhưng “bãi cát” được lặp lại những hai lần. Bãi cát dài mà tác giả đi qua không chỉ là sự vô tận của những cồn cát mà còn là con đường đời bế tắc, đường công danh nhọc nhằn của tác giả và bao trí thức đương thời. bãi cát dài và vô tận đến nỗi đi một bước mà như lùi một bước, như chưa dịch chuyển bước nào. Những bước đi nặng nề, khó khăn trên bãi cát cũng chính là những bước chân nặng nề trên chính cuộc đời của tác giả. Mặt trời đã lặn, trời đã tối nhưng bãi cát cũng chưa thấy điểm dừng, những người lữ khách bất lực, mệt mỏi chỉ biết rơi nước mắt.

Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?

      Sáu câu tiếp là sự cay đắng giữa thực tế cuộc đời và sự cám dỗ của công danh đối với người đời. Những người có sự hám công danh đều luôn bận rộn trong cuộc đời. Tác giả đã dùng hình ảnh quán rượu, người say, người tỉnh để nói về vấn đề này. Quán rượu ngon tượng trưng cho công danh, danh lợi. Luôn là món ngon mà nhiều người hướng tới. Người say là những người hám danh lợi, luôn phải uống những chén rượu đắng cay nhất, làm đủ trò, đủ việc để được vào quán rượu ngon đó. Người tỉnh là những người không thích dính vào quán rượu đó, là những người luôn trong sạch và sống liêm khiết. Một phép ẩn dụ rất hay và sâu sắc được tác giả sử dụng. Qua đó, ông phê phán những người hám công danh lợi và cũng từ đó nhìn nhận được vấn đề của nhưng người như ông - luôn tỉnh táo trước những cám dỗ, công danh ở đời. 

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

Anh đứng làm chi trên bãi cát?

Những câu thơ cuối không chỉ thể hiện sự bế tắc mà còn thể hiện sự tuyệt vọng của những người đi đường ghê sợ. Ông bế tắc và cô đơn đến nỗi phải nói chuyện với bãi cát dài. Rằng sự phân vân trong ông mãi chưa có lời giải đáp. Con đường bằng phẳng dễ đi thì mờ mịt nhưng đường ghê thì còn rất nhiều. Khúc ca “đường cùng” không chỉ là thể hiện sự cùng đường và lạc lối của ông mà còn thể hiện sự tuyệt vọng đến mức đường cùng. Những người kia thì chỉ thích đến phường công danh, đến quán rượu  ngon, chỉ còn ông bơ vơ trên bãi cát dài vô tận, cùng nó trò chuyện, cùng nó hát khúc ca đường cùng. Dù đi đâu, con đường liêm chính cũng đều khó khăn cả. Phía bắc có núi Bắc chập trùng. Phía Nam có núi Nam sóng dạt dào. Dù đi đâu thì cũng đều khó khăn, vất vả cả. Câu hỏi tu từ cuối bài càng nhấn mạnh thêm sự tuyệt vọng cùng cực của tác giả trên con đường đời. 

     Bài thơ tuy không dài cũng không ngắn, với những ngôn từ mang tính nghệ thuật, bài thơ đã thể hiện được những nỗi băn khoăn cùng sự tuyệt vọng và cô đơn của tác giả trước những con đường cuộc đời. 

Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát | Văn mẫu 11 hay nhất

Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Mẫu số 2

       Nguyễn Văn Siêu đã nhận định rằng: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”, ý muốn khẳng định tài năng thơ văn của Cao Bá Quát thời tiền Hán không có ai sánh bằng. Và “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” là một trong những tác  phẩm đặc sắc, ấn tượng, để lại những chiêm nghiệm của nhà thơ về con đường công danh mà mình theo đuổi, cũng đồng thời chiêm nghiệm cho độc giả muốn thế hệ những triết lý nhân sinh quý báu.

       Mở đầu bài thơ là hình ảnh bãi cát dài đầy triết lí mà cũng ám ảnh, mang đến bao xúc cảm dấy lên trong tâm hồn người đọc:

“Bãi cát dài lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi"

        Hình ảnh bãi cát dài vô tận mênh mông tưởng chừng như đang nuốt chửng lấy người bộ hành đơn độc, đi một bước lại như lùi một bước. Câu thơ phần nào thể hiện sự bế tắc, bất lực cùng nỗi chua xót nghẹn ngào của người đi trên bãi cát. Người lữ khách trên đường “nước mắt rơi”, nam tử hán đại trượng phu mấy ai rơi nước mắt, nhưng ở đây người lữ khách cuối cùng đã rơi xuống giọt lệ chua xót, đau đớn, mệt nhọc của mình trước hành trình gian nan vô tận không tìm thấy nỗ lực để bước tiếp. Hình ảnh bãi cát ấy, những khó khăn đơn độc, bế tắc ấy phải chăng chính là hiện thân cho con đường danh vọng, con đường công danh mà Cao Bá Quát theo đuổi suốt cả một đời, cũng là con đường nam nhi thời xưa phải dày công theo đuổi, để khẳng định chí làm trai, nợ non sông của mình. Rằng “Đã sinh ra ở trên trời đấy, phải có danh gì với núi sông”. Giọt nước mắt đã rơi, phần nào cho thân bản thân người đi đường đang vô cùng mệt mỏi, nhọc nhằn với con đường luẩn quẩn, bế tắc, quanh co mà không có đích đến của mình đang đi?

       Ấy thế nhưng Cao Bá Quát vẫn không thể thoát ra, không thể từ bỏ được con đường mình đang theo đuổi, ông muốn được như tiên ông, nhưng cũng chính trong sự cố chấp và tham vọng ấy, mà nhà thơ chiêm nghiệm ra một triết lí nhân sinh đầy sâu sắc:

“Xưa nay phường danh lợi

Tất tả trên đường đời

Đầu gió hơi men thơm quán rượu

Người say vô số tỉnh bao người”.

       Phải, những người ham mê danh lợi, đắm chìm vào cái bả công danh, luôn phải ngược xuôi vất vả tất bật trên đường đời để mưu cầu cho tham vọng của mình, luẩn quẩn mệt nhọc trong vòng tranh đấu, trong những danh lợi ganh đua. Nhưng quy luật của cuộc sống vốn là vậy chăng, hơi men thơm ấy, những kẻ say có bao giờ có thể thoát ra, người say vô số, người tỉnh bao người. Biết rõ đấy là chốn lao xao, đầy nhiễu nhương, nham hiểm, nhưng vẫn dấn thân, vẫn bị hơi men say quyến rũ. Từ đó, nhà thơ nhắc nhở chúng ta, đừng chỉ biết để bản thân bị quấn vào vòng danh lợi luẩn quẩn, hãy biết làm chủ chính bản thân mình.

       Tiếp tục mạch cảm xúc ở khổ thơ trên, nhân vật người đi đường tiếp tục cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng trước con đường bằng dài mù mịt mình đã và đang đi, cảm thấy muôn trùng mệt nhọc, gian truân.

"Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?"

       Nếu ở những câu trên, là nhà thơ cất tiếng hỏi ra ngoại giới, thì đến khổ thơ cuối này, câu hỏi cật vất đầy bất lực, đầy vô vọng rất lại quay vào lòng mình, như vừa để phân trần, vừa để truy nguyên, mà cũng vừa bày tỏ phần nào nỗi cô đơn thấm dần vào từng thớ vỏ:

"Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng

Phía nam trời Nam, sóng dào dạt

Anh đứng làm chi trên bãi cát?"

       Xung quanh ông là thiên nhiên hùng vĩ nhưng không phải cái hùng vĩ để du thủy non sơn, mà cái hùng vĩ ấy, giờ đây cũng đầy bế tắc, muôn trùng, đều khiến cho người đi đường cảm thấy không có lối thoát. Đó phải chăng là hình ảnh ẩn dụ cho xã hội phong kiến thối nát, vô cùng bế tắc lúc bấy giờ, đồng thời bày tỏ khát vọng muốn tháo cũi sổ lồng, thoát khỏi ao bèo chật hẹp, tù túng ấy của nhà thơ?

       Bài ca ngắn đi trên bãi cát, là những dòng cảm xúc chán chường, tuyệt vọng, bế tắc của Cao Bá Quát trước con đường danh lợi mà mình theo đuổi, đồng thời bày tỏ được phần nào thực trạng thối nát, bế tắc của xã hội lúc bấy giờ, nên quả thực vô cùng ám ảnh trong tâm trí người đọc.


Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Mẫu số 3

Cao Bá Quát (1808 - 1855) là nhà thơ lỗi lạc của nước ta trong thế kỉ 19. Ông để lại trên một nghìn bài thơ chữ Hán và chữ Nôm; bài phú "Tài tử đa cùng phú" và bài thơ chữ Hán "Sa hành đoản ca" được nhiều người ca ngợi. "Sa hành đoản ca" nghĩa là bài ca ngắn đi trên bãi cát nói lên bi kịch của kẻ sĩ trên bước đường công danh. Bãi cát dài và con đường cùng trong "Sa hành đoản ca" được miêu tả đầy ám ảnh. Bãi cát dài được nhắc đi nhắc lại năm lần trong bài thơ. Con đường được nói tới là "đường cùng": "Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều".

Hình ảnh bãi cát dài và con đường cùng lại được miêu tả trong khoảnh khắc thời gian ngày tàn khi "mặt trời lặn". Con đường cùng không chỉ "mờ mịt" và "ghê sợ" mà còn bị chặn lối, bị bủa vây:

"Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng muôn đợt".

Các hình ảnh ấy tượng trưng cho đường đời, con đường danh lợi nhiều gian nan, nguy hiểm.

Hình ảnh người đi đường trong bài thơ được khắc hoạ qua nhiều chi tiết chọn lọc. Bước đi thất thểu khó nhọc "Đi một bước như lùi một bước". Nước mắt "lã chã rơi" vì tự thương mình. Khách đi đường vừa khó nhọc đi trên bãi cát mờ mịt vừa suy ngẫm. Lúc thì ước ao được "phép ngủ kĩ" của ông tiên. Lúc thì nghĩ về "hạng người danh lợi" đang tất tả ngược xuôi; và cảm thấy "người tỉnh thường ít mà người say vô số!". Lúc thì than, hát khúc "đường cùng"; để rồi tự vấn lương tâm, tự trách mình: "Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?".

Qua hình ảnh người đi đường, nhà thơ giãi bày tâm sự bế tắc và chán ngán trên con đường công danh, con đường danh lợi. Tác giả tự trách, tự thương mình.

Nhân vật trữ tình trong "Sa hành đoản ca" lúc là "khách" (khách tử), lúc là "anh" (quân), lúc lại xưng là "ta" (ngã). Đó là sự hoá thân giữa khách thể và chủ thể trữ tình, để vừa tạo nên sự phong phú, uyển chuyển về giọng điệu, vừa để bộc lộ tâm sự, nói lên những suy ngẫm về hạng người danh lợi và con đường danh lợi xưa nay. Giọng thơ trở nên tâm tình, thổ lộ rất thấm thìa. Các câu hỏi tu từ trong bài thơ tạo nên bao ám ảnh và suy ngẫm mang tính triết lí sâu sắc:

Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?

Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?

Bài "Sa hành đoản ca" cho ta thấy một phần nào con người và nhân cách của Cao Bá Quát. Là một bậc tài danh nhưng sinh bất phùng thời, không được trọng dụng, đã nếm trải nhiều cay đắng trên con đường công danh.

Cao Bá Quát muốn nhắn gửi hạng người danh lợi đang tất tả ngược xuôi bài học nhiều nước mắt mà ông đã trải qua và cảm nhận.


Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Mẫu số 4

Cao Bá Quát - một nhà nho chân chính, nhà thơ có tài năng và bản lĩnh, các sáng tác của ông thường bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ, đồng thời chứa đựng tư tưởng khai sáng có t/c tự phát, phản ánh một nhu cầu đổi mới của xã hội lúc bấy giờ. Và Bài ca ngắn đi trên bãi cát chính là một thi phẩm đặc sắc tiêu biểu cho những suy nghĩ ấy. Thông qua tác phẩm này, Cao Bá Quát thực sự đã cho độc giả những nhận định đúng đắn về nhân cách nhà nho chân chính từ chính con người ông.

Thật vậy, cũng như bao sĩ tử khác, ông chọn cho mình con đường hành đạo của của người trí thức xưa, đó là học hành - khoa cử - làm quan để phò vua giúp nước. Thế nhưng trong bối cảnh nhà Nguyễn đang đi vào giai đoạn suy sụp, thối nát, bảo thủ, lạc hậu, ông đã nhận ra cái con đường ấy là con đường gian nan, đường cùng thể hiện chính bằng hình ảnh "bãi cát dài" trong tác phẩm và ông đang rơi vào sự bế tắc của con đường tiến thân như người "lữ khách đi trên bãi cát" trong tác phẩm.

Bãi cát dài, lại bãi cát dài

Đi một bước lùi một bước

Ông bắt đầu có cái nhìn mới về con đường khoa cử. Ông đưa ra hiện thực luôn tồn tại nhan nhản trong xã hội:

Cổ lai danh lợi nhân

Bôn tẩu lộ đồ trung.

Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu,

Tỉnh giả thường thiểu tuý giả đồng

(Xưa nay phường danh lợi

Tất tả trên đường đời

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?

Sắc sảo trong cách nhìn và tỉnh táo trong phán xét, thi sĩ họ Cao đã cho người đọc thấy được bức tranh đời thực. Đó là phần đông con người - tầm thường, hám danh hám lợi, phải khốn khổ, phải vội vã, chạy ngược, chạy xuôi, xô bồ trên con đường danh lợi "Xưa nay phường danh lợi/ Tất tả trên đường đời". Cũng chính vì cái hám danh hám lợi ấy mà họ dễ bị dụ dỗ, mê hoặc bởi bao nhiêu thứ "mĩ tửu" dậy hương đưa, họ như người đời thấy quán rượu ngon thì đổ xô tới "Đầu gió hơi men thơm quán rượu/ Người say vô số, tỉnh bao người?"

Những câu thơ của Cao Bá Quát như chiếu một góc nhìn trong tâm hồn vừa cô đơn, vừa kiêu hãnh. Một con người không muốn và không thể hòa cùng đám người hám danh lợi, luôn muốn bon chen mưu cầu danh lợi. Ta thấy được sự đối lập giữa cái tầm thường với cái thanh cao, giữa cái ồn ã sục sôi từ thiên hạ với cái bình lặng, cao ngạo từ con người. Ông thể hiện thái độ bất hợp tác, nỗi chán trường, thất vọng trước sự xuống cấp của khoa cử nhà Nguyễn. Vậy Cao Bá Quát đã chán ghét cái danh lợi tầm thường ấy, đã nhận ra sự vô nghĩa trong lối khoa học cử, con đường danh lợi đã cũ nát,. Phải chăng đó chính là biểu hiện cho nhân cách của nhà nho chân chính?

Hơn thế, bầu cảm xúc dần được nâng lên:

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Nỗi trăn trở, băn khoăn trước hiện trạng như bế tắc, bần cùng khi con người đi đường mà chưa tìm ra đường. Chỉ thấy trước mắt là đường thật nhiều ám ảnh, ghê sợ mà bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, không biết nên đi đâu, về đâu?


Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát - Mẫu số 5

Nửa đầu thế kỉ XIX, ở Việt Nam, Cao Bá Quát được ca ngợi là con người đa tài: học giỏi, thơ hay, chữ đẹp. Người ta ngợi ca ông: "Văn như Siêu quát vô tiền hán". Quả thực, thơ ca của ông mang đậm một phong cách tư tưởng tự do, phóng khoáng với bản lĩnh kiên cường trước cường quyền. "Sa hành đoản ca" - "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" là một trong số những bài thơ thể hiện rất rõ tư tưởng phong cách của nhà thơ.

"Sa hành đoản ca" được viết trong lúc đi thi Hội - khi ông đang muốn đem tài năng của mình ra để thi thố, thực hiện chí hướng, hoài bão giúp đời cứu nước. Cũng có ý kiến cho rằng bài thơ được làm trong thời gian tập sự ở bộ Lễ.

Bốn câu thơ đầu là hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát:

"Trường sa phục trường sa,

Nhất bộ nhất hồi khước.

Nhật nhập hành vị dĩ,

Khách tử lệ giao lạc."

Bài thơ mở ra với không gian và thời gian đặc biệt. Không gian "Trường sa phục trường sa" - "Bãi cát dài lại bãi cát dài", mênh mông hoang vắng đến rợn ngợp. Thời gian về chiều, nắng tắt. Nắng tắt và gió khiến bãi cát mênh mông không để lại vết đường mòn, khiến người đi đường dễ mất phương hướng. Trên nền không gian thời gian đó có người đi đường "Đi một bước như lùi một bước". Hình ảnh chân thực, giàu sức gợi tả. Cách ngắt nhịp 2-3 liên tiếp như vẽ ra bước đi đầy trầy trật, trúc trắc. Mặt trời sắp lặn mà một ngày vẫn chưa đi hết quãng đường dài. Câu thơ gợi tả hình ảnh bãi cát mênh mông, bất tận, nóng bỏng, trắng xoá đến nhức mắt. Đó là hình ảnh thiên nhiên đẹp dữ dội, khắc nghiệt và cũng thể hiểu, bãi cát dài là con đường phải vượt qua để vào kinh thi Hương hay cũng chính là con đường công danh sự nghiệp mờ mịt phía trước. Người đi trên con đường ấy tuôn rơi những giọt lệ. Đó là nước mắt của đau khổ, một cõi lòng đầy oán hận.

Sáu câu thơ tiếp theo là tâm sự của người đi đường:

"Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông,

Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng.

Cổ lai danh lợi nhân,

Bôn tẩu lộ đồ trung.

Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu,

Tỉnh giả thường thiểu, tuý giả đồng."

Tâm sự u uất của kẻ đi trên bãi cát dài bật ra với lời tự oán trách mình đầy chua chát "Không học được tiên ông phép ngủ". Tác giả thấy giận mình vì không có khả năng như người xưa - không thể thờ ơ trước sự đời mà phải tự mình hành xác theo đuổi đường công danh. Cao Bá Quát bất hoà sâu sắc với thực tại cát bụi mờ mịt nhưng dứt khoát từ chối kiểu tiên ngủ. Đó là cái đáng nể trọng trong nhân cách kẻ sĩ lạc loài cô đơn giữa cuộc đời bế tắc.

"Xưa nay hạng người danh lợi,

Vẫn tất tả ở ngoài đường sá.

(Hễ) quán rượu ở đầu gió có rượu ngon,

(Thì) người tỉnh thường ít mà người say vô số!"

Đối lập hình ảnh người đi đường là hình ảnh đông đảo phường danh lợi. Vì công danh, danh lợi mà con người phải bôn tẩu. Từ chuyện danh lợi, người đọc nhận ra trăn trở của tác giả về chuyện công danh. Công danh tự khi nào bị biến tướng, có sức mê hoặc ghê gớm đến con người. Danh lợi phải chi cũng chỉ là thứ rượu ngon dễ cám dỗ lòng người.Nó khiến con người say sưa tranh giành, hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm với cuộc đời. Hai câu thơ tác giả tạo ra nhiều đối lập giữa số đông kẻ hám lợi tầm thường với một người cô đơn, lạc loài, bơ vơ trên con đường cát bụi. Từ đó ta nhận ra sự đối lập giữa tá giả và phường chạy theo danh lợi khẳng định nhân cách tự trọng của mình.

Trước những khó khăn trăn trở, người đi đường rơi vào bế tắc.

"Trường sa, trường sa nại cự hà"

Tác giả đặt ra câu hỏi nên đi tiếp hay dừng lại. Tâm trạng người đi đường đầy băn khoăn, day dứt và có phần bế tắc. Trong suy nghĩ người đi đường hiện lên những mâu thuẫn giữa khát vọng sống với hiện thực đen tối mờ mịt, khát vọng xông pha trên con đường tìm lý tưởng với cần an, hưởng lạc, mâu thuẫn đó tạo nên những khó khăn trên con đường thực hiện lí tưởng.

Người đi đường nhận ra mình không chỉ cô đọc trên đường đời mà đi trên đường cùng.

"Hãy nghe ta hát khúc "đường cùng",

Phía bắc núi Bắc núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam sóng muôn đợt.

Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?"

Nhìn mọi phía đều thấy mênh mông bát ngát, đường cùng mất rồi. Tiếp tục đi trên con đường danh lợi, chắc chắn không bao giờ, quay trở về ẩn mình giữ trong sạch là điều không thể và không muốn. Người đi đường đành đứng chôn chân trên bãi cát. Câu hỏi chính mình "Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?" diễn tả một khối mâu thuẫn lớn đè nặng tâm trí.

Bài ca thể hiện niềm thất vọng và bi phẫn của nhà thơ trước đường đời trắc trở, bế tắc và vô vọng, phản ánh cảm quan của Cao Bá Quát về thời đại đen tối của những người trí thức tài hoa trên con đường công danh truyền thống.

icon-date
Xuất bản : 17/12/2022 - Cập nhật : 17/12/2022