logo

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực


Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

Là lục địa xa nhất nằm ở phía Nam của trái đất, Nam Cực quanh năm luôn chịu sự thống trị của thời tiết khắc nghiệt. Sự lạnh lẽo buốt giá và điều kiện môi trường không thuận lợi nên gần như nơi đây không hề có dấu vết sinh sống của con người. Thế nhưng, ở Nam Cực vẫn có sự sinh tồn của một số loài động vật. Nhờ vào cấu tạo cơ thể đặc biệt và nguồn thức ăn phong phú tại lục địa này mà một số loài tiêu biểu như chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi,… có thể tồn tại và phát triển. 


Chim cánh cụt hoàng đế

Tuy không phải là loài sinh vật duy nhất sinh sống tại Nam Cực nhưng chim cánh cụt lại là sinh vật đặc trưng của Cực Nam thế giới mà không có ở bất cứ một vùng đất nào khác. Phụ thuộc vào nguồn thức ăn ở đại dương, cách làm tổ và nuôi con, chúng sẽ sống ở những nơi riêng biệt như Nam Cực hay cận Nam Cực,… Trong số các loài chim cánh cụt, Cánh cụt hoàng đế là loại chim lớn nhất và nặng nhất trong số tất cả những loài cánh cụt sinh sống và đặc hữu ở Châu Nam Cực. Con trống và con mái có bộ lông và kích thước tương tự nhau, chiều cao đạt tới 122 cm và cân nặng từ 22 đến 45 kg. Đầu và lưng chúng màu đen, bụng và chân màu trắng, ngực màu vàng nhạt và tai màu vàng tươi. 

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

                           Chim cánh cụt hoàng đế

 Chim cánh cụt hoàng đế có thể lao xuống biển với độ sâu 500 mét mò thức ăn, giữ hơi thở lâu đến 22 phút. Điều này cho phép chúng tận dụng được nguồn tài nguyên mà các loài chim khác không với tới. Những cú lượn dài lên bề mặt có thể giúp cánh cụt hoàng đế bảo tồn được năng lượng trong những lần lặn sâu. Một bí quyết khác là khung xương rắn chắc của chúng. Trong khi chim trời tiến hóa để xương xốp, làm giảm cân nặng, thì ngược lại cánh cụt thường có bộ xương đặc hơn, làm giảm độ nổi và nhờ đó chúng có thể lao xuống sâu hơn. Sau cùng, cánh cụt hoàng đế không bao giờ bị ướt. Lớp lông ngoài cùng của chúng phẳng lỳ, phủ đầy dầu và cách nước. Có một khoảng trống giữa lớp lông này và lớp da mà nước không bao giờ lọt vào được, giữ cho con chim khỏi hóa thành cục băng trong biển Nam cực. 

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

              Chim cánh cụt hoàng đế sống theo quần thể

Chim cánh cụt hoàng đế là loài sống theo quần thể, có tính xã hội cao, luôn tập trung theo bầy đàn. Mỗi quần thể có thể lên tới hàng chục nghìn con và các cá thể trong đàn có thể sưởi ấm cho nhau. Những con chim cánh cụt đực sẽ đảm nhận vai trò ấp trứng trong vòng khoảng hai tháng trong khi những con cái sẽ đi kiếm ăn trên biển. Chế độ ăn uống của chúng bao gồm loài nhuyễn thể, động vật giáp xác, cá nhỏ, mực,…    


Cá voi sát thủ

Cá voi sát thủ có thể coi là một trong số những loài động vật ăn thịt hung dữ nhất đại dương. Không những sở hữu cơ thể to lớn, khổng lồ, cá voi sát thủ còn là loài động vật vô cùng thông minh khi đi săn mồi, đặc biệt là những lúc làm việc theo nhóm. Cá voi sát thủ sống tại tất cả các đại dương trên thế giới, từ Bắc Băng Dương và châu Nam Cực cho đến các vùng biển nhiệt đới ấm áp hơn.

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

                                         Cá voi sát thủ

Cá voi sát thủ được chia thành nhiều loại, tuy nhiên một con cá voi sát thủ điển hình luôn có những khoang màu đen trên lưng, đốm trắng ở ngực và 2 bên sườn, cũng như 1 mảng trắng khác nằm trên và đằng sau đuôi mắt. Chúng có kích thước khá lớn, một con đực trưởng thành thường dài từ 6 - 8m và nặng tới hơn 6 tấn. Con cái nhỏ hơn, dài khoảng 5 – 7m, với cân nặng từ 3 đến 4 tấn. Trong khí đó, con non mới sinh nặng khoảng 180kg, và dài chừng 2,4 m.  

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

Bên cạnh đó, cá voi sát thủ cũng đạt vị trí quán quân trong ngôi vị loài động vật biển có vú di chuyển nhanh nhất, với tốc độ tối đa có thể đạt tới 56 km/h. Tuổi thọ của loài động vật này phân hóa tương đối rõ rệt theo giới tính. Con cái sở hữu tuổi thọ trung bình khoảng 50 tuổi (tối đa có thể lên tới 80 - 90 tuổi), và có thể sinh sản đến khoảng 40 tuổi. Trong khi những con đực thường chỉ sống được trung bình khoảng 29 năm, và tối đa là 50 - 60 năm.

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

Tuy có kích thước lớn nhưng cá voi sát thủ cực kỳ nhanh nhẹn và linh hoạt. Chúng sống theo quần thể và giao tiếp với nhau bằng âm thanh. Một số ăn cá, một số săn các loài thú biển như sư tử biển, hải cẩu, cá voi và cả loài cá mập trắng lớn cũng là nạn nhân của chúng. 


Hải cẩu Weddell

Hải cẩu Weddell là một trong số ít loài có thể thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Nam Cực. Chúng sống phân bố ở nhiều vùng trên lục địa này.  Hải cẩu Weddell có chiều dài khoảng 2,5m. Con đực có trọng lượng nhẹ hơn con cái, thường khoảng 500 kg hoặc ít hơn. Hải cẩu đực có xu hướng cổ dày hơn, đầu và mõm rộng hơn so với con cái. 

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

                                         Hải cẩu Weddel

Hải cẩu Weddel có cấu tạo cơ thể thuôn dài, không có tai ngoài, chân màng sau chĩa về phía sau và không thể xoay về phía trước. Xương sống mềm dẻo giúp hải cẩu dễ uốn lượn, nhào lộn trong nước. Xương chân ngắn, xương ngón chân dài giống như hình mái chèo. Khi bơi, chúng vỗ mạnh 2 chân sau vào nhau và quẫy sang 2 bên. Khi trên cạn, chúng không thể đi bằng chân mà chỉ trườn bằng bụng.

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

                                Hải cẩu Weddel sống theo quần thể

Sống theo quần thể là tập tính của loài hải cẩu này. Hàng năm vào mùa xuân, hải cẩu tập trung thành đàn tìm nơi an toàn trên bờ biển để sinh sản. Chúng còn rất nhanh lớn nhờ sữa giàu chất béo. Chế độ ăn uống của chúng cũng tương tự loài chim cánh cụt bao gồm loài nhuyễn thể, động vật giáp xác, cá nhỏ, mực,… 


Loài giáp xác Euphausia superb

Giáp xác Euphausia superb sinh sống ở các vùng nước Nam Cực. Tuy là một loài động vật giáp xác bơi nhỏ nhưng có dân số đông đảo và là loài chính trong hệ sinh thái ở đây. Vì là loài giáp xác đặc biệt, sinh sống dưới đáy đại dương và ở vùng khí hậu lạnh giá nên Euphausia superb còn được gọi là Giáp xác Nam Cực hay Tôm Nam Cực (Antarctic Krill). 

Top 4 động vật đặc trưng ở Nam Cực

                                   Giáp xác Nam Cực

Giáp xác Nam Cực ăn các loài thực vật phù du, và chúng lại trở thành mồi cho rất nhiều loài động vật khác bao gồm cá, chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi. Thực vật phù du là điểm khởi đầu cho chuỗi thức ăn của sinh vật biển. Nhờ có quá trình quang hợp, chúng có thể lấy cacbon từ khí cacbonic. Giáp xác sống ở những vùng biển thông thoáng, chủ yếu sống theo đàn tập trung, đạt tới con số cá thể trong đàn cực lớn tại Nam Cực. Giáp xác Nam Cực có thể đạt chiều dài 6 cm và có tuổi thọ khoảng 5 đến 6 năm. Chúng là một trong những nguồn cung cấp protein lớn nhất trên thế giới. Chúng cũng có thể bị đánh bắt dễ dàng khi dùng những tấm lưới lớn nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người. Tổng sản lượng giáp xác tại Nam Cực ước tính vào khoảng 50 đến 150 triệu tấn. Bên cạnh các loài động vật đặc trưng kể trên, tại Nam Cực còn nhiều loài động vật khác như cá voi lưng gù, hải báo, cá băng, chim nhạn, mực ống,… Chúng góp phần làm phong phú cho hệ sinh thái ở Châu Nam Cực. Đến Nam Cực, ngoài khám phá những địa điểm tham quan thì tìm hiểu các loài động vật chỉ có ở vùng đất băng giá tậ cùng cực Nam này cũng là một trải nghiệm thú vị.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 25/05/2023