logo

Tóm tắt Bến không chồng

Câu hỏi: Tóm tắt Bến không chồng

Trả lời:

    Bến Không Chồng lấy bối cảnh ở làng Đông – một làng quê điển hình tại đồng bằng Bắc Bộ, nơi có lũy tre xanh và cây đa, bến nước, sân đình. Đó là những ngày miền Bắc hối hả, vừa tập trung xây dựng nông thôn, vừa lo sản xuất để chi viện cho miền Nam yêu dấu.

    Nguyễn Vạn – nhân vật chính trong Bến Không Chồng, là một người lính bị thương nặng sau một cuộc chiến, anh trở về làng với khát vọng xây dựng làng quê thanh bình, thương yêu. Những tưởng có thể hết lòng xông xáo với những công việc làng xã, Vạn bị mắc kẹt giữa những hủ tục của dòng họ và xóm giềng. 

    Những nếp sống hủ lậu và cũ kĩ đã khiến Vạn bị bóp nghẹt, vì giữ gìn hình ảnh, anh không dám vượt qua dư luận để bày tỏ tình cảm cá nhân như anh hằng mong ước. Đó tuy chỉ là những mưu cầu hết sức bình thường về hạnh phúc, nhưng Vạn không dám vượt qua lề thói thông thường mà tiến tới với chị Nhân – một người vợ liệt sĩ có chồng ra đi khi tuổi còn quá trẻ.

    Bên cạnh bất hạnh của hai người Nhân, Vạn, Bến Không Chồng còn kể lại câu chuyện tình yêu đau đớn của Hạnh và Nghĩa. Cuộc chiến phi nghĩa là cướp Nghĩa khỏi tay Hạnh. Đó chỉ là một cuộc chia ly trong hàng ngàn cuộc chia ly. Chiến tranh đã cướp đi những người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng nhất của làng quê và để lại nỗi buồn đằng đẵng cho những người đàn bà mòn mỏi nỗi đợi chờ.

   Cái kết của Bến Không Chồng càng buồn hơn, khi Hạnh (con gái chị Nhân) có thai với Nguyễn Vạn. Sau khi có con, Hạnh trở về làng. Chính cái tin này đã làm Nguyễn Vạn đau đớn, sững sờ rồi tìm đến cái chết để chạy trốn khỏi lề thói làng xã. 

Cùng Toploigiai tìm hiểu thêm về tiểu thuyêt Bến không chồng nhé!

    “Bến không chồng” góp một “cái nhìn mới mẻ về bức tranh đất nước thời chiến và hậu chiến kéo dài những mấy chục năm; với gánh nặng không phải chỉ là chiến tranh – về khách quan; mà còn là những lầm lạc của con người trong thời kỳ lịch sử có quá nhiều biến động và thử thách, mà tất cả những ai “do lịch sử để lại” không đủ tầm và sức để vượt qua nó” – Giáo sư Phong Lê.

    Giới mộ điệu biết đến Dương Hướng bằng một câu nói hiền như đất khi lí giải cho mọi vấn đề liên quan đến văn chương: “Cái tạng tôi nó thế”, chân chất như chính bút danh của ông – bê nguyên tên cha mẹ đặt là Dương Văn Hướng, chỉ xóa tên đệm lại thành ra một bút danh hay.

    Dương Hướng cầm bút muộn và viết cũng không nhiều, trả lời phóng viên Nông Hồng Diệu, ông khiêm tốn nhận định rằng: “Số tôi được hưởng lộc văn chương”. Ông thành danh trong nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tiểu thuyết “Bến không chồng” của Dương Hướng là một trong ba tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 – một giải thưởng sáng giá, ghi nhận thành tựu văn học Việt Nam sau mỗi kế hoạch 5 năm.


Nguyễn Vạn – con người do lịch sử để lại

    Bối cảnh truyện bắt đầu từ lúc chàng lính Nguyễn Vạn về sau chiến thắng Điện Biên, kéo dài qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, đến giai đoạn đất nước mới được giải phóng, tại làng Đông – một làng quê điển hình vùng Bắc Bộ với lũy tre, mái đình, cây đa, giếng nước.

    Nguyễn Vạn về rồi, trở về sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với rung rinh những huân chương trước ngực, huân chương sáng nhất khắc sâu mãi mãi trên da thịt anh – những bước chân tập tễnh. Về với làng Đông. Về với quê hương thân thương, nơi anh cùng đồng đội đã đánh đổi cả thanh xuân và máu để bảo vệ.

    Nguyễn Vạn về trong niềm trọng vọng của mọi người. Anh xông xáo xây dựng hậu phương, bởi thương tật khiến anh không còn đủ khả năng ra tiền tuyến nữa. Ấy vậy mà, những hủ tục, những lề thói cũ mòn của dòng họ, của làng quê đã bóp nát tình yêu của anh, vô tình giết chết những mưu cầu hạnh phúc đơn giản nhất của một con người.

    Người ta thường nói, muốn đội vương miện phải chịu được sức nặng của nó. Mang trên mình chiến công và danh hiệu anh hùng Điện Biên, Vạn phải sống khép mình vào khuôn khổ dưới cái nhìn khắc khe của hàng trăm con mắt. Vạn không thể vượt qua dư luận để… yêu, anh không dám vượt qua rào cản để đến với chị Nhân dù bản năng thôi thúc.

    Chị Nhân cũng không thể đến với Vạn hay với bất kỳ ai – bởi chị là vợ, là mẹ liệt sỹ. Chồng hy sinh khi chị Nhân còn quá trẻ. Chị ở vậy thờ chồng, nuôi con. Chỉ một lần nghĩ về Vạn thôi đã khiến chị day dứt không nguôi, chị sẽ sống ra sao nếu xóm làng biết chuyện?

    Hai con người đáng thương ấy sống trong sự kìm nén bất hạnh. Cả cuộc đời buộc bản thân “giữ gìn hình ảnh”. Một đời cô độc.

    Đã có một thời như thế, những lề thói cổ hủ nghiệt ngã, những suy nghĩ cũ xưa lạc hậu áp đặt lên cuộc sống tinh thần của toàn bộ người dân, khiến họ sống khép kín cùng cam chịu, khiến họ tồn tại như cái xác không hồn để rồi kẹt vào những bi kịch không lối thoát.


“Hòn vọng phu” thời hiện đại

    Song song với cuộc đời của Nguyễn Vạn là  mối tình, mối nhân duyên đầy éo le của Nghĩa và Hạnh. Cả hai là thanh mai trúc mã, nhưng Nghĩa họ Nguyễn còn Hạnh họ Vũ. Mối thù truyền kiếp hai họ Nguyễn – Vũ đã không thể ngăn cản được tình yêu của đôi trái tim trẻ trung hừng hực cháy. Họ đến với nhau mặc những định kiến, dè bỉu, thậm chí là sự lạnh lùng của cha mẹ.

     Tình yêu của Nghĩa và Hạnh có thể đánh bại được những ngoại nhân tác động, nhưng lại không thắng nổi nội nhân ham muốn, tính dục, suy nghĩ và sự thay đổi theo thời gian của con người. Sau khi Nghĩa đi bộ đội, tuổi trẻ của Hạnh trôi qua hơn 10 năm trời ròng rã trong sự làm việc cật lực và chăm lo hết sức cho gia đình hai bên. Cô dần dần trở thành trụ cột của cả nhà mẹ đẻ lẫn nhà chồng, khi những người đàn ông gia đình lần lượt ra đi mãi mãi.

   Vậy mà đến ngày đoàn tụ, đến khi chiến tranh chấm dứt, Hạnh cũng là người dứt áo ra đi, bởi cô nhầm tưởng rằng chính mình không thể có con, không thể làm trọn bổn phận của một người phụ nữ, và nhất là không thể giữ được tình yêu của Nghĩa được nữa.

Người phụ nữ ấy dù không có tội, vẫn luôn nhận hết mọi đớn đau mà ra đi.

    “Bến không chồng” là tác phẩm mà trong đó, bi kịch chồng chất bi kịch. Chiến tranh đã cướp đi khả năng làm cha của Nghĩa, đã cướp Nghĩa khỏi vòng tay Hạnh, đã cướp đi khuôn mặt của Thành, đã cướp đi chồng và hai đứa con trai của chị Nhân (mẹ Hạnh)…

   Chiến tranh trong chuyện của Dương Hướng chỉ thể hiện qua lời kể của người trở về, qua từng tờ giấy báo tử vô hồn, và hiếm hoi với vài lần máy ném bom bay lượn lờ trên không… ở đấy không có súng đạn đì đùng mà là những mảnh đời đong đầy nước mắt.

   Cuộc chiến để lại làng quê quạnh quẽ thiếu vắng bóng dáng đàn ông, chỉ còn lại những cuộc tình dang dở, những thiếu nữ lỡ làng, những người phụ nữ mòn mỏi, cứ chiều chiều lại tưởng chừng như hiện hữu bức tranh tố miêu dưới ngòi bút của Picasso, diễn một vở được phác họa là “vọng phu” bên bến nước đầu làng.


Luân lý nào cho những con người ngày ngày đối mặt thần chết?

   Dưới thời chiến tranh, người ta có một quan niệm khá “khoan dung” với người lính, bởi ra chiến trường rồi thì sống chết nay mai. Vì thế mà những mối tình ngắn ngủi xuất hiện. Những đứa con thụ thai vội vã. Những thiếu phụ ngóng trông một bóng hình mà chính các nàng cũng chẳng hiểu rõ. Một quan niệm không thể phân rõ tốt xấu đúng sai, khi cái chết gần hơn sự sống thì ai lại không muốn buông mình chỉ một giây phút?

    Nhưng nếu đó là đối với những chàng trai còn quá trẻ, còn chưa kịp trải đời, họ đáng được nhận lòng thông cảm. Còn đối với Nghĩa, khi đã cưới Hạnh rồi mới đi chinh chiến, tại cái phút đa tình phóng khoáng với người con gái khác, cậu đã quên đi mối tình nồng thắm với người vợ tần tảo quê nhà, chính bản thân cậu đã đẩy Hạnh vào đường cùng của sự đau đớn. Quan niệm đó cổ xúy tính dục của con người, khiến họ gạt bỏ hai chữ thủy chung và thả rông cho những tham – sân – si chạy loạn ngoài lằn ranh đạo đức.

    Tất cả phần “con” của con người được hiện lên rõ nhất – chính là khi phải bước vào những quyết định khó khăn, những dồn nén đến bước đường cùng, hoặc là cận tử. Ngòi bút Dương Hướng khai thác những góc tối của con người theo cách nhẹ nhàng mà đầy bất ngờ.

    Tác phẩm không có bất kỳ một triết lý giáo điều nào để dạy con người phải học gì, nghĩ gì, làm gì. Qua con chữ mộc mạc pha lẫn chút hài duyên dáng như bản chất người Việt, Dương Hướng không khỏi khiến cho độc giả băn khoăn suy nghĩ về những phẩm chất quý giá của người phụ nữ xưa và nay, về cách sống sao cho vẹn toàn đạo lý dù đứng trước ngã rẽ khó khăn của cuộc đời…

   Bằng một cái kết bất ngờ đến ám ảnh, “Bến không chồng” vẽ nên một bức tranh thê lương thời hậu chiến, nơi có những con người thương nhau đến tận cùng mà vẫn rơi vào kết cục bi đát, nơi không có sự bù đắp nào cho những người lính trở về sau chiến tranh, nơi hạnh phúc đã bỏ quên những người dân chân chất làng Đông.

“Bến không chồng” – kết quả ngang ngạnh của một con người hiền lành

   Nỗi trăn trở của anh bộ đội cụ Hồ mang tên Dương Văn Hướng: “Ngày thống nhất đất nước trở về làng, tôi giật mình nhận ra trong những nụ cười hân hoan chiến thắng của bạn bè, người thân, họ tộc, cùng bà con làng xóm, tất thảy đều ẩn chứa điều gì đó mà chỉ những người đi xa về mới dễ nhận ra. Đó chính là nỗi cô đơn, sự chịu đựng khắc khổ bởi hậu quả của cuộc chiến tranh đã qua. Rồi biết bao nhiêu câu chuyện tôi được chứng kiến, thế là các nhân vật cứ dần hiện lên sống động trong tâm trí mình”.

Và thế là Dương Hướng bắt đầu viết.

    Ông kể rằng mình đã nghỉ nửa năm không lương chỉ để ngồi viết “Bến không chồng” mà cũng không tin chắc nhà xuất bản đặt hàng sẽ in. Khi tác phẩm hoàn thành, họ đòi sửa lên sửa xuống nhiều chi tiết, nhưng Dương Hướng nhất quyết không sửa: “Tôi thấy nhất định nó phải thế!”. Bất đồng quan điểm, ông mang sách tới NXB Hội Nhà văn và may mắn sách được in, không sửa chút nào, ngay cả một dấu câu cũng tôn trọng tác giả, ngay cả cái kết gây nhiều tranh cãi cũng được giữ nguyên.

Khi cần ngang ngạnh, con người hiền lành ấy xem ra cũng chẳng chịu thua ai.

  Có thể Dương Hướng có số hưởng lộc văn như lời ông nói, nhưng nếu không có niềm đam mê sống chết với nghề cầm bút thì lộc cũng không tự đến.

    Đọc “Bến không chồng” để có một góc nhìn mới về lịch sử nước nhà thông qua câu chuyện về người lính, về tình yêu, về những người phụ nữ, về tính dục và bản năng của con người. Giáo sư Phong Lê có lời đánh giá tác phẩm: “Với sức nặng đề tài cùng phương thức thể hiện truyền thống, với cốt truyện mộc mạc và chân phương, một ngôn từ không lấp lánh tài hoa, mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, “Bến không chồng” là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi”.                                 

icon-date
Xuất bản : 02/09/2021 - Cập nhật : 11/09/2021